Bạn cũ

TTCT - Đã lâu lắm rồi tôi mới gặp lại Hải. Lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau là vào dịp mấy đứa bạn thân trong lớp đến thăm Hải lúc đó đang tập trung huấn luyện để chuẩn bị vào chiến trường.

Dạo ấy khuôn mặt Hải trông đầy đặn, bầu bĩnh, cặp mắt long lanh tràn đầy nhựa sống, môi lúc nào cũng đỏ mọng như con gái, nhất là vào những hôm nắng hanh giữa mùa đông giá lạnh. Thế mà bây giờ...

Phóng to
Tranh: Hoàng Tường

Mấy bữa nay thành phố đã bắt đầu náo nhiệt, một phần bởi dòng người đi sắm tết, một phần bởi cái không khí hồ hởi phấn khởi của cái tết đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh. Chúng tôi tình cờ gặp nhau bên tiệm sửa xe đạp, trong cái thành phố biển miền Trung cách xa vùng trung du quan họ, nơi chúng tôi đi sơ tán hồi chiến tranh phá hoại của Mỹ đến hàng ngàn cây số. Tôi nhìn người đàn ông với khuôn mặt khắc khổ, nước da tai tái, cặp môi thâm của những người sốt rét, đôi mắt sắc sảo, đăm chiêu, pha chút mệt mỏi, trong bộ quân phục bạc màu, đi dép cao su, ngồi hút thuốc trên chiếc ghế dài cạnh gốc phượng vĩ. Một nét quen quen thoáng qua, nhưng tôi không thể nào nhớ nổi người đó là ai.

Cả hai ngồi im lặng trên ghế hút thuốc, người đàn ông thỉnh thoảng lại liếc sang phía tôi và điều đó lại càng làm tôi bứt rứt. Khi điếu thuốc chỉ còn lại một mẩu nhỏ, người đó vung tay búng mẩu thuốc xuống đường rồi quay hẳn sang phía tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi bằng một giọng như khẳng định:

- Xin lỗi, anh có phải là Định? Định cận?

Thế là rõ! Chỉ cần nghe cái âm điệu của vùng trung du quan họ và cái biệt danh “Định cận” là tôi liền nhớ ngay ra người trước mặt mình là ai. Đã có thời chúng tôi là bạn thân của nhau, cùng đi nhổ trộm khoai của hợp tác xã về luộc trong những buổi tối ôn thi, chụm đầu bên nhau cùng giải một bài toán khó, cùng đắp chung một chiếc mền bên ngoài còn tủ thêm chiếc chiếu cho đỡ lạnh. Có thể mọi người cho tôi là một kẻ bạc bẽo bởi một người bạn thân như vậy mà không nhận ra, nhưng công bằng mà nói tôi không nhận ra Hải vì cậu ta đã thay đổi quá nhiều.

Thấy dáng vẻ sửng sốt của tôi, người đàn ông bật cười vui vẻ, tiếp:

- Hà, hà... thế là tôi đã nhận ra ông trước, chẳng qua vì ông không thay đổi mấy, chỉ trắng và béo ra - ngừng một lát, anh tiếp - Và không đeo kính nữa.

Trí nhớ của tôi như tờ giấy ảnh ngâm trong thuốc hiện hình, dần dần hiện lên những khuôn mặt bạn bè thân quen của chính cái thời mà tôi đã từng đeo kính. Dạo ấy, lúc tiễn chúng tôi ra khỏi khu vực huấn luyện, Hải đặt tay lên vai tôi bảo: “Cậu nên cất đôi kính đi thì hơn, thời buổi bom đạn thế này trông nó lạc lõng lắm, không phẩy hai lăm điốp có là gì”...

Mãi một lúc lâu chúng tôi không nói được một lời nào, cả hai cứ nhìn chằm chằm vào mặt nhau như để khẳng định chắc chắn người ngồi trước mặt có đúng là bạn mình hay không. Cuối cùng tôi cũng thốt ra được một câu:

- Làm sao mà ông lại có mặt ở đây?

Hải phẩy tay một cái, nhếch mép cười, vẫn là cái nụ cười thoáng chút khinh mạn thuở nào:

- Ồi, chuyện dài lắm, để sau. Trước hết, ông hãy kể về mình đi - thấy tôi chưa trả lời ngay, Hải tiếp - Tôi không hỏi sức khỏe đâu vì trông ông còn khỏe lắm.

Bao giờ cũng vậy, mỗi khi gặp lại bạn cũ, ai cũng muốn khoe khoang tí chút. Có lẽ đó là một trong những tật xấu của người đời, nhất là lại khoe với những người mà mình biết chắc là không gặp may như mình. Hình dạng của Hải đã nói lên điều đó.

- Mình chuyển vào sau giải phóng. Nhờ có cái bằng cao học, lại vừa tách tỉnh, thiếu người nên mới được bổ nhiệm làm phó của một trường trung học chuyên nghiệp. Thế còn ông?

Hải không đáp ngay mà hỏi tiếp:

- Còn vợ con?

- Rồi, một nhóc. Coi như đã có thằng chống gậy lúc đưa ma.

- Nghĩ về chuyện ấy thì quá sớm đấy. Phu nhân là Vân chứ?

- Vân nào nhỉ? - tôi ngạc nhiên hỏi lại và ngay lập tức cảm thấy hối hận vì trên vỏ não đã hiện ra khuôn mặt của cô bé cùng lớp. Tôi chỉ còn biết nở một nụ cười gượng gạo: ”Ồ không, không phải”.

Người đàn ông bỗng trở nên trầm ngâm, mắt lơ đãng nhìn dòng xe cộ đang trôi nườm nượp trên đường với vô số hàng hóa, hoa trái chất đầy trên xe. Mãi lát sau, anh mới quay lại nhìn tôi, hỏi tiếp, giọng run run:

- Thế dạo này ông có tin tức gì về cô ấy không?

Tôi biết trả lời với Hải thế nào đây. Đôi lần ra Hà Nội công tác, tình cờ gặp những người quê quan họ, tôi lại chạnh nhớ đến Vân và đám bạn cùng lớp, nhưng tất cả chỉ là những hồi ức nhạt nhòa, bị chìm lấp giữa những lo toan bộn bề của cuộc sống thường nhật. Giờ đây, nghe Hải nhắc đến Vân, tôi có cảm giác như mình là một kẻ phản bội.

Dạo ấy, giữa đám con gái yểu điệu từ thị xã sơ tán đến và các cô gái nông thôn chắc lẳn trong bộ cánh nâu sồng, thì Vân nổi lên nhờ hàng mi dày, cặp mắt màu cánh gián long lanh, làn da trắng ngần không chịu bắt nắng, và điều quan trọng nữa là Vân hát rất hay. Trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nhất là buổi tối, mỗi khi nghe Vân cất lên cái giai điệu mượt mà, tha thiết của vùng quê Kinh Bắc là con tim tôi như chết lịm đi, giá lúc ấy Vân có bảo tôi nhảy vào nước sôi lửa bỏng tôi cũng chẳng từ.

Hai đứa tôi đều si mê Vân nhưng chẳng đứa nào dám bày ra một trò gì để chinh phục cô bé. Không biết có phải vì dạo ấy chúng tôi còn thơ ngây và lãng mạn hay bởi trước một cô gái xinh đẹp và đáng yêu như thế thì bất cứ một hành động thấp kém nào cũng chỉ là một sự sỉ nhục đối với người đẹp và bản thân. Nhưng trước ngày Hải đi bộ đội, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện tay đôi về đề tài này. Hai đứa đắp chung một cái chăn, nằm trên tấm ván gỗ lạnh ngắt, trong căn nhà trọ cửa rả đóng kín, nhưng mỗi lời nói phát ra đều kéo theo một làn hơi nước mờ đục. Chính Hải đã vào đề trước:

“Mình sắp đi rồi, mà cậu biết đấy, chỉ có “xanh cỏ hoặc đỏ ngực” (không hiểu sao thời đó chúng tôi rất thích câu này, chắc là nghe có vẻ bi hùng), nhưng cái chính là chẳng biết khi nào về. Cho nên về chuyện Vân... - nói đến đây Hải có vẻ ngập ngừng như để chọn từ cho thích hợp, nhưng nghĩ mãi chẳng ra, cuối cùng đành nói - Mình chúc cậu và Vân hạnh phúc - rồi Hải bật cười - Thích nhé, chẳng còn ai cạnh tranh...”.

Nhưng rồi sự việc tiếp theo lại không như lời chúc của Hải. Năm ấy tôi và Vân đều tốt nghiệp, song do hoàn cảnh gia đình Vân ở lại làm kế toán cho hợp tác xã, còn tôi thi đỗ đại học. Mấy năm đầu chúng tôi còn trao đổi thư từ, và tôi còn yêu Vân một thời gian nữa. Nhưng không gian vời vợi, trường lớp sơ tán thiếu thốn đủ điều, mọi mối dây tình cảm chỉ trông chờ vào những bức thư muộn mằn đã làm cho cái mối tình thuở học trò ấy cũng dần dần phai lạt.

Giờ đây, nhìn khuôn mặt khắc khổ và đăm chiêu của người đàn ông kia, tôi không thể ngờ cái mối tình thoáng qua của tuổi học trò vẫn còn làm cho người ấy xúc động đến thế. Tôi không biết trả lời Hải thế nào nhưng chẳng lẽ cứ im lặng mãi, cuối cùng tôi đành phải thốt lên:

- Đã lâu rồi mình không trở lại nơi ấy. Nhưng trước khi chuyển vào trong này mình biết Vân vẫn còn ở đó - ngừng một lát, tôi ấp úng như người có lỗi - Chả lẽ ông vẫn còn... yêu Vân?

Hải không trả lời câu hỏi của tôi. Anh dựa lưng vào gốc phượng, mắt nhìn vào một điểm nào đó trong không gian. Những cánh lá phượng bé xíu màu vàng nhạt, mỗi khi có cơn gió nổi lên lại chao lượn từng đàn trong không khí rồi nhẹ nhàng đáp xuống mặt đường. Một chiếc rơi xuống đầu gối Hải, anh lơ đãng nhón nó lên bằng hai ngón tay gân guốc rồi búng nó ra với các bạn. Một sự im lặng nặng nề kéo dài, tôi lại phải lên tiếng:

- Thế còn ông, từ dạo ấy đến nay cuộc sống thế nào?

Người đàn ông như bừng tỉnh, ngồi thẳng dậy, nhếch một bên mép rồi nói:

- Đời mình chả có gì đáng nói. Đi từ dạo ấy và cứ ở mãi trong quân đội cho đến giờ. Giải phóng miền Nam, cứ tưởng sẽ được xuất ngũ, nhưng té ra là các thủ trưởng lại đánh giá mình đánh đấm cũng khá nên giữ lại, điều tiếp ra biên giới Tây Nam. Đánh mãi thành thương tật, sốt rét đủ cả, còn một mảnh đạn trong đầu bây giờ mới trở chứng. Đơn vị cho đi kiểm tra, xét nghiệm, kết luận không đảm bảo sức khỏe nữa, cho chuyển ngành.

Nói đến đây Hải rút một điếu thuốc ra châm hút. Một người đàn bà mặc bộ áo dài nâu của nhà chùa, ôm một bó nhang lớn đi ngang qua, dừng lại, cặp mắt u hoài nhìn chúng tôi như chào mời. Cả hai đều lặng lẽ lắc đầu, người đàn bà lặng lẽ bước tiếp.

Trong cái năm lớp mười đầy biến động ấy, ngay từ sáng sớm thấy máy bay Mỹ ném bom dữ dội xuống khu vực gia đình mình sơ tán, khói đen bùng lên che kín cả một khoảng trời, Hải vội bỏ học chạy bộ gần ba mươi cây số về nhà. Hai ngày sau không thấy Hải quay về trường, tôi xin phép thầy chủ nhiệm, mượn chiếc xe đạp của ông chủ nhà trọ phóng như điên đến cái nơi trước kia là khu tập thể cơ quan bố mẹ Hải. Một cảnh tượng kinh hoàng đập ngay vào mắt: những hố bom rộng toang hoác, tre nứa đất đá nháo nhào. Đi loanh quanh một hồi tôi gặp một người đàn bà, hỏi thăm, bà dẫn tôi ra rìa làng chỉ về phía một bóng người đang ngồi bên những khu mộ mới đắp, nước mắt rân rấn, nghẹn ngào:

“Hai hôm nay thằng bé cứ lang thang mãi như thế, lúc thì đến chỗ hố bom, lúc lại ra đây. Cả gia đình chẳng còn ai”.

Hơn tháng sau có đợt tuyển quân, cả lớp đều viết đơn và đi khám sức khỏe. Hải không nằm trong số những thanh niên được gọi đi đợt ấy nhưng cậu cứ ngồi lỳ ở ban tuyển quân, cuối cùng họ đành phải nhận.

Nhớ lại những ngày tháng học trò vô tư lự, rồi nhìn lên những nếp nhăn số phận đã sớm in hằn lên khuôn mặt bạn, một cảm giác chua xót, thương cảm bỗng trào lên trong lòng tôi:

- Thế bây giờ ông định làm gì?

- Mình cũng chưa biết. Có một thằng lính nhà ở đây, hết hạn nghĩa vụ, cũng xuất ngũ đợt này cùng với mình, bảo anh về quê làm gì, ở đó còn ai đâu, về chỉ thêm buồn. Về nhà em chơi rồi hai anh em đi tìm việc, hòa bình rồi, đâu cũng là quê hương. Mình nghe cũng bùi tai. Hai anh em chạy mấy ngày nhưng chưa có kết quả, toàn hứa hẹn chung chung. Khổ nỗi bọn mình chẳng có chuyên môn bằng cấp gì, cũng không trách người ta được.

Vừa nghe Hải nói vậy, tôi bất giác bật ra, chẳng kịp suy nghĩ:

- Này, cơ quan mình đang thiếu một nhân viên bảo vệ. Nếu ông không phản đối, sau tết mang giấy tờ đến. Thế nào?

Hải không trả lời ngay, nhưng trong khóe mắt thoáng một nét gì đó. Tôi có cảm giác như mình đã bù đắp được một phần rất nhỏ những thiệt thòi mà bạn mình đã gánh chịu suốt bao nhiêu năm. Lát sau Hải mới nói, mắt không nhìn tôi, giọng run run:

- Liệu có phiền hà gì cho ông không?

- Ồ, chuyện vặt - tôi mau mắn đáp, cố tỏ ra cho Hải thấy mình cũng đầy quyền lực, rồi đứng lên vỗ vào vai Hải - Vậy là xong! Bây giờ chúng ta kiếm chỗ nào uống một xị để kỷ niệm cái sự kiện trọng đại này.

Sau tết, công việc bù đầu, tôi chúi mũi vào đống công văn giấy tờ tồn đọng suốt mấy tuần qua, chủ yếu là báo cáo các loại, dày cộp. Tôi chỉ lướt qua tiêu đề rồi đặt sang một bên. Đột nhiên có một tờ giấy đập ngay vào mắt, tôi nhìn kỹ: Quyết định tuyển dụng bảo vệ cơ quan, hiệu trưởng ký, người được tuyển dụng, một cái tên lạ hoắc. Tôi sững sờ đến mấy phút, đầu óc ong ong không nghĩ được điều gì. Cuối cùng, sau khi đã định thần lại, tôi cho gọi trưởng phòng tổ chức cán bộ. Vừa bước vào, nhìn thấy tờ quyết định nằm ngay mép bàn, chẳng cần chờ tôi hỏi, ông trưởng phòng cầm lên, vui vẻ nói ngay:

- À, cái này, báo cáo anh, đã có kế hoạch từ lâu, anh cũng biết rồi. Sau tết tìm được người, lãnh đạo đồng ý, chúng tôi bổ sung ngay. Do mấy hôm rồi anh về quê nghỉ phép nên không biết.

Tôi ớ ra, không biết nói sao, đành phải vớt vát:

- Nhưng các anh đã tìm hiểu kỹ nhân thân người đó chưa, có đảm bảo không?

- Dạ kỹ lắm ạ. Một thanh niên khỏe mạnh, lý lịch tốt ạ - ngừng một lát, ông trưởng phòng hạ giọng - Dạ, báo cáo anh, là cháu của đồng chí hiệu trưởng đấy ạ. Vừa thi rớt đại học, xin vào làm, năm sau thi tiếp, nếu không đỗ thì vừa làm vừa học tại chức, một công đôi việc ạ...

- Sao không ưu tiên cho con em thương binh, liệt sĩ... bộ đội phục viên? - tôi lắp bắp như cái băng cassette bị dập.

- Dạ, không thấy họ nộp đơn ạ... - ngừng một lát, ông cán bộ tổ chức như sực nhớ ra điều gì, hăng hái tiếp - À, đúng ra thì hôm kia có một anh bộ đội phục viên mang đơn đến, nhưng đồng chí hiệu trưởng đã ký quyết định rồi.

Tôi như bị một dòng điện cao áp chạy ngang qua người, phải cố gắng lắm mới không nhảy dựng lên:

- Thế anh ấy có nói gì không, có ai giới thiệu không?

- Dạ, không ạ. Sau khi nghe nói đã tuyển rồi, anh ấy chỉ cảm ơn rồi đi ngay.

***

Hơn hai mươi năm trôi qua kể từ lần gặp nhau bên tiệm sửa xe đạp, tôi chẳng có dịp nào gặp lại Hải. Hôm đó, vì quá tin vào bản thân mình nên tôi không hỏi địa chỉ liên lạc với Hải mà chỉ cho Hải địa chỉ và số điện thoại cơ quan như một kẻ bề trên ra tay ban phát của bố thí. Nhưng Hải chưa một lần liên lạc lại, và điều đó lại càng làm tôi đau khổ. Tôi không biết Hải vẫn ở lại cái thành phố biển miền Trung xa lạ này hay đã trở về với những làn điệu dân ca vùng Kinh Bắc ấy, nơi một đoạn đời đẹp nhất và đáng quý nhất của tôi đã trôi qua.

Thật ra, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình lại viết câu chuyện này. Tại sao ư? Trong cái hình tượng nhân vật xưng “tôi” ấy, tôi hiện lên trước mắt người đọc như một tên đê tiện, một kẻ phản bội bạn bè và tình yêu. Nhưng tôi vẫn phải dằn lòng lại mà viết, chỉ đơn giản là vì tôi muốn kể về bạn mình, một trong số những người tốt trên đời này. Còn về cái nhân vật xưng “tôi” ấy, xin cứ để người đời phán xét.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận