TTCT - Cuộc cải cách tên gọi các chất trong môn hóa học ở cấp III, bắt đầu từ năm học này, đã gây tranh luận không thể tránh khỏi, nhưng nó cũng có thể trở thành một tiền lệ cho kiểu học tích hợp vẫn được ủng hộ lâu nay. Ảnh: PinterestVới cuộc cải cách này, nói thí dụ, kim loại duy nhất ở dạng lỏng trong điều kiện tiêu chuẩn về nhiệt độ và áp suất với số hiệu nguyên tử 80 giờ có vài tên gọi khác nhau: Hg (ký hiệu trên bảng tuần hoàn, từ tiếng Latin hydrargyrum, mà tới lượt nó bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: hydor, nghĩa là nước; và argyros, nghĩa là bạc), mercury (tên tiếng Anh, danh pháp hóa học khuyến nghị của Liên minh quốc tế về hóa học lý thuyết và ứng dụng IUPAC), và tên gọi quen thuộc lâu nay: thủy ngân.Jurgen Renn viết trong The Evolution of Knowledge (Sự tiến hóa của tri thức, in lần đầu năm 2020) rằng hình thức biểu đạt của tri thức cũng quan trọng ngang với, thậm chí còn quan trọng hơn, chính tri thức được biểu đạt. Đó là một nhận định rất phù hợp để nói về cuộc cải cách tên gọi hóa chất trong chương trình giáo dục cấp III, trước những ý kiến trái chiều. Những lập luận phản bác - học trò không quen đọc tên chất, thầy cô giáo gặp khó khăn khi dạy, ngôn ngữ ngoại lai quá mức... - đều có sức nặng nhất định.Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Thị Oanh, trưởng tiểu ban xây dựng và phát triển chương trình giáo dục phổ thông môn hóa học 2018, đã giải thích khá đầy đủ lý do của cuộc cải cách: chương trình mới dựa trên bốn nguyên tắc: khoa học, thống nhất, hội nhập và thực tế. Thật vậy, đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử giảng dạy phổ thông ở Việt Nam, có một môn học áp dụng quy chuẩn quốc tế để gọi tên ít ra là một phần quan trọng của môn đấy.Cho tới khi tiêu chuẩn IUPAC được áp dụng để gọi tên chất cho môn hóa từ năm học này, việc gọi tên chất hóa học ở Việt Nam không phải là thiếu tính khoa học hay thống nhất. Nhưng do đặc thù tiếp nhận tri thức muộn của Việt Nam, đặc biệt là tri thức khoa học hiện đại, ngôn ngữ dùng để biểu đạt những tri thức đó nhiều khi thiếu nhất quán, và quả thật không đảm bảo được hai yêu cầu thiết yếu khác với cả người học và người dạy mà những người soạn thảo chương trình môn hóa học đã nêu: tính hội nhập và tính thực tế.Tính hội nhập và thực tế đấy thể hiện qua, nói ví dụ, khả năng cập nhật tên các chất mới, vì trong hóa học nói riêng, và khoa học nói chung, có thể dẫn lời Waldo Tobler, "mọi thứ đều liên quan tới mọi thứ khác". Nói ví dụ, trước đây học sinh vẫn gọi muối ăn, có ký hiệu hóa học NaCl là natri clorua, trong khi tên IUPAC của chất này là sodium chloride.Vào năm 2010, một hóa chất hoàn toàn mới được tổng hợp trong phòng thí nghiệm có công thức là: C14H27NaO5S, tên gọi IUPAC của nó là: sodium;1-hydroxy-3-oxotetradecane-1-sulfonate. Tất nhiên ở Việt Nam nếu muốn, ta vẫn có thể biểu đạt tên chất này bằng "natri..." thay vì "sodium...", nhưng rất nhiều vấn đề lập tức nảy sinh: các hợp chất mới ngày nay xuất hiện liên tục, việc cố gắng xây dựng một hệ thống tên gọi tiếng Việt riêng sẽ quá phức tạp và bất tiện đến mức khó khả thi. Đây chính là ý nghĩa của "tính thực tế" trong ý đồ của những người áp dụng IUPAC vào chương trình cấp III.Lùi lại lịch sử một chút, trước khi khoa học phương Tây xâm nhập vào Việt Nam cùng người Pháp, tri thức khoa học mà Việt Nam có được thường là những diễn giải qua đường Trung Hoa. Chính vì vậy mà những đơn chất quen thuộc với đời sống thường là từ Hán - Việt: đồng, bạc, hay thủy ngân (nghĩa là bạc nước, được dịch thẳng từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Hoa)... Sau đó là một giai đoạn ít ra là 3/4 thế kỷ mà sự biểu đạt tri thức khoa học, ít ra là ở cấp độ trường phổ thông, được Việt hóa quyết liệt thông qua nỗ lực của rất nhiều nhà khoa học thời kỳ độc lập, rồi thống nhất, với ảnh hưởng tiếp tục rõ ràng của tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, và cả tiếng Nga.Nay thì giáo dục phổ thông và sự biểu đạt tri thức ở Việt Nam đang đứng trước một ngả rẽ nữa: sự áp đảo của tiếng Anh trên phạm vi toàn cầu và thời đại số hóa. Sự tiếp nhận tri thức và những từ vựng để biểu đạt tri thức bằng tiếng Anh dần trở thành một xu thế khó cưỡng lại, nhất là với một nền khoa học còn èo uột như Việt Nam. Thôi thì ta cứ xem cách gọi chất hóa học mới là một kiểu học tích hợp vậy.■ Tags: Môn hóa họcKiến thức hóaPhiên âmNgôn ngữTích hợpGiáo dụcCải cách
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.