Canh bạc tên lửa mới của Triều Tiên 

DANH ĐỨC 08/07/2017 21:07 GMT+7

TTCT- Vụ thử tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên chắc chắn không phải là vụ thử cuối cùng. Vấn đề là cái đà không phanh đó lại chẳng hay ho chút nào cho hòa bình thế giới.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 trong quá trình phóng thử nghiệm -REUTERS
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 trong quá trình phóng thử nghiệm -REUTERS

 

Hôm 4-7, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên của mình, mà theo Bình Nhưỡng, có thể đạt tới “bất cứ nơi nào trên thế giới”. Đây là quả tên lửa thứ 17 được phóng đi kể từ tháng 2-2017 trong 11 lần phóng từ tầm ngắn, tầm trung tới tầm liên lục địa như lần này.

Mặc cho phản ứng từ khắp thế giới, 11 vụ thử liên tiếp đó cho thấy Triều Tiên đã tiến triển nhanh chóng về mặt kỹ thuật, kể cả trong lĩnh vực tên lửa hành trình trên mặt biển qua vụ phóng bốn quả loại này hôm 8-6.

Làm chủ công nghệ 

Muốn hay không, CNN hôm 4-7 cũng đã đánh giá rằng “2017 đã là một năm tiến bộ nhanh chóng của chương trình tên lửa Triều Tiên”.

Chuỗi thử tên lửa này, nằm trong mục tiêu phát triển tên lửa và hạt nhân cố hữu của Bình Nhưỡng, là bắt buộc để hoàn thiện công nghệ tên lửa. Điều này tương tự quá trình thử hạt nhân trước đó để hoàn thiện công nghệ, bắt đầu là thử một vật thể hạt nhân, lần hồi tích hợp thành những quả bom hạt nhân, sau đó nâng lên quy mô cao hơn là bom nhiệt hạch.

Việc chính quyền Trump cuối cùng đã chính thức xác nhận rằng quả tên lửa Triều Tiên vừa phóng đích thực là một tên lửa liên lục địa chính là một xác thực, trớ trêu thay, rằng Triều Tiên nay đã bước đầu làm chủ công nghệ tên lửa.

Điều này đã được báo trước bằng vụ phóng thử tên lửa đầu năm ngoái, với mục tiêu công khai là để đưa một vệ tinh vào quỹ đạo, động thái mà nhà phân tích nói là cần thiết với việc phát triển một tên lửa liên lục địa.

The New York Times cùng trong ngày 4-7 ghi nhận rằng “các nhà phân tích đã bị ấn tượng bởi sự tiến bộ nhanh chóng và vững chắc trong các chương trình tên lửa của Triều Tiên”.

Theo đó, Triều Tiên có vẻ đã nắm bắt được các công nghệ phức tạp cần thiết để chế tạo một tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân đáng tin cậy cũng như bí quyết tách riêng đầu đạn hạt nhân và hướng dẫn nó tới mục tiêu.

Bình Nhưỡng hiện được cho là đang ở giai đoạn cuối của hành trình: kiểm tra công nghệ đưa đầu đạn “về lại” trái đất qua lọt “bức tường” nhiệt và ổn định đường đi của quả đạn.

Theo lời David Wright, một giám đốc của Chương trình an ninh toàn cầu (GSP) (Liên đoàn Các nhà khoa học có lương tâm), so với tên lửa thử nghiệm năm ngoái rất ư cồng kềnh, tên lửa hôm 4-7 dường như sử dụng một loại nhiên liệu khác và được trang bị động cơ tốt hơn.

Các bức ảnh do Bình Nhưỡng công bố cho thấy tên lửa này đủ nhỏ để chở được bằng xe tải.

Mặt khác, quả tên lửa hôm 4-7 đã mất 37 phút để bay 930km đồng nghĩa nó phải có một quỹ đạo tầm cao, có lẽ đạt độ cao hơn 2.700km, tức sẽ có tầm bắn tối đa khoảng 6.700km.

Dẫu sao, theo David Wright, phạm vi sáu, bảy ngàn kilômet đó mới chỉ đủ để tên lửa loại này vươn tới bang Alaska, chứ chưa đủ để vào đại lục Mỹ hoặc các hòn đảo lớn của Hawaii.

“Đấu” với Mỹ cái đã 

Song, đó mới là hiện trạng hôm nay. Vấn đề là sẽ đến lúc Triều Tiên đạt được trình độ thực sự bắn đến bất cứ nơi nào tùy ý, lúc đó sẽ ra sao?

Đây chính là câu hỏi mà thế giới đã và đang đặt ra, gồm cả đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như các tổng thống tiền nhiệm, từ ông Bill Clinton đến ông George W. Bush rồi ông Barack Obama, từ trào ông Kim Jong Il tới trào ông Kim Jong Un hiện nay.

Ngày đó xem ra không xa lắm: Michael Hayden, giám đốc CIA (từ 2006-2009), tin rằng nếu tiếp tục với tốc độ hiện tại, Bình Nhưỡng có thể phát triển một tên lửa có thể bay được tới Seattle và mang một đầu đạn hạt nhân tự chế tạo thậm chí trước khi nhiệm kỳ này của ông Trump kết thúc.

Các trào tổng thống Mỹ trước đều đã có những nỗ lực đàm phán hoặc cố gắng ngăn cản bằng các nghị quyết lên án và trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Các nỗ lực đó có lúc cũng có lúc đạt được gì đó, khiến Triều Tiên (dưới trào ông Kim Jong Il) tạm dừng các chương trình vũ khí hủy diệt, song kết cục vẫn là đổ vỡ, nhất là từ sau khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền thay cha.

Từ đó tới nay, hai bên chưa hề có một thoáng tạm hòa hoãn. Càng đáng ngại hơn khi bên phía Mỹ, dưới trào ông Donald Trump, căng thẳng ngày càng tăng với những dọa nạt - đối đáp qua lại giữa hai ông Trump và Un.

“Chuyện dài” om sòm này bắt đầu từ ngày 2-1 năm nay khi ông Trump còn chưa nhậm chức, với lời đe “ra mắt” trên Twitter của ông này: “Bắc Triều Tiên vừa khẳng định đang ở giai đoạn chót của việc phát triển một vũ khí hạt nhân có khả năng bắn tới một số chỗ ở nước Mỹ. Điều đó sẽ không xảy ra được đâu!”.

Như mọi cuộc răn đe nhau khác, có thể có những diễn biến sau:

(1) hai bên cùng to tiếng qua lại, va chạm không xảy ra hoặc chỉ “đấu võ mồm”.

(2) một bên tiếp tục lớn tiếng, bên kia im hơi lặng tiếng và chịu trận.

(3) một bên tiếp tục lớn tiếng, bên kia kêu bên thứ ba phân xử.

(4) một bên tiếp tục lớn tiếng, bên kia im lặng mài dao, mai phục và thỉnh thoảng tung một đòn đích đáng.

(5) một bên chỉ lớn tiếng mà không dám động thủ, bất quá nhờ hàng xóm hay sen đầm can thiệp...

Triều Tiên, một nước châu Á, thuộc nhóm thứ tư, chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ mài dao.

Trong thực tế, ngay trước ngày ông Trump nhậm chức hôm 20-1, tình báo Mỹ cho biết hôm 19-1, vệ tinh quan sát được hoạt động sôi nổi ở khu vực nhà máy tên lửa Chamjin về phía tây nam Bình Nhưỡng, có vẻ như để chuẩn bị phóng hai tên lửa liên lục địa.

10 ngày sau, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis được báo cáo ngay khi sắp sửa bắt đầu công du châu Á, rằng căn cứ ảnh vệ tinh, Bình Nhưỡng đang chuẩn bị tái khởi động lò phản ứng plutonium ở nhà máy Yongbyon.

Sau hai lần “mài dao”, sáng 12-2 Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo có tên là Pukguksong-2. Đây không đơn giản là vụ thử tên lửa đầu tiên dưới trào Tổng thống Trump, mà còn là vụ thách đố trực tiếp đầu tiên: vụ thử tên lửa diễn ra ngay khi ông Trump đang tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Mỹ.

Vụ phóng tên lửa ngay “trước mặt” hai ông Trump và Abe tương ứng tình huống thứ tư nêu trên: mặc cho một bên la ó, đe dọa, bên kia lẳng lặng mài dao và tung đòn.

“Nắm tẩy” được ông Trump, Bình Nhưỡng cứ thế mà im ỉm chuẩn bị: hôm 6-3, thử 4 tên lửa đạn đạo cùng lúc, ba quả rơi cách bờ biển Nhật chỉ 370km.

Ông Trump lại la ó hôm 2-4 rằng Mỹ sẽ một mình ra tay ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nếu Trung Quốc không xoay chuyển được tình hình, chỉ vài ngày trước khi ông Tập sang Mỹ gặp ông Trump.

Hai ngày sau cảnh cáo của ông Trump, Triều Tiên phóng tiếp hai tên lửa đạn đạo ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Cứ thế, ông Trump càng đe, Bình Nhưỡng càng phóng tên lửa.

Lần này cũng thế, ông Trump vừa cảnh cáo hôm chủ nhật, sáng thứ ba, tên lửa của Bình Nhưỡng lại rời bệ phóng.

Phản ứng lần này cũng lại bằng Twitter: “Bắc Triều Tiên vừa phóng tên lửa nữa. Tay này (Kim Jong Un) chẳng có gì hay hơn để làm với đời mình hay sao ấy? Khó mà tin rằng Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ phải chịu đựng điều này nữa. Có lẽ Trung Quốc sẽ có một động thái mạnh mẽ hơn để chấm dứt trò vô nghĩa này ”.

Cách phản ứng kiểu đó của ông Trump không được chính giới Mỹ hoan nghênh. Thượng nghị sĩ Edward J. Markey của Tiểu ban đối ngoại thượng viện phiền trách: “Thay vì bực dọc trên Twitter bâng quơ như thế, Tổng thống Trump nên đáp trả bằng một sách lược mạch lạc hơn với Bình Nhưỡng”.

Thói quen Twitter của ông Trump đã và đang làm hại chính ông khá nhiều, tỉ như càng làm trầm trọng hơn quan hệ với một bộ phận dòng chính của báo chí Mỹ.

Cộng thêm thói quen “trả lời phỏng vấn” một số đài “ruột” càng khiến ông tự cho phép có những “tâm sự” lẽ ra cần kín đáo hơn.

Như trong cuộc phỏng vấn với Đài CBS, phát sóng hôm 30-4, ông Trump bất ngờ khen ngợi ông Kim Jong Un: “Ông ấy phải đối phó với những người rất cứng rắn, đặc biệt là nhiều tướng lĩnh lão luyện...

Tuổi đời còn rất trẻ mà ông ấy đã có thể tiếp quản lãnh đạo đất nước... Tôi chắc rất nhiều người cố giành lấy quyền lực đó. Có thể là người dượng hoặc bất cứ ai khác. Vậy mà ông Kim vẫn giữ được quyền lực. Rõ ràng ông ấy là người khá thông minh”.

Những phát biểu "khơi khơi" như thế trong bối cảnh tình hình Triều Tiên nóng như lửa đốt và rối như tơ vò khiến giới quan sát ở Mỹ bực dọc “Chính quyền Trump có một chiến lược hay không, tôi chẳng thấy bằng chứng gì cả.

Họ đã tự mâu thuẫn trong hầu hết các chiến lược họ trình bày. Có những lúc họ hùng hổ bực dọc, song khi khác lại tỏ ra đã từ bỏ chọn lựa quân sự. Tôi nghĩ Trump không có chiến lược, chẳng có lòng tin và không có nguyên tắc gì cả” - nhà bình luận Jeffrey Goldberg viết trên trang New Republic.

Những trói buộc quốc tế 

“Gót chân Achilles” trong ứng xử của Mỹ với Triều Tiên trước hết là luật pháp quốc tế, với Liên Hiệp Quốc, cụ thể là Hội đồng Bảo an, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, đã “đều đặn” chế tài các vi phạm của Triều Tiên bằng đủ loại nghị quyết lên án, cấm và trừng phạt, như ý Mỹ hết.

Cho dù có muốn “qua mặt” Liên Hiệp Quốc như ông Bush “con” đã làm năm 2003 với Iraq, thì trường hợp Triều Tiên lại không cho phép.

Cơ bản, Triều Tiên không “một thân một mình” như Iraq. Quan trọng không kém, Triều Tiên nắm lá bài tẩy "không gian sinh tồn" của Hàn Quốc, và có thể cả Nhật Bản nữa. Động thủ với họ gần như chắc chắn sẽ tác động dây chuyền khó tưởng tưởng nổi.

Bởi thế, không lấy làm lạ tại sao Triều Tiên lại thử tên lửa liên lục địa hôm 4-7, ngay trong ngày lễ Độc lập của nước Mỹ.

Vụ thử này diễn ra chỉ bốn ngày sau khi ông Trump tiếp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ở Nhà Trắng và ra thông cáo chung “tái khẳng định cam kết chống trả lại mối đe dọa hòa bình và an ninh ngày càng tăng đặt ra bởi các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo...”.

Những diễn tiến đó cũng tới chỉ không đầy hai ngày sau khi ông Trump gọi điện thoại cho ông Tập và ông Abe. Có vẻ vụ phóng tên lửa thứ 17 này của Triều Tiên không chỉ thành công về mặt kỹ thuật.

Thế bế tắc này chắc chắn phải cần tới những giải pháp mới.■

“Tổng thống Donald J. Trump hôm nay đã nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc. Tổng thống Trump đã nêu lên mối đe dọa ngày càng tăng do các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên. Cả hai nhà lãnh đạo đều xác nhận lại cam kết của họ đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”

(Trích thông cáo báo chí ngày 2-7 của Nhà Trắng)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận