Bầu cử Quốc hội Pháp: Những cử tri chán ngán và giận dữ

DANH ĐỨC 29/06/2024 07:58 GMT+7

TTCT - Bất thình lình cử tri Pháp "được" đi bầu Quốc hội vòng một vào cuối tháng 6 và vòng hai vào đầu tháng 7 tới, sau khi đã bầu Nghị viện châu Âu (EP) đúng lịch trình vào đầu tháng 6.

Ảnh: Politico

Ảnh: Politico

Cho dù bầu kiểu gì, lá phiếu cũng thể hiện chọn lựa của họ, mà chưa hẳn các "sắp xếp" chính trị có thể khuynh đảo được.

Có thể nói cuộc bỏ phiếu bầu 81 nghị viên châu Âu hôm 8 và 9-6 đã là cơn địa chấn khiến liên minh Phục hưng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải "buông súng"! 

Ngay tối chủ nhật 9-6, chỉ vài giờ sau khi có những dự báo kiểm phiếu đầu tiên, Tổng thống Macron loan báo giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử sớm. Đơn giản vì liên minh Phục hưng chỉ được 14,6% phiếu, bị Đảng Tập hợp dân tộc (RN) qua mặt với 31,4%, khoảng cách gấp 2,7 lần!

Chán ngán ông Macron

Phân tích thống kê của Statista Research Department 13-6 cho thấy vào tháng 3-2024, 69% người dân Pháp cho rằng ông Macron là một tổng thống dở. Đây là quá trình "phú quý thụt lùi" so với lúc ông bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2017.

Trước đó, nhật báo Ouest-France 15-4 cũng công bố kết quả khảo sát của Viện Dư luận Ifop cho thấy chỉ 26% người Pháp nói họ hài lòng với hoạt động của Tổng thống Macron trong hai năm qua, và tới 76% không hài lòng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và xã hội. Kết quả khảo sát cho thấy ông Macron bị điểm trừ trong hầu như mọi lĩnh vực.

Người Pháp đặc biệt khắc nghiệt trong lĩnh vực kinh tế và xã hội: 88% có quan điểm tiêu cực về những hành động nhằm giải quyết thâm hụt ngân sách, 84% về sức mua và 77% về cải cách lương hưu. 

Người Pháp cũng chỉ trích cuộc chiến chống khủng bố (57% ý kiến tiêu cực), quan hệ với EU (59%) và chủ nghĩa thế tục (69%). Cuộc khảo sát được thực hiện với mẫu gồm 1.005 người, đại diện cho dân số Pháp từ 18 tuổi trở lên.

Theo Ouest-France, lý do cụ thể khiến người dân "khắc nghiệt" với chính quyền là dự thảo ngân sách tháng 12-2022, dự án cải cách hưu trí tháng 3-2023, rồi khủng hoảng nhà ở tháng 11-2023 (thời nữ thủ tướng Elisabeth Borne, dẫn tới việc bà này phải từ chức hôm 9-1-2024).

Những "kỷ niệm" nóng bỏng đầy mùi hơi cay đó còn quá mới mẻ với ông Macron, nhất là khi va chạm tích tụ đủ để cho có những đánh giá ngay trước thềm cuộc bầu cử EP đầu tháng 6.

Hai năm nhiệm kỳ thứ nhì của ông Macron đã là đề tài cho nhiều khảo sát xã hội với đủ chủ đề khác nhau. Một khảo sát đáng chú ý như vậy, cũng của Ifol, có tựa đề "Sức sống của nền kinh tế "tự xoay xở": Triệu chứng của việc các nhóm dân chúng rời bỏ kiểu tiêu dùng chuẩn để hướng đến một cách tiêu dùng khác", công bố hôm 29-2.

Khảo sát cho thấy hai năm qua, giá thực phẩm đã tăng trung bình 21%; giá điện tăng gần 70% (trong 5 năm), giá 1 lít dầu diesel hiện là khoảng 1,8 euro, so với 1,4 euro vào tháng 11-2018. 

Một vài số liệu như vậy cho thấy ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng lạm phát với người Pháp kể từ khi đại dịch kết thúc. Giá cả tăng kéo dài đè nặng lên sức mua của các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung lưu lớp dưới.

Trước nguy cơ "sống kiểu lương tối thiểu" và những ngày cuối tháng ngày một khó khăn, nhiều người Pháp đã phải dựa vào sự tương trợ truyền thống: Cứ 5 người thì một cho biết thường xuyên được người thân giúp đỡ. Tất cả đều nằm trong phạm vi "nền kinh tế tự xoay xở".

Ngay cả trong Đảng Phục hưng cầm quyền, các ý kiến cũng bất đồng rõ ràng: 49% đánh giá tiêu cực về ông Macron, trong khi 51% đánh giá tích cực. Hậu quả tất yếu là liên minh cầm quyền suy yếu đáng kể trong cuộc bầu cử EP.

Dân Pháp biểu tình phản đối ông Macron. Ảnh: DW

Dân Pháp biểu tình phản đối ông Macron. Ảnh: DW

RN vọt lên

Như hai bình thông nhau, phiếu của liên minh Phục hưng cầm quyền tuột nặng, thì phiếu dồn qua RN (cùng vài đảng khác) tăng lên. 

Tháng 3-2023, khi nữ thủ tướng Borne sử dụng điều 49.3 để tự ý ban hành luật hưu trí không cần Quốc hội biểu quyết, dân chúng xuống đường phản đối cả tháng, thì Đảng RN kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ để phản đối dự luật, song bất thành. 

Bà Borne vẫn ban hành được đạo luật theo đúng ý ông Macron, song cử tri nhớ mãi rằng đảng cầm quyền không những không đếm xỉa tới lợi ích và ý kiến của họ, mà còn hành động chuyên quyền. 

Những ký ức dồn nén đã có dịp được xả ra hôm bầu cử EP, và RN nay "hốt" những lá phiếu bất mãn đó.

RN không xa lạ với người Pháp. Tiền thân của họ chính là Đảng Mặt trận dân tộc (FN) tham gia chính trường Pháp đã từ năm 1972, nổi lên như một thế lực đáng gờm trong thập niên 1990 với thủ lãnh Jean-Marie Le Pen, năm lần ra tranh cử tổng thống, năm 2002 vào đến vòng hai tỉ thí với ông Jacques Chirac. 

FN, đúng như tên gọi, chủ trương dân tộc trên hết, bằng cách làm cho quốc gia trở nên đồng nhất về mặt sắc tộc hơn và quay trở lại các giá trị truyền thống, dân túy, phản đối nhập cư, phản kháng giới chính trị chóp bu, quyền cá nhân là thứ yếu so với mục tiêu của quốc gia, và cả bài ngoại.

Sau khi con gái út ông Le Pen, bà Marine Le Pen lên lãnh đạo đảng, bà đã sửa đổi đôi chút tôn chỉ nhằm tháo gỡ hình ảnh quá khích cực đoan - bà thậm chí trục xuất cha mình khỏi đảng vào năm 2015. Ngày 1-6-2018, FN đổi tên thành RN. 

Bà Le Pen cũng ra tranh cử tổng thống và hai lần lọt vào vòng hai đối đầu với ông Macron các năm 2017 và 2022. Vụ đổi tên đảng, theo nhật báo Le Temps, là động thái chuẩn bị để ra tham chính. 

Với hơn 10 triệu phiếu bầu trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống năm 2017, bà Le Pen muốn mở cửa đảng hơn cho các nhân vật bên ngoài để biến nó thành một "đảng chính phủ".

Bà Le Pen và ông Bardella. Ảnh: Sky News

Bà Le Pen và ông Bardella. Ảnh: Sky News

Thất bại thứ nhì của bà Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 đã dẫn đến việc Jordan Bardella, một đảng viên RN mới 27 tuổi, được đảng bầu làm chủ tịch vào tháng 11-2022 với 85% số phiếu.

Ông Bardella trở thành chủ tịch thứ ba của đảng cực hữu này trong hơn 50 năm tồn tại, và là chủ tịch đảng đầu tiên không mang họ Le Pen. Nay ông sẽ là gương mặt đại diện cho RN trong hành trình bầu cử sắp tới.

Trả lời phỏng vấn tờ Le Figaro 5-6, ông Bardella hứa hẹn sẽ "sửa chữa" nước Pháp: "Tôi sẽ chiến đấu đến giây phút cuối cùng để huy động các cử tri của RN, nhưng cũng để thuyết phục tất cả người Pháp, những người đang đau lòng khi nhìn thấy tình trạng đất nước". 

"Không người Pháp nào có thể vô cảm trước sự tan rã chung, từ tình hình kinh tế cực kỳ đáng lo ngại đến tình trạng rối loạn an ninh và di cư đang ảnh hưởng đến toàn bộ lãnh thổ, từ lục địa Pháp đến hải ngoại". 

Ông cũng tự tin khẳng định: "Trong thế giới đang hỗn loạn này, RN là nơi trú ẩn, nơi nương tựa và nguồn hy vọng cho hàng triệu người dân Pháp". 

Và rồi ngày 9-6 trong cuộc bầu cử EP, ông Bardella đã giành được 31,4% số phiếu, hơn ứng viên liên minh cầm quyền Valérie Hayer (14,5%) 17 điểm. Đáng nói hơn, 32% thanh niên Pháp (18-34 tuổi) đã bầu cho ông Bardella (so với 5% của Hayer).

Thắng lợi của RN có thể giải thích ra sao, là sự ủng hộ cho họ hay để trừng phạt đảng cầm quyền? Tom Kerkour của Đài BFMTV 10-6 lý giải rằng RN đã thắng nhờ tình cảm giận dữ, nhưng cũng trích lời Bernard Sananès, giám đốc Viện bỏ phiếu Elabe, nhận xét: 

"Chúng ta có thể thấy rõ, với tỉ lệ chưa từng có cho đến nay, cuộc biểu tình toàn quốc đã thu hút được sự tức giận của cử tri, bao gồm cả những người theo truyền thống đến nay đã không bỏ phiếu cho đảng này (RN)". 

Website của RN đang treo những khẩu hiệu: Ngày 30-6 và 7-7? Hãy bỏ phiếu cho RN: Để hỗ trợ sức mua - Để đưa nước Pháp trở lại trật tự - Để ngăn cơn lũ nhập cư - Để hỗ trợ nền nông nghiệp - Để ưu tiên cho y tế - Để đơn giản hóa cuộc sống của người Pháp.

Có thể tạm kết luận được gì? Một chính phủ, bất luận là cánh gì, cơ bản phải bảo đảm trước hết cuộc sống vật chất của người dân. 

Để làm được điều đó, đừng tự mình tạo ra những chính sách có thể gây hậu họa, như ở Pháp là các chính sách nhập cư dễ dãi của các chính phủ cánh tả trước kia hay các chính sách thuế khóa thiên về giới có tiền của cánh hữu, để rồi cán cân xã hội bị chao đảo.■

Kết quả thăm dò mà The Economist công bố hôm 25-6 cho thấy RN sẽ được 36% số phiếu ở cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.

Mặt trận Bình dân mới, gồm các đảng cánh tả Nước Pháp bất khuất, Xã hội, Môi trường, và Cộng sản, vừa tập hợp lại với nhau hôm 10-6 để chống trả sự đắc thắng của phe hữu, cũng kịp nhận được 29% điểm trong thăm dò.

Điều này có nghĩa: (1) dân tình Pháp rất chao đảo; (2) song, nếu có cơ hội, cũng vẫn tìm về những "giá trị trú ẩn" truyền thống như liên minh cánh tả; (3) để tự vệ trước phe cực hữu đang đe dọa dẫn đầu chính trường.

Hôm thứ hai 24-6, chính ông Macron lại lên tiếng cảnh báo nguy cơ cực hữu khi cho rằng nghị trình của các đảng cực đoan sẽ dẫn tới "nội loạn" khi tìm cách chia rẽ giữa các tôn giáo hay cộng đồng.

Tuy đả kích đối thủ, ông Macron cũng thừa nhận họ đã thu hút được người Pháp: "Tôi nghĩ đó là một mối nguy hiểm và là lý do tại sao cả Tập hợp Dân tộc và Nước Pháp bất khuất đều phản ứng với những vấn đề thực tế, sự tức giận thực sự, và những lo lắng thực sự".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận