TTCT - Những tiến bộ khoa học công nghệ chỉ là một nửa của cuộc chiến chống ung thư và nửa còn lại, do chính sách và tầm nhìn của các chính phủ quyết định, quan trọng không kém dù ít người biết đến hơn. “Chiến binh” mới là miễn dịch liệu pháp đang phát huy hiệu quả. Trong số báo chuyên đề về chống ung thư giữa tháng 9, tạp chí The Economist nhận định người ta có thể hào hứng và hồ hởi hi vọng với các tiến bộ khoa học công nghệ và số liệu lạc quan về chữa trị ung thư. Song nếu nhìn cận cảnh, ta sẽ lại thấy nhiều mặt tối khác. Khoa học gieo hi vọng Các con số về ung thư lúc nào cũng đáng sợ. Ung thư gây ra cái chết của 8,8 triệu người hồi năm 2015. Chỉ có bệnh tim mới khiến nhiều người chết hơn thế. Khoảng 40% người Mỹ, vào thời điểm nào đó trong đời, sẽ được thông báo mình bị ung thư. Với người dân châu Phi, ung thư giờ là căn bệnh chết chóc hơn cả sốt rét. Nhưng các con số thống kê vẫn chưa khiến người ta khiếp sợ bằng tính thầm lặng và liên tục của những tế bào đột biến gây ra ung thư. Khi phải đối mặt với một kẻ thù như vậy, thật dễ hiểu khi người ta tập trung hi vọng vào khả năng các tiến bộ khoa học đột phá có thể tìm ra cách chữa trị. Hi vọng đó không phải đặt nhầm chỗ. Ung thư ngày càng trở nên bớt chết chóc hơn trong vài thập niên gần đây nhờ vào hàng loạt tiến bộ khoa học, từ sắp xếp trình tự gen (genetic sequencing) đến các liệu pháp điều trị trúng đích (targeted therapy). Tỉ lệ sống sót trong 5 năm với bệnh ung thư bạch cầu ở Mỹ đã tăng gần gấp đôi, từ 34% hồi giữa thập niên 1970 lên 63% trong giai đoạn 2006-2012. Ở Mỹ hiện có khoảng 15,5 triệu bệnh nhân ung thư còn sống và con số này sẽ tăng lên 20 triệu người trong 10 năm tới. Các nước phát triển cũng đạt nhiều tiến bộ: tại nhiều khu vực ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, tỉ lệ sống sót vì ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú đã tăng đến 20% chỉ trong một thập niên. Nhưng cuộc chiến ung thư không chỉ diễn ra trong phòng thí nghiệm. Nó còn diễn ra ở các phòng phẫu thuật của bác sĩ, ở trường học, tại các hệ thống chăm sóc y tế công cộng và tại nhiều sở ngành thuộc chính phủ. Nhưng tin tức từ các “mặt trận” này không được lạc quan như trong phòng thí nghiệm. Tin vui từ miễn dịch trị liệu Nhưng hãy bắt đầu trước bằng tin tốt. Nhiều bệnh ung thư hiện có tỉ lệ chữa trị được rất cao nếu phát hiện sớm. Ba trong số bốn người Anh được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt trong đầu thập niên 1970 không sống được thêm đến 10 năm. Ngày nay, cứ năm người được chẩn đoán tương tự thì đến bốn người có thể sống thêm một thập niên. Các nghiên cứu chữa trị ung thư liên tục đạt được nhiều tiến bộ mới. Các kỹ thuật cho phép phát hiện sớm, bao gồm thiết bị phát hiện ung thư qua hơi thở hay xét nghiệm máu theo dõi các mảnh ADN tách ra từ các khối u. Kỹ thuật trình tự gen cũng giúp phát triển các loại thuốc điều trị trúng đích dễ dàng hơn. Bộ ba phương pháp điều trị ung thư của thế kỷ 20 - phẫu thuật, xạ trị và hóa trị - vẫn đang tiếp tục được cải thiện. Các chuyên gia xạ trị giờ đây có thể tạo ra các mạng lưới tia gama đủ mạnh để diệt khối u, nhưng không làm hại các tế bào khỏe mạnh khi xuyên qua cơ thể người bệnh. Một số loại thuốc mới có khả năng ngăn sự phát triển của các mạch máu nuôi dưỡng khối u; một số khác lại tấn công thẳng vào cơ chế tự chỉnh sửa ADN của tế bào ung thư. Ung thư có thể kéo dài và khắc nghiệt, nhưng khoa học cũng không ngừng tiến bộ. Nhưng tin vui nhất lại nằm ở miễn dịch trị liệu (immunotherapy), một hướng tiếp cận mới trong điều trị ung thư vừa nổi lên vài năm trước. Hệ miễn dịch của con người được trang bị nhiều cái “thắng” (phanh) mà tế bào ung thư có thể kích hoạt. Phương pháp miễn dịch trị liệu đầu tiên được áp dụng sẽ “nhả phanh”, tức vô hiệu hóa cơ chế ngừng miễn dịch này, cho phép các tế bào bạch cầu tấn công khối u. Trong giai đoạn đầu áp dụng trên một nhóm nhỏ bệnh nhân, phương pháp này cho kết quả thuyên giảm tương đương các phương pháp điều trị khác. Hiện đang có hơn 1.000 thí nghiệm lâm sàng áp dụng miễn dịch trị liệu cho nhiều loại ung thư khác nhau. Ngày nay, khoa học thậm chí có thể “lập trình lại” các tế bào miễn dịch bằng cách chỉnh sửa bộ gen của chúng để tăng khả năng chống ung thư. Liệu pháp điều trị bằng gen này vừa được chấp thuận tại Mỹ hồi tháng 8. Tuy nhiên, không nên để người bệnh ung thư phải mong chờ các liệu pháp tương lai nhằm có cơ hội sống sót tốt hơn ngay trong hiện tại. Giữa các quốc gia giàu và nghèo, khả năng sống được của người bệnh ung thư cách biệt rất xa. Tại một số nước, tỉ lệ nam giới mắc ung thư tử vong cao hơn ở nữ, nhưng ở một số nước khác với cùng mức độ phát triển, tỉ lệ cho cả nam và nữ lại tương đương nhau. Tỉ lệ sống sót trong vòng 5 năm cho nhóm ba ung thư phổ biến nhất ở Mỹ và Canada là trên 70%, còn ở Đức là 64%, trong khi Anh chỉ có 52%. Sự khác biệt còn diễn ra ngay trong mỗi nước. Hoa Kỳ nhìn chung làm rất tốt việc điều trị ung thư, nhưng lại có sự bất bình đẳng lớn trong kết quả. Tỉ lệ tử vong vì ung thư của đàn ông Mỹ da màu cao hơn tỉ lệ của đàn ông da trắng 24%. Tương tự, tỉ lệ phụ nữ Mỹ da màu chết vì ung thư vú cao hơn phụ nữ da trắng đến 42%. Một người ở nông thôn có khả năng tử vong vì ung thư cao hơn một thị dân. Thực tế và tiên phong Sự khác biệt trong kết quả điều trị giữa các quốc gia là phản chiếu của ngân sách dành cho chăm sóc sức khỏe: hơn một nửa số bệnh nhân cần xạ trị ở các quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình không thể tiếp cận việc điều trị. Nhưng dành nhiều tiền cho chăm sóc sức khỏe cũng chưa chắc đạt kết quả tốt. Iceland và Bồ Đào Nha chi cho lĩnh vực này không nhiều bằng Anh và Đan Mạch xét theo tỉ lệ trên GDP, nhưng một số nghiên cứu gần đây cho thấy khả năng sống sót đối với mọi loại ung thư ở các nước này cũng rất khác nhau. Vấn đề thật sự là chi tiền như thế nào, chứ không phải là bao nhiêu. Có thể lấy ví dụ với văcxin ngăn HPV, vốn gây ung thư cổ tử cung cho phụ nữ cũng như ung thư vùng đầu và cổ. Năm 2011, Rwanda khởi động chương trình tiêm chủng HPV thường xuyên với mục tiêu “xóa sổ” ung thư cổ tử cung vào năm 2020. Các quốc gia khác thì không được bài bản như thế. Việc tiêm chủng có thể giúp 120.000 phụ nữ Ấn Độ tránh ung thư cổ tử cung mỗi năm. Các nhà hoạch định chính sách cũng không phải là không có quyền lực trong chuyện này. Cần phải nỗ lực hơn để xác minh phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất. Ở Anh có một quỹ thuốc ung thư trị giá 2 tỉ USD giúp các loại thuốc điều trị đắt đỏ dễ tiếp cận hơn, nhưng lại không hề đánh giá hiệu quả các loại thuốc mà nó cung cấp - một thiếu sót đáng tiếc. Ngoài ra, cũng cần đánh giá sự xuất hiện tỉ lệ sống sót của từng loại ung thư thông qua cơ sở dữ liệu ung thư và chú ý vào các thời điểm bệnh nhân bắt đầu hết hi vọng sống sót. Việc tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng rất quan trọng. Rất nhiều người Mỹ được phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm nhất có thể là vào thời điểm sau khi chính sách bảo hiểm Obamacare có hiệu lực. Và trên hết, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Các nỗ lực giảm tiêu thụ thuốc lá đã giúp ngăn được 22 triệu cái chết (đa số do ung thư) trong giai đoạn 2008-2014. Vậy nhưng hiện chỉ có 1/10 dân số thế giới sống ở các quốc gia mà thuế chiếm ít nhất 3/4 giá thuốc lá, theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Chuyện thuế và ngân sách kém thú vị hơn nhiều so với các tia proton đánh phá tế bào ung thư hay các kháng thể có quyền lực siêu nhiên. Nhưng quyết sách của các nhà kỹ trị cũng quan trọng như công việc của các nhà khoa học vậy. Ung thư giết hàng triệu người không phải vì thiếu các tiến bộ khoa học, mà còn vì các chính sách tồi.■ Nếu chỉ nhìn ở góc độ kỹ thuật, có lý do chính đáng để kỳ vọng sẽ có ngày khoa học biến đa số các loại ung thư thành bệnh mãn tính hoặc bệnh có thể chữa được. Tags: Ung thưĐiều trị ung thưMiễn dịch trị liệu
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Điểm thi IELTS phổ biến nhất của thí sinh Việt Nam là 6.0 TRỌNG NHÂN 15/10/2024 Thống kê từ IELTS cho thấy điểm thi phổ biến nhất của thí sinh Việt Nam là 6.0, trong khi đó chỉ 1% thí sinh đạt trên điểm 8.5.
Đến lượt Temu, Taobao đổ bộ thị trường Việt Nam CÔNG TRUNG 15/10/2024 Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đang tạo ra một cơn sốt hàng giá rẻ tại Việt Nam.
Ông Kim Jong Un triệu tập họp an ninh quốc gia, chỉ đạo 'hành động quân sự ngay lập tức' THANH BÌNH 15/10/2024 Cuộc họp có sự tham dự của các quan chức an ninh cấp cao Triều Tiên, trong đó ông Kim Jong Un chỉ ra các nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành trong hoạt động răn đe chiến tranh.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú nhận huân chương Cành cọ hàn lâm của Pháp NGUYÊN BẢO 15/10/2024 GS.TS Nguyễn Hữu Tú, hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, vừa được Chính phủ Pháp trao tặng huân chương Cành cọ hàn lâm vì những đóng góp trong sự phát triển hợp tác y khoa giữa hai nước.