Chứng cận thị

DUYÊN TRƯỜNG 29/02/2012 03:02 GMT+7

TTCT - Gió heo may đã về... là tựa cuốn sách do bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết riêng cho tuổi “chớm già”. Nhưng có lẽ thuở ra mắt cuốn sách, nhân loại chưa chứng kiến tình trạng “biến đổi khí hậu” như hôm nay.

Có khi phải đề nghị bác Ngọc đổi thành “Gió heo may... ập về!” vì mọi thứ bây giờ đã khác rõ, ào ào, dồn dập, cấp tập, thoắt một cái là già ngay, chẳng chớm chiếc gì cả!

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương

Trước tết, đôi trai gái phóng xe ngang qua, một đứa gào lên: “Gạt chống xe lên bố ơi!”. Hai tiếng “bố ơi” hạ gục tôi tức khắc. Tết ấy chẳng còn là tết nữa, bởi từ đó tôi thấy mình đã chuyển lên hàng lão: khắp thế giới gọi ta bằng chú, bằng bác, thậm chí có kẻ “giết người không gươm” khi bô bô “ông ơi, ông ơi!”. Cứ mỗi lần thấy các em gái nhìn ta đăm đăm để lựa chữ thưa cho phải phép, ta như kẻ chết rồi mà chưa chôn...

Trước, ta hùng hồn tuyên bố “không bao giờ đổi trắng thay đen”. Nay, ta len lén đi nhuộm tóc mỗi tháng (mà khổ, giá còn đủ tóc để mà nhuộm).

Khi cái già ập đến, nỗi sợ chết chạy liền theo. Trong bốn bước sinh, lão, bệnh, tử của đời người, khoảng cách “sinh - lão” xem ra còn có chỗ cho ta thong dong, nhưng đến thời đoạn “lão - bệnh - tử”, độ dài ba bước này xem chừng lại “ngắn chẳng tày gang”... Nghĩ đến cái cảnh phải lìa đời, xa vợ con, xa bồ bịch, bạn bè, bao nhiêu khao khát chưa thỏa, bao nhiêu toan tính chưa xong, hồn không biết có bay lên thiên đàng hay lại sa xuống hỏa ngục, thiệt là... sợ muốn chết!

Ai là người sợ chết hơn ai? Người quyền lực hay hạng giàu có, kẻ tài giỏi hay người danh tiếng? Chắc hẳn vua chúa phải đứng đầu danh sách bình chọn vì đó là loại người cho phép mình có quyền đáng sống nhất!

Vậy mà theo một thống kê của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, xét trong 494 vị đế và vương, tính từ lúc Tần Doanh Chính lên ngôi lập triều vào năm 221 TCN đến khi Phổ Nghi thoái vị, nhà Thanh cáo chung vào năm 1911, trừ đi 73 vị không thật sự lên ngôi mà chỉ được truy tôn sau khi qua đời, không tính những vị băng hà vì lý do không tự nhiên như tai nạn, bị đầu độc, bị ám sát... thì chỉ có 12 vị là sống được đến tuổi 70 trở lên.

Gần 1/3 nhà vua chết ở tuổi 20-40, và 1/3 khác chết ở tuổi 41-60. Tuổi thọ bình quân của các đấng chí tôn là 43 năm. Trong khi đó, các tăng sĩ Phật giáo Trung Quốc sống trung bình đến 77 năm, trong đó 31% vị sống đến hơn 80 tuổi và hầu như không có vị nào chết dưới tuổi 50.

Trong số những kẻ “tham sống sợ chết” ấy, Tần Thủy Hoàng được xem là số một, bất kể tiền của, địa lý, thời gian hay nhân lực, cứ nghe nói nơi đâu có thuật bất tử, có thuốc trường sinh là cử người tìm đến! Nên mới bị bọn Từ Phúc lừa bịp đến mất cả chì lẫn chài, làm bia miệng cho đời sau.

Cứ nhìn lên đỉnh Olympus của thần Zeus, chẳng phải các nam thần nữ thần bày đủ trò lắm chiêu hành hạ nhân loại trần gian cũng bởi vì sự nhàm chán của một cuộc sống không có kết thúc đó sao?

Giả sử Tần Thủy Hoàng lúc này vẫn còn sống, lão sẽ được 259 (TCN) + 2012 = 2.271 tuổi! Không có ký ức thì không có tương lai, nhưng với một quá khứ khổng lồ như thế, làm sao một con người có thể cất bước đi về phía trước? Nếu hôm nay lão vận quần jean áo pull, dùng iPad, nghe iPhone, chơi game, đánh golf, lướt web, có tài khoản Facebook, ăn fast food... hẳn lão phải tự lột xác hàng vài trăm lần để biết từ bỏ những thứ cũ kỹ lạc hậu, tiếp nhận những thứ tiến bộ đổi mới.

Nhưng cái gì buộc lão phải tự lột xác để phủ định của phủ định được thực hiện trong sự bất tử? Nếu lão không tự thay đổi thì xã hội có buộc lão thay đổi? Và một xã hội gồm những con người bất tử thì có cần động lực đổi thay? Hay rốt cuộc lão vẫn là một ông vua của thời đại chuyên chế ăn sống giữa thế kỷ 21, hoặc một kẻ điên không phân biệt thực hư, sau trước trong vĩnh viễn của trục thời gian?

Cuồng vọng bất tử xem ra là kết quả của một thị lực kém: tầm nhìn chỉ ở mức vài trăm năm. Nếu phóng tầm mắt theo đơn vị thiên niên kỷ sẽ thấy sự chết là cần thiết, là tất yếu, thậm chí hạnh phúc, cho con người và cho xã hội.

Niềm tin về một thứ bất biến, vĩnh cửu, trường tồn, vô tận... đều do chứng cận thị mà ra! Những ai thật sự nhìn xa trông rộng lại nhận rõ hơn bao giờ hết cái tích tắc, cái có đó mất đó, cái hữu hạn mong manh, không chỉ của thân xác, của kiếp người mà còn của muôn vàn những hư vinh, tham vọng, ảo cuồng dù là của những quyền năng mạnh mẽ nhất!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận