Chăm sóc sức khỏe kiểu người lười

CẢNH CHÁNH 12/09/2024 05:44 GMT+7

TTCT - "Nỗ lực ít nhất mà chăm sóc sức khỏe tốt nhất", tức "lãn hệ kiện khang", là một trong những xu hướng đang lên ngôi trong thế hệ trẻ Trung Quốc.

"Nỗ lực ít nhất mà chăm sóc sức khỏe tốt nhất" là khái niệm "lãn hệ kiện khang" (chăm sóc sức khỏe kiểu người lười), một trong những xu hướng đang lên ngôi trong thế hệ trẻ Trung Quốc.

Muốn có sức khỏe tốt mà lười quá, cứ chọn những sản phẩm, cách dưỡng sinh tiện lợi, đơn giản và có vẻ hiệu quả cao. Chí ít cũng được phép thắng lợi tinh thần, tạm yên tâm duy trì lối sống cũ.

Lười thay đổi thì tìm cách bù đắp

Khái niệm "lãn hệ dưỡng sinh" (dưỡng sinh kiểu người lười) xuất hiện ở Trung Quốc năm 2022 sau dịch COVID-19. Đó là kiểu dưỡng sinh nhanh gọn, hiệu quả cao, cân bằng thời gian và chi phí, đơn giản hóa hoạt động thể chất. 

Khái niệm "lãn hệ kiện khang" ra đời sau đó, trong bối cảnh người trẻ quay cuồng với nhịp sống hối hả, nhiều áp lực trong cuộc sống, công việc. Mất ngủ, rụng tóc, tăng cân, miễn dịch kém… đang trở thành vấn đề đau đầu của nhiều người thuộc giới thanh niên Trung Quốc.

Tờ Dương Thành Buổi tối trích dẫn số liệu về bệnh ung thư ở Trung Quốc, cho thấy những năm gần đây giới trẻ (20-39 tuổi) mắc ung thư tăng gần 80%, tỉ lệ giới trẻ đột tử, quá sức cũng không hiếm. 

Dưới góc độ sức khỏe xã hội học, "lãn hệ kiện khang" thể hiện sự thay đổi về thái độ với sức khỏe của giới trẻ. Họ muốn tìm kiếm sự cân bằng giữa cuộc sống và tinh thần, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe.

Cô Ninh Ninh (27 tuổi) tốn khoảng 500 nhân dân tệ/tháng để mỗi ngày có thể uống các loại vitamin C, kẽm, chống lão hóa Coenzyme Q10, bổ gan LiverSol Milk Thistle 35000… Cô thường xuyên mua các túi thảo mộc ngâm chân, miếng cao dán nóng, và đi mát xa định kỳ; tổng cộng chi tiêu dưỡng sinh hơn 1.000 tệ/tháng (1 tệ = 3.500 đồng).

Hạ Thiên Cách (sinh năm 1995) không muốn từ bỏ lối sống náo nhiệt của giới trẻ, nhưng lại đắn đo giữa cà phê đá và canh gừng nóng. Trong nhà cô luôn có các món ăn vặt dưỡng sinh, trong điện thoại đầy các video về bảo vệ sức khỏe, kiểu buổi sáng thức dậy vươn vai dưới ánh mặt trời, uống một ly cà phê đen và thưởng thức bữa sáng gồm có rau và bắp luộc. Hay anh Triệu (sinh năm 1996), tối hôm trước đi nhậu tới bến với mấy thằng bạn, hôm sau dậy đắp mặt nạ, pha ly trà kỷ tử.

Chăm sóc sức khỏe kiểu người lười - Ảnh 1.

Trà sữa đậu đỏ bo bo và "nước thức đêm" (nước nhân sâm hoàng kỳ). Ảnh: foodtalks.cn

Đây là những hình mẫu tiêu biểu của xu hướng "dưỡng sinh punk": giới trẻ dù biết các thói quen sinh hoạt không tốt cho sức khỏe nhưng vẫn lười thay đổi, nên tìm cách để bù đắp, tìm kiếm sự an ủi về tinh thần.

Họ thích hưởng thụ cuộc sống, không quên chú ý sức khỏe, thỉnh thoảng xả hơi xíu, sau đó tiếp tục giữ các biện pháp dưỡng sinh. Cách dưỡng sinh tiêu biểu như sau: lỡ uống nước có đường thì uống lại nước dành cho người kiêng đường hay nước có gas không calo. 

Uống trà sữa thì ít đường ít đá. Thức đêm quá khuya thì làm cái mặt nạ "thức đêm phát sáng". Bình nước nóng luôn có kỷ tử. Lỡ ăn lẩu cay thì uống 2 viên thuốc trị bao tử. Bữa này ăn xiên que thì bữa sau ăn rau xanh. Sáng uống cà phê đá thì tối phải ngâm chân nước nóng. Tập dưỡng sinh giãn gân cốt hằng ngày. Cách dưỡng sinh này của người trẻ không mấy liên quan tới khái niệm dưỡng sinh truyền thống.

Ăn vặt cũng phải dưỡng sinh

Gen Z là thế hệ có điều kiện kinh tế, lại sống trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, nên tiếp cận nhiều thông tin, họ có thế giới quan phong phú, có cá tính mạnh. Một quan điểm độc đáo khác của dưỡng sinh kiểu người lười: ăn đồ bổ sẽ khỏe, mà lại không động tay động chân.

Các nhà cung ứng nắm bắt được nhu cầu này nên những năm gần đây, họ tung ra nhiều loại trà sữa không đường, quảng cáo chocolate milkshake uống không tăng cân, ca cao ấm bao tử thêm nước cốt gừng hâm nóng, nước có gas không calo, thực phẩm ít dầu ít muối…

Hiện Trung Quốc có vô số loại thức uống thuốc bắc, dưỡng sinh. Trong một bar cà phê dưỡng sinh Tri Ma Kiện Khang thương hiệu Đồng Nhơn Đường, 4 thức uống hot nhất là nước thức đêm, nước hoa đào, nước ngủ ngon, nước buổi sáng, giá từ 38-42 tệ.

Tiệm này có bảng ghi chú các loại thuốc bắc trong mỗi loại đồ uống. Một cửa hàng của hệ thống này bán được 16.000 ly nước thức đêm trong vòng nửa năm.

Chăm sóc sức khỏe kiểu người lười - Ảnh 2.

Quán cà phê Tri Ma Kiện Khang của Đồng Nhơn Đường.

Theo số liệu của iMedia Research, quy mô ngành thức uống dưỡng sinh Trung Quốc năm 2023 là 41,16 tỉ tệ, dự kiến năm 2028 sẽ đạt 100 tỉ tệ. 90% người tiêu dùng chi hơn 50 tệ/tháng cho thức uống dưỡng sinh. 

Các món đồ uống thuốc bắc - nước bo bo, nước nhãn nhục, nước sơn dược, nước trần bì, nước táo, nước nhân sâm, nước đậu đỏ - được ưa chuộng, khiến giá các loại thuốc bắc không ngừng tăng.

Hiện nay hầu như các nhà thuốc truyền thống lâu năm đều nhảy vào thị trường sản phẩm nuốc uống dưỡng sinh đầy tiềm năng này. Đồng Nhơn Đường có cà phê kỷ tử, cà phê hoa hồng ích mẫu, cà phê la hán quả; Nhất Phương Chế Dược thì có hơn 40 loại thức uống liên quan đến thuốc bắc.

Giới trẻ muốn tiện lợi, ngon miệng mà còn tốt cho sức khỏe, nên thay vì mua bột mè đen về pha, họ mua kẹo mè đen; thay vì nấu a giao, họ chọn sữa chua a giao; thay vì nhân sâm hầm canh họ chọn rau câu nhân sâm, hay yến sào ăn liền. Tức các món ăn vặt cũng phải dưỡng sinh.

Dưỡng sinh kiểu người lười là có thể dưỡng sinh mọi lúc mọi nơi, giảm thiểu vận động. Ngày nghỉ chỉ muốn nằm dài không muốn làm gì, đi mát xa còn được, đi tập thể dục thì không tập nổi. Tờ Dương Thành Buổi tối dẫn chứng các bệnh viện Quảng Châu có rất nhiều người trẻ đi mát xa, châm cứu, ngâm chân. 

Quán dưỡng sinh đông y giờ đến 60% là giới trẻ, khách hàng có thể vừa ngâm chân, vừa uống trà thảo mộc, ăn điểm tâm dưỡng sinh hay xem phim. Quán có cả máy châm ngải cứu toàn thân, tiện lợi.

Dưỡng sinh là đề tài nóng ở các mạng xã hội Trung Quốc, nơi giới trẻ chia sẻ thành quả mỗi ngày, bí quyết dưỡng sinh, mở rộng quan hệ. Họ còn lập các nhóm dưỡng sinh, giám sát lẫn nhau, hoàn thành bài tập "điểm danh" mỗi ngày.

Có thực sự hiệu quả?

Nói về thực dưỡng, Tân Hoa xã nhận định thực tế đa số người tiêu dùng đều hiểu rõ ẩm thực thuốc bắc không thể có hiệu quả ngay khi chỉ uống một ly cà phê thuốc bắc, ăn một miếng bánh mì thảo mộc. 

Họ chỉ hy vọng qua đó thể hiện quan điểm: cho dù cuộc sống có mệt có khổ thế nào cũng phải quan tâm tốt sức khỏe. Họ dùng món thực dưỡng đông y, vừa là để thỏa mãn niềm đam mê ăn uống, có cảm giác an tâm, vừa là cách để góp phần truyền bá về văn hóa đông y dược.

Nhiều cư dân mạng lý giải lâu nay quan niệm thuốc đắng mới là thuốc tốt, giờ nhà cung ứng biến thuốc tốt thành thứ ngon miệng. Thực tế nhà cung ứng không thật sự nhắm vào đối tượng dưỡng sinh, mà chỉ là để thu hút những ngưới tiêu dùng mê ăn nhưng lại tìm được phép thắng lợi tinh thần.

Điều tra của tờ Thanh Niên Trung Quốc cho thấy 80% thanh niên được hỏi quan tâm đến cách chữa trị và dưỡng sinh đông y, 94,3% cho biết dưỡng sinh đông y giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Báo Sức Khỏe Trung Quốc nhận xét mặc dù xã hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về lãn hệ kiện khang, nhưng rốt cuộc đều nhìn nhận dù sao đó cũng là những hành vi lành mạnh, cho thấy họ biết quản lý sức khỏe, biết đầu tư cho sức khỏe, từ việc lấy chữa bệnh làm trọng chuyển sang lấy sức khỏe làm trọng. Lãn hệ kiện khang có ưu điểm cũng có khuyết điểm, cần phải xem xét kỹ càng khi áp dụng.

Nhân Dân Nhật Báo đúc kết muốn thực sự chăm sóc sức khỏe tốt, cần tìm hiểu thói quen sinh hoạt, ăn uống hợp lý, vận động thích đáng, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần tốt, tránh lo lắng và áp lực. Quan tâm sức khỏe là chuyện tốt, nhưng cần phải theo khoa học, lý tính.

"Menu" chống đột quỵ

Giới trẻ gần đây còn lùng sục "menu" chống đột quỵ, gồm 4 loại thực phẩm chức năng như Coenzyme Q10, dầu cá, vitamin D và lutein.

Ông Mã Quán Sanh, trưởng khoa y tế thực phẩm dinh dưỡng Viện y tế cộng đồng Đại học Bắc Kinh, cho rằng đó chỉ là thực phẩm chức năng, không có tác dụng phòng chống bệnh, theo trang Kinh tế Trung Quốc.

Kem thuốc bắc

Cảnh tượng người dân xếp hàng dài ở các quán kem thuốc bắc trở nên quen thuộc gần đây ở Thượng Hải, Vũ Hán, Cáp Nhĩ Tân, mặc dù giá không hề rẻ (có thể tới 38 tệ/120g). Mỗi loại kem ghi rõ công dụng: nhãn nhục táo đỏ có thể an thần, bát tiên quả có thể tan đờm, long sâm lài chanh có tác dụng bổ nguyên khí.

Nhiều thực khách ưa thích vì có mùi thuốc bắc như sơn tra phật thủ cam, xuyên bối tỳ bà cao, dã cúc khai tâm quả lạ miệng, rất sáng tạo. Thành ra, bác sĩ trưởng khoa dinh dưỡng Đại học đông y trực thuộc Đại học Đông Nam Kim Huy phải lên CCTV, can gián: kem thuốc bắc không có tác dụng dưỡng sinh.

Trong đông y, kem có tính hàn, ảnh hưởng tỳ vị, ăn kem vốn đã không phải là phương pháp dưỡng sinh. Nguyên tắc là trong thực dưỡng, không được thêm các nguyên liệu nào ngoài thuốc bắc.

Chăm sóc sức khỏe kiểu người lười - Ảnh 3.

Món kem gừng hấp dẫn. Ảnh:jingpt.com

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận