Bên nồi lẩu cá mập

PHAN THỊ VÀNG ANH 10/11/2012 10:11 GMT+7

TTCT - Bạn hỏi tôi vì sao không viết điểm sách, phê bình sách... Bạn bảo “thị trường” điểm sách giờ cần người biết đọc có chính kiến, không a dua, biết so sánh, và cũng biết viết...

Tranh biếm của Firuzkutal

Cũng có lúc tôi nghĩ tới điều bạn nói. Sách bây giờ ra rất nhiều. Người Việt Nam nay được đọc những tác phẩm rất mới của nước người, không phải như hồi trước, đọc những thứ cách xa đã vài chục năm mà vẫn đành phải coi là mới... Có quá nhiều thứ để viết, để bình nếu muốn bình, muốn viết. Nhưng tôi nói với bạn, bây giờ viết thấy hoang mang làm sao và thấy “không phải” làm sao.

***

Bây giờ, nói chuyện đọc sách, cái câu mà mọi người rất hay nghe là: “Sao quyển ấy ngày xưa mình đọc thấy hay thế, giờ đọc lại chẳng hay gì cả!”.

Chúng ta đã lớn lên, trưởng thành lên, giỏi giang lên, hay chúng ta tha hóa đi, kém cỏi đi (so với những cuốn sách ấy)?

Có người bảo, tại khi ấy chúng mình trẻ, đọc thấy nó hay...

Thế sao con chúng mình bây giờ cũng trẻ mà chúng nó đọc vẫn không thấy hay?

Có người nói, tại hồi ấy không có gì giải trí, vớ được sách là thấy hay...

Lại nữa, một cái câu thường nghe là, “Quyển ấy best-seller nước ấy, thế mà đọc chẳng thấy hay gì cả!”.

Cái gì làm chúng ta khác người đọc nước kia? Ồ thì nhiều lắm. Từ cá tính của mỗi dân tộc mà quy định ra các kiểu sáng tạo và thưởng thức thơ ca nhạc họa. Thứ mà anh Tây kia thích có khi ta không hiểu nổi. Và cái mà ta coi thường thì anh ấy lại thấy rất hay. Còn cái anh ấy chê là sến, là quê thì rất nhiều người chúng ta lại xúc động, coi là quá đẹp...

Vậy là cùng một thời điểm, một cuốn sách đã có giá trị khác nhau tùy theo vùng không gian. Một vùng đang có chiến tranh ắt sẽ không màng đến một cuốn sách dạy cách uống rượu vang. Và một nơi vừa thoát khỏi chiến tranh sẽ nhiều phần chẳng muốn ngó tới những thứ nhắc về súng đạn.

Rồi tại cùng một vùng không gian, mỗi cuốn sách lại có giá trị theo từng tâm trạng. Người đang điên đầu vì nợ đuổi sẽ chẳng thèm đọc một tiểu thuyết tình yêu. Người đang khổ vì tình yêu sẽ không muốn đọc về lịch sử...

Tôi cũng thế, sống ở một vùng không gian nhất định, mang một tâm trạng nhất định khi viết bài điểm sách. Có công bằng không nếu tôi bảo nó là hay, hoặc nó là dở, trong khi biết đâu nhận xét đó chỉ đúng với tôi, hay với những người như tôi, vào thời điểm này, tại vị trí này, hoàn cảnh này? Hay để cho công bằng thì phải có một chú thích cho biết rõ tình trạng và tọa độ của người viết, khi viết?

***

“Nói thế thì không cùng, thế thì chẳng còn khen chê gì hết sao?” sẽ có ai đó nói.

Ừ, thì cứ để ai đó làm công việc ấy, và ai đó tin vào những công việc ấy.

Tôi tin vào sự biến đổi, dịch chuyển của con người, của tất cả những thứ gì đang sống, và khen hay chê là đã “đổ ximăng”, cố định hóa cái kinh nghiệm của ta lại.

Bạn có bao giờ ngượng khi đọc lại thư tình ngày xưa của mình chưa? Nếu chưa, đó là một dấu hiệu đáng báo động, nó cho biết bạn đã dừng lại rồi.

Viết phê bình, cũng như viết thư tình, là ghi lại cảm xúc của mình lên trang giấy (hay vách đá). Khác chăng là một cái gửi người kia, một cái gửi báo. Vậy thì sao có cái làm ta ngượng vì nó là bằng chứng cho thấy ta có lúc ấu trĩ, điên cuồng, còn cái kia thì khiến ta không ngượng, lại còn tập hợp mà in thành sách?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận