TTCT - Tuổi thơ còn đâu khi chú gấu Pooh hay nai Bambi trở thành những kẻ giết người máu lạnh trên màn ảnh. Nhưng đây thực sự là một xu hướng làm phim mới ở Hollywood. Hình ảnh chú nai Bambi quen thuộc (trái) và cảnh trong phim The Ritua - cảm hứng để phát triển phiên bản "Bambi kinh dị".Phong trào "máu me hóa" các câu chuyện thiếu nhi kinh điển có vẻ đã xuất hiện từ vài năm trước, với hàng loạt phim như Snow White & The Huntsman (2012), Mirror, Mirror (2012), hay Red Riding Hood (2011) tái tưởng tượng truyện cổ tích thiếu nhi (Bạch Tuyết, Cô bé quàng khăn đỏ) thành các diễn cảnh bạo lực chỉ dành cho người lớn.Năm 2022 vừa có The Mean One, phiên bản kinh dị của câu chuyện Giáng Sinh How the Grinch Stole Christmas (khởi chiếu 9-12), và ít nhất hai dự án đã lên lịch cho năm sau: Bambi: The Reckoning và Winnie-the-Pooh: Blood and Honey."Phá nát tuổi thơ" kiểu HollywoodPhim hoạt hình Bambi, được Disney ra mắt lần đầu năm 1942, dựa theo tác phẩm xuất bản bằng tiếng Anh lần đầu năm 1928 của tác giả Áo - Hung Felix Salten (1869 - 1945), vốn đã khiến nhiều khán giả nhỏ trằn trọc khi kể câu chuyện về chú nai ngây thơ học cách sống sót sau khi người mẹ bị giết hại. Giờ đây, khán giả người lớn cũng sắp có cơ hội "được" mất ngủ với Bambi: The Reckoning, "một phiên bản kể lại đầy đen tối của câu chuyện gốc", theo lời đạo diễn Scott Jeffrey."Bambi sẽ là một cỗ máy chém giết ẩn mình trong rừng già. Hãy chuẩn bị đón nhận Bambi phiên bản phát dại!" - ông hùng hồn tuyên bố với trang Dread Central. Scott, người từng có kinh nghiệm "đen tối hóa" các câu chuyện thiếu nhi như Humpty Dumpty, cho biết ông sẽ hợp tác với biên kịch và đạo diễn Rhys Frake-Waterfield với dự án Bambi: The Reckoning.Mới đầu năm nay, cái tên Rhys Frake-Waterfield cũng đã khiến những người yêu truyện thiếu nhi chao đảo khi công bố Winnie-the-Pooh: Blood and Honey - một bộ phim lật ngược sự yên bình vốn có của gấu Pooh, biến cậu thành sát nhân điên loạn tìm cách trả thù người bạn Christopher.Đây không phải gấu Pooh mà chúng ta biết. Ảnh: Jagged Edge ProductionsNếu không có chiếc mặt nạ gấu Pooh và lợn Piglet được nhân vật kẻ sát nhân đeo, có lẽ chẳng ai nghĩ bộ phim lấy chung bối cảnh với câu chuyện gốc của nhà văn Anh A.A. Milne. Trailer của phim giống hệt một bộ phim slasher (chặt chém) hạng C với kinh phí thấp - Pooh và Piglet diện đồ giống người, đeo mặt nạ, vẽ chữ "Get Out" (cút đi) bằng máu lên cửa kính và bắt cóc những cô gái mặc bikini xấu số trong kỳ nghỉ giữa rừng sâu. Hai nhân vật phản diện không ngần ngại móc mắt, chém đầu các nạn nhân rồi tắm mình trong mật ong như một trò đùa đầy thách thức với câu chuyện gốc.Người xem có vẻ cũng nhận ra và đang bày tỏ sự ngán ngẩm với trào lưu này qua mạng xã hội. "Tôi ghét việc chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên của những trò đùa không vui, khi truyện thiếu nhi và cổ tích kiểu Disney biến thành phim kinh dị với đầy yếu tố tình dục và chất kích thích" - người dùng Twitter @ThePolishArtist than thở. "Kế tiếp chắc họ sẽ biến câu chuyện Goldilocks và ba chú gấu thành phim kinh dị mất" - một người dùng khác đùa.Hết bản quyền, tự do tung tẩyNguyên do lớn nhất dẫn đến sự bùng nổ của các tựa phim "đục khoét tuổi thơ" này trước hết là vì giờ đây người ta được phép làm thế mà không sợ bị kiện. Thông thường, khi muốn làm phim phái sinh hoặc châm biếm dựa trên các câu chuyện có sẵn mà không lo gặp rắc rối pháp lý, các nhà làm phim sẽ phải xin phép và trả phí bản quyền, hoặc đợi đến khi tác phẩm trở thành một phần của "miền công cộng" (public domain), nghĩa là hết hạn bảo hộ bản quyền - toàn dân tự do sao chép và chế tác.Tại Mỹ, theo trang Quartz, 2022 là năm những người ngày đêm chờ các tác phẩm lớn hết bản quyền "đại thắng", với những tác phẩm nổi tiếng chính thức trở thành public domain - ngoài Winnie-the-Pooh và Bambi và A Life in the Woods, còn có các tác phẩm đầu tay của Ernest Hemingway và William Faulkner.Bìa truyện chú nai Bambi xuất bản năm 1946.Một khi cầm trong tay quyền định đoạt những nhân vật được công chúng yêu mến, các nhà làm phim Mỹ hẳn biết mình cần làm gì để gây chú ý. Theo cây viết Stuart Heritage của The Guardian, Winnie The Pooh vốn được nhớ tới với vẻ điềm đạm hài hòa với vạn vật xung quanh mình - chú thậm chí còn được coi là một biểu tượng của Đạo giáo thời hiện đại."Pooh là một biểu tượng của cuộc sống đơn giản, luôn biết hạnh phúc vì được sống trong thế giới tươi đẹp này" - Heritage viết. Các nhà làm phim như Scott Jeffrey nhận ra điều này và đang tận dụng triệt để sự gây tranh cãi của "Pooh sát nhân" để quảng bá bộ phim. Chiêu trò này ngay lập tức có hiệu quả: Tờ Rolling Stone danh tiếng đã đăng đàn gọi bộ phim là "phá nát tuổi thơ" - một cơ hội hiếm có mà phim kinh phí thấp như của Scott khó lòng có được bằng cách nào khác. "Phim hay dở ra sao không quan trọng, quan trọng là nó đã lật đổ hình tượng trong sáng ngây thơ của Pooh" - Heritage nhận định.Còn một lý do khácHết bản quyền là một chuyện, nhưng Bambi hay gấu Pooh, và trước đó là những bộ phim về Bạch Tuyết và Lọ Lem, được chọn làm lại theo hướng "nặng đô" hơn còn vì một lý do khác: cổ tích thuở ban đầu chính xác là những câu chuyện rùng rợn và dữ dội, từ trước khi anh em nhà Grimm hay Hans Christian Andersen chạm tay đến chúng và kể lại thành các phiên bản phù hợp với trẻ em như ta biết ngày nay, theo tạp chí The Atlantic.Định nghĩa đương đại về truyện cổ tích được cho là bắt nguồn từ năm 1812, khi anh em Jakob và Wilhelm Grimm xuất bản tuyển tập truyện Children's and Household Tales - nay còn được biết đến với cái tên Truyện cổ Grimm. Các tác phẩm trong tuyển tập này đều là bản phóng tác từ các câu truyện dân gian châu Âu, mà nếu đọc bản gốc của nhiều truyện, cha mẹ chắc sẽ không bao giờ dám kể chúng cho con: The Juniper Tree kể về người mẹ kế giết con của chồng rồi xẻ thịt cho chồng ăn, trong khi Darling Roland mô tả người mẹ vung rìu chém con gái.Đứng trước những nội dung tàn bạo này, anh em nhà Grimm đã tạo nên dấu ấn cho riêng mình bằng cách lược bỏ toàn bộ các chi tiết man rợ để truyện phù hợp lứa tuổi thiếu nhi - cũng là thứ giúp tên tuổi của họ được ghi nhớ đến tận ngày nay. Poster phim gấu Pooh phiên bản kinh dị.Ảnh: IMDBTheo lời học giả Maria Tatar, tác giả cuốn sách The Hard Facts of the Grimms' Fairy Tales: "Wilhelm Grimm viết lại truyện cổ tích và loại bỏ các phân đoạn suồng sã một cách toàn diện - đến mức có thể gọi ông là người có công gọt sạch truyện cổ và biến chúng thành truyện thiếu nhi trong mọi nền văn hóa".Bên cạnh đó, không thể không kể đến đóng góp của nhà Walt Disney cùng thương hiệu mang tên mình trong việc "thiếu nhi hóa" truyện cổ. Bắt nguồn từ thành công của Snow White and the Seven Dwarfs (Nàng Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn) năm 1937 - phim nhựa hoạt hình đầu tiên của Disney, cũng là một trong 10 phim có doanh thu sau điều chỉnh lạm phát cao nhất mọi thời đại, một dòng phim mới đã ra đời, vĩnh viễn gắn các câu truyện cổ với sự thơ ngây và "sạch sẽ" của hoạt hình trên màn bạc.Theo lời học giả Maria Tatar, trào lưu "cổ tích người lớn" đang khiến những câu chuyện trở về gốc gác của mình - những lời "được kể ra khi người lớn quây quần với nhau sau khi trẻ con đã đi ngủ". Trong mô hình gia đình hiện đại, khi những đứa trẻ đã say giấc sau khi nghe truyện cổ Grimm, có lẽ cũng không quá đáng khi người lớn có thêm lựa chọn như Snow White & the Huntsman hay The Mean One - những phiên bản cổ tích dành cho riêng họ.■Một đòi hỏi chính đáng?Một tác phẩm thành công dĩ nhiên sẽ kéo theo hàng loạt các tác phẩm "ăn theo", trong đó không thiếu những tác phẩm châm biếm và giễu nhại tác phẩm gốc. Có thể kể đến series Fractured Fairy Tales vào thập niên 1960 hay Coal Black and de Sebben Dwarfs năm 1943. Tuy vậy, nếu các tác phẩm "chế" đời đầu vẫn phù hợp cho trẻ nhỏ thì các diễn biến gần đây có vẻ đang tạo ra các bộ phim mà chỉ người lớn mới được phép xem. Có lẽ cũng dễ hiểu, khi ta nhận ra rằng lứa khán giả từng yêu thích truyện cổ tích rồi cũng sẽ phải lớn lên. Một bộ phim đủ quen thuộc để thu hút sự chú ý của họ nhưng cũng đủ "người lớn" để giữ họ ở lại rạp hẳn sẽ thu hút được lượng người xem không nhỏ.Các nhà làm phim hẳn cũng nhận ra điều này. Từ đây, công việc của họ chỉ là "đào lại" các yếu tố tăm tối vốn có của truyện cổ tích và mang chúng trở lại màn ảnh. Các truyện như Cô bé quàng khăn đỏ vốn đã có những chỉ dấu không hề giấu giếm về bạo lực, tình dục và sự trong trắng không bao giờ lấy lại được. Đến đây, các đạo diễn như Neil Jordan (The Company of Wolves, 1984) hay Catherine Hardwicke (Red Riding Hood) không cần phải phóng tác nhiều - phim của họ, theo một nghĩa nào đó, đang trung thành với truyện gốc hơn cả phiên bản Disney. Tags: Phim hoạt hìnhTuổi thơGấu PoohTrẻ emCổ tích
Quốc hội Hàn Quốc yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật DUY LINH 03/12/2024 Rạng sáng 4-12 (giờ địa phương), Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật.
Chính thức: Nghỉ 9 ngày liền dịp Tết Nguyên đán 2025 HÀ QUÂN 03/12/2024 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có thông báo chính thức về việc nghỉ Tết Nguyên đán 2025.
Tổng thống Hàn Quốc ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp BÌNH AN 03/12/2024 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tối 3-12 đã ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập âm mưu nổi loạn.
Lê Tuấn Khang chỉ đang diễn và khán giả trẻ quá dễ dãi? THƯỢNG KHẢI 03/12/2024 'Mình xin lỗi nhưng mình coi mà thấy nhạt quá. Có lẽ vì không phải là người miền Tây nên không hiểu được'; 'Cộng đồng mạng có làm quá không?'... là những bình luận độc giả gửi về Tuổi Trẻ Online.