Cannes cũ mà mới

KIM NGÂN 22/05/2011 19:05 GMT+7

TTCT - Như mọi năm, Liên hoan phim Cannes sôi nổi cả tháng trước, ngay sau khi loan báo danh sách 49 phim được tuyển chọn tranh các giải khác nhau, để rồi đạt đến đỉnh cao vào tối bế mạc, chủ nhật 22-5.

Lars Von Trier, kẻ phá phách của điện ảnh
Bị đuổi khỏi liên hoan Cannes vì ủng hộ Hitler

Phóng to
Apphich LHP Cannes lần thứ 64 - Ảnh: lyricis.fr

1. Để lọt vào danh sách 49 bộ phim được tuyển chọn này, phải qua mặt hơn... 1.700 bộ phim gửi đến tranh giải từ khắp thế giới để mơ đến Cành cọ vàng, cũng là mơ sánh vai với những “tượng đài sống” của điện ảnh thế giới như Woody Allen, Pedro Almodóvar, Terrence Malick... Thậm chí với Aki Kaurismaki của Phần Lan, Lars von Trier của Đan Mạch, Naomi Kawase của Nhật...

Tại sao các “vì sao sáng” ấy vẫn cứ đem phim dự tranh Cành cọ vàng, khi mà số giải thưởng họ từng “ẵm” còn nhiều như số hành tinh chạy quanh Trái đất? Đếm sơ sơ cũng thấy Allen từng đoạt bốn giải Oscar, hai giải César, hai giải Quả cầu vàng, hai giải Thành tựu của Liên hoan phim Venice và của Hiệp hội Đạo diễn Mỹ, chưa kể giải Cành cọ vàng (năm 2002).

Với Almodóvar, chỉ riêng Todo Sobre Mi Madre (Tất cả về mẹ tôi) năm 2000 đã đem về cho ông giải Oscar phim nước ngoài hay nhất, giải đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim Cannes, hai giải BAFTA (Anh) phim nước ngoài hay nhất và kịch bản hay nhất, giải César phim hay nhất. Chẳng qua họ muốn tiếp tục khẳng định vị trí tột đỉnh toàn cầu của Liên hoan phim Cannes và qua đó cổ vũ các đạo diễn chưa thành danh rằng còn sống thì còn làm phim cho rõ hay như họ.

2. Xem xong phim Midnight in Paris (Nửa đêm ở Paris) của Woody Allen được trình chiếu khai mạc Liên hoan phim ngày 11-5, nhà phê bình điện ảnh Baz Bamigboye của tờ Daily Mail (Anh) đã viết: “Allen đã nắm bắt được vẻ đẹp của Paris, Paris mà chúng ta từng quen biết qua văn chương và điện ảnh.

Việc chọn Bruni vào vai hướng dẫn viên du lịch là tinh tế. Sự xuất hiện của Bruni quả đã “chạm đến đẳng cấp”. Tôi cá rằng số du khách đến Paris sẽ tăng vọt sau khi phim này công chiếu, để xem Paris ngoạn mục như thế nào và Bruni duyên dáng đến đâu”. Cô đào Bruni “hướng dẫn viên du lịch” ấy không ai khác hơn là đương kim đệ nhất phu nhân Pháp, tên đầy đủ là Carla Bruni-Sarkozy.

Còn đạo diễn Almodóvar nói về bộ phim dự tranh của mình trên nhật báo El Pais như sau: “Đây là bộ phim khó nhất mà tôi từng làm, khi tiến đến sát thể loại phim kinh dị mà tôi chưa từng làm. Có một cái gì đó thôi thúc tôi đừng tuân thủ bất cứ quy tắc nào”.

Cũng thế, Lars von Trier, giải Cành cọ vàng năm 2000 cho bộ phim nhạc kịch Dancer in the dark (Vũ công trong bóng tối) mới chỉ là một trong vô số giải điện ảnh quốc tế các thể loại của ông, năm nay trở lại với Melancolia (Buồn) như một thách thức “tắm hai lần trên cùng một dòng sông” khi mời Charlotte Gainsbourg từng đoạt giải “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” năm 2009 trong Antichrist (Phản - thượng đế) của ông.

Terrence Malick, từng đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất Cannes và giải Oscar hình ảnh đẹp nhất 1979 với Days of heaven (Những ngày tựa thiên đàng), rồi giải Gấu vàng Liên hoan phim Berlin với bộ phim về Thế chiến thứ hai The thin red line (Lằn ranh thiện ác mong manh).

Ở Cannes năm nay, ông quay trở lại với The tree of life (Cây đời) cùng hai nam diễn viên ăn khách Brad Pitt và Sean Penn. Nội dung phim là câu chuyện vào đời của các chàng trai Mỹ thập niên 1950, một chủ đề hoàn toàn mới đối với Terrence Malick.

3. Tìm tòi cái mới, tự vượt mình cũng là điều mà các đạo diễn Aki Kaurismaki hay Naomi Kawase cũng không xa lạ gì với các giải Grand Prix của ban giám khảo... ấp ủ khi đem phim đến Cannes. Cũng thế, một tên tuổi khác của điện ảnh Nhật, đạo diễn Takashi Ichimei, đã thử ra khỏi lối mòn của mình trước kia vốn là hàng loạt phim về giới yakuza (mafia Nhật) để thử sức trong một góc cạnh mới với Ichimei, hara-kiri: Death of a samurai (Mổ bụng: cái chết của một võ sĩ đạo).

Tinh thần “mưu cầu cái mới” đó thể hiện rõ trong apphich của Liên hoan phim Cannes lần thứ 64 này do Jerry Schatzberg thực hiện từ một ảnh đen trắng, ngược dòng đời vốn đang “nghiện” màu sắc, chỉ để làm nổi lên đôi chân của diễn viên Faye Dunahay (của thập niên 1960 với siêu phẩm Bonnie and Clyde). Đôi chân của phụ nữ, theo nhà điện ảnh kinh điển Pháp François Truffaut, “chính là những cái compa dọc ngang quả đất này, làm cho nó cân bằng và hài hòa”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận