TTCT - Một năm nữa lại trôi qua với hàng loạt phong trào phản kháng và những cuộc biểu tình diễn ra trên khắp thế giới. Bất bình đẳng về thu nhập, điều kiện sống không còn là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phản kháng, mà đã xuất hiện những bất bình đẳng khác, đòi hỏi cách tiếp cận khác để có thể giải quyết vấn đề. Báo cáo mới nhất về bất bình đẳng trong phát triển con người do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố hôm 9-12 nêu rõ cách thức và nguyên nhân bất bình đẳng hệ thống đang gây tổn hại sâu sắc đến xã hội của chúng ta.“Bất bình đẳng không chỉ là vấn đề ta kiếm được bao nhiêu so với anh láng giềng, (mà là) sự phân phối không đồng đều của cải và quyền lực. Nhận ra bộ mặt thực sự của bất bình đẳng là bước đầu tiên; tiếp theo là sự lựa chọn mà mỗi nhà lãnh đạo phải thực hiện” - Achim Steiner, giám đốc UNDP, nhận định.Chiếc thang bị gãy nhiều bậcBằng chứng về bất bình đẳng có mặt ở khắp mọi nơi. Bất bình đẳng không phải lúc nào cũng phản ánh một thế giới bất công, nhưng khi sự cố gắng, nỗ lực không được đền đáp, đó là một vấn đề đối với phẩm giá con người. Bất bình đẳng trong phát triển của con người làm tổn thương xã hội, làm suy yếu sự gắn kết xã hội và lòng tin của người dân với chính phủ, các tổ chức và với nhau. Nó làm cho các quyết định chính trị khó phản ánh nguyện vọng của toàn xã hội trong bối cảnh chỉ một số ít người hưởng lợi và có sức mạnh tạo ra các quyết định có lợi cho mình. Trong tình huống cực đoan, mọi người có thể “xuống đường”.Những nhân tố kích thích khác nhau khiến người ta đổ ra đường để biểu thị sự phản kháng - từ giá vé tàu ở Chile, giá xăng dầu ở Pháp đến các đòi hỏi tự do chính trị, công bằng và công lý... Đây là những bộ mặt mới của bất bình đẳng. Nó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy dù đạt được những tiến bộ chưa có tiền lệ chống lại nghèo đói và bệnh tật, nhiều xã hội đã không vận hành như mong muốn.Một “thế hệ” các bất bình đẳng mới đã xuất hiện, xoay quanh công nghệ và biến đổi khí hậu - hai sự thay đổi mang tính bước ngoặt mà nếu không được kiểm soát, chúng có thể tạo ra một “sự phân hóa lớn” chưa từng có kể từ thời cách mạng công nghiệp đến nay.Pedro Conceição, giám đốc Văn phòng phụ trách báo cáo phát triển con người của UNDP, kêu gọi một phương pháp toàn diện hơn (không chỉ dựa vào tăng trưởng kinh tế) để đánh giá sự tiến bộ của các quốc gia.“Những tiêu chí từng được xem là “có thì tốt” như học đại học hoặc Internet băng thông rộng đang trở thành chìa khóa cho sự thành công - Conceição giải thích - Với những ai chỉ có những điều kiện cơ bản, đường đến thành công của họ giống như leo lên chiếc thang bị gãy nhiều bậc”.Chỉ số phát triển con người (HDI) là căn cứ để so sánh, đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia qua các thời kỳ khác nhau, dựa trên các thước đo như thu nhập, tri thức và sức khỏe. Theo báo cáo của UNDP, với chỉ số HDI là 0,693, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Việt Nam cần 0,007 điểm để vào nhóm các nước có HDI ở mức cao. Trong giai đoạn 1990 - 2018, Việt Nam tăng trưởng trung bình HDI ở mức 1,36%, nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới. Không chỉ là thu nhậpChỉ số phát triển con người năm 2019 và Chỉ số phát triển con người điều chỉnh theo bất bình đẳng năm 2019 chỉ ra chính sự phân bổ không đồng đều về giáo dục, sức khỏe và mức sống đã cản trở tiến bộ của các quốc gia và đề xuất các chính sách vượt ngoài phạm vi của thu nhập, cụ thể là:Đầu tư sớm và suốt đời cho con người: Bất bình đẳng bắt đầu trước khi trẻ chào đời và có thể bị “kéo rộng” do các khác biệt về sức khỏe và giáo dục khi đến tuổi trưởng thành. Ví dụ, trẻ em trong các gia đình có trình độ ở Mỹ được nghe lượng từ vựng nhiều gấp ba lần trẻ em trong các gia đình sống bằng phúc lợi xã hội. Điều này tạo ra ảnh hưởng dây chuyền về điểm số khi trẻ đến trường. Chính sách đầu tư sớm cho con người có thể giải quyết vấn đề này và phải bắt đầu thậm chí là trước lúc trẻ chào đời cũng như đầu tư cho giáo dục, sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em.Chính sách năng suất lao động: Các nước có lực lượng lao động năng suất cao hơn có xu hướng ít tập trung của cải vào tầng lớp trên hơn. Các chính sách hỗ trợ công đoàn mạnh mẽ hơn, quy định mức lương tối thiểu phù hợp, xây dựng lộ trình chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang chính thức, đầu tư vào an sinh xã hội và thu hút phụ nữ đi làm... có thể cải thiện năng suất lao động. Tuy nhiên, chỉ có các chính sách tăng năng suất lao động thôi không đủ mà cần thêm luật chống độc quyền và các chính sách khác để giải quyết sự mất cân bằng của sức mạnh thị trường.Chính sách chi tiêu công và công bằng thuế: Báo cáo cho rằng thuế phải là một phần của toàn bộ hệ thống chính sách, bao gồm chi tiêu công cho y tế, giáo dục và các phương án thay thế lối sống tiêu thụ nhiều carbon hiện nay. Hơn nữa, chính sách trong nước cần điều chỉnh theo các khía cạnh mới về thuế doanh nghiệp toàn cầu, các nguyên tắc mới về thuế quốc tế, để đảm bảo công bằng, chống trốn thuế, tránh cuộc chạy đua xuống đáy trong chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp lớn, đặc biệt là khi số hóa mang lại các hình thức giá trị mới cho nền kinh tế, cũng như giúp phát hiện, ngăn chặn gian lận thuế, trốn thuế. Công nghệ và vấn đề biến đổi khí hậu đã tạo ra nhiều bất bình đẳng mới. Ảnh: UNDPNhìn xa hơn hiện tạiBất bình đẳng sẽ thay đổi thế nào trong tương lai, trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu và chuyển đổi về công nghệ có quyền năng định hình lại cuộc sống chúng ta đến thế kỷ 22?Một loạt cuộc biểu tình trên toàn cầu đã chứng minh rằng các chính sách rất quan trọng nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu như tính giá với carbon có thể bị quản lý sai, làm gia tăng sự bất bình đẳng về cảm nhận và thực tế với những người nghèo hơn - những người phải tiêu thêm tiền từ thu nhập cho hàng hóa và dịch vụ sử dụng nhiều năng lượng hơn so với người láng giềng giàu có. Nếu các khoản thu từ việc tính giá carbon “quay lại” phục vụ lợi ích cho người đóng thuế như là một phần của gói chính sách xã hội rộng rãi, thì lúc đó chính sách này có thể giảm thay vì tăng bất bình đẳng.Định hình tương lai còn ở công nghệ. Công nghệ, bao gồm năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, tài chính và giải pháp y tế kỹ thuật số là vài nét phác thảo về cách phá vỡ bất bình đẳng xưa nay trong tương lai, nếu nắm bắt và chia sẻ cơ hội nhanh chóng, rộng rãi.Đã có tiền lệ trong lịch sử rằng các cuộc cách mạng công nghệ đã khoét sâu hơn bất bình đẳng cố hữu. Hơn nữa, cuộc cách mạng công nghiệp không chỉ mở ra sự phân hóa lớn giữa các nước công nghiệp và những người phụ thuộc vào hàng hóa cơ bản mà còn mở ra thời kỳ sản xuất lớn nhiều loại sản phẩm, tích lũy tác động góp phần vào khủng hoảng khí hậu. Ngày nay, một “sự phân hóa mới lớn”, được thúc đẩy bởi trí tuệ nhân tạo và công nghệ kỹ thuật số mà chúng ta đang chứng kiến còn mang đến những sự thay đổi vượt ra ngoài phạm vi của khí hậu.Báo cáo khuyến nghị các chính sách bảo trợ xã hội mới cần đảm bảo công bằng cho những người làm việc tự do theo nền tảng công nghệ (chẳng hạn ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn), đầu tư cho học tập suốt đời để giúp người lao động thích nghi hoặc đổi công việc mới và có sự đồng thuận quốc tế về cách đánh thuế các hoạt động kỹ thuật số - tất cả là một phần của việc xây dựng một nền kinh tế số mới, an toàn và ổn định như một lực lượng hội tụ chứ không phải tạo ra phân hóa trong phát triển của con người. ■Theo báo cáo của UNDP, những tranh luận về bất bình đẳng thường bị đơn giản hóa quá mức vì chủ yếu dựa trên các biện pháp chung chung và dữ liệu không hoàn chỉnh - dưới dạng các con số bình quân (average). “Điều này chỉ vẽ nên một phần, đôi khi không chính xác, của bức tranh lớn về các hình thức bất bình đẳng và cả những người bị ảnh hưởng” - báo cáo viết. UNDP khuyến nghị cần những thông tin cụ thể hơn để xây dựng các chính sách giải quyết bất bình đẳng có hiệu quả, điều này đặc biệt đúng khi giải quyết vấn đề nghèo đói, nhu cầu của người khuyết tật, thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường sức mạnh của người yếu thế. Tags: Bình đẳng giớiNăng suất lao độngBất bình đẳngNghèo đóiChi tiêu côngCơ hội việc làmBáo cáo bất bình đẳngUNDPChỉ số phát triển bền vữngCông bằng thuếĐầu tư cho giáo dục
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có thông điệp lớn, quan trọng tại Mỹ DUY LINH 19/09/2024 Chuyến công tác từ ngày 21-9 tới là hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Mỹ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới.
Ba lô mới, vở bút mới và nụ cười của học sinh vùng lũ Trấn Yên VĨNH HÀ 19/09/2024 Những học sinh vùng lũ ở Trấn Yên (Yên Bái) đón nhận niềm vui trẻ thơ, sau nhiều ngày cùng gia đình vượt qua đợt mưa lũ lịch sử.
Xuất hiện vết nứt chạy dọc núi, Quảng Nam khẩn cấp sơ tán dân trong đêm THÁI BÁ DŨNG 19/09/2024 Tối 19-9, Đồn biên phòng Đắc Pring (Bộ đội biên phòng Quảng Nam) cho biết sau nhiều giờ huy động cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng địa phương, toàn bộ dân ở thôn 56B, xã Đắk Pre (huyện Nam Giang) đã được sơ tán tới nơi an toàn.
Nga tăng gấp 10 lần sản xuất drone TRẦN PHƯƠNG 19/09/2024 Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tăng số drone sản xuất trong năm 2024 gấp 10 lần con số 140.000 để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.