TTCT - Vì sao nhiều người đang ao ước được trở lại những ngày đầu của việc chat qua mạng, khi còn có thể “treo biển đi vắng”, mặc ai muốn tìm thì tìm, ta đây không tiếp? Chuyện một người phải cài chừng này app hoặc hơn để liên lạc là rất phổ biến ngày nay. Ảnh: telemessage.comSống trong thời online 24/24 và điện thoại thông minh (phải) cài nhiều ứng dụng nhắn tin khác nhau, người ta đang ao ước được trở lại những ngày đầu của việc chat qua mạng, khi còn có thể "treo biển đi vắng", mặc ai muốn tìm thì tìm, ta đây không tiếp.Một buổi chiều cuối tuần, bạn mở điện thoại để kiểm tra tin nhắn người thân nhưng thứ đập vào mắt lại là cảnh tượng chán chường: ở đầu danh sách các cuộc trò chuyện mới nhất trên ứng dụng nhắn tin là tên và ảnh đại diện của sếp, bên cạnh dòng trạng thái "đang gõ…". Một cuộc đấu tranh nội tâm nổ ra: Mình có được mong đợi là phải trả lời ngay không? Có thể đợi đến thứ hai không?Các app nhắn tin đều có những "kẻ chỉ điểm" đáng ghét khiến người dùng khó trốn khi tin nhắn tới: tính năng "đã xem" cho phía bên kia biết mình đã đọc tin nhắn hay chưa, hoặc biểu tượng trạng thái "đang online/trực tuyến". Vì thế mà bạn trong câu chuyện giả định nói trên rồi thì cũng phải cắn răng làm cái việc "gấp lắm rồi" mà sếp bất chấp cuối tuần vẫn giao cho mình.Xóa nhòa ranh giới đời tư - công việc"Chào mừng đến với ứng dụng nơi bạn giao tiếp với sếp, thợ sửa ống nước, bà ngoại, bác sĩ và khách hàng - tất cả cùng lúc" - nhóm tác giả Isabel Migoya-Iriso và Mia Armstrong viết trên tạp chí Slate. Với hàng triệu người làm công ăn lương trên khắp thế giới, mô tả này quen thuộc đến ám ảnh, dù ứng dụng mà bạn nghĩ đến trong đầu là WhatsApp, Messenger, Skype, Telegram, Zalo hay Viber.Tại một số quốc gia, nhất là những nước đang phát triển, việc sử dụng (và lạm dụng) mạng xã hội như một công cụ phục vụ công việc là hiện tượng phổ biến bất kể ngành nghề. Đơn cử như tại Mexico, nền tảng WhatsApp được sử dụng để giữ liên lạc với gia đình và bạn bè nhưng cũng là kênh kết nối chính với các mối quan hệ công việc và xã hội. Ban quản lý chung cư có thể thông báo lịch cúp nước trên nhóm chat WhatsApp của tòa nhà, và bạn phải hết sức thận trọng để không gửi nhầm tin nhắn dành cho bạn bè vào nhóm chat có cả sếp. Ở đây, chuyện đồng nghiệp gửi tin nhắn qua mạng xã hội để nhắc bạn kiểm tra hòm thư điện tử xảy ra như cơm bữa. "Trên WhatsApp, không có ranh giới giữa công việc và cuộc sống" - bài viết của Slate nhấn mạnh.WhatsApp ra đời vào thời điểm mà giá cước viễn thông tại Mexico là không rẻ. Mang đến một giải pháp thay thế hoàn toàn miễn phí cho tin nhắn SMS truyền thống, WhatsApp nhanh chóng trở thành "ứng dụng của mọi nhà" tại quốc gia Bắc Mỹ này. Theo Hootsuite, 89 triệu người dùng WhatsApp tại Mexico (chiếm 70% dân số) dành trung bình 20 giờ mỗi tháng cho ứng dụng này. Tại Việt Nam, có thể nói Zalo (với hơn 70 triệu người dùng thường xuyên) cũng gần như đạt được sự phổ biến tương tự.Dấu ba chấm ám ảnhNếu từng mong chờ hoặc lo sợ nhận tin nhắn của ai đó, bạn sẽ hiểu cảm giác bồn chồn khó tả khi nhìn thấy dấu ba chấm xuất hiện trên màn hình ứng dụng, biểu thị người đó đang gõ tin nhắn. Tính năng này có tên chính thức là "chỉ báo nhận biết đánh máy" và bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của các lập trình viên cần một chỉ dấu cho họ biết ứng dụng đang hoạt động như mong muốn. "Ba dấu chấm hiển thị trong khi ai đó đang soạn thảo một tin nhắn… có thể là nguồn hy vọng vĩnh cửu quan trọng nhất và cũng là nỗi thất vọng tột cùng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta" - Maryam Abolfazli, một nhà văn người Mỹ, từng viết về chủ đề này như vậy. Chị Laura Barganier, một chuyên viên quan hệ công chúng ở New York, thậm chí thường xuyên phải "nhập liệu" trên một ứng dụng khác rồi sao chép và dán vào ứng dụng chat để người bên kia không biết chị mất nhiều thời gian để soạn tin nhắn. "Tôi giả vờ chờ một vài giây (cho giống gõ thật)" - chị nói với The New York Times.Vấn đề với WhatsApp và một số app gắn liền với số điện thoại cá nhân khác là ranh giới giữa công việc và cuộc sống cũng vì thế mà bị xóa nhòa. Cái giá của sự thuận tiện trong liên lạc là phải chấp nhận tự nguyện dâng hiến thời gian rảnh vào cuối tuần, ngày nghỉ và sau giờ làm cho công việc. "Nếu bạn có thể online để trò chuyện với người yêu mình vào một buổi tối thứ tư, tức là bạn cũng có thể trả lời tin nhắn của đồng nghiệp" - các tác giả của Slate nhận xét.Tất nhiên bạn có thể lựa chọn phớt lờ những tin nhắn kém duyên ấy, một số nơi như Pháp đã luật hóa quyền không kiểm tra email công việc ngoài giờ làm, nhưng thực tế là những tin nhắn chưa đọc vẫn được làm nổi bật về mặt thị giác trên các app chat như một lời nhắc nhở đầy ám ảnh về núi công việc bạn chưa hoàn thành.Chuyện xử lý công việc thông qua những ứng dụng nhắn tin phổ thông cũng có nguy cơ lợi bất cập hại: nhắn cho đồng nghiệp một câu hỏi nhanh thay vì phải mất công soạn email nghe thì tiện nhưng thật ra khó mà tập trung vào một tác vụ khi cứ nghe âm báo tin nhắn liên tục mà không cách nào phân biệt đó là đồng nghiệp hay bạn bè.Thèm được… đi vắngNhớ lại những năm cuối thập niên 1990, phần mềm AOL Instant Messenger (AIM) là công cụ nhắn tin tức thời mới mẻ lúc bấy giờ, là sự khởi đầu của một điều gì đó hoàn toàn lạ lẫm, một cánh cổng mở ra khả năng giao tiếp Internet mọi lúc mọi nơi cho những người dùng phổ thông. "Nó còn là một mạng xã hội sống động. Một cánh cửa kỹ thuật số mở ra và hàng triệu người tranh nhau ngồi vào chỗ của mình để xem ai vừa đăng nhập, ai đang rảnh để cùng ta chuyện trò" - tác giả Lauren Goode viết cho tạp chí Wired.Một trong những tính năng mà Goode nhớ nhất về AIM là khả năng thiết lập "away message" (tin nhắn đi vắng). "Mình không ngồi máy", "mình đang ở trong lớp", "ba mình đang xài máy"... là những dòng trạng thái gợi lại ký ức thời trẻ của nhiều người. "Có lẽ tôi nhớ sự mới mẻ của Internet những năm 1990, và tôi cũng nhớ việc cho phép bản thân… đi vắng" - Goode viết. Tính năng away message chỉ là những dòng mã lệnh đơn giản nhưng đã giúp dựng lên vách ngăn đối với tình trạng sẵn sàng hầu chuyện của chúng ta trên mạng. Nó là một giới hạn cần thiết nhưng đang ngày một thiếu vắng trong các ứng dụng nhắn tin hiện đại sau này.Sau này phần mềm Yahoo! Messenger quen thuộc với người Việt cũng tiếp nối truyền thống "treo biển thông báo" của AIM, nhưng thế hệ các app ngày nay thì không. Nhiều người có thể chỉ ra những tính năng tương tự như chế độ "do not disturb" (đừng làm phiền) trên iPhone/iPad và thiết bị Android, hoặc "focus" (tập trung) trên hệ điều hành di động của Apple. WhatsApp có tính năng tắt thông báo, Skype hay ứng dụng chat công sở Slack cũng cho phép thiết lập "trạng thái" - thứ có thể xem là giống nhất với away message năm xưa.Nhưng chúng không phải là dải phân cách kiên cố giữa ta với những tin nhắn không mong muốn, mà chỉ là những cọc tiêu giao thông bằng nhựa phản quang mỏng manh: tác dụng cảnh báo thì có đấy, nhưng ai muốn thì vẫn có thể ủi qua dễ dàng. Âu cũng là do cách ta hành xử trên Internet ngày nay khác nhiều so với mươi năm trước.Justin Santamaria, cựu kỹ sư trưởng của Apple và là người đứng sau ứng dụng nhắn tin iMessage mặc định trên các điện thoại iPhone, cho rằng nếu các cuộc điện thoại truyền thống thường bắt đầu bằng câu mào đầu "bạn có đang rảnh không?" như một cách tế nhị để cho phép người ở đầu dây bên kia từ chối cuộc trò chuyện, thì phép lịch sự này gần như đã biến mất khi văn hóa nhắn tin lên ngôi. "Chúng ta cứ gửi tin nhắn mà chẳng cần cân nhắc. Làm phiền người khác là lựa chọn mặc định" - anh Santamaria nói với Wired.Liệu có ai trong chúng ta dừng lại suy nghĩ rằng người mình sắp nhắn tin dường như đang tắt thông báo không? "Tôi nghĩ là không. Trái lại, chúng ta có xu hướng xem đó là một tín hiệu cho thấy nhắn tin ngay thời điểm đó lại càng không vấn đề gì, vì dù gì người ta cũng đâu bị làm phiền (khi đã tắt thông báo)" - anh Santamaria nói dí dỏm. Và thế là trừ khi tắt máy, ngắt mạng, ta sẽ không bao giờ thoát khỏi những tin nhắn.■Treo biển đi vắng trên AIMNhững nhóm chat nguội lạnhPhải đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cô Sarah O’Dell (45 tuổi) mới phát hiện ra sức hấp dẫn của các nhóm chat trực tuyến. Mắc kẹt trong nhà tại một thị trấn nhỏ ở tiểu bang Connecticut (Mỹ) cùng chồng và hai con, cô xem các cuộc buôn chuyện bất tận trên điện thoại là sự phân tâm cần thiết, lại giúp trao đổi thông tin và hỗ trợ tinh thần lẫn nhau trong lúc khó khăn.Nhóm chat 6 thành viên của O’Dell thảo luận mọi chủ đề trên trời dưới đất, từ sách báo, phim ảnh, nỗi lo lắng về cha mẹ lớn tuổi, cảnh báo những kẻ biến thái xuất hiện trong khu phố cho đến những tâm sự sâu lắng bất kể giờ giấc. Nhưng đó là chuyện quá khứ. O’Dell bắt đầu nhận thấy những câu bông đùa hay chuyện phiếm trên nhóm chat thưa dần kể từ khoảng tháng 8-2021, khi mọi người bắt đầu "ngấm đòn" sau gần 2 năm sống chung với dịch. Đã có thời điểm cô lo lắng tự hỏi: "Chẳng lẽ đây là kết thúc sao?"Câu trả lời dành cho nhiều nhóm chat tương tự như của O’Dell là "đúng vậy". Giống như rất nhiều thứ trong cuộc sống bình thường mới, những nhóm chat mọc lên trong dịch đang trải qua một quá trình sàng lọc khắc nghiệt mà kết quả là dù từng náo nhiệt đến đâu thì cuối cùng mọi cuộc trò chuyện rồi cũng phải đi đến hồi kết."Các nhóm chat xuất hiện và giữ chúng ta ở bên nhau trong những ngày đầu phong tỏa đã trở nên yên tĩnh hơn khi mọi người được ra khỏi nhà, tương tác giữa người và người thay đổi và mọi người đã chán ngán chuyện phàn nàn mãi về một chủ đề cũ" - tác giả Lauren Mechling viết trên The New York Times. Các nhóm chat, cũng như mọi cuộc trò chuyện ngoài đời, vốn dĩ không thể tiếp diễn mãi mãi. Cứ thử cuộn giao diện ứng dụng đến những tin nhắn cũ hơn, bạn chắc chắn sẽ tìm thấy những cuộc hội thoại đã chìm sâu vào quên lãng như nhóm chat để bàn chuyện đi chơi cùng hội bạn cấp 3 hoặc tổ chức tiệc sinh nhật bất ngờ cho một người trong nhóm. Không cần có cãi vã hay lục đục nội bộ, tin nhắn cứ thế thưa dần, đến một ngày thì dừng hẳn, rồi chẳng ai thèm đoái hoài đến chúng nữa.Nhưng thoát khỏi những nhóm chat mà ta hết hứng thú tưởng dễ mà không dễ. Về mặt thao tác, chỉ vài cái chạm màn hình là đủ. Nhưng ra đi không lý do hay lời từ biệt có thể bị xem là khiếm nhã, thậm chí khiến người ở lại hoang mang không biết rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì. Một lựa chọn khác tế nhị hơn là tắt thông báo tin nhắn đối với những nhóm chat mà bạn không còn muốn dự phần. "Tắt thông báo ít gây tổn thương hơn so với việc thoát hẳn và để những thành viên còn lại nhìn thấy dòng thông báo "... đã rời nhóm chat"" - Deesha Philyaw, một nhà văn người Mỹ và là thành viên của gần 20 nhóm chat trong giai đoạn đại dịch, chia sẻ với The New York Times. Nhưng cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra. Một ngày nọ, chị Philyaw phát hiện các thành viên nhóm chat cũ đã lập một nhóm mới không có chị để tiếp tục trò chuyện sau khi biết việc chị làm. Tags: Điện thoại thông minhỨng dụng nhắn tinDòng trạng tháiMạng xã hội
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc: Nếu Quốc hội đồng ý, sẽ áp thuế 10% với tất cả loại hình báo chí THÀNH CHUNG 28/11/2024 Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nếu Quốc hội đồng ý, sẽ áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp với báo in và các loại hình báo chí khác là 10%.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết có bằng tiến sĩ hay chỉ là chứng nhận khen thưởng của RADA? TRẦN HUỲNH 28/11/2024 Một chuyên gia giáo dục tại Anh cho biết không tìm thấy tên nghệ sĩ Bạch Tuyết trong danh sách cựu sinh viên của RADA. Nghi vấn bà không phải cựu sinh viên và không có bằng tiến sĩ của RADA.
Cháy cửa hàng dịch vụ mai táng ở Nha Trang, 4 người trong gia đình tử vong TRẦN HOÀI 28/11/2024 Một cửa hàng dịch vụ mai táng ở phường Phương Sài, TP Nha Trang (Khánh Hòa) cháy lớn, 4 người trong gia đình tử vong.
Cựu vô địch bóng chuyền quốc gia đột ngột qua đời ở tuổi 32 ĐỨC KHUÊ 28/11/2024 Bóng chuyền Việt Nam vừa nhận cú sốc khi chủ công Nguyễn Thanh Nhàn (TP.HCM) ra đi mãi mãi khi mới 32 tuổi.