Bí quyết thành công của bắn cung Hàn Quốc

HẢI MINH 04/08/2012 08:08 GMT+7

TTCT - Jamaica luôn tự hào bởi những VĐV chạy nước rút, Kenya chuyên trị chạy đường dài, không ai qua được Trung Quốc ở môn bóng bàn... Với Hàn Quốc, hi vọng huy chương lớn nhất của họ, ngoài taekwondo, là bắn cung.

Phóng to

Choi Hyeonju, thành viên đội Hàn Quốc đoạt HCV đồng đội nữ Olympic London, vừa buông dây cung - Ảnh: Reuters

“Đó là môn thể thao quốc hồn quốc túy của họ, như bóng đá ở Anh” - Larry Godgrey, thành viên tuyển bắn cung Vương quốc Anh ở London 2012, nói với BBC Sport. Godgrey và Simon Terry là hai cung thủ Anh có thể bắn được hơn 1.350 điểm mỗi lượt, nhưng ở Hàn Quốc có ít nhất 50 cung thủ có thể đạt mốc đó tại thời điểm này. Nhà đương kim VĐTG Kim Woo Jin không lọt vào nổi đội tuyển Olympic đủ nói lên tất cả.

Huy chương đến từ học đường

Kể từ khi Seo Hyang Soon bước lên bục nhận huy chương cao nhất ở Olympic Seoul 1984, các cung thủ Hàn Quốc đã giành thêm 15 HCV các nội dung cá nhân và đồng đội ở Olympic. Những cung thủ đến từ xứ kim chi đặc biệt mạnh ở các nội dung nữ khi cho tới giờ, Zhang Juanjuan (Trung Quốc, ở Olympic Bắc Kinh 2008) là cung thủ duy nhất không phải người Hàn Quốc từng đăng quang ở một kỳ Olympic kể từ Keto Losaberidze ở Matxcơva 1980.

Tại Hàn Quốc, trẻ em tập bắn cung từ tiểu học và những tài năng được huấn luyện liên tục trong nhiều năm với hai giờ tập/ngày. Quá trình tuyển lựa từ cấp học thấp nhất cho đến đại học, và những người giỏi nhất được các tập đoàn như Hyundai tuyển vào đội của họ tranh tài ở giải VĐQG. Khoảng 30% ngân quỹ của Hiệp hội Bắn cung Hàn Quốc (KAA) đến từ Ủy ban Olympic quốc gia, nhưng nguồn tài chính chủ lực cho cả hệ thống là từ 33 công ty tài trợ. Hệ thống đó đảm bảo cho Hàn Quốc có đến 147 cung thủ đỉnh cao, trong khi ở các quốc gia khác số cung thủ có thể tham dự Olympic chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Một ví dụ tiêu biểu cho quy mô đầu tư môn bắn cung ở Hàn Quốc là sân tập được xây theo đúng nguyên bản sân thi đấu chính thức 5.000 chỗ ngồi được sử dụng tại Bắc Kinh 2008 để các vận động viên tập luyện trong hơn một năm trước Olympic. Tuy nhiên, ngày nay có khá nhiều nước đầu tư mạnh cho môn bắn cung, chẳng hạn Mỹ vừa xây xong một trường bắn trong nhà rộng hơn 3.700m2 ở Chula Vista, bang Wisconsin, với chi phí lên đến 14 triệu USD. Ấn Độ cũng treo thưởng 1 triệu USD cho các cung thủ giành được HCV Olympic.

Ưu thế gần như tuyệt đối của Hàn Quốc đã giảm nhiều trong thời gian qua. Ở giải VĐTG năm 2011 tại Turin (Ý), đội nữ của họ chỉ xếp thứ ba sau Ý và Chile. Nhà vô địch cá nhân là nữ cung thủ người Chile Denisse Van Lamoen.

Cách tiếp cận nghệ thuật

Dẫu vậy, Hàn Quốc vẫn là một siêu cường trong môn bắn cung. Ngoài linh kiện bán dẫn, tàu biển và điện thoại thông minh, các HLV bắn cung của họ cũng là “mặt hàng xuất khẩu” đắt khách. Gần như bất cứ đội nào, dù là Mỹ, Mexico, Malaysia, Brazil hay Philippines, muốn săn huy chương ở London 2012 đều thuê HLV người Hàn Quốc. Mỹ, hiện cũng là một cường quốc bắn cung, đã mừng như bắt được vàng khi mời được HLV Lee Ki Sik về huấn luyện vào năm 2006. HLV Lee từng dẫn dắt đội Hàn Quốc đoạt tám HCV trước khi chuyển sang Úc và giúp Simon Fairweather đăng quang ở Sydney 2000.

Don Rabska, một HLV tuyển Mỹ, nói với Reuters: “Cách người Hàn Quốc tiếp cận môn bắn cung rất khác biệt, họ coi đó như một nghệ thuật. Họ là đất nước duy nhất trên thế giới suy nghĩ như thế, dù những người khác cũng bắt đầu học theo. Đầu tiên họ sẽ dành ra vài tháng chỉ để tập tư thế đứng cho đúng, rồi vài tháng nữa để học cách nâng một bên cánh tay, rồi cả hai cánh tay. Có những chú nhóc tập chay liên tục trong sáu tháng trước khi được phép bắn mũi tên thật đầu tiên”.

Cách tiếp cận của phương Tây trực tiếp hơn và ít thành công hơn. Rabska giải thích: “Chúng ta thường đặt cung vào tay cung thủ rồi sau đó yêu cầu họ bắn đi bắn lại. Tập luyện không giúp hoàn hảo mọi thứ mà chỉ tạo ra thói quen. Bạn càng tập nhiều cái sai thì càng khó sửa chữa”. Cách tiếp cận của Hàn Quốc đòi hỏi nhiều sự hi sinh và sẽ không có hiệu quả với các VĐV thuộc những nền văn hóa khác, vốn đòi hỏi huy chương và những chức vô địch rất gắt gao, thay vì mất quá nhiều thời gian cho thành công dài hạn.

HLV Lee Ki Sik nói với BBC Sport: “Trong bất cứ môn thể thao nào, các kỹ năng khi tập luyện luôn thay đổi theo thời gian và bạn phải tiếp cận theo những cách khác nhau. Tôi bắt đầu làm việc chặt chẽ với Cục Khoa học thể thao Hàn Quốc từ năm 1983 và đã nghiên cứu rất kỹ để giúp cải thiện tối đa kỹ thuật của các cung thủ. Sự chuẩn bị về tinh thần cũng rất quan trọng”.

Giám đốc hiện giờ của KAA, Seo Geo Won, nói với báo Wall Street Journal năm ngoái rằng trong nội dung luyện tập của đội Hàn Quốc có cả nhảy bungee (buộc dây vào cổ chân nhảy từ độ cao xuống đất), nhảy cầu xuống hồ bơi và các khóa huấn luyện bắn cung đặc biệt ở sân bóng chày đông đúc, ồn ào nhằm đảm bảo các cung thủ của KAA có thể trầm tĩnh và cân bằng tuyệt đối khi bước vào giải.

Những biện pháp đó rất có ích cho các tuyển thủ như Kim Soo Nyung, người giành bốn HCV Olympic và bốn chức VĐTG. Anh giải thích: “Chúng tôi có những giá trị Olympic mạnh mẽ khuyến khích chúng tôi tập luyện mỗi ngày. Các cung thủ được chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý cho tranh tài đỉnh cao. Tôi cho rằng các cung thủ Hàn Quốc ngày nay còn có sức tập trung cao hơn so với quá khứ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận