"Báo chí tự do là sự sám hối công khai"

NGUYỄN KHẮC MAI 20/06/2004 04:06 GMT+7

TTCN - Các Mác là người nêu vấn đề này rất sớm. Trong loạt bài “Những cuộc tranh luận về tự do báo chí”(*) ông viết: “Báo chí tự do đó là sự sám hối của nhân dân trước bản thân mình. Mà lời thú nhận thật tâm thì có cơ cứu rỗi”.

Vì sao ông đặt vấn đề sám hối xã hội trong báo chí? Vì ông cho rằng báo chí chính là trái tim, là đôi mắt, là tinh thần của nhân dân, của xã hội. Thông qua báo chí, nhân dân, xã hội nói lên sự thật, cái đúng sai, xấu tốt của cuộc đời, của con người.

Nhân dân là một danh xưng tổng hợp của những nhóm xã hội khác nhau: nhóm cầm quyền, nhóm trí thức, nhóm lao động, nhóm doanh nhân... Những nhóm dân ấy khi đã có hiểu biết, có trí tuệ rộng lớn hơn, có tâm hồn và đạo đức cao hơn... họ sẽ nhận ra sự thật tiêu cực làm xấu đi diện mạo xã hội, làm khốn khó cho sự mưu cầu hạnh phúc của xã hội, của con người, làm chậm đi và làm rối loạn bước tiến của dân tộc, của đất nước.

Sám hối không phải là sự đô lỗi cho người khác mà trước hết phải là sự nhận rõ lỗi lầm lớn nhỏ của mình. Nhưng không được làm nhòe chữ mình, biến nó thành một thứ chúng ta chung chung, không rõ địa chỉ. Vì như thế cũng chẳng thật tâm gì. Có những nhóm xã hội thường coi mình là vô can, bao giờ cũng đúng, nếu có sai lầm là do người khác.

Ở nước ta, triều Lê nêu một ví dụ đẹp về sự sám hối thật tâm. Vụ án Lệ Chi viên được đính chính, Nguyễn Trãi được công khai xóa án, trả lại cho ông mọi công lao và giá trị. Lê Thánh Tông còn khẳng định ông sáng như vì sao Khuê soi sáng cho trí tuệ và đạo lý VN. Lũ con cháu chúng ta thời nay cần học thuộc bài học sám hối lớn ấy.

Ở nước Đức, nước Nhật, chúng ta thấy họ đã và đang sám hối về những lỗi lầm của cha ông họ trong lịch sử hiện đại. Trung Quốc có cả một dòng văn học sám hối rất tinh tế, rất sâu sắc và cảm động. Mác nói rất hay là sám hối thật tâm thì có cơ cứu rỗi. Những tiến bộ và thành tựu mà con sư tử Đông phương ấy đạt được mấy chục năm nay sau biết bao thăng trầm, khổ đau chẳng đáng học hỏi sao?

Báo chí góp công vào sự sám hối xã hội càng sớm, càng rõ ràng, càng công khai càng có lợi lớn cho tiến bộ xã hội, cho sự thăng hoa của con người, cho một chất lượng nhân văn mới.

Các Mác dùng những khái niệm tôn giáo để đặt vấn đề này. Tôi tán thành vì cũng cho rằng đây là một việc phải làm với tâm hồn, với tâm huyết, văn hóa, trí tuệ và đạo lý. Phải vận dụng cả chiều sâu của tâm linh mới mong thành đạt (cứu rỗi), chứ không thể hời hợt, xảo ngôn, xảo thuật.

--------------------

(*) Các Mác toàn tập. NXB Chính Trị Quốc Gia 1995 Tập I, trang 100.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận