TTCT - Không có gì ngạc nhiên khi Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ sách lớn nhất thế giới, với số tựa sách mới hàng năm tuy đứng sau Trung Quốc nhưng tỉ lệ trên đầu người lại gần gấp ba, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà xuất bản quốc tế (IPA) năm 2017. Có thể nói, với tác giả nước ngoài, việc tiếp cận được độc giả Hoa Kỳ chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn để tiếp tục chinh phục độc giả khắp nơi. Tuy vậy, con đường cho tác giả nước ngoài xâm nhập thị trường này khá gập ghềnh.Sách nước ngoài ở Mỹ“Người tiêu dùng Mỹ không hào hứng với sách mang tính ngoại quốc nhiều quá - ông Robert Baensch, cựu giám đốc Trung tâm xuất bản thuộc Đại học New York, từng phát biểu cách đây hơn 10 năm - Yếu tố nước ngoài sẽ hấp dẫn nếu bạn mở nhà hàng, chứ nhà sách thì không”.Bìa cuốn Hành trình đầu tiên bằng tiếng Anh. Ảnh: PenguinTháng 10-2020, trong khuôn khổ hội sách Frankfurt diễn ra tọa đàm giữa đại diện một số nhà xuất bản (NXB) từng thực hiện nhiều sách dịch cho thị trường Mỹ như Amazon Crossing, Europa Editions, Farrar, Straus & Giroux... Tôi có hỏi họ nghĩ gì về nhận định rằng độc giả Mỹ không mấy hứng thú với sách dịch. Mặc dù thừa nhận ngách thị trường này còn nhiều khó khăn, cử tọa tỏ ra tự tin cho rằng nhận định đó hiện không còn đúng nữa. Bà Kendall Storey, trưởng bộ phận xuất bản của Catapult, và bà Gabriella Page-Fort, giám đốc phụ trách nội dung của Amazon Crossing, còn cho rằng đó chỉ là “chuyện tưởng tượng”! Các đơn vị xuất bản tỏ ra tự tin và lạc quan về công việc của họ là dễ hiểu, dù thật ra chưa có nghiên cứu nào gần đây để khẳng định dân Mỹ sẵn sàng tiếp nhận sách nước ngoài đến đâu. Nếu ở nhiều nước, nơi sách dịch từ tiếng Anh chiếm quá nửa số được xuất bản, thì độc giả Mỹ vốn đã có mọi thứ họ cần ngay trong tầm tay.Thực vậy, ngay cả dân làm sách ở Mỹ cũng không mặn mà với sách chuyển ngữ. Tạp chí nổi tiếng về xuất bản Publishers Weekly năm 2019 đăng một thống kê buồn: Nhóm “Big Five” (5 tập đoàn xuất bản sách thương mại lớn nhất thế giới) chỉ in 14% số tựa sách dịch trên thị trường Mỹ, một xu hướng đã duy trì cả thập niên qua. Chi nhánh của những NXB lớn cũng thường thiếu hẳn bộ phận chuyên làm sách dịch, thậm chí chẳng có biên tập viên phụ trách mảng này, mà vẫn theo kiểu “đụng đâu làm đó”. Tôi từng nghe kể nhiều biên tập viên ở Mỹ tuy giỏi ngoại ngữ nhưng thà giấu nghề, không để sếp và đồng nghiệp biết, để khỏi phải đọc thẩm định hoặc biên tập sách nước ngoài, vì công sức bỏ ra nhiều hơn, mà đóng góp vào doanh số lại hiếm khi đạt kỳ vọng.Giới làm sách tại Mỹ thường nói với nhau về tỉ lệ 3%, nghĩa là trong số gần 380.0000 tựa sách xuất bản mới mỗi năm (chỉ sau Trung Quốc với khoảng 400.000 tựa), chưa đến 3% là sách dịch. Do sự thống trị của tiếng Anh trên toàn cầu, việc so sánh tỉ lệ này với các nước khác sẽ là khập khiễng, chẳng hạn Brazil có đến 70% sách trên thị trường là bản dịch. Tuy nhiên, với một quốc gia cực kỳ đa dạng về sắc tộc và ngôn ngữ như Hoa Kỳ, con số 3% thật sự khiến nhiều người ngạc nhiên, kể cả dân bản xứ.Vì đâu sách dịch gặp khó?Lý do “tiền đâu” có lẽ nên được liệt kê đầu tiên, và chủ yếu quy cho bản dịch. Trong bối cảnh sách điện tử (ebook) trên Amazon “rẻ như bèo” với độc giả Âu, Mỹ, nhiều khi chỉ 0,99 USD đã mua được một bản sách hơn cả trăm trang, các NXB rất nhạy cảm với bất cứ chi phí nào phát sinh khiến phải tăng giá sách. Mà ở Mỹ, chi phí dịch sách từ một ngôn ngữ khác sang tiếng Anh không hề rẻ, ít nhất cũng khoảng 0,1 USD mỗi từ. Chi phí cao nhưng hiệu quả kinh doanh thường rất thấp trở thành nguyên nhân chính, đặc biệt trong xu hướng sáp nhập để tinh giản bộ máy và tiết kiệm chi phí giữa các NXB hiện giờ.Trong khi đó, việc quảng bá cho sách dịch thường khó khăn hơn vì tác giả nước ngoài trình độ tiếng Anh để giao tiếp nhiều khi còn không đủ, huống chi là đáp ứng đòi hỏi phổ biến từ các NXB Mỹ là tham gia quảng bá sách trên các kênh truyền thông và giao lưu với độc giả. Thực trạng đó khiến sách dịch khó lòng được độc giả biết đến rộng rãi vì không nhận được sự quảng bá như với sách “nội địa”. Một tác giả bản ngữ ra sách lần đầu ở Mỹ vẫn có cơ hội lớn được NXB hỗ trợ đầy đủ các chiêu thức và quyền lợi về truyền thông, dù chưa chắc sách thành công. Ngược lại, một tác giả nước ngoài lần đầu tiên có tác phẩm được dịch chắc sẽ phải chạnh lòng nếu so sánh với đồng nghiệp viết sách bằng tiếng Anh.Tệ hơn, trong khi sách nội địa luôn được nhà sách trưng bày và được một số độc giả có tầm ảnh hưởng trong vai trò người bình sách viết bài giới thiệu, phần lớn sách dịch thường bị “ghẻ lạnh”. Trong một bài đăng trên tạp chí lâu đời The Atlantic, biên tập viên phụ trách giới thiệu sách Benjamin Schwarz rất cẩn thận lời lẽ khi giải thích lý do tạp chí này ít khi viết bài về sách văn học dịch: “Khi đánh giá các tiểu thuyết, chúng tôi tập trung vào giọng văn. Đối với sách dịch thì làm thế rất khó vì cả người giới thiệu sách lẫn độc giả đều đang tiếp cận tác phẩm thông qua dịch giả chứ không phải tác giả”. Một lý do khác thường được giới bình sách đưa ra là họ không có điều kiện so sánh chéo thông qua bản gốc.Vậy là hai kênh quảng bá chính thức lớn mà một quyển sách có thể trông cậy để may ra thu hút sự chú ý của độc giả - nhà sách và bài giới thiệu - cũng khó hi vọng. Tất nhiên vẫn có các trang thương mại điện tử như Amazon, nhưng để một tựa sách ngoi lên trong hằng hà sa số tựa sách trên đó vẫn là quá khó, và câu hỏi quay ngược về việc sử dụng nguồn lực để quảng bá.Những nguyên nhân kể trên tạo ra một vòng luẩn quẩn: NXB ngại đầu tư cho sách dịch vì chi phí cao, lợi nhuận thấp, nên không hăng hái thực hiện chiến dịch truyền thông; độc giả không biết rõ tác giả, tác phẩm nên cứ chọn sách trong nước cho chắc; và một khi khách hàng đã kém hào hứng thì nhà sách không trưng bày, nhà báo chẳng giới thiệu, khiến doanh số và tỉ suất sinh lời của sách dịch càng thấp.Con đường cho sách và tác giả ViệtHơn 10 năm nay, số đầu sách tiếng Việt được dịch ra tiếng Anh và tiếp cận thị trường Mỹ chỉ khoảng 20 tựa, theo thống kê của hai tạp chí Publisher Weekly và Translation Review. Đó là con số rất nhỏ, cũng là một điều đáng tiếc. Không có một công thức hoặc con đường duy nhất, nhưng sau đây là một số gợi ý mà các tác giả và NXB trong nước có thể cân nhắc để tự thân vận động trước khi nhận được sự hỗ trợ từ một chiến lược mang tầm quốc gia.Trước tiên, quy trình thông thường để tiếp nhận một bản thảo ở Mỹ hay châu Âu là thông qua một đơn vị môi giới xuất bản (agent), cũng gọi là người đại diện xuất bản. Công việc của họ khá giống người làm quản lý cho nghệ sĩ, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến hợp đồng và tài chính. Rất nhiều NXB ở Mỹ không bao giờ nhận bản thảo “lai cảo” - nghĩa là bản thảo do tác giả tự gửi đến. Trừ một số NXB nhỏ, các nhà còn lại đều yêu cầu tác giả phải thông qua người đại diện, chủ yếu để biên tập viên đỡ nhọc vì đã có người sàng lọc nội dung trước. Mặc dù công việc môi giới xuất bản còn khá xa lạ ở Việt Nam, bộ phận phụ trách tác quyền của các NXB trong nước hoàn toàn có thể đảm nhận vai trò này cho tác giả của mình và chào bán bản dịch ra nước ngoài - trực tiếp hoặc thông qua nhà môi giới ở nước ngoài, tùy vào mối quan hệ và mức độ hiểu biết thị trường.Bản dịch, tuy trong giai đoạn đầu chưa quan trọng bằng việc tìm người đại diện hoặc NXB chịu đọc bản thảo, chắc chắn sẽ đóng vai trò thiết yếu trong bước tiếp theo. Điểm khó xử nhất ở đây là tác giả và NXB hoặc công ty sách ở Việt Nam nên đầu tư cho bản dịch đến đâu, dù là bản dịch mẫu, trong khi khả năng bán được tác quyền còn bấp bênh. Mỗi nhà môi giới hoặc xuất bản nước ngoài có thể đề ra các yêu cầu khác nhau, nhưng chắc chắn là phải có bản dịch mẫu. Nếu phía tác giả “chịu chơi” thì bản mẫu càng dài, càng đủ càng tốt! Nếu không, phía tác giả có thể bù đắp bằng cách chọn lọc một số chương/bài phù hợp để dịch, bổ sung bài giới thiệu, tóm tắt và tất cả thông tin liên quan, để phía nước ngoài hình dung rõ hơn về tác phẩm.Trong phần “thông tin liên quan”, việc giới thiệu tác giả có vai trò quan trọng nhất, đặc biệt với người lần đầu có sách được xuất bản hoặc từng thành danh nhưng nay lấn sân viết trong một lĩnh vực mới. Tiếng tăm thật ra không phải tiêu chí tối quan trọng, vì ở những thị trường sách lớn như Mỹ và châu Âu, không thiếu những tác giả thành công ngay từ lần ra sách đầu tiên. Có thể kể vài ví dụ như Bắt trẻ đồng xanh của J.D. Salinger, loạt sách Harry Potter của J.K. Rowling, hay gần hơn nữa là tác phẩm đầu tay của Tara Westover, Educated (được dịch ra tiếng Việt với tựa Được học). Dẫu vậy ở các thị trường Âu, Mỹ, NXB thường thích tác giả đã có một nền tảng nhất định, ví dụ như fan theo dõi blog, có bài đăng báo, bài diễn thuyết, hoặc chuyên môn về chủ đề liên quan. Điều này đặc biệt quan trọng nếu tác giả muốn xuất bản sách phi hư cấu (nonfiction), loại sách mà dữ kiện và chi tiết có vai trò lớn hơn nhiều so với lối kể chuyện và cách hành văn, do lẽ mọi công tác truyền thông và tiếp thị hầu như đều xuất phát từ bản thân tác giả và tác phẩm.Điểm cần lưu ý tiếp theo là việc chọn ngôn ngữ và dịch giả. Tình huống lý tưởng nhất đương nhiên là sách được dịch ra tiếng Anh và xuất bản ở Mỹ hoặc châu Âu, hai thị trường sách lớn nhất thế giới, với tỉ trọng doanh số cộng lại chiếm hơn 50% thị phần sách toàn cầu (số liệu của Statista năm 2017). Tiếng Anh cũng được hàng tỉ người trên khắp thế giới sử dụng thành thạo, nên một bản dịch khi đã phát hành sẽ dễ được các NXB và thị trường lớn để mắt đến hơn. Ngoài ra, những danh sách sách bán chạy được chú ý nhất thế giới như của tờ New York Times, USA Today, Publishers Weekly, hoặc bài giới thiệu sách trên các ấn phẩm này đều dựa trên sách xuất bản bằng tiếng Anh. Những lý do này khiến con đường phát hành bản dịch tiếng Anh rất đáng để theo đuổi, nhưng cũng khiến “vé” vào thị trường Mỹ hoặc Anh luôn là cuộc cạnh tranh khốc liệt, dù tác giả nổi tiếng đến đâu trên quê hương mình.Nếu “tấn công” trực tiếp quá khó khăn, tác giả Việt Nam có thể cân nhắc đi đường vòng! Thống kê của Publishers Weekly cho thấy từ 2008 đến nay, sách thuộc 10 ngôn ngữ, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý, Nhật, Thụy Điển, Ả Rập, Trung, Nga, Na Uy - theo thứ tự đó - được dịch và in nhiều nhất ở thị trường Mỹ. Như thế, con đường vòng khả thi với tác giả Việt Nam là xuất bản bằng một trong những ngôn ngữ này, rồi dùng nó làm cầu nối với các thị trường tiếng Anh. Thậm chí một ngôn ngữ tương đối phổ biến không thuộc top 10 vẫn tăng được sức nặng cho sách của tác giả Việt, bởi các nhà môi giới hay biên tập viên khó chịu ở các thị trường lớn sẽ nhìn bản thảo bằng cặp mắt khác nếu biết nó từng được dịch và xuất bản. Họ thấy độ rủi ro giảm đi ít nhiều. Nói ví dụ, một dịch giả tiếng Hàn, với hiểu biết về thị trường Hàn Quốc, vốn đỡ “chật chội” hơn thị trường Mỹ, có thể đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ cả tác giả và NXB giới thiệu và quảng bá sách sang các thị trường tiềm năng khác. ■Một ví dụ gần đây của hai tác giả Việt Nam cũng là gợi ý cho những ai muốn tìm đường xuất ngoại: Tựa sách Hành trình đầu tiên (NXB Kim Đồng) của Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên đã được Make Me a World, một chi nhánh của Tập đoàn Penguin Random House, mua tác quyền để xuất bản vào đầu năm 2021 với tựa My First Day. Tựa sách thậm chí được Publishers Weekly gắn ngôi sao trong bài giới thiệu - một dấu hiệu mà ngay cả tác giả Mỹ cũng thèm muốn. Có hai điều đáng chú ý ở đây. Hành trình đầu tiên được NXB sách thiếu nhi hàng đầu thế giới Scholastic phát hành bản tiếng Anh từ năm 2015, lúc đó gói gọn cho thị trường châu Á. Ngoài ra, Quang và Liên đã tạo dựng được tên tuổi trên những tựa sách tiếng Anh khác trong vai trò vẽ minh họa, như cuốn The Floating Field của Scott Riley, NXB Millbrook. Đó thực sự là một nền tảng đáng kể.Rõ ràng các tác giả Việt Nam có cơ hội khẳng định mình trên thị trường sách quốc tế. Tôi còn nhớ vào cuối cuộc tọa đàm về sách dịch trong khuôn khổ hội sách Frankfurt 2020, bà Page-Fort không quên nhắn nhủ: “Chúng tôi đang tìm kiếm các bản thảo mới, trong đó có Việt Nam nhé!”. Tôi không nghĩ đó chỉ là lời xã giao. Đường đi tuy rất khó nhưng ít ra đã sáng hơn, rộng hơn và cũng ít gập ghềnh hơn rồi. Tags: Nhà xuất bảnXuất bảnSách dịchThị trường sách MỹTác giả Việt
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.