Chiến lược lấy lại cuộc sống bình thường cũ

XUÂN MINH 14/07/2021 02:07 GMT+7

Nếu virus SARS-CoV-2 đến và ở lại với chúng ta mãi mãi, chiến lược nào để lấy lại cuộc sống bình thường cũ?

Ngừng đếm số ca nhiễm, "sống chung" với virus gây bệnh COVID-19 được các bộ trưởng ở Singapore kêu gọi. Nước Anh thì mạnh dạn gỡ bỏ các quy định về hạn chế phòng dịch COVID-19. Tại sao nhiều quốc gia muốn “sống chung” với COVID-19 trong khi nhiều nước vẫn cách ly, truy vết các ca dương tính và tiếp xúc gần? Và họ đã có được những gì để chuyển sang giai đoạn đó?

Thời thế đã khác

Trước khi các chiến dịch tiêm vắc xin bắt đầu ở Mỹ, Anh, các nước châu Âu và cả ở một số nước châu Á, Trung Đông, số ca nhiễm tăng mỗi ngày gần như luôn kéo theo sự gia tăng số ca nhập viện và tử vong trong vài tuần sau đó. Sức ép lên hệ thống y tế khiến các nhà lãnh đạo không có nhiều lựa chọn ngoài việc thực hiện các biện pháp hạn chế, giãn cách dù đau đớn cho nền kinh tế.

Nhưng hiện nay, nhiều nước đã có cách tiếp cận khác.

Tại Anh, Chính phủ đã xác quyết không có điều gì sẽ cản trở kế hoạch bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế phòng COVID-19 vào “ngày tự do”, 19-7. Các cơ sở kinh doanh sẽ được hoạt động với tối đa công suất, không còn các biện pháp giãn cách xã hội, không cần đeo khẩu trang. Với các câu lạc bộ đêm, với những sự kiện lớn thì ban tổ chức sẽ yêu cầu người tham dự chứng minh mình đã tiêm vắc xin, có giấy xét nghiệm âm tính hoặc có miễn dịch tự nhiên do mới bị bệnh COVID-19 gần đây.

Người dân sẽ dựa vào đánh giá của riêng mình để thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp cho bản thân, thay vì theo quy định của chính quyền trên tinh thần trách nhiệm xã hội. Chẳng hạn, người dân nên đeo khẩu trang ở nơi đông người, nơi có không gian kín, nhưng đây vẫn là quyết định cá nhân. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh đại dịch chưa kết thúc. Mở cửa để lấy lại cuộc sống bình thường cũ đi kèm với cái giá là dự báo đến giữa tháng 8-2021, số ca bệnh nhập viện có thể lên đến 1.000 - 2.000 mỗi ngày, số tử vong cũng sẽ tăng nhưng không nhiều nhờ phần lớn dân số đã tiêm vắc xin. Trong gần một tháng qua, số người tiêm vắc xin COVID-19 tiếp tục tăng lên, với 87% người trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều, 66% đã tiêm đủ hai liều và đến ngày 19-7 tỉ lệ này sẽ còn cao hơn. Với nền tảng này, nước Anh mới có thể cho rằng “đây chính là thời điểm thích hợp”.

Nhưng sự chuẩn bị và lên kế hoạch của họ đã bắt đầu từ đầu năm, khi nước Anh vạch ra một lộ trình từng bước “sống chung” với COVID-19 được đánh giá bằng 4 tiêu chí: chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tiếp tục có tiến triển tốt, có bằng chứng cho thấy tiêm chủng khiến số ca nhập viện và tử vong do COVID-19 giảm, tỉ lệ mắc bệnh không có nguy cơ gây áp lực đối với hệ thống y tế, và không có biến thể mới có thể làm thay đổi các nguy cơ về dịch bệnh.

Cần ít nhất 5 tuần giữa mỗi giai đoạn, bao gồm đánh giá hiệu quả của các biện pháp hạn chế thể hiện qua dữ liệu, 7 ngày thông báo và chuẩn bị cho các hạn chế sẽ được nới lỏng. Ở mỗi giai đoạn, một ít biện pháp hạn chế sẽ được gỡ bỏ cho đến khi gỡ bỏ hoàn toàn, chính là thời điểm hiện nay. Ban đầu, thời điểm mở cửa được ấn định vào 21-6, nhưng Thủ tướng Johnson đã công bố trì hoãn ngày này 4 tuần do những lo ngại về biến chủng Delta.

Trăm hoa đua nở

“Sống chung” với virus là sự khác biệt triệt để so với chiến lược “không có ca nhiễm” vốn được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng lâu nay. Mô hình này đòi hỏi các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, cách ly mạnh tay, gây ra những tác động lớn về xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý người dân. Về lâu dài, cách làm này không bền vững, gần như không thể duy trì khi các biến thể mới lan rộng.

Các biện pháp, lộ trình được các nước vạch ra để “sống chung” với virus xuất hiện gần đây đa dạng đúng kiểu trăm hoa đua nở, nhưng nhìn chung đều dựa vào một trụ cột là vắc xin hoặc theo tiến độ của tiêm vắc xin.

Tại Singapore, ngày 24-6 các bộ trưởng của lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Singapore - Gan Kim Yong, Lawrence Wong và Ong Ye Kung - đã đặt vấn đề “sống chung với COVID-19” trên báo The Strait Times và gợi ý cơ quan y tế chỉ theo dõi những trường hợp bị bệnh nặng, phải nằm ở các phòng chăm sóc đặc biệt. Người bệnh nhẹ điều trị tại nhà như cách chúng ta làm với bệnh cúm. Khi đó, Nhà nước sẽ bớt lo lắng về việc hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải. Với các biến thể mới, có khả năng lây lan cao hơn thì xem xét tiêm nhắc lại và lộ trình tiêm chủng sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Xét nghiệm và giám sát vẫn tiếp tục cần thiết, nhưng xét nghiệm chỉ dành cho các trường hợp đặc biệt như các sự kiện lớn, nhập cảnh từ nước ngoài thay vì nhằm mục đích để bắt cách ly. Để làm vậy, các phương pháp xét nghiệm nhanh và dễ sẽ được triển khai cho người dân tự thực hiện vì xét nghiệm PCR đưa ra kết quả quá lâu. Bên cạnh vắc xin, cùng với thời gian, Singapore hy vọng các phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả khác sẽ được kiểm chứng và ứng dụng. Khi đó, COVID-19 sẽ trở thành một căn bệnh có thể kiểm soát.

Tại Malaysia, giải thích với người dân phải sống với lệnh phong tỏa toàn quốc, Thủ tướng bị kêu gọi từ chức Muhyiddin Yassin mở ra hy vọng lấy lại tự do, mở cửa lại nền kinh tế và các hoạt động xã hội trong 4 giai đoạn. Chiến lược này cũng dựa trên các tiêu chí về số ca nhiễm, tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 và năng lực điều trị của hệ thống y tế. Giai đoạn 1 là phong tỏa toàn diện, khi số ca nhiễm hằng ngày vẫn cao và tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 thấp. Nếu số ca giảm xuống dưới mốc 4.000 ca/ngày và tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ được nâng lên 10% dân số, tỉ lệ chiếm dụng trong phòng ICU (tỉ lệ bệnh nhân/giường bệnh) về mức trung bình, hệ thống y tế không còn căng thẳng thì mới chuyển sang giai đoạn 2.

Giai đoạn 2 cho phép ​​nền kinh tế trong nước dần mở cửa trở lại, một số loại hình sản xuất có thể hoạt động, 80% công nhân tham gia sản xuất trực tiếp so với 60% như trước. Công ty nào có thể làm việc tại nhà vẫn khuyến khích, nhưng một số loại hình như sản xuất, xây dựng, bán lẻ và dịch vụ, dệt may, sản xuất đồ nội thất vẫn ngừng hoạt động. Số ca bệnh phải giảm dưới 2.000 ca/ngày, hệ thống bệnh viện vận hành thoải mái, có giường trống trong phòng ICU và 40% dân số được tiêm đủ 2 liều vắc xin thì lại tiến tới giai đoạn 3.

Ở giai đoạn 3, tất cả các hoạt động sản xuất đều mở cửa trở lại nhưng tuân thủ một số quy định về an toàn, một số bị giới hạn năng suất vận hành. Trường học được dạy trực tiếp, các sự kiện thể thao lớn có thể diễn ra. Riêng quán rượu, spa, trung tâm chăm sóc sắc đẹp vẫn đóng cửa. Cánh cửa tự do sẽ đến giai đoạn 4 khi số ca nhiễm mới còn dưới 500 ca/ngày, bệnh viện hoạt động ở bình thường, có đủ giường ICU và 60% dân số tiêm đầy đủ vắc xin. Dự kiến ngày tự do có thể đến với Malaysia vào tháng 10.

Một kế hoạch chung sống khác là kiểu Israel, nước này đã mở hoàn toàn và cho phép tiêm nhắc lại (mũi thứ ba) với vắc xin của Pfizer/BioNTech cho tất cả các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu. Theo Bộ Y tế, những người đủ điều kiện tiêm nhắc lại là những ai đã từng trải qua phẫu thuật ghép tim, phổi, thận và một số bệnh nhân ung thư.

Bà Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học thuộc Trung tâm tài nguyên Đại học Johns Hopkins (Mỹ) - nơi đã xây dựng nền tảng giám sát virus SARS-CoV-2 và tác động của nó - cho rằng: “Có thể Mỹ sẽ tới giai đoạn mà chỉ cần giám sát số ca nhập (là đủ)”. Bang Florida của Mỹ hiện nay chỉ còn báo cáo dữ liệu về COVID-19 theo tuần.

Người dân các nước đang có dịch COVID-19 có thể không cần chính phủ mở toang một cách cực đoan, thiếu thận trọng nhưng cũng không muốn sống lâu dài trong một cực đoan khác do các biện pháp kiểm soát phòng chống virus chặt chẽ gây ra. Tại Hong Hong, mặc dù không có ca nhiễm cộng đồng nào, với hơn 23% người dân đã tiêm vắc xin đầy đủ, nơi này vẫn biến thành một pháo đài trong nỗ lực ngăn chặn các biến thể mới của virus và thực hiện mục tiêu không có ca nhiễm - điều kiện để mở cửa biên giới với Trung Quốc đại lục. Hệ lụy của quy định này là nhiều người dân bị kẹt ở nước ngoài do lệnh cấm bay. Với du khách, Hong Kong an toàn thật đấy, nhưng viễn cảnh bị cách ly lên đến ba tuần khiến việc du lịch đến Hong Kong trở nên không thực tế. Người dân bị mắc kẹt trong một bong bóng lớn với phần còn lại của thế giới.

Cần phải tìm ra một sự dung hòa giữa hai cực đoan mở toang và đóng kín hiện nay ở quy mô thế giới cũng như trong nội bộ từng quốc gia. Các ví dụ trên đủ nhiều để chúng ta hiểu rằng điều này phụ thuộc đầu tiên vào việc tiêm vắc xin. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận