Bác sĩ Mai Duy Tôn: "Rút ngắn đường đến bệnh viện của bệnh nhân đột quỵ"

LAN ANH THỰC HIỆN 27/02/2023 09:25 GMT+7

TTCT - Bác sĩ Mai Duy Tôn vừa được Hội Đột quỵ thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc được vinh danh năm 2022 vì những đóng góp cho chuyên ngành đột quỵ của Việt Nam và thế giới.

Ở tuổi 47, bác sĩ Mai Duy Tôn - giám đốc Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai - vẫn đang... học tiếng Anh hằng ngày bên cạnh việc trau dồi chuyên môn. Mơ ước của ông là có thêm nhiều trung tâm y tế cấp huyện điều trị được đột quỵ để đường đến bệnh viện của bệnh nhân ngắn nhất.

Bác sĩ Mai Duy Tôn: Rút ngắn đường đến bệnh viện của bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 1.

Bác sĩ Mai Duy Tôn. Ảnh: THẾ ANH

Bác sĩ Mai Duy Tôn chia sẻ với TTCT:

- Thời tôi còn học y khoa, thấy bệnh nhân đột quỵ thì các bác sĩ hiểu là con đường với bệnh nhân gần như dừng lại, không tử vong thì cũng khó hồi phục hoàn toàn. Năm 2007 lần đầu tiên tôi có cơ hội đi học một khóa ngắn ngày ở Mỹ, thấy chuyên ngành điều trị đột quỵ của họ phát triển vượt trội. 

Số bệnh nhân đột quỵ để lại di chứng không cao, tỉ lệ cứu chữa được rất cao. Họ cũng ứng dụng nhiều kỹ thuật nâng chất lượng sống của bệnh nhân để người bệnh sau điều trị hòa nhập được, đi làm lại được, tự lái xe... Điều đó khiến tôi rất quan tâm và rất muốn nhìn, học họ thật kỹ để xem có gì ứng dụng được để thay đổi ở Việt Nam.

Sau chuyến đi đó, tôi đã tâm niệm chuyển sang nghiên cứu chuyên sâu về điều trị đột quỵ. Từ 2009 chúng tôi đã bắt đầu sử dụng thuốc tiêu huyết khối cho bệnh nhân, có bệnh nhân sau khi đến bệnh viện 1 giờ đã hết liệt, 2-3 ngày sau đã ra viện, khác hẳn trước đây.

Từ chuyến đi đó, ông đã làm gì để chất lượng điều trị cho bệnh nhân tốt hơn?

- Chúng tôi đã làm rất nhiều việc để cải thiện chất lượng điều trị bệnh nhân đột quỵ và áp dụng nhiều kỹ thuật can thiệp tiên tiến. Chúng tôi và các bác sĩ đồng nghiệp đã thay đổi được một điều: trước năm 2009 ở nước ta chỉ 25% bệnh nhân đột quỵ hồi phục được, 25% tử vong và 50% còn lại bị để lại di chứng, hiện nay nếu can thiệp sớm trong giờ vàng (trong 6 giờ kể từ khi phát hiện) thì hồi phục tới 50-60%, với bệnh nhân can thiệp muộn thì tỉ lệ biến chứng, tử vong cũng giảm đi rất nhiều.

Thực tế, bệnh nhân đột quỵ vẫn gặp khó khăn bởi thời gian di chuyển tới những trung tâm điều trị đột quỵ quá xa. Các bác sĩ đang làm gì để cải thiện điều này?

- Với dân số gần 100 triệu người, cả nước cần khoảng 400 cơ sở điều trị đột quỵ chuyên sâu như khoa hoặc trung tâm điều trị đột quỵ, nhưng thực tế hiện nay mới có 125 cơ sở. Bên cạnh các cơ sở điều trị đột quỵ, các địa phương còn cần những cơ sở chuyên sâu như cấp cứu, thần kinh, tim mạch để giúp cấp cứu, điều trị tốt hơn.

Đáng mừng nhất là năm 2022, Trường ĐH Y Dược thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đã đưa bộ môn đột quỵ và điều trị bệnh lý mạch máu não vào giảng dạy trong chương trình đào tạo bác sĩ. Đây là bệnh viện đầu tiên cả nước có bộ môn này. Hiện nhà trường và chúng tôi đang xây dựng đề án tuyển sinh khóa thạc sĩ đầu tiên.

Có cơ sở đào tạo các bậc cao hơn cho chuyên ngành đột quỵ, chúng tôi cũng đã hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho các cơ sở tuyến dưới để họ có thể điều trị sớm cho bệnh nhân, hạn chế tối đa trường hợp chuyển biến xấu hoặc tử vong khi phải di chuyển xa. 

Hiện tại Trung tâm Y tế Văn Yên (Yên Bái) đã có thể điều trị được bệnh nhân đột quỵ chất lượng rất tốt. Tôi mơ ước có ngày càng nhiều những trung tâm như thế, đó là cánh tay nối dài của trung tâm điều trị đột quỵ của chúng tôi.

Ở tuổi 47, ông vẫn đều đặn học tiếng Anh mỗi ngày bên cạnh việc trau dồi chuyên môn, điều gì khiến ông kỳ công như vậy?

- Ngành y là ngành học suốt đời, nếu không rành ngoại ngữ thì chẳng bao giờ mình biết được các đồng nghiệp thế giới đang làm gì, đã làm gì và hiệu quả ra sao. Tôi nhận thấy điều đó từ hồi còn học ĐH y và đã học ngoại ngữ song song với học chuyên môn. 

Nhưng kiến thức là vô hạn, tôi vẫn nghĩ cần phải học thêm để mỗi khi có dịp ra nước ngoài có thể nói được là chúng ta đang làm gì, ở đâu về chuyên môn và học họ những điều mình chưa biết.

Bác sĩ Mai Duy Tôn: Rút ngắn đường đến bệnh viện của bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 2.

Bác sĩ Mai Duy Tôn và đồng nghiệp thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: THẾ ANH

Đứng đầu một trung tâm điều trị đột quỵ lớn hàng đầu của Việt Nam, ông trăn trở điều gì?

- Tôi và các bác sĩ đồng nghiệp tâm niệm xây dựng các hướng dẫn điều trị để có thể áp dụng cho toàn quốc, hoàn thiện chương trình đào tạo chuyên ngành đột quỵ ngày càng chuyên sâu và nâng cao cấp học hơn. 

So với nước ngoài, dù việc điều trị đột quỵ ở Việt Nam đã có những bước tiến nhưng chất lượng điều trị cần cải thiện nhiều. Chuyên ngành đột quỵ có đặc thù là nếu quy trình điều trị và chuyên môn càng chuẩn thì bệnh nhân thay đổi tình trạng càng nhanh, vì thế các bác sĩ rất cần chuyên cần trau dồi, nâng cao chuyên môn.

Bệnh nhân đột quỵ, cấp cứu điều trị ngay cho bệnh nhân càng sớm càng tốt, thời gian là vàng, bởi nếu chậm trễ chỉ một vài giờ trôi qua thì cơ hội mất hết. Chính vì thế chúng tôi mong muốn đào tạo được ngày càng nhiều bác sĩ đột quỵ ở các tuyến, các tỉnh thành chứ không chỉ trong các thành phố lớn và các bệnh viện tuyến trung ương.

Hiện nay nhu cầu điều trị bệnh đột quỵ lớn nhưng nhân lực mỏng, trường ĐH mới bắt đầu đào tạo bậc thạc sĩ. Ông có tham vọng đào tạo bác sĩ chuyên ngành đột quỵ cho tất cả các cơ sở tuyến dưới?

- Từ 10 năm nay, mặc dù chưa có bộ môn chính thức trong trường ĐH, chúng tôi đã mở nhiều khóa đào tạo cho bác sĩ các tuyến. Số lượng bác sĩ tham gia học mỗi khóa lớn hơn hiện nay nhiều nhưng kinh phí đào tạo khá lớn. Tôi và các đồng nghiệp đang rất tích cực để đào tạo được càng nhiều càng tốt vì điều này sẽ rút ngắn đường đến bệnh viện của bệnh nhân, giảm nhẹ di chứng và gánh nặng bệnh tật cho người dân.

Hơn 20 năm làm nghề, có bệnh nhân hay câu chuyện nào để lại cho ông ấn tượng đặc biệt?

- Năm 2009, một bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu lấy huyết khối và hồi phục, nhưng hai ngày sau ngay khi chúng tôi chuẩn bị cho bệnh nhân xuất viện thì bệnh nhân tái phát và lại cấp cứu một lần nữa. Trong đợt dịch Covid-19 căng thẳng, có bệnh nhân chuyển từ tỉnh đến trong tình trạng nặng, nhồi máu não, tắc mạch nhưng không có người nhà đi theo. Chúng tôi hội chẩn xác định có thể cứu được bệnh nhân nhưng chi phí rất đắt, lại không có người nhà ký cam kết. Tuy nhiên sau đó chúng tôi vẫn quyết định can thiệp, điều trị tiêu huyết khối và lấy huyết khối cứu được bệnh nhân. Sau khi hết cách ly, người nhà bệnh nhân đến trả viện phí. Thời gian đó, dù dịch dã căng thẳng nhưng trung tâm chúng tôi không từ chối điều trị bệnh nhân nào. Chúng tôi cải tạo, trang bị các container thành phòng điều trị để vừa cách ly vừa điều trị cho các bệnh nhân đột quỵ nhiễm Covid-19. Cách làm này được chia sẻ kinh nghiệm trên Tạp chí Y tế cộng đồng của Tổ chức Y tế thế giới.

Điều làm tôi ấm lòng nhất là bản thân mình có một đóng góp khiêm tốn cho ngành y học nước nhà khi công trình nghiên cứu của tôi đang được nhiều nơi áp dụng. Đó là nghiên cứu về việc sử dụng liều thuốc tiêu huyết khối mức thấp nhưng vẫn đạt hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ cho bệnh nhân và giá thành giảm. Tuy nhiên so với các thế hệ trước, thành tựu này còn nhỏ lắm.■

PGS.TS Mai Duy Tôn được coi là "người đặt nền móng cho bộ môn đột quỵ và bệnh lý mạch máu não" tại Bệnh viện Bạch Mai và ĐH Y dược, ĐH Quốc gia Hà Nội. Hiện mỗi tháng Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân, là một những trung tâm điều trị đột quỵ lớn nhất Việt Nam. Trung bình một năm cả nước ghi nhận tới 200.000 ca đột quỵ mới, chưa kể số bệnh nhân tái phát.

Theo kết quả khảo sát tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc công bố cuối năm 2022 cho thấy độ tuổi trung bình của bệnh nhân đột quỵ khoảng 65 tuổi, người đột quỵ dưới 45 tuổi chiếm 7,2%. Ở Việt Nam, tỉ lệ nam giới bị đột quỵ gấp 1,5 lần so với nữ giới (ở nước ngoài nữ bị đột quỵ nhiều hơn nam). Tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu trong 6 giờ đầu mới có 33% số người được nghiên cứu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận