TTCT - “Mở cửa hay không mở cửa cho sinh viên” là câu hỏi đang làm đau đầu các trường đại học (ĐH) Mỹ, khi học kỳ mùa xuân đã trôi qua, các khóa học mùa hè đã được chuyển thành trực tuyến ở hầu hết các trường. Hai bức ảnh chụp tại ĐH Iowa (Mỹ): bức trên được chụp vào ngày cuối cùng của các lớp học bình thường theo lịch học, bức dưới vào ngày đầu tiên các sinh viên trường này chuyển qua học trực tuyến. Ảnh: The Daily Iowa Tất cả đều đối diện hàng loạt ẩn số: Sắp tới thì sao? Liệu có thể cứ tiếp tục học trực tuyến như thế, và cho đến bao giờ? Nếu không, thì chúng ta có lựa chọn nào khác? Các trường ĐH bang California tuyên bố sẽ tiếp tục dạy học trực tuyến trong học kỳ mùa thu này. Ở Hà Lan, các trường ĐH dự định tiếp tục dạy học trực tuyến đến tháng 2-2021. Hàn Quốc và Canada đang tiếp tục dạy toàn bộ qua trực tuyến và chưa biết đến lúc nào sẽ ngừng hay có quyết định khác. Ở Vương quốc Anh, chính phủ yêu cầu các trường chỉ nhận số lượng sinh viên trong giới hạn được phép để bảo đảm giãn cách tiếp xúc. Chính sách đó lập tức bị phê phán nặng nề vì nó không trả lời được câu hỏi “Tiền ở đâu để bù đắp cho khoản thiếu hụt?”. Ở Nigeria, chính phủ yêu cầu các trường ĐH chưa mở cửa lại để đón nhận sinh viên. Còn ở Malaysia, nơi các trường tư chiếm tỉ lệ cao tuyệt đối (462 trường ĐH&CĐ tư trong lúc chỉ có 21 trường công lập), việc đóng cửa dài hạn đồng nghĩa với sụp đổ cả hệ thống. Tình hình dịch bệnh ở Mỹ vẫn chưa có tiến triển khả quan. Tính đến ngày 26-5-2020, Mỹ có hơn 1,7 triệu ca nhiễm và gần 99,5 ngàn ca tử vong. Chưa có dấu hiệu tích cực gì về miễn dịch cộng đồng, không ai dám chắc là khi dỡ bỏ các biện pháp giãn cách tiếp xúc thì số ca nhiễm có tăng vọt hay không. Có quá nhiều thứ người ta chưa biết về coronavirus, nhưng lại có một điều gần như chắc chắn: người ta bắt đầu đồng tình với nhau rằng không thể tiếp tục tình trạng “đóng băng” hầu hết mọi hoạt động xã hội trong một thời gian vô hạn định. Nói cách khác, phải chấp nhận chung sống với đại dịch và tìm cách thích ứng. Tìm đường thích ứng Tuy mối lo ngại lây nhiễm là chung cho mọi loại hình hoạt động có đông người (nhà máy, văn phòng, tiệm ăn...), trường ĐH dường như phải đương đầu với nhiều rủi ro hơn, vì hầu hết sinh viên của họ đến từ những bang khác nhau, thậm chí từ nhiều nước khác nhau. Có trường có tỉ lệ sinh viên quốc tế lên đến trên 30% tổng số sinh viên, như ĐH New York, đặc biệt là các chương trình đào tạo sau ĐH ở Mỹ vốn có tỉ lệ sinh viên quốc tế cao hơn nhiều so với bậc ĐH. Một nhà khoa học ở Trường Y tế công, ĐH Harvard, TS Eric Feigl-Ding, cho rằng nước Mỹ có thể phải chịu đựng tình cảnh giãn cách xã hội hiện tại cho đến tận năm 2022, khi vắcxin có thể đưa vào sử dụng đại trà và năng lực tiếp nhận của các cơ sở y tế được cải thiện. Nhưng dường như ngay cả sau khi bị nhiễm coronavirus, người ta vẫn có thể tái nhiễm. Tương lai vì thế càng thêm mờ mịt. Tất nhiên, các trường đang chuyển nhiều môn sang dạy trực tuyến. Nhưng câu hỏi đặt ra là phải làm gì đối với những môn, những ngành mà việc thực tập tại phòng thí nghiệm, hay thực hành là vô cùng quan trọng, như những ngành điều dưỡng, y khoa, hóa sinh hay kỹ thuật, nơi việc học trực tuyến không thể đáp ứng được. TS Wayne A. I. Frederick, hiệu trưởng Trường ĐH Howard ở Washington, nói rằng tại trường này sinh viên chỉ dùng 20% thời gian để ở trên lớp, 80% thời gian còn lại là dành cho những hoạt động bên ngoài phòng học. Đây quả là một thách thức lớn. Các trường và sinh viên sẽ tái tạo hoạt động như thế nào cho 80% thời lượng ấy? ĐH Arizona nói họ hi vọng sẽ mở cửa trường trở lại vào mùa thu năm nay. Rất nhiều trường ĐH khác ở Mỹ và các nước có chung niềm hi vọng ấy, nhưng “hi vọng” thì rõ ràng không phải là một chiến lược. Đằng sau hi vọng này là nỗi lo lắng về nguồn thu để duy trì hoạt động của trường. Những tranh cãi về chi phí học online đã dấy lên tức thì từ những tuần đầu các trường chuyển qua dạy online, và hầu chắc rồi sẽ còn là những điểm gây tranh cãi lớn tiếp đây. Một điểm cần ghi nhận là nhiều giảng viên đã thay đổi nội dung giảng dạy của họ tập trung những vấn đề xung quanh chủ đề đại dịch coronavirus. David Sbarra, giáo sư tâm lý học ở ĐH Arizona, đã lập tức dành 100% thời gian còn lại của khóa học để thảo luận với sinh viên về những chủ đề như kiểm soát áp lực tâm lý hay trầm cảm, những vấn đề tâm lý nảy sinh trong việc giãn cách tiếp xúc xã hội, và những yếu tố tâm lý của quá trình ra quyết định trong vấn đề giãn cách... Calvin Zhang-Molina, phó giáo sư toán, thì cho sinh viên làm các dự án tốt nghiệp với các đề tài liên quan đến việc kết hợp giữa toán học, y tế công và làm chính sách trong giai đoạn đại dịch, chẳng hạn sử dụng việc mô hình hóa và tính toán các khả năng lây nhiễm trong những kịch bản khác nhau. Theo ông, việc sử dụng những phân tích toán học như thế có thể giúp thúc đẩy tư duy có lý trí, tránh định kiến và hoảng loạn trong giai đoạn khó khăn này. Ở Đức và Mỹ, các trường ĐH đã phải đóng cửa các phòng thí nghiệm từ tháng 2, nay mới khởi động mở cửa lại cho sinh viên thực tập thí nghiệm, với một quy trình làm việc mới nhằm bảo đảm giãn cách hết mức có thể: chia ca, giảm số người cùng làm việc trong một thời điểm, thiết kế lại khoảng cách vật lý giữa các chỗ ngồi. Nhưng đó là với những sinh viên đang học tại trường. Đối với việc tuyển sinh cho năm học mới, đó lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Vì thế, các trường ĐH ở Mỹ thậm chí đã phải cân nhắc tới viễn cảnh “mở cửa” trường kiểu mới, nghĩa là bắt đầu một năm học mới và khóa học mới mà không có mặt bất cứ sinh viên nào trong khuôn viên trường. Bởi vì nếu không làm thế, các trường không chỉ đối diện nguy cơ làm cho bệnh dịch bùng phát mà còn đứng trước câu hỏi rất khó khăn là liệu đón sinh viên đến trường trong bối cảnh dịch bệnh này có phải là một việc làm hợp đạo đức hay không. Ngay cả nếu họ thực hiện điều này, thách thức trước mặt vẫn còn rất nghiêm trọng. Một số lớn sinh viên, nhất là sinh viên quốc tế, đã ngần ngại hơn trước rất nhiều trong quyết định liệu có nên đóng tiền để học ĐH năm nay hay không, vì viễn cảnh thất nghiệp đang rõ rệt hơn bao giờ hết. Trong khi thu nhập của nhiều gia đình giảm sút do dịch bệnh, học phí ĐH ở Mỹ là cả một vấn đề nặng nhọc. Vai trò mới của các trường ĐH trong xã hội hậu đại dịch Có lẽ không quá lời khi GS Sir Steve Smith nói với Diễn đàn giáo dục quốc tế của các trường ĐH Vương quốc Anh năm 2020 rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ làm thay đổi giáo dục ĐH vĩnh viễn. Ông nói về những khó khăn, nhưng nhấn mạnh hơn tới những gì các trường ĐH cần làm trong giai đoạn hồi phục hậu đại dịch. Các trường ĐH phải là một phần quan trọng trong những nỗ lực đấu tranh chống lại coronavirus, nghiên cứu để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong đại dịch. Đại dịch cho thấy giá trị cốt lõi của hoạt động nghiên cứu khoa học trong việc bảo đảm sức khỏe cộng đồng và vai trò trụ cột của nó đối với kinh tế. Giáo dục xuyên quốc gia và những hoạt động nhằm thu hút chất xám toàn cầu càng quan trọng hơn nữa sau đại dịch, bởi nó củng cố mạng lưới hợp tác và đối tác toàn cầu. GS Steve Smith nhấn mạnh rằng đại dịch đã cho thấy chuyên gia và tri thức chuyên môn có giá trị quan trọng ra sao. “Thật là hứng khởi khi thấy khoa học đã dẫn dắt quá trình ra quyết định như thế nào trong đại dịch” - ông nói. Vì thế, trong khi một số trường lo lắng rằng việc không có đủ sinh viên sẽ làm cho các trường phá sản, vẫn có một triển vọng sáng sủa cho những trường nhanh chóng thay đổi và minh chứng được giá trị của mình qua những đóng góp cả trước mắt lẫn lâu dài cho xã hội. Có thể các trường sẽ không còn giống như xưa, nhưng dù biến đổi thành hình thái gì đi nữa, dù trực tiếp hay trực tuyến, thì các trường ĐH vẫn sẽ là cột trụ neo giữ những giá trị tinh thần quan trọng của xã hội, là chiếc cầu nối giữa hiện tại, quá khứ và tương lai, là sợi dây liên kết những trí tuệ nổi bật bất kể biên giới quốc gia và là chứng nhân của lịch sử.■ Tags: Sinh viênTrường đại họcHậu đại dịchVai trò mớiĐóng cửa đại họcPhá sản đại học
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.