Chăm sóc sức khỏe tốt, không đợi giàu

TỊNH ANH 15/12/2016 21:12 GMT+7

TTCT - Vì sao dân Cuba có thể sống thọ như người Mỹ với chi phí dành cho y tế ít hơn những 10 lần? Tiến sĩ y khoa James Hamblin, chủ biên mục sức khỏe trên tạp chí The Atlantic, đã thử lý giải trong bài viết ngày 29-11.

Cuba tự hào có một hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt -Reuters
Cuba tự hào có một hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt -Reuters


Theo tiến sĩ Hamblin, Cuba từ lâu đã có tuổi thọ trung bình cao tương đương Mỹ (78,2 so với 79,5 tuổi, số liệu năm 2014) chỉ với mức chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe vào khoảng 813 USD/người/năm, so với 9.403 USD của Mỹ.

Ông Hamblin cho rằng một trong những nguyên nhân của sự khác biệt này ở chỗ hiến pháp Cuba quy định chăm sóc sức khỏe là một quyền con người cơ bản.

“Cuba không thể phủ nhận quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân do được hiến pháp bảo vệ song vì là một nước nghèo, quốc gia này cũng không thể phung phí tiền vào chuyện này” - tác giả viết. Nhưng chính áp lực này lại dẫn đến cách làm đúng và hiệu quả: hệ thống y tế của Cuba buộc phải giữ cho người dân luôn khỏe mạnh để tránh tốn nhiều tiền hơn khi họ đổ bệnh.

Vai trò của bác sĩ gia đình

Theo một bài báo của BBC, Cuba đã cụ thể hóa chính sách này thông qua hướng tiếp cận đầy sáng tạo về chăm sóc ban đầu (primary care).

Theo đó, mỗi cụm dân cư sẽ được đội ngũ bác sĩ gia đình theo dõi sát sao. Ít nhất mỗi năm một lần, các bác sĩ gõ cửa từng nhà để kiểm tra sức khỏe của người dân.

Đặc biệt hơn, nếu tiêu chuẩn kiểm tra sức khỏe ở Mỹ chỉ là kiểm tra tim phổi, hỏi thăm người bệnh thì tại Cuba, các bác sĩ sẽ “đặt những câu hỏi sâu và rộng về công việc, cuộc sống xã hội và môi trường sống của người dân”. Vì đến tận nhà thăm khám, các bác sĩ trải nghiệm thực tế môi trường sống của người dân để nắm bắt tình hình tốt hơn.

Và vì theo sát một nhóm cư dân nhất định, các bác sĩ gia đình luôn giành được sự tin tưởng từ người dân và ngược lại, thấu hiểu họ để có thể đưa ra các khuyến nghị phù hợp và hữu ích nhất từ chuyện hút thuốc, ăn uống đến tập thể dục...

Sau khi thăm khám tại gia, các bác sĩ sẽ sàng lọc từng nhóm rủi ro để xác định tần suất họ cần phải đi khám bệnh trong tương lai. Đây là một khác biệt quan trọng khi so với hệ thống chăm sóc y tế ở Mỹ, mà tác giả cho là “bắt người bệnh phải chạy qua chạy lại hết chuyên gia này đến bệnh viện khác”.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo The Atlantic, số lượng bác sĩ gia đình phụ trách chăm sóc ban đầu trên đầu người ở Cuba gấp đôi ở Mỹ và điều này xuất phát từ chính sách đầu tư vào giáo dục y tế có từ năm 1998 của Cuba. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đánh giá rất cao mô hình đào tạo này và từng ca ngợi Cuba là “trường y khoa tiên tiến nhất thế giới”.

Theo tiến sĩ Hamblin, cố chủ tịch Fidel Castro luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng bệnh hơn chữa bệnh và đó cũng là lý do vì sao chương trình phát triển văcxin của quốc gia này, khởi động từ năm 1962, luôn cực kỳ hiệu quả: Cuba là một trong những nước có tỉ lệ nhiễm các bệnh có thể phòng ngừa được bằng văcxin thấp nhất thế giới.

Nhưng nước Mỹ giàu có cũng có chương trình tiêm chủng và chăm sóc ban đầu, vậy điểm khác biệt ở đâu? Theo The Atlantic, mấu chốt ở chỗ Cuba xem việc chăm sóc sức khỏe là điều bắt buộc, tương tự xe hơi buộc phải được bảo dưỡng thường xuyên.

Quan điểm của Cuba là sẽ tốt hơn nếu chăm sóc họ ngay trước khi bất kỳ sự cố nào có thể xảy ra. Mọi việc ở Mỹ lại diễn ra theo chiều ngược lại: việc tiếp xúc với chăm sóc ban đầu và thuốc phòng bệnh rất đắt đỏ, nhưng việc nhập viện cấp cứu lại dễ hơn rất nhiều.

Ông Hamblin cho rằng câu chuyện của Cuba là lời nhắc nhớ rằng không cứ phải thật giàu có mới có thể chăm sóc y tế hiệu quả. “Cuba chú trọng phòng bệnh và chăm sóc ban đầu, còn hệ thống chăm sóc sức khỏe trị giá 3.000 tỉ USD của Mỹ lại bị chi phối bởi các công ty bảo hiểm, hãng dược, chủ hệ thống bệnh viện và luôn buộc người dân phải chi trả nhiều hơn” - ông viết.

Để kết luận, ông Hamblin nhắc lại lời bình luận của tiến sĩ Salim Lamrani, giáo sư Đại học Paris-Sorbonne (Pháp), rằng “hệ thống chăm sóc y tế hoàn hảo vẫn có thể tồn tại mà không cần phải có thật nhiều tiền, miễn là ý chí chính trị đặt con người vào trung tâm của hệ thống đó”.■

Năm 2014, sau chuyến thăm Havana, chính tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Chan đã lên tiếng kêu gọi các nước nên noi theo gương của Cuba trong việc chăm sóc sức khỏe cho dân. Nhiều năm trước đó, bảng xếp hạng các quốc gia có “cơ chế tài chính cho hệ thống y tế công bằng nhất” của WHO cũng xếp Cuba ở vị trí đầu tiên trong số các nước Mỹ Latin và Caribê (vượt xa Hoa Kỳ).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận