Bến nước Vàm Nao

GHI CHÉP CỦA VŨ THÀNH SƠN 12/02/2023 06:28 GMT+7

TTCT - Tôi qua phà Thuận Giang đến Chợ Mới (An Giang) để tìm gặp một nhân vật khá đặc biệt, ông đạo Sáu, sinh sống trên một khúc sông Vàm Nao.

Sông Vàm Nao chảy qua cù lao Ông Chưởng (Khâm sai Chưởng binh lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công khai hoang, mở mang vùng đất này). Cù lao Ông Chưởng từng được truyền tụng qua câu ca dao: Bao phen quạ nói với diều/Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm.

Ảnh: Vũ Thành Sơn

Ảnh: Vũ Thành Sơn

Nhưng điều đó chỉ còn là hình ảnh của quá khứ. Con sông Vàm Nao giờ đang kêu cứu vì nguồn thủy sản cạn kiệt dần vì các con đập thủy điện trên thượng nguồn dòng Mekong đã cản trở việc sinh sản di cư của các loài cá, bởi sự ô nhiễm và đánh bắt thủy sản vô tội vạ.

Con cá hô (Catlocarpio siamensis) có thể nặng hơn 400kg vốn vẫn tìm đến con sông này vào mùa nước kiếm ăn giờ đã gần như biến mất. Con cá heo nước ngọt thân thiện (cá nược - dolphin Irrawaddy) cuối cùng của Lào đã mắc lưới chết hồi tháng 2-2022. Cá hô, cá nược và nhiều giống cá khổng lồ khác đã lần lượt bỏ đi, để lại những câu chuyện huyền thoại và nhiều thế hệ sau này sẽ phải sống với những khoảng trắng của ký ức.

Buổi sáng tôi ăn cháo trắng với cá chốt kho tiêu. Cá bắt từ dưới sông lên mà nhỏ chỉ bằng ngón tay út. Mùa nước chưa kết thúc hẳn, con sông Vàm Nao chảy dưới chân tôi nặng trĩu những nỗi niềm.

Buổi chiều, một cơn mưa thật lớn, trút nước xối xả kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ. Bầu trời kéo xuống thấp, đất trên đường đi hóa thành bùn nhão nhoẹt, chiếc xe Honda phải lạng lách chỉ lo trượt ngã qua lối hẹp để đến tận cuối xóm.

Ông Sáu ở cuối xóm nhưng làm thêm một cái bến trên sông để thả cá. Người đàn ông nhỏ thó này mới 62 tuổi, nhưng vóc người và khuôn mặt móm mém khiến tôi lần đầu gặp tưởng lầm ông đã ngoài bảy mươi. Ông ăn chay trường như phần lớn những người theo đạo Hòa Hảo tôi gặp trong chuyến đi. Ông đi theo những chuyến sà lan kiếm sống. Có phải do cái nghiệp lênh đênh trên những con sông khát cá đó mà ông quyết định tạo ra nơi này?

Ông đã dốc tiền của ra mua lại doi đất làm một cái bến để thả cá. Công việc ban đầu tưởng chừng như đơn giản với một người có kinh nghiệm về sông nước và có một chủ định, nhưng thực tế, ông đã thất bại. Nhiều lần thất bại. Thất bại này lại đến thất bại khác. Hết bè gỗ bị cuốn trôi, đến cá dữ (cá chim trắng) kéo về, những con cá khác phải lánh xa. Rồi tới nạn trộm cá, thả bầy nào mất trắng bầy đó. Tiền bạc cũng theo đó thả trôi theo sông.

Nhưng không vì thế mà ông nản. Bởi lẽ cái làm cho cuộc sống của ông đáng sống và có ý nghĩa hơn hết là ở đàn cá và cái bến sông này. Ông vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Từ cọc gỗ, ông chuyển sang cọc sắt, bắt thành giàn vuông vắn tựa trên những cái thùng phuy. Vài chục thùng phuy bọc quanh một khoảng sông. Tốn kém hơn (chỉ riêng tiền bỏ làm bè đã lên tới trăm triệu đồng) nhưng bền chắc và nhất là có thể di chuyển tùy theo con nước. Ông nghiên cứu cách xua đuổi bầy cá dữ, cách làm hang cho cá trú ngụ và cả việc ngăn chặn đánh cá trộm.

Việc nuôi cá của ông được biết đến. Đã có những người ngưỡng mộ việc làm thầm lặng đó, tìm đến đây để quay phim, phỏng vấn ông nhưng tôi có cảm tưởng điều đó không hề làm ông bận tâm mảy may. Ông nuôi cá không phải để làm "du lịch sinh thái". Ông nuôi cá, có lẽ cũng chẳng phải xuất phát từ mục tiêu to lớn mà trừu tượng được hô hào rầm rộ lâu nay, như "bảo vệ môi trường" hay "cân bằng sinh thái". Khi người ta không có một tình yêu thật sự dành cho sông nước và các loài thủy sinh nhỏ bé, những mục tiêu đẹp đẽ kia chỉ là những khẩu hiệu rỗng tuếch.

Ông nuôi cá không phải để bán chác, càng không phải để ăn. Ông nuôi cá đơn giản bởi vì yêu cá. Ông sung sướng khi thấy đàn cá trở lại với con sông ngày càng đông đúc, chen chúc quẫy đạp rộn cả một góc trời. Tôi hỏi ông Sáu ông không sợ cá bỏ đi ra ngoài sông lớn hết sao? Ông cười thay cho câu trả lời. Làm sao cá có thể bỏ đi được? Cá bị con người bạc đãi và đã kéo nhau ra đi. Bây giờ chúng trở lại vì đã tìm thấy một chỗ dung thân, một tấm lòng để nương tựa. Cá cũng có cảm xúc và trí nhớ. Làm sao có thể nghi ngờ hoặc dửng dưng với điều ấy? Con sông Vàm Nao đã thực sự hồi sinh. Bởi vì sông, một khi không còn cá nữa, chỉ còn là một con nước bị đánh mất linh hồn.

Ông Sáu đưa cho tôi một cái chậu nhựa nhỏ chứa đầy hạt để tôi ra bến nước cho cá ăn. Mặt sông đang phẳng lặng nhưng chỉ cần rải một nắm hạt xuống, ngay lập tức rùng rùng chuyển động như thể ở dưới đáy có những con sóng ngầm trỗi dậy. Mặt nước rộng nổi trắng phau những lưng cá, bụng cá, những cú quẫy đạp bắn nước tung tóe. Đủ các loại cá, cá tra, cá he, cá diêu hồng, cá trắm cỏ, cá chép, cá lóc, cá trê, mỗi con đều nặng ít nhất trên 1kg.

Và kỳ diệu thay, cả cá hô. Con cá hô huyền thoại đã về trong bè, giờ cũng phải được 30kg. Những con cá dạn dĩ, thân thiện như con mèo, con chó nuôi trong nhà. Ông Sáu nói ở gần bên người ta cũng bắt chước ông làm một khu nuôi cá nhưng cá thảy đều bỏ đi, đơn giản vì họ nuôi để bán. Thói hám lợi đâu chỉ có người đời dè bỉu.

Mỗi ngày ông Sáu cho bầy cá ăn hơn 13 tấn rau, 50kg thức ăn hạt. Hãy hình dung số tiền ông bỏ ra mỗi ngày nhưng trên hết, hãy hình dung thời gian, công sức ông đã bỏ ra. Nhìn bầy cá lao xao dưới nước, gương mặt ông rạng rỡ, ánh mắt lấp lánh niềm vui, ông cất tiếng cười thật trẻ. Trong tiếng cá quẫy đạp tôi tưởng như nghe thấy cả âm thanh reo vui của con sông. Giữa sông nước mênh mông, niềm vui đó thật hồn nhiên, thiên nhiên và con người bỗng cùng chung một nhịp đập. Nhìn ông, tôi hiểu ra một điều thật giản dị: hạnh phúc chỉ đến với một tình yêu chân thật và son sắt. Những người ở đô thị như tôi sẽ không dễ gì có được hạnh phúc đơn sơ đó. Nó không thể đánh đổi bằng nếp sống tiện nghi và xa hoa vật chất và vì vậy, đời sống ở đô thị ngày càng trở nên khô cằn trong cái hào nhoáng hiện đại, như một thứ bonsai ngơ ngác.

Có thể ông Sáu trong con mắt của nhiều người giống như một dị nhân. Nhưng ông chẳng phải là trường hợp duy nhất ở vùng này. Còn những cái tên như Năm Đặng, Năm Cường, những người con của sông nước không hề tiếc công, tiếc của nuôi dưỡng cá để đem sự sống trả lại cho những dòng sông. Nếu cù lao Ông Chưởng có thêm nhiều nữa những Sáu, những Năm Đặng, Năm Cường sao lại chẳng ắp lẵm cá tôm một ngày nào đó?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận