Cái nhìn mới về nghèo

DU LONG 09/11/2018 22:11 GMT+7

TTCT - Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) định nghĩa “ngưỡng nghèo cùng cực của các nước thu nhập trung bình thấp” (tức bao gồm Việt Nam) là “dưới 3,2 USD/ngày” (tương đương hơn 75.000 đồng). WB cũng cam kết vào năm 2030 sẽ đạt mục tiêu xóa nghèo cùng cực.

Nỗi ám ảnh về GDP cần chấm dứt. Ảnh: Financial Times
Nỗi ám ảnh về GDP cần chấm dứt. Ảnh: Financial Times

 

Báo cáo “Nghèo đói và thịnh vượng chung: Chung tay giải bài toán đói nghèo” của WB (dưới đây gọi là báo cáo), công bố hôm 17-10, đã đưa ra một nhận xét rất sát thực tế nhiều nước: “Kinh tế toàn cầu có tiến bộ và tiến bộ đó đồng nghĩa với việc dù số người nghèo cùng cực giảm đi, vẫn còn đến gần một nửa dân số thế giới, tức là 3,4 tỉ người, đang chật vật để đáp ứng các nhu cầu cơ bản”.

Thoát nghèo và biết chia sẻ

Quả thật trên bình diện toàn cầu, nghèo khó đã giảm. 5 năm trước, WB đặt ra hai mục tiêu bao quát: (1) chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030; và (2) thúc đẩy sự thịnh vượng chung bằng cách tăng thu nhập của 40% dân số ở mỗi quốc gia.

5 năm sau, WB cho biết thế giới tiếp tục tiến bộ, hướng tới xóa đói giảm nghèo và đến năm 2015, chỉ còn khoảng 1/10 dân số thế giới phải sống trong nghèo đói cùng cực - tỉ lệ nghèo thấp nhất trong lịch sử thành văn.

Đây là một thành tựu ấn tượng, nếu so với năm 1990, khi hơn 1/3 dân số trái đất sống trong nghèo đói cùng cực; còn so với báo cáo về tình trạng nghèo toàn cầu cách đây hai năm, số người nghèo đã giảm được 68 triệu người.

Thế nhưng nếu trong thời gian qua, tính từ năm 1990, khi tỉ lệ nghèo cùng cực còn là 36% và đến năm 2015 xuống còn 10% mà thôi, thì từ sau năm 2015, tốc độ giảm nghèo cùng cực đang bắt đầu chậm lại, và “hi vọng” là xóa được nghèo cùng cực hoàn toàn vào năm 2030.

Bài toán này đặt ra trong bối cảnh chung là tính đến năm 2015 vẫn còn hơn 1,9 tỉ người, chiếm 26,2% dân số thế giới, tức cứ khoảng 4 người thì có 1 người, đang sống dưới mức 3,2 USD/ngày (ngưỡng nghèo của các nước có thu nhập trung bình thấp), và gần 46% dân số thế giới, tức khoảng 2 người thì có 1 người, đang sống dưới mức 5,50 USD/ngày (ngưỡng của các nước có thu nhập trung bình cao).

Cần lưu ý, hai ngưỡng 3,20 USD và 5,50 USD này mới được WB nâng lên (báo cáo, trang 13). Quyết định nâng ngưỡng nghèo trong thực tế cũng chỉ để, nói theo dân gian, đuổi theo vật giá.

Nghèo không đơn giản là thu nhập bao nhiêu mỗi ngày, càng không quy đổi theo chuẩn Việt Nam, mà còn gồm nhiều thứ khác, mà báo cáo nêu ra trong một nhận xét hoàn toàn mới: “Nhiều nơi trên thế giới đã thoát khỏi nghèo cùng cực, song nghèo đói ngày càng thâm căn cố đế hơn và khó nhổ tận gốc hơn ở một số vùng nhất định, đặc biệt là ở các nước mang gánh nặng bạo lực và có thể chế yếu”. Tại sao báo cáo lại nói rằng nghèo đói đã “thâm căn cố đế” (tạm dịch từ chữ “entrenched”)?

Vấn đề ở chỗ vẫn còn đó một vấn đề tuy là cũ song lại mới và vô cùng lớn, được Chủ tịch WB Jim Yong Kim giải thích: “Theo truyền thống, đói nghèo được đo ở cấp độ hộ gia đình. Nhưng vì có sự bất bình đẳng trong các hộ gia đình, chắc chắn có những người sống trong cảnh nghèo đói ở các hộ gia đình không nghèo”.

Chính thực tế “có những người sống trong cảnh nghèo đói ở các hộ gia đình không nghèo” mà cái nghèo ngày càng “bám rễ”.

Có thể nhận ra sự thay đổi trong cách nêu vấn đề như trên của chủ tịch WB. Các ngưỡng nghèo hay các tỉ lệ nghèo chỉ là những con số có ý nghĩa trong những báo cáo, thực tế thì thiên hình vạn trạng và đau đớn hơn thế nhiều: những người nghèo đang phải sống giữa những người không nghèo, thậm chí là giàu và vô cùng giàu, và có khi sự sống đan xen như thế khiến một số người “không nghèo” không hoan nghênh.

Chủ tịch WB viết tiếp: “Mục tiêu kép (của WB) kết liễu nghèo đói cùng cực và thúc đẩy sự chia sẻ thịnh vượng sẽ tiếp tục hướng dẫn công việc của chúng tôi”.

Mục tiêu đầu tiên, xóa nghèo cùng cực vào năm 2030, là chuyện bề nổi, còn mục tiêu thứ nhì, chia sẻ thịnh vượng, là chiều sâu. Hay nói khác hơn, định lượng và định tính. Mục tiêu thứ hai cần được nhấn nhá suy ngẫm trong thực tế khách quan, để từ đó hình dung một chiến lược giáo dục cách “sống chia sẻ” theo mong muốn của WB.

Cả hai vấn đề này, và đặc biệt là vấn đề sau, về giáo dục tư duy “sống chia sẻ”, gắn chặt với cái bẫy “các thể chế yếu” mà WB đã khuyến cáo rõ ràng. WB cũng đưa ra giải pháp đề nghị: “Cần tăng cường đối thoại về chính sách, giám sát phúc lợi và đối thoại về chính sách ở cấp quốc gia… Điều này đặc biệt cần ở các nước có thu nhập trung bình”.

Đây cũng chính là khuyến nghị Việt Nam cần hết sức lắng nghe khi mà, theo bà Caitlin Wiesen - giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam: “Việt Nam có thể tự hào về tiến bộ đạt được trong giảm nghèo đa chiều, giúp 6 triệu người thoát nghèo trong 4 năm (từ 2012-2016), theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Song, thách thức đặt ra là cần giải quyết tình trạng nghèo thâm căn cố đế, tập trung ở các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống trong các vùng địa lý khó khăn”.

Báo cáo của WB có nhắc tới một cách nhìn khác về nghèo qua Báo cáo bất bình đẳng thế giới 2018 (World Inequality Report 2018, WIR), theo đó, “sự bất bình đẳng ngày càng lan rộng trong những thập niên qua, và những người giàu nhất ở mỗi nước ngày càng tăng phần của mình trong thu nhập quốc gia theo một tốc độ đáng báo động”.

Thôi ảo giác GDP

Chính vì cần chú trọng hơn vào bất bình đẳng, đã đến lúc nên bớt cân đong sự phát triển và tiến bộ, nhất là về mặt xã hội, bằng tỉ lệ tăng trưởng GDP. Trong các chỉ số đo lường khác, có hệ số GINI dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước. Đó là lý do mà trong báo cáo rất thường nhắc tới khác biệt bất bình đẳng giữa các vùng miền.

Cũng từ quan điểm chung đó, những góc nhìn khác với tiến bộ cũng thay đổi. Tỉ như về lao động, thay vì quá chú trọng vào các con số, cần thêm những thước đo khác: “Một chiều kích thường được thể hiện trong các chỉ số phúc lợi đa chiều là việc làm với một công việc ổn định, tôn trọng nhân phẩm (tạm dịch từ “dignified”).

Công ăn việc làm có thể quan trọng không chỉ vì lợi ích tài chính mà cá nhân nhận được từ công việc đó, mà bởi công việc đó có thể mang lại cho người lao động cảm giác tự tin và giúp họ kết nối với xã hội” (trang 116). “Tôn trọng nhân phẩm” có lẽ là ý quan trọng nhất trong tư duy hoạch định chính sách. Hãy cho mọi công dân cảm giác được tôn trọng như nhau, đó là một cách chia sẻ thịnh vượng mà WB khuyến cáo, chớ không đòi chia sẻ tiền bạc.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận