Bán đảo Triều Tiên: Hi vọng mong manh giữa những tiếng súng và tin đồn

HỮU NGHỊ 09/05/2020 23:05 GMT+7

Những tin đồn thổi về nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã được xác nhận chính thức là sai lạc. Vụ nổ súng qua lại biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 3-5 cũng đã được xác định là do “cướp cò”. Nhưng những diễn biến đó cho thấy tình hình bán đảo vẫn căng thẳng ra sao, vào dịp đúng hai năm sau thượng đỉnh liên Triều đầu tiên dưới thời ông Kim Jong Un.

Tuyên ngôn Bàn Môn Điếm không thể đi vào thực tế không phải do thiếu ý chí của hai miền Triều Tiên, mà do những ràng buộc quốc tế. Ảnh: thedailybeast.com
Tuyên ngôn Bàn Môn Điếm không thể đi vào thực tế không phải do thiếu ý chí của hai miền Triều Tiên, mà do những ràng buộc quốc tế. Ảnh: thedailybeast.com

Trong một cuộc họp hôm thứ hai 27-4 với một số cố vấn cao cấp, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã bày tỏ sự tiếc nuối của mình: “Tuyên bố Bàn Môn Điếm đã mở ra cánh cửa hòa bình, song hai năm qua cho thấy rằng hòa bình không thể được lập chỉ trong đêm”. 

Đúng hai năm trước, thứ sáu 27-4-2018, ông Moon và ông Kim đã lần đầu gặp nhau ở Bàn Môn Điếm. Một tháng sau, hai ông lại gặp nhau ở một ngôi làng biên giới, và gặp lần thứ ba vào tháng 9-2018.

Seoul kỷ niệm gì?

Ông Moon nhấn mạnh rằng Seoul cần phải tiếp tục, dù là “từng bước nhỏ”, để thúc đẩy tiến trình hòa bình. Khi nói đến “từng bước nhỏ”, ông Moon ngụ ý rằng không thể cứ “ào ào” như trước, điều có thể gây tác động ngược, làm gia tăng căng thẳng và giảm hợp tác.

Về phần mình, ông nói ông sẽ tìm kiếm con đường “thực tế và khả thi nhất” cho quan hệ hai miền, và rằng “cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể là một cơ hội mới cho hợp tác liên Triều”, và “trong hiện tại, đây chính là công việc cấp bách và cần thiết nhất”.

Theo ông, hợp tác bắt đầu từ việc đối phó COVID-19, sau đó hi vọng sẽ mở rộng ra ứng phó với dịch bệnh chăn nuôi, thảm họa thiên tai ở khu vực biên giới và biến đổi khí hậu. Ông Moon nói thêm rằng chính quyền của ông sẽ làm những gì có thể để tạo điều kiện kết nối lại đường sắt hai miền Triều Tiên.

Thật ra, kỷ niệm hai năm hội ngộ liên Triều không hẳn là “vắng vẻ”. Trong một diễn biến khác, Bộ Thống nhất và Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải Hàn Quốc đã tổ chức một buổi lễ để nhắc lại cam kết của Seoul về kết nối mạng lưới đường sắt hai miền.

Bộ trưởng Thống nhất Kim Yeon Chul giải thích sự đình trệ hợp tác hiện nay: “Tình hình khó khăn do quan hệ liên Triều chậm chạp trở nên kéo dài, và do cuộc khủng hoảng COVID-19 chưa từng có, nhưng chính phủ hi vọng sẽ làm cho nở hoa nền kinh tế hòa bình bắt đầu từ khu vực biên giới”.

Có thể thấy qua buổi lễ trên hai điều: (1) Seoul vẫn muốn tiếp tục hợp tác hai miền, tiến tới thống nhất; (2) Song, chọn lựa của Seoul trong lúc này, một khi thúc đẩy quan hệ hợp tác, chỉ có thể là mở lại tuyến đường sắt Đông Bắc bên phía Hàn Quốc trước, thay vì những dự án bên kia vĩ tuyến 38.

Được biết, tuyến đường sắt này, dài 110,9km, kết nối ga Gangneung đến ga cực bắc ở Jejin, được mở vào năm 1932 và ngừng hoạt động vào năm 1967. Hiện chưa tới giai đoạn thiết lập hồ sơ tính toán tiền khả thi, song đã được biết rằng “hóa đơn” dự trù cho đoạn đường sắt ước tính là 2,85 ngàn tỉ won (2,3 tỉ đôla).

Tất nhiên, nếu không tiếp tục khai thông được quan hệ hợp tác thì tuyến đường sắt mở lại này sẽ... vô dụng. Những tin bài về việc Chính phủ Hàn Quốc kỷ niệm hai năm thượng đỉnh còn có một ý nghĩa tăng cường cho những phát biểu của các quan chức Seoul đoan chắc rằng ông Kim vẫn mạnh khỏe, bất chấp những tin đồn thổi, điều đã được xác thực sau đó.

Bình Nhưỡng kỷ niệm gì?

Trong khi đó, phía Triều Tiên không cho thấy có chút gì kỷ niệm sự kiện mà trước đó hai năm được gọi là “thượng đỉnh lịch sử liên Triều”. Tờ Pyongyang Times (Bình Nhưỡng Thời Báo), đọc được từ Việt Nam, sáng 28-4 cho thấy Bình Nhưỡng quan tâm kỷ niệm một sự kiện khác, qua ba tin trên trang chủ của báo này.

Tin thứ nhất, “Lãnh đạo đảng của Nga gửi lời chúc mừng đến Lãnh tụ tối cao Kim Jong Un”, có chi tiết danh tính là “ông G.A. Zhuganov, chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga, đã gửi điện mừng đến ông Kim Jong Un, chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, nhân kỷ niệm một năm thượng đỉnh Nga - Triều tại Vladivostok ngày 25-4-2019”.

Bức điện nói “thượng đỉnh này đã trở thành biểu tượng của sự tin tưởng lẫn nhau và sự hiểu biết giữa các dân tộc”. Bức điện cũng chỉ ra rằng sau thượng đỉnh, “quan hệ Nga - Triều đã bước sang giai đoạn hợp tác đa dạng”.

Tin thứ nhì, “Các nhân vật Nga đề cập tới ý nghĩa chuyến thăm Nga của lãnh đạo CHDCND Triều Tiên” diễn ra vào năm ngoái từ ngày 20 đến 22-4. Theo đó, các nhân vật Nga bao gồm nữ chủ tịch Đảng Hòa bình và đoàn kết Nga, bí thư thứ nhất Ủy ban Lãnh thổ trên biển Đảng Cộng sản Liên bang Nga, chủ tịch Hội Hữu nghị với nước ngoài thuộc vùng lãnh thổ Khabarovsk của Nga, chủ tịch Hội Nghiên cứu tư tưởng “Chủ thể” tại Nga. Không thấy báo nhắc gì tới viện dẫn của các nhân vật vào hàng lãnh đạo nhà nước của Nga, có lẽ họ đang mải lo dịch COVID-19.

Tin thứ ba cũng từ Nga, “Tổ chức Nga cam kết thúc đẩy quan hệ gắn bó với CHDCND Triều Tiên”. Tổ chức này là Hội Hữu nghị và hợp tác văn hóa với CHDCND Triều Tiên.

Để rồi đến ngày 6-5, lại có tin Tổng thống Nga Vladimir Putin tặng kỷ niệm chương Thế chiến II cho ông Kim Jong Un vì "đã gìn giữ ký ức về những người lính Liên Xô hy sinh ở Triều Tiên", theo đại sứ quán Nga ở Bình Nhưỡng. Buổi lễ được loan báo diễn ra ở Đại lễ đường Mansudae.

Còn hôm 27-4, tờ Korea Herald trích lại một bản tin trên tờ Rodong Sinmun của Bình Nhưỡng nói ông Kim đã gửi thông điệp cảm ơn các công nhân xây dựng khu du lịch Wonsan-Kalma trên bờ đông nước này, không kèm theo chi tiết nào. Coi như miền bắc chẳng kỷ niệm gì cuộc gặp Kim - Moon hai năm trước.

Ngã rẽ một năm qua

Thế nhưng, chuỗi tin tức “chúc mừng một năm thượng đỉnh Nga - Triều” không chỉ mang ý nghĩa minh họa, mà là để tôn vinh một chọn lựa đã diễn ra ở thời điểm này tháng 4 năm ngoái. Cuộc gặp bất ngờ Vladimir Putin - Kim Jong Un không chỉ tiếp nối thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong Un ở Singapore, mà còn là lời nhắc nhở miền bắc bán đảo Triều Tiên về một mối quan hệ đã 70 năm gắn bó, từ Liên Xô nay tới Nga, thay vì bị “rù quến” bởi bức tranh “định mệnh sung túc” kiểu Hollywood mà ông Trump đã hào hứng quảng cáo cho ông Kim ở Singapore.

Ông Putin đã chẳng sát cánh với những nhà lãnh đạo tiền nhiệm của ông Kim Jong Un là Kim Il Sung (Kim Nhật Thành, ông nội) và Kim Jong Il (cha) từ năm 1999 tới nay đó sao? So với quan hệ mới nảy sinh với ông Trump cùng kẻ thù “bất cộng đái thiên” đế quốc Mỹ, ông Putin và quan hệ với nước Nga - Liên Xô hơn 70 năm qua chẳng phải là quý báu hơn sao?

Ngày này năm ngoái tại Vladivostok, bên cạnh ông Putin trong cuộc họp báo, nghe ông này tuyên bố: “CHDCND Triều Tiên cần được bảo đảm về an ninh và chủ quyền của mình. Nhưng những đảm bảo nào là khả dĩ đây? Những đảm bảo này sẽ đáng kể đến mức nào, và sẽ đáp ứng lợi ích của Triều Tiên đến đâu?”, ông Kim Jong Un nhất định vững tâm hơn bên cạnh ông Trump, cho dù ở Singapore hay Hà Nội.

Chẳng phải 70 năm trước, ông nội ông hôm 30-1-1950 đã nhận bức điện của Joseph Stalin thông báo Liên Xô sẵn lòng hỗ trợ kế hoạch thống nhất Triều Tiên đó sao? Chẳng phải trong suốt quá trình hạt nhân hóa Triều Tiên từ năm 1994 dưới thời ông Kim Il Sung đến thời ông Kim Jong Il và cả thời ông nữa, người Nga đã hầu như luôn che chở cho Triều Tiên ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đó sao?

Những ràng buộc quốc tế

Trên thực tế, không chỉ ông Kim Jong Un cảm nhận như thế, mà cả ông Moon cũng phần nào có “tâm tư”. Tờ Korea Herald 27-4 trong bản tin về cuộc họp của ông Moon có một chi tiết rất đáng lưu ý: “Cho rằng hai miền Triều Tiên đã thất bại trong việc đưa Tuyên ngôn Bàn Môn Điếm vào thực tế không phải do thiếu ý chí, nhưng do những ràng buộc quốc tế, ông Moon nói thêm là ông sẽ tìm kiếm con đường thực tế và khả thi nhất cho mối quan hệ liên Triều”.

Như đã nêu trên, “con đường thực tế và khả thi nhất” đó trước mắt chỉ là tuyến đường sắt tới sát biên giới, chứ không phải bất cứ dự án nào ở miền Bắc, tỉ như dự tính mở cửa lại Khu công nghiệp Kaesong, chỉ cách khu phi quân sự có 10km ở phía bắc đường biên giới, và cách Seoul 1 giờ xe chạy, từng có lúc thu dụng đến 53.000 công nhân Triều Tiên.

Đây là vấn đề nan giải với ông Moon, đến nỗi tờ Financial Times của Anh 21-3-2019 từng chạy tít bi thương: “Seoul có nguy cơ rạn nứt với Mỹ về khu công nghiệp Bắc Triều Tiên”. Trong một bài viết nói lên tâm tư của giới doanh nghiệp Hàn Quốc đang thiệt hại bạc tỉ vì Khu công nghiệp Kaesong đóng cửa, tờ Financial Times giải thích giùm Seoul: “Tổng thống Moon cần những đòn bẩy để thuyết phục Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa...

Sẽ rất hữu ích nếu Washington thể hiện thái độ linh hoạt với các dự án kinh tế liên Triều. Cách tiếp cận khác nhau giữa hai đồng minh thân thiết đã thể hiện rõ sau hội nghị thượng đỉnh thất bại hồi tháng trước giữa ông Trump và ông Kim tại Hà Nội, khi các nhà lãnh đạo không đạt được thỏa thuận chấm dứt các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng”.

Các tiếc nuối của chính quyền Moon về khả năng thống nhất đất nước, trong bối cảnh “mưa tin đồn”, có thể báo hiệu một khúc rẽ nữa giữa Hàn Quốc và Mỹ.■

Cách đưa tin của Bình Nhưỡng là nguồn gốc sâu xa dẫn tới những tin đồn về sức khỏe ông Kim Jong Un, vốn càng “hấp dẫn” khi làng báo đang trong khủng hoảng chỉ toàn tin về đại dịch! Sự vắng mặt của ông Kim trong những lễ lạt quen thuộc chỉ là cái cớ sinh đồn đoán. Nhưng các vấn đề sức khỏe của ông không hẳn chỉ là chuyện đồn thổi.

Chẳng cần phải “âm mưu thuyết” gì khi cho rằng một người cao 1,7m, cân nặng 130kg, có tiền sử bệnh tim mạch, tiểu đường, lại chưa bỏ thuốc lá, phải giải phẫu hay gặp trục trặc sức khỏe lớn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận