TTCT - Quan hệ Trung - Nga kể từ sau Tuyên bố chung Tập Cận Bình - Vladimir Putin ngày 4-2 cùng cuộc xung đột ở Ukraine khởi phát từ 24-2 đã tạo ra những dư chấn mạnh mẽ ở châu Á - Thái Bình Dương. Có lẽ do đặc điểm xã hội “mở” khá lâu đời, xã hội Philippines thể hiện tâm tư đa đạng hơn. Trên Facebook của Diễn đàn Lực luợng quốc phòng Philippines, sáng sớm chủ nhật 20-3, một mẩu status đầy liên tưởng được post lên: “Nếu Nga không bị ngăn chặn lúc này, những kẻ hung hăng khác trên thế giới sẽ bắt đầu các cuộc chiến tranh khác, ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Bất cứ nơi nào mà một nước mơ ước chinh phục các láng giềng của mình. Chúng ta có một người hàng xóm như vậy, người ấy đã ở trong sân sau của chúng ta”. Thủ tướng Nhật Bản Kishida (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Modi. Ảnh: Nikkei Asian ReviewChìm nổi ba đàoHai ngày trước, 18-3, một status khác thuật lại rằng vài giờ trước khi ông Tập và ông Joe Biden nói chuyện, Trung Quốc đã dong tàu sân bay Sơn Đông qua eo biển Đài Loan. Tấm hình chụp tàu sân bay Sơn Đông chưa chở theo máy bay ngạo nghễ nghinh tiếp cuộc nói chuyện trực tuyến Tập - Biden tác động tới người Philippines nhất, chỉ sau người Đài Loan: vị trí đó gần Đài Loan nhất, xong là tới ngay Philippines.Bản thân ông Tổng thống Rodrigo Duterte cũng cho thấy đang hết sức quan ngại. Báo chí Philippines hôm thứ hai đầu tuần 21-3 nhao nhao chạy tít: “Duterte: một khi Putin giở vũ khí hạt nhân ra, Trung Quốc sẽ xâm lược” (The Inquirer). Số là trong một buổi lễ tu sửa luật Dịch vụ công, ông Duterte đã phát biểu một câu gây rúng động: “Nếu xui rủi mà ông Putin thực sự bị chèn ép, ông ấy sẽ bấm chiếc nút màu đỏ, à mà thôi nhe!”.Không phải ông Duterte nói đùa như thường thấy, mà là điểm tình hình thế giới với cử tọa là các quan chức: “Suy nghĩ của tôi là nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ xâm lược. Như trong giao ban tình báo, chúng ta sẽ thực sự bị tấn công. Họ sẽ thực sự tấn công”. Phải nói là ông Duterte đang “sốc” sau tình hình chiến sự hôm chủ nhật ở Ukraine: Nga phóng tên lửa siêu thanh - nên liên tưởng tới khả năng Trung Quốc sẽ tấn công bất ngờ: “Chúng ta sẽ không thấy (bom) hạt nhân, máy bay ném bom tầm xa... Có thể chúng đã được phóng đi sớm hơn trên Nam Hải rồi. Tên lửa siêu âm của họ sẽ đến chúng ta - khu vực thuộc quyền tài phán của chúng ta trong vòng bảy phút...”.Cuối cùng, ông buông ra một kết luận thật lòng: “Trung Quốc không bao giờ lắng nghe ai khuyên”. Các quan ngại trên tiếp nối các quan ngại hồi đầu tháng 12-2021. Lần đó, tướng về hưu Edilberto Adan của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Philippines (PCFR), đã “la làng” trên tờ Manila Times 8-12-2021 rằng “Trung Quốc đang chờ đợi “thời cơ” để tiến chiếm bãi cạn mà người Philippines gọi là bãi Ayungin (bãi Cỏ Mây theo Việt Nam)”.Số là trước đó, hôm 16-11-2021, ba tàu hải cảnh Trung Quốc đã chặn đường và bắn vòi rồng vào hai tàu tiếp liệu của Philippines tiếp tế cho bãi Ayungin. Hai ngày sau, Bộ Ngoại giao Philippines đã phản đối hành động này ở cấp cao nhất bằng tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro L. Locsin đề ngày 18-11-2021.Sau khi thuật lại vụ việc, chuyển tải những từ ngữ lên án và phản đối và mạnh mẽ nhất cùng các lập luận khẳng định chủ quyền vẫn thường thấy, tuyên bố của ông Locsin nhấn mạnh không úp mở rằng: “Các hành vi của tàu Cảnh sát biển Trung Quốc là bất hợp pháp” và “Trung Quốc không có quyền thực thi pháp luật trong và xung quanh các khu vực này”.Không dừng ở đó, do lẽ từ sau khi ông Duterte lên cầm quyền vào tháng 6-2016, quan hệ hai nước ở một tầm cao mới, Bộ Ngoại giao Philippines xoáy thẳng vào đây: “Việc không thực hiện sự tự kiềm chế này đe dọa mối quan hệ đặc biệt giữa Philippines và Trung Quốc mà Tổng thống Rodrigo R. Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình đã dày công vun đắp”.Quả thật là ông Duterte đã dày công xây dựng mối quan hệ này, cụ thể là thỏa thuận năm 2018 qua đó Manila và Bắc Kinh phối hợp thăm dò dầu khí tại các vùng biển tranh chấp mà không chạm tới vấn đề chủ quyền. Trong bối cảnh hậu Ukraine, hôm 9-3, ông Duterte đã đặc biệt nhắn nhủ người kế vị sau khi ông hết nhiệm kỳ vào ngày 30-6 tới tiếp tục thực thi thỏa thuận này, bằng không có thể sẽ đối mặt với xung đột. Cụ thể lời nhắn nhủ của ông: “Có người phía Trung Quốc, tôi không nói là ai, đã nhắc nhở tôi rằng hai bên đã có một thỏa thuận về việc phát triển chung dải đá Reed, còn được gọi là dải đá Recto”, tờ Bưu Điện Hoa Nam (SCMP) 9-3 loan tin.Các câu chuyện trên, vụ tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản hải quân Philippines tiếp tế bãi Ayungin và vụ ông Duterte nhắc người kế vị tiếp tục thăm dò dầu khí với Trung Quốc ở dải Reed, làm dấy lên câu hỏi: nhượng bộ “quá sức” như ông Duterte mà vẫn còn tiếp tục bị “sinh sự” đòi chiếm luôn bãi Ayungin, thì quả là “vô tận”! Phải nói rằng ông Duterte đã “chiều” Trung Quốc hơn lẽ thông thường bởi theo phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, dải đá Reed được xem là thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines - tờ SCMP chú thích.Đồng chí hướngTuy không hẳn đã là hữu lý, song status trên Facebook của Diễn đàn Lực luợng quốc phòng Philippines hôm 20-3 cũng phản ánh sự quan ngại không chỉ của riêng họ. Hải quân các nước QUAD (Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ) tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar, năm 2020. Ảnh: TwitterPhần nào của mối quan ngại này thể hiện ngay điều 1 Tuyên bố chung giữa hai Thủ tướng Ấn Độ Shri Narendra Modi và Nhật Bản Kishida Fumio hôm thứ bảy 19-3 vừa rồi nhân Thượng đỉnh Ấn - Nhật.“Hai Thủ tướng nêu bật cam kết cùng hành động hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng, dựa trên một trật tự theo luật pháp, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của tất cả các nước tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hoặc bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng”, tuyên bố chung viết. Các ý đó vừa khiến liên tưởng tới cuộc chiến ở Ukraine, vừa nhắc tới mối quan ngại của khu vực như qua lời Philippines.Có cảm giác mối quan ngại phòng vệ chung cho một bất trắc quân sự chiếm trọng tâm của Thượng đỉnh trực tiếp này - ông Kishida đích thân bay qua New Dehli. Điều 2 Tuyên bố chung vạch rõ sự hợp tác quốc phòng hai bên trong tình hình mới: “Hai Thủ tướng cũng hoan nghênh việc thực hiện thỏa thuận liên quan đến việc cung cấp vật tư và dịch vụ có đối ứng giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và lực lượng vũ trang Ấn Độ”.Thậm chí rút tỉa ngay từ cuộc chiến kỹ thuật 4.0 ở Ukraine: “Hai bên ghi nhận sự hợp tác đang diễn ra trong lĩnh vực phương tiện không người lái trên mặt đất (UGV) và người máy (robot), và chỉ đạo các bộ trưởng xác định thêm các lĩnh vực cụ thể cho hợp tác trong lĩnh vực thiết bị và công nghệ quốc phòng”.Hợp tác quốc phòng Ấn - Nhật nay càng đi sâu vào chi tiết: “Hai bên bày tỏ cam kết tiếp tục các cuộc tập trận song phương và đa phương bao gồm Người bảo vệ Dharma và Malabar, đồng thời hoan nghênh sự tham gia lần đầu tiên của Nhật Bản vào cuộc tập trận Milan, cũng như nỗ lực gia tăng mức độ phức tạp của chúng trong tương lai”.Được biết, năm nay tập trận Người bảo vệ Dharma đã diễn ra từ 27-1 tới 10-3 với các khoa mục tác chiến trong rừng rậm và đô thị với sự tham dự bên phía Ấn Độ là tiểu đoàn 15 khinh binh còn phía Nhật Bản là trung đoàn 30 lực lượng phòng vệ mặt đất. Không chỉ tập trận trên bộ, hai bên còn tập trận hải quân Malabar và Milan cũng vào cuối tháng 2. Hai bên cũng nhất trí khởi động sớm nhất tập trận không quân, chủ yếu là máy bay chiến đấu.Có thể thấy, những điều xảy ra ở Ukraine đã thúc đẩy Ấn - Nhật rốt ráo tăng cường và đào sâu quan hệ quốc phòng khả dĩ thích ứng với những thay đổi “chưa từng thấy” trong chiến tranh hiện đại: vũ khí “không người lái” chiếm thế thượng phong trước vũ khí quy ước cổ điển - tên lửa vác vai bắn hạ và “đốt” máy bay và xe tăng đối phương như vịt - bám thắt lưng địch mà đánh giờ mang ý nghĩa hoàn toàn mới! Không chỉ “lo thân”, hai bên đã nghĩ tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cùng “các quan hệ đối tác song phương và đa phương giữa các nước cùng chí hướng trong khu vực, bao gồm hợp tác “tứ giác” giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ [nhóm tứ giác, tức QUAD]”.Phản ứng tức thìTất nhiên, chuyện Nhật - Ấn kết liên các mặt, trong đó có quốc phòng, Trung Quốc không thể không chú ý. Trong họp báo ngày 17-3, tập đoàn truyền thông Hồ Bắc nêu câu hỏi phản ánh các quan ngại hiện tại từ phía Bắc Kinh: “Chính phủ Nhật Bản đã công bố nhiều biện pháp trừng phạt với Nga sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Thủ tướng [Nhật Bản] đã gọi quần đảo Kuril là lãnh thổ vốn thuộc Nhật Bản, bị Nga chiếm đóng bất hợp pháp, và cho biết Nhật Bản xem xét sửa đổi Chiến lược An ninh quốc gia để tăng cường toàn diện khả năng phòng thủ của Nhật Bản. Bình luận của Trung Quốc là gì?”.Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã trả lời: “Do sự xâm lược của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong lịch sử hiện đại, các động thái của Nhật Bản trong lĩnh vực quân sự và an ninh luôn được các nước láng giềng châu Á theo dõi sát sao”. Lịch sử chưa bao giờ được tận dụng một cách triệt để như vậy: đồng nhất chính sách quốc phòng của Nhật Bản hiện giờ - nên hiểu là hậu Ukraine - với chủ nghĩa quân phiệt Nhật trước Thế chiến II. Cần nhắc, một trong những lý cớ chính để Nga tấn công Ukraine là việc ở nước này tồn tại “chủ nghĩa phát xít” và Kremlin thấy có nhu cầu phải “phi quân sự hóa”.Xoay lại lịch sử xong, ông Triệu trở lại với hiện tại hậu Ukraine: “Chúng tôi đã lưu ý rằng một số lực lượng chính trị ở Nhật Bản gần đây đã sử dụng vấn đề Ukraine như cái cớ để cố tình phóng đại các mối đe dọa từ bên ngoài hầu mưu tìm các lực lượng và năng lực quân sự mạnh mẽ hơn”; rồi ông cảnh báo: “Kết quả thắng lợi của chiến tranh chống phát xít thế giới cần được tôn trọng và duy trì một cách nghiêm túc. Phía Nhật Bản cần suy ngẫm sâu sắc về lịch sử, rút ra bài học từ quá khứ, tôn trọng mối quan tâm an ninh của các nước láng giềng châu Á, cam kết phát triển hòa bình và làm nhiều việc có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực thay vì ngược lại”.Có điều cáo buộc của Trung Quốc cũng khó đứng vững. Việc lo ngại vì những gì diễn ra ở Ukraine, nhất là với các nước nhỏ, là điều hoàn toàn chính đáng, và Nhật chắc chắn không phải là nước duy nhất điều chỉnh sách lược an ninh sau khi xung đột Đông Âu bùng nổ. Cũng thế, yêu cầu Nhật Bản “tôn trọng mối quan tâm an ninh của các nước láng giềng châu Á” là điều mà Trung Quốc - với tư cách siêu cường số 1 của khu vực - cần suy nghĩ. Cụ thể gần đây nhất là cuộc tập trận ở Biển Đông của hải quân nước này, mà một phần khu vực thông báo “cấm léo hánh” của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam lại thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982!Mỗi bên đều có lý lẽ của mình, song, lý lẽ của kẻ mạnh vẫn là ưu thế, nhất là khi tình hình thế giới đang nóng bỏng hơn bao giờ hết trong suốt mấy chục năm.Mối quan ngại của các nước về Trung Quốc không chỉ là các cuộc tập trận hay dân quân biển mà cả những hoạt động mang tính dân sự, tỉ như khảo sát biển và đáy biển. Một nghiên cứu công bố hôm 1-3 của Sáng kiến Minh bạch hàng hải (AMTI) cho biết từ 2020 đến 2021, Trung Quốc đã cho thực hiện các hoạt động khảo sát trải dài trên toàn bộ Biển Đông, thường xuyên diễn ra trong EEZ của các nước láng giềng Đông Nam Á. Các cuộc điều tra này, được cho là để nghiên cứu khoa học biển hoặc thăm dò dầu khí, vốn không được phép theo luật quốc tế. Cái bẫy kèm theo các hoạt động thăm dò còn là những lực lượng bảo vệ quân sự hùng hậu, mà nếu không cẩn thận sẽ sinh sự lớn. Nguy cơ này càng nhân rộng trong bối cảnh hậu Ukraine, khi đang có những toan tính dựng lên một trật tự thế giới mới ở châu Âu, mà chỉ cần một cái cớ là lan qua châu Á. Việc Nga hôm 22-3 rút khỏi đàm phán về thỏa hiệp hòa bình với Nhật đáp trả các lệnh trừng phạt từ Tokyo chính là một dấu hiệu báo trước những bất hòa nghiêm trọng hơn.Thế khó của khu vựcViệc châu Âu vẫn tiếp tục mua dầu và khí đốt của Nga, rồi chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden đã tìm cách xích lại gần Venezuela, thậm chí cả Iran, trong bối cảnh họ cần giảm nguồn nhập khẩu nhiên liệu từ Nga, cho thấy cuộc xung đột ở Ukraine có thể làm xoay chuyển cục diện quốc tế nhanh chóng ra sao. Đây thực sự là thời điểm thử thách bản lĩnh đối ngoại của mọi quốc gia.Sự nhạy cảm của cuộc chiến ở Đông Âu với khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể thấy qua những đánh giá và lựa chọn của Úc, một quốc gia tư duy phương Tây, nhưng vị trí châu Á. Viện Lowy của Úc, trong bài viết ngày 10-3 tựa đề “Ngoại giao kinh tế: Tái thiết với những nước “vừa địch vừa ta” sau biến cố Ukraine” (“Economic Diplomacy: Building back Better with Frenemies after Ukraine”), làm rõ tình thế của Úc.Theo đó, ba nước trọng tâm trong chiến lược đa dạng hóa kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc của Canberra - Ấn Độ, Việt Nam, và Indonesia - cũng “thuộc về nhóm các nước quan trọng nhất trên thế giới có lập trường không xác quyết về cuộc xung đột [Ukraine]”. Ấn Độ và Việt Nam đều đã bỏ phiếu trắng trong nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án bạo lực ở Ukraine vào đầu tháng 3.Tổng thống Indonesia Joko Widodo thì từ chối lên án Nga trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review và thậm chí nói rằng các lệnh cấm vận “không phải là giải pháp tốt nhất”. Trung Quốc thì không cần phải nói. Nhưng ngay cả Nhật Bản, nước châu Á có lẽ là tích cực nhất trong các lệnh trừng phạt Nga, thì những tập đoàn hàng đầu nước này như Mitsubishi hay Mitsui hiện vẫn cố gắng duy trì hoạt động ở Nga.Về phần mình, ông Widodo, như nhiều nhà lãnh đạo khu vực, ưu tiên phát triển kinh tế hơn bất kỳ điều gì khác trong chính sách đối ngoại. Và cũng giống Indonesia, nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương cố gắng duy trì lập trường không liên kết, vốn đã là một truyền thống khá lâu đời của khu vực. Quan trọng không kém, ông Widodo sẽ làm chủ tịch Thượng đỉnh G20 năm nay, khi vấn đề Ukraine có thể sẽ phá hỏng sự kiện được trông đợi đó với Indonesia.Chính nước Úc cũng gửi gắm nhiều hy vọng tại hội nghị G20 dự kiến diễn ra vào tháng 10-2022 tại Bali này. “Úc đang hoàn tất một thỏa thuận thương mại tự do với Ấn Độ, đã thống nhất về chiến lược hợp tác kinh tế với Việt Nam, và có một hiệp định thương mại tự do mới toanh với Indonesia”, theo bài viết của Viện Lowy.Cuối cùng, thực trạng giá dầu đang đe dọa phá mọi kỷ lục thế giới hiện nay càng khiến cho mọi lựa chọn về cuộc xung đột ở Ukraine trở nên nhạy cảm với các nước trong khu vực.H.MINH Tags: Ấn ĐộBiển ĐôngTrung QuốcPhilippinesChâu Á-Thái Bình DươngChiến tranh Nga UkraineQuan hệ Ấn Độ Nhật Bản
TP.HCM cấm cán bộ dùng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng THẢO LÊ 09/10/2024 Thành ủy TP.HCM cấm cán bộ sử dụng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng hoặc kinh phí do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục kiểm tra, xử lý nghiêm vụ sinh viên ăn cơm canh thừa THÂN HOÀNG 09/10/2024 Phó thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan thông tin báo chí nêu sinh viên phản ánh phải ăn cơm canh thừa, có 'dị vật'.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Cục nóng máy lạnh bị ngập nước, rò rỉ điện khiến người đàn ông tử vong MINH HÒA 09/10/2024 Cục nóng máy lạnh trên sân thượng bị rò rỉ điện, trời mưa khiến sân thượng ngập nước, người đàn ông lên dọn rác bị điện giật tử vong.