Bác sĩ Ý Sergio Canavero - người tuyên bố sẽ tiến hành phẫu thuật ghép đầu lần đầu tiên trên thế giới năm 2017 là ai? Một kẻ điên rồ hoang tưởng hay một bác sĩ đang tìm kiếm sự bất tử cho con người? Tờ Komsomolsaya Pravda (Nga) đã phỏng vấn bác sĩ Canavero sau khi tin tức về ứng viên tự nguyện cho ca phẫu thuật này được tiết lộ: bệnh nhân Nga Valery Spiridonov. Bác sĩ Sergio Canavero - Ảnh: kotaku.co.uk Còn tệ hơn chết! Ngay sau khi thông tin về ca ghép đầu đầu tiên của Sergio Canavero được đưa ra, trên Internet đã lan truyền học thuyết âm mưu: đây chẳng qua là một trò tiếp thị. Các cư dân Internet đã chỉ ra sự tương đồng giữa Canavero và một nhân vật trong trò chơi Metal Gear Solid 5, cho rằng toàn bộ câu chuyện có thể do chính nhà sáng tạo trò chơi này, Hideo Kojima, tạo ra. Tuy nhiên cũng có người không cho rằng đây là thông tin giả vì Canavero đã công bố hơn 100 bài báo và thực hiện những thủ tục y khoa ban đầu cho ca phẫu thuật. Trong khi đó, nhiều chuyên gia y khoa uy tín khác kịch liệt phản đối ca phẫu thuật. Tiến sĩ Hunt Batjer, chủ tịch của Hiệp hội Các bác sĩ thần kinh Mỹ, nói ông “không mong phẫu thuật ghép đầu xảy ra với bất cứ ai” bởi “nó còn tệ hơn cái chết”. Hay Arthur Caplan, giám đốc về y đức của Trung tâm y khoa Langone thuộc Đại học NewYork, đã mô tả bác sĩ Canavero là “kẻ dở hơi”, dự đoán các cơ thể của những bệnh nhân cấy ghép đầu sẽ “kết thúc bởi sự quá tải của những chuỗi phản ứng hóa sinh khác nhau mà chúng từng quen và cuối cùng họ sẽ phát điên”. Sergio, tại sao ông lại chọn Valery (cho ca phẫu thuật ghép đầu), bởi có lẽ còn những ứng viên khác? - Valery là một trong số rất nhiều ứng viên. Thư ký của tôi nhận được các đề nghị (tự nguyện cho... đầu) từ khắp thế giới, nhưng tôi xin không nêu tên vì họ không cho phép tiết lộ tên tuổi. Còn tôi chọn Valery vì hai lý do. Thứ nhất, anh ấy rất gan dạ và sẵn sàng đi tới cùng. Thứ hai, sự gan dạ này dựa trên kiến thức - anh ấy nghiên cứu tất cả những gì các nhà khoa học khai phá được trong lĩnh vực này. Vì thế tôi quyết định người đầu tiên đi vào lịch sử sẽ là anh ấy. Bệnh nhân của ông là người Nga, vậy có thể ca phẫu thuật sẽ tiến hành ở Nga? - Đó là phương án lý tưởng. Vì cha đẻ của ngành cấy ghép thế giới Vladimir Demikhov đã làm việc tại đất nước các ông. Tất cả những điều đó (các phẫu thuật cấy ghép) đã diễn ra ở nước này. Không phải tự nhiên mà tôi học tiếng Nga một năm rưỡi. Tôi sẵn sàng mổ ở Nga, nhưng liệu người Nga có sẵn sàng cho điều đó? Sự lạc quan của ông thật đáng nể. Nhưng ở bất cứ đất nước văn minh nào, sau ca phẫu thuật ấy người ta sẽ bỏ tù ông, bởi phương pháp của ông không được phê duyệt ở bất cứ bộ y tế nước nào. - Không thành vấn đề. Nếu Nga và châu Âu nói “không”, phẫu thuật sẽ được tiến hành ở Trung Quốc. Tôi đã chuẩn bị cho điều đó và đã học tiếng Trung vài năm nay. Các ông phải hiểu không đơn thuần là chuyện thủ tục y khoa. Ca phẫu thuật này sẽ có ý nghĩa chính trị. Liên Xô là nước đầu tiên đưa Gagarin vào vũ trụ. Mỹ là quốc gia đầu tiên đặt chân xuống Mặt trăng. Nước nào mà lần đầu tiên đầu người này được ghép vào cơ thể người kia sẽ đứng ngang hàng với Liên Xô và Mỹ. Kết quả phẫu thuật như thế nào là thành công đối với ông? Bởi có những phương án khác nhau, thí dụ Valery sống nhưng bị liệt. Hay anh ấy chỉ đơn giản cảm nhận cơ thể mới của mình bởi bệnh nhân khó có thể trở lại cuộc sống bình thường?... - Tôi không chuẩn bị ghép đầu cho một người và để anh ta bị liệt. Dĩ nhiên mục tiêu của tôi là phục hồi hoàn toàn. Còn với bất kỳ kết quả nào khác thì ý đồ của tôi đã không còn ý nghĩa. Dĩ nhiên, ca phẫu thuật đầu tiên sẽ còn lâu mới hoàn hảo, cũng như chuyến bay đầu tiên trên Boeing 747 của anh em Wright. Ca ghép tim đầu tiên năm 1967 kéo dài nhiều giờ do 30 bác sĩ thực hiện. Và nay ghép tim đã là một phẫu thuật bình thường với chỉ ba bốn bác sĩ trong vài giờ... Theo tính toán của tôi, Valery phải mất nhiều tháng trị liệu vật lý tích cực và chừng một năm sau cấy ghép, các dây thần kinh cảm giác sẽ hồi phục đầy đủ. Ta được biết là não mà thiếu máu chỉ có thể sống được vài phút. Tính tới điều đó, ông sẽ tiến hành phẫu thuật như thế nào? - Đầu của Valery sẽ được giữ lạnh từ 10-150C. Người ta đang làm thế trong các ca phẫu thuật những vùng sâu khác của não. Chúng tôi có khoảng một giờ cho việc “gắn” đầu vào cơ thể khác. Cần khoảng vài phút cho việc nối các mạch máu. Đầu của Valery sẽ bị tách khỏi thân thể và đưa sang một cơ thể khác chỉ trong vài giây, và việc cung cấp máu cho não bộ sẽ được hồi phục sau khoảng 15 phút. Nhưng chi tiết về tất cả yếu tố kỹ thuật này tôi sẽ giải thích vào ngày 12-6 ở Annapolis (Mỹ), tại Hội nghị các chuyên gia thần kinh quốc tế. Ở đó tôi sẽ chứng minh với những kẻ hoài nghi rằng việc ghép đầu hoàn toàn có thể. Cần bao nhiêu tiền cho ca phẫu thuật của ông? - Các bạn có yêu bóng đá? Tôi căm thù nó. Hơn thế nữa ở nước Nga các bạn, người ta trả cho những kẻ vô công rỗi nghề ngớ ngẩn chạy trên sân cỏ từ 20-30 triệu USD/năm. Tôi thì chỉ cần 15 triệu USD. Đó là cái giá cho hạnh phúc và sức khỏe của một số lớn người. Nhưng những nhà tài trợ chỉ thích chi tiền cho những kẻ đần độn khỏe mạnh không đón được bóng đến nơi đến chốn. Một cuộc cấy ghép như thế sẽ là cơ hội cho những tỉ phú đã quá già nhận được một cơ thể mới. Những người giàu có quan tâm tới các nghiên cứu của ông không? - Còn phải nói! Có vài quỹ chuyên nghiên cứu vấn đề kéo dài tuổi thọ được tài trợ khá tốt đã đến gặp tôi: đấy tiền đây, nhưng chúng tôi muốn sự tham gia của mình được giữ kín. Thế nhưng tôi lại muốn mọi việc nhanh, công khai. Làm cấy ghép ở một nơi bí mật trên một hòn đảo bí mật không phải là việc của tôi, xin nói thật. Thậm chí tôi còn nói đùa với họ cái tiêu đề của một bài báo: “Hãy đến thăm bác sĩ Frankenstein”. Tôi sẵn sàng chấp nhận bất cứ biệt danh nào bởi nó nghe rất sốc, giúp bán được nhiều báo. Nhưng liên quan đến việc hiến tiền, tôi rất bảo thủ. Khi Bill Gates hay Dmitry Itskov (một triệu phú Nga, ủng hộ các nghiên cứu trong lĩnh vực trí khôn nhân tạo) cứ cho là thế, bỏ tiền cho ca phẫu thuật của tôi, tôi sẽ bước ra truyền hình với tấm sec của họ và nói: con người này đã ủng hộ sáng kiến của tôi. Các đồng nghiệp của ông ở Bệnh viện Ospedale Molinette tại Turin, Ý nói ông đã bị sa thải, có đúng không? Tại sao? - ... Nói chung ở Ý rất khó khăn tổ chức một việc gì đó. Anh chuẩn bị bay lên Mặt trăng và ngay lập tức tạo ra kẻ thù. Chính những người đi trước tôi cũng gặp phải những chuyện như thế. Anh có biết chuyện gì xảy ra với Demikhov, người tạo ra con chó hai đầu? Người ta chấm dứt thí nghiệm của ông ấy! - Vâng. Và ông ấy đã kết thúc cuộc đời như thế nào? Nước Nga đã quay lưng với ông ấy. Ông chết trong nghèo khó, bị tất cả vứt bỏ, lãng quên. Hay Robert White, người Mỹ từng làm thí nghiệm tương tự với khỉ, thì may mắn hơn một chút. Nhưng người ta cũng cho rằng ông ta “chập mạch”. Tôi biết mình đang đi về đâu và sẵn sàng nhận lãnh cú tấn công. Và kể cả khi dự án này không thể thực hiện, ai đi sau tôi cũng sẽ dễ dàng hơn. Hiện giờ ông đang làm việc ở đâu? - Những năm gần đây, với tư cách một nhà phẫu thuật thần kinh, tôi cố vấn cho các công ty Mỹ và thực hiện một số phẫu thuật thí nghiệm bên ngoài Turin. Ngoài ra, người ta đề nghị tôi học vị giáo sư ở một trong những đại học Mỹ. Nếu những thí nghiệm như thế thành công, con người sẽ sống vĩnh viễn? - Vâng, mục tiêu cuối cùng là sự bất tử. Chính ở đây nhà thờ Chính thống giáo buộc ông tội báng bổ: ông can thiệp vào đặc quyền của đấng toàn năng. - Ông biết đấy, tôi không phải tín đồ Công giáo hay Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên tôi tôn trọng các ý kiến khác và sẽ lắng nghe những gì giáo hội Chính thống nói. Nhưng phía Chính thống giáo nói ý này, còn ở Công giáo nói ý khác. Một trong những vị chức sắc của Vatican, Đức tổng giám mục Salvatore Fisichella, nói không có gì sai trái trong phẫu thuật này. Ở châu Á và Trung Quốc, các tổ chức tôn giáo cũng không bày tỏ sự không hài lòng của họ, vì thế tôi cho rằng khía cạnh tôn giáo không đóng vai trò lớn ở đây. Valery Spiridonov - ứng viên cho ca ghép đầu - Ảnh: KP.ru Valery Spiridonov: “Nếu có chết tôi cũng đâu biết” Ứng viên tự nguyện ghép đầu là chuyên gia tin học Nga 30 tuổi Valery Spiridonov. Khi mới 1 tuổi, Valery được chẩn đoán mắc chứng thoái hóa cơ bẩm sinh Wednig-Hoffman. Lên 7 tuổi, anh bắt đầu học nhờ thầy cô đến tận nhà hướng dẫn. Valery đã hoàn tất xuất sắc chương trình trung học, đại học và hiện là chuyên gia thảo chương máy tính cho hai công ty Matxcơva. Hiện Valery phải gắn đời mình trên xe lăn và chỉ có thể cử động đầu và ngón tay. Do những bệnh nhân mắc bệnh tương tự Valery thường chỉ sống tới 20 tuổi nên anh tin rằng mình không có gì để mất với ca phẫu thuật này, chưa kể có thể đóng góp gì đó cho tiến bộ của khoa học. Valery nói: “Nếu có chết tôi cũng đâu biết!”. (http://www.belfasttelegraph.co.uk/) Tags: Mục tiêu cuối cùng là sự bất tử
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Người dân vỡ òa, vẫy cờ chào mừng các đoàn diễu binh NHÓM PV BÁO TUỔI TRẺ 30/04/2025 Sáng 30-4, không khí tại khu trung tâm TP.HCM nóng hừng hực, rực màu cờ đỏ với hàng vạn người dân đón chào các đoàn diễu binh, diễu hành.
Huỳnh Mạnh Phương nói về bài phát biểu của mình tại đại lễ 30-4 BÌNH MINH 30/04/2025 Huỳnh Mạnh Phương, nữ thủ lĩnh thanh niên 9X tại TP.HCM, thay mặt tuổi trẻ cả nước phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Cô chia sẻ cảm xúc với Tuổi Trẻ Online trong sự kiện đặc biệt này.
Xem clip và hình ảnh camera hành trình tiêm kích Su-30MK2 thả bẫy nhiệt DUYÊN PHAN 30/04/2025 Gopro Tuổi Trẻ Online gắn trên khoang lái của tiêm kích Su-30MK2 do phi công Đặng Đình Kiên lái sáng 30-4 ghi lại những hình ảnh ấn tượng, ngoạn mục.
Chi 30 triệu đồng đặt phòng tổng thống để... xem diễu binh ở TP.HCM NG. THANH THÚY 30/04/2025 Mong muốn có không gian riêng tư để xem diễu binh, gia đình Trà My đã 'bao trọn' căn phòng tổng thống, giá 30 triệu đồng/đêm tại một khách sạn 5 sao (quận 1, TP.HCM). Theo My, đây là trải nghiệm hoàn toàn xứng đáng.