Blockchain - công nghệ tương lai?

TRƯỜNG SƠN 01/10/2017 18:10 GMT+7

TTCT- Khi bitcoin “làm mưa làm gió” trên các diễn đàn, blockchain - “xương sống” của tiền kỹ thuật số - cũng là chủ đề được mổ xẻ nhiều nhất với những nhận định đây là ngòi nổ cho một cuộc cách mạng mới về công nghệ.

blockchain-consensus
 

 

Tạp chí PCMag ngày 19-8 cho rằng rất khó để giải thích blockchain, nhất là cho số đông, nhưng nhấn mạnh “công nghệ mang tính thay đổi cuộc chơi này có tiềm năng thay đổi bản chất cốt lõi của Internet và đặt nền móng cho nhiều công nghệ mới”.

Blockchain là cái chi chi?

Trong đời thật, nếu A có thể dễ dàng dúi tờ bạc 500.000 đồng vào tay B là hoàn tất giao dịch, không cần người thứ ba làm chứng thì việc chuyển tiền ảo trên mạng lại phát sinh nhiều vấn đề.

Đầu tiên, vì là dạng thức ảo, A sau khi chuyển cho B hoàn toàn có thể dùng chính chỗ tiền ảo đó chuyển cho C, hoặc cho cả trăm người khác. Hiện tượng này gọi là double spending - một đơn vị tiền ảo sử dụng hai lần.

Cách giải quyết vấn đề này là ghi chép lại các giao dịch và cập nhật khi cần thiết thông qua ledger - sổ cái, như cuốn sổ ghi chép ở cửa hàng tạp hóa.

Vậy khi A chuyển tiền cho B, sổ cái sẽ cập nhật A (-500.000) và B (+500.000) để A không thể chuyển số tiền đó cho ai được nữa. Sổ cái này đương nhiên phải cần bên thứ ba giữ giúp và phụ trách ghi chép. Lúc này lại phát sinh vấn đề mới: liệu ta có tin được người giữ sổ không?

Có chắc họ ghi chép trung thực và không can thiệp sổ sách, tự thêm bớt gì vào các giao dịch không?

Và vì sao trong đời thực việc chuyển tiền là “chuyện hai người”, không cần “người thứ ba” xen vào mà giao dịch điện tử lại phức tạp vậy? Chưa kể A và B còn phải trả công cho người giữ sổ, chứ có ai “làm chùa” bao giờ.

Có cách nào để chuyển phiên bản số nhanh mà không cần người làm chứng như trường hợp đời thật hay không? Câu trả lời chính là blockchain.

Giải pháp của blockchain là đem cuốn sổ ghi chép đó sao ra nhiều bản và lưu trữ trên nhiều máy tính khác nhau cùng tham gia một mạng lưới.

Khi có giao dịch gì mới, tất cả các cuốn sổ đều được cập nhật. Từ lúc này, một giao dịch chỉ được xem là hợp lệ khi nó khớp với lịch sử giao dịch đã được ghi nhận trên toàn bộ các sổ cái nói trên.

Giả sử A không còn xu nào trong tài khoản mà vẫn làm động tác chuyển tiền cho B, giao dịch sẽ không được chấp nhận vì không khớp với thông tin trên các sổ còn lại trong hệ thống.

Cách duy nhất để qua mặt cơ chế kiểm tra này là chỉnh sửa thông tin trên tất cả các ledger trong hệ thống. Điều khả thi trên lý thuyết nhưng không bao giờ làm được trên thực tế, khi các mạng blockchain có thể gồm hàng ngàn máy tính cùng tham gia.

Tương tự, dù ai cũng có sổ cái trong tay nhưng không thể chỉnh sửa hay gian lận, vì thông tin mới sẽ luôn được đối chiếu với bản ghi trong toàn hệ thống.

Blockchain có thể được áp dụng để kiểm soát giao dịch tiền kỹ thuật số - tức cách bitcoin và hàng trăm đồng tiền “ăn theo” khác đang hoạt động, hoặc giao dịch bất kỳ thứ gì có giá trị từ hồ sơ, các bản lưu thông tin đến hàng hóa hay hợp đồng... và đó là lý do vì sao blockchain có thể thay đổi thế giới công nghệ.

Thực tế mỗi giao dịch thông qua blockchain sẽ được ghi chép lại thành một block. Sau khi được các máy tính tham gia mạng lưới (gọi là node) xác minh hợp lệ (không bị double spending), block này sẽ được ghép vào chuỗi (chain) các giao dịch trước đó (tức các block khác) tạo thành blockchain.

Blockchain cứ thế dài ra và các block đã đưa vào sẽ ở đó vĩnh viễn, không chỉnh sửa được. Các node tham gia mạng lưới sẽ tự động tải toàn bộ blockchain về - tức hành động “mỗi người giữ một sổ cái” - để kiểm tra, đối chiếu trong ví dụ kể trên.

Cơ chế cập nhật sổ cái, so sánh và đồng bộ trên thực tế là các thuật toán lập trình phức tạp, đòi hỏi máy tính cấu hình mạnh tham gia giải quyết. Các máy tính tham gia mạng blockchain sau khi xác minh một giao dịch sẽ nhận được phần thưởng (trong trường hợp bitcoin là nhận được bitcoin - hoạt động được gọi là “đào”).

info
 

 

Khác gì với nhà băng?

Để tránh double spending, ta đã có hệ thống ngân hàng, giao dịch trên máy tính, làm vài thao tác là tiền từ tài khoản này đã bay sang tài khoản khác, lịch sử giao dịch và mọi thứ khác đã có hệ thống ngân hàng lo, cần gì blockchain cho rắc rối?

Giới ủng hộ blockchain cho rằng với ngân hàng truyền thống, hai bên (buộc phải) mặc định ngân hàng là nơi đáng tin cậy, không có gì phải lăn tăn và sẵn sàng để nhà băng làm trung gian cho “chuyện hai người”.

Điểm mấu chốt của blockchain là cho phép chúng ta giao dịch trực tiếp với nhau, không thông qua bên thứ ba nào cả mà vẫn có thể yên tâm không có chuyện gian lận.

Ngày 23-6, trang bitcoin.com có bài viết “Blockchain khác với ngân hàng ra sao?” cho rằng cuốn “sổ cái” của ngân hàng thì chỉ có nhà băng đó nắm và quản lý, còn công chúng không được xem hay tiếp cận gì cả. Điều này khác với tính chất công khai của blockchain.

Điểm khác biệt còn ở chỗ blockchain là mạng phi tập trung (decentralized), nghĩa là người tham gia không còn phải phụ thuộc hay đặt niềm tin vào một ngân hàng trung ương để kiểm soát các giao dịch, mà có thể trực tiếp giao dịch ngang hàng (peer-to-peer) với nhau

. Điều quan trọng là dù không có trung gian nhưng lại không sợ các giao dịch bị tẩy xóa, mất mát hay thậm chí bị tịch thu như với ngân hàng truyền thống, theo bài viết trên bitcoin.com.

Tương tự, Nik Custodio, trong một bài viết khác trên blog cá nhân với tựa đề “Vì sao lại chọn blockchian?”, cũng giải thích với ngân hàng truyền thống, ta buộc phải tin rằng nhà băng sẽ trung thực.

Trong khi với blockchain, ta không cần phải tin ai mà vẫn biết chắc mọi thứ sẽ diễn ra minh bạch và trung thực. Đây là lý do khiến blockchain sẽ là “kẻ làm thay đổi cuộc chơi”.

Custodio cũng chỉ ra hàng loạt ưu điểm của blockchain so với ngân hàng truyền thống, song cảnh báo những điểm này có thể mang đến tác động tốt lẫn xấu.

Với ngân hàng, khi đặt lệnh chuyển tiền cho người khác, ta thật sự không có quyền lực với chỗ tiền của mình.

Trong nhiều trường hợp ngân hàng có thể từ chối giao dịch, thậm chí đóng băng tài sản của ta. Blockchain giúp ta khỏi phải cậy ai, gửi là gửi, không sợ ai can thiệp. Blockchain cũng giúp ta hoàn thành giao dịch nhanh chóng mà không cần thủ tục, khai báo rườm rà.

Có thể thấy ngay mặt trái của những điều tiện lợi trên: gửi trực tiếp không qua trung gian, không sợ bị xét hỏi hay ngăn chặn, không lộ thân phận - tội phạm hay khủng bố cần thanh toán còn mong gì hơn thế?

blockchainmini
 

 

Công nghệ cách mạng?

Theo trang web của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WeForum), blockchain là công nghệ mang tính cách mạng vì có thể áp dụng cho bất kỳ loại giao dịch nào liên quan đến giá trị từ tiền tệ, hàng hóa đến bất động sản.

“Ứng dụng tiềm năng của công nghệ này gần như bất tận, từ thu thuế đến việc cho người di cư gửi tiền về quê nhà nơi hệ thống ngân hàng còn nhiều khó khăn” - tác giả Rosamond Hutt viết.

Blockchain cũng có thể ngăn lừa đảo vì mọi giao dịch đều được lưu trữ và phân phối trên sổ cái công khai, ai cũng có thể xem được. Về lý thuyết, khi công nghệ này trở nên phổ biến, bất kỳ ai có Internet đều có thể giao dịch bằng blockchain.

Các hãng lớn như UBS, Microsoft, IBM và PwC đều đang chạy đua áp dụng blockchain vào lĩnh vực đặc thù của mình. Một báo cáo của công ty tư vấn tài chính Aite ước tính các ngân hàng đã chi 75 triệu USD để nghiên cứu blockchain trong năm 2015.

Trong bài viết “Blockchain sẽ là hiện tượng lớn trong tương lai” ngày 19-9, The Next Web cho biết các hãng vận tải biển lớn như Maersk đã bắt đầu thử nghiệm dùng blockchain theo dõi các chuyến hàng từ cảng này sang cảng khác.

Walmart cũng đang thí điểm xem blockchain có thể theo dõi hàng hóa từ kho đến kệ hiệu quả hay không. Ngoài ra, các công ty tài chính, sức khỏe, thậm chí một vài chính phủ, cũng đang thử nghiệm hệ thống blockchain với nhiều mục đích khác nhau.

Tuy nhiên, như trang Inc.com cảnh báo, một trong các vấn đề cần giải quyết của blockchain là hệ thống cần khá nhiều thời gian để xác minh một giao dịch. Chẳng hạn, hệ thống bitcoin hiện mất đến 60 phút để xác minh một giao dịch mới.

Theo tạp chí Prospect (Anh), kể từ năm 2009 đến nay mới chỉ có 250 triệu giao dịch bitcoin được thực hiện, trong khi đó hệ thống thẻ tín dụng VISA xử lý đến 2.000 giao dịch mỗi giây.

Hiện có quá ít hình mẫu thành công với blockchain và trong lĩnh vực này chưa có một “ông lớn” nào nổi lên, như IBM đã làm với ngành công nghệ nói chung.

Ngoài ra, tính ẩn danh của giao dịch qua blockchain cũng là điều lo ngại và việc đề ra các quy định, luật lệ mới để điều chỉnh công nghệ này vẫn đang chậm. ■

Theo số liệu năm 2016 của Hội đồng Nghị sự toàn cầu (thuộc WeForum), chỉ có khoảng 20 tỉ USD, tức 0,025% GDP toàn cầu, đang được lưu trữ dưới các hình thức sử dụng blockchain. “Nhưng con số này chắc chắn tăng đáng kể trong vòng vài thập niên tới khi các nhà băng, hãng bảo hiểm và công ty công nghệ đều xem đây là cách để tăng các khoản thanh toán (settlements) và giảm chi phí” - Rosamond Hutt nhận định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận