Con người hội tụ quá nhiều ngưỡng vọng

TTCT - Nhiều người gọi NSND Phùng Há là cây đại thụ của sân khấu cải lương - cách nói này không sai nhưng chưa sâu, chưa hết. Một nghệ sĩ giỏi vẫn có người thích hoặc không thích. Một tác phẩm hay vẫn có người khen, người chê. Nhưng ở bà Bảy Phùng Há, tất cả đã thống nhất thành một sự ngưỡng vọng tuyệt đối. Có điều gì khác biệt ở đây? Điều gì đã làm bà trở thành một biểu tượng của nhân cách nghệ sĩ?

Phóng to
NSND Phùng Há - Ảnh do chùa Nghệ Sĩ cung cấp
TTCT - Nhiều người gọi NSND Phùng Há là cây đại thụ của sân khấu cải lương - cách nói này không sai nhưng chưa sâu, chưa hết. Một nghệ sĩ giỏi vẫn có người thích hoặc không thích. Một tác phẩm hay vẫn có người khen, người chê. Nhưng ở bà Bảy Phùng Há, tất cả đã thống nhất thành một sự ngưỡng vọng tuyệt đối. Có điều gì khác biệt ở đây? Điều gì đã làm bà trở thành một biểu tượng của nhân cách nghệ sĩ?

Tôi đã đi tìm câu trả lời cho điều này và nhận ra cuộc đời kỳ lạ ấy là cả một hành trình không mệt mỏi: hành trình hoàn thiện bản thân.

Sinh ra trong một gia đình người Hoa nên trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, bà bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tuồng Tàu theo phong cách Quảng Đông và sau này phát triển thành trường phái tuồng cổ hồ quảng. Rồi bà gặp NSND Năm Châu - một cuộc gặp gỡ ngoạn mục. Chính NSND Năm Châu đã thổi vào tài năng trời phú của bà cả một hệ thống lý luận của phương pháp biểu diễn hiện thực tâm lý Stanilapsky.

Từ đó, bà bắt đầu đi vào những vai diễn tuồng Tây do ông phóng tác, rồi sau này là những tuồng VN hiện đại như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt... NSND Phùng Há và NSND Năm Châu - nhiều người nhắc đến mối quan hệ này như một tình cảm nam nữ. Nhưng một tình cảm lớn hơn mà không ít lần bà rỉ rả nói với tôi rằng với bà, NSND Năm Châu không chỉ như một người bạn diễn ăn ý nhất, mà còn là một người thầy, người anh đã bồi đắp thêm cho bà ý thức về trách nhiệm của một người nghệ sĩ: một nghệ sĩ giỏi không chỉ đơn thuần là đào, là kép trên sân khấu mà còn phải là một công dân tốt giữa xã hội. Và từ đó, trở thành một công dân nghệ sĩ là con đường mà bà đã chọn và kiên quyết đi với tất cả tấm lòng của mình.

Những năm cuối đời, bà lại đến với dân nghèo ở những vùng xa. Rất nhiều người khuyên bà nên ở nhà tịnh dưỡng để sống lâu hơn như một vốn quý của cải lương, một biểu tượng tinh thần của con cháu, chuyện từ thiện chỉ cần bà chỉ đạo là được. Nhưng bà không muốn vậy, bà bảo niềm vui của cuộc đời bà là những cuộc gặp gỡ. Khi còn hương sắc thì gặp khán giả trên sân khấu, khi đã xế chiều thì gặp họ ở những góc khác của cuộc sống. Bởi vậy đi làm từ thiện nhưng bà không bao giờ nói là “giúp” mà là “đền ơn tri ngộ”. Có lần tôi hỏi dò: “Có phải Bảy muốn đền ơn cho những khán giả nghèo ngày xưa không có tiền đi xem hát không?”. Bà khóc.

Trong phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc trước đây, dưới ảnh hưởng của soạn giả Trần Hữu Trang, Năm Châu, bà đã trực tiếp tham gia những cuộc biểu tình, xuống đường để chống lại văn hóa đồi trụy, lai căng, đứng ra thành lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế để tập hợp lực lượng nghệ sĩ yêu nước.

Sân khấu Sài Gòn trước giải phóng vì vậy đã không có vở nào công diễn mà có nội dung chống cộng, tố cộng. Nghệ sĩ sân khấu Sài Gòn vì vậy mà vẫn giữ được nguyên vẹn nghề, đạo nghề để hòa nhập được với mạch sống của đất nước sau này. Trong quan niệm của bà, một nghệ sĩ nhất thiết phải có ba tổ: Tổ quốc, tổ nghiệp và tổ chức. Không có Tổ quốc thì sẽ không còn tổ nghiệp. Không có tổ chức thì nghệ sĩ sẽ mất phương hướng.

Theo bà, sân khấu cải lương lao đao thời gian qua cũng bởi vì tính tổ chức yếu, thiếu những đoàn hát chuyên nghiệp, thiếu những quy định, kỷ luật để nghệ sĩ làm theo. Trong những lần trò chuyện gần đây, bà vẫn luôn trăn trở với tôi về những điều cần làm để sân khấu cải lương được giữ gìn và phát triển.

Đối với rất nhiều thế hệ nghệ sĩ, bà đã trở thành một người thầy, một vị tổ sống. Học trò của bà nhiều vô kể, có thế hệ gọi bà bằng má Bảy, có thế hệ phải gọi là bà nội, bà ngoại... Bà dạy theo kiểu truyền nghề, truyền kinh nghiệm chứ không hề có giáo án nhưng trong từng cách ca, điệu bộ trình thức của bà vẫn hàm chứa biết bao lý luận và sự chuẩn xác đã được “kiểm tra” qua bao thế hệ khán giả. Trong bà là cả một kho tàng về nghệ thuật diễn xuất mà gần như nghệ sĩ học trò nào của bà cũng có thể nhìn vào đó mà hóa giải những bế tắc trên bước đường làm nghề của mình.

99 năm góp mặt với đời, NSND Phùng Há đã tự mình đi trên một hành trình dài của sự tự hoàn thiện bản thân, cả trong từng vai diễn trên sân khấu lẫn trong chính cuộc sống của mình. Quá trình ấy bắt đầu từ tài năng bẩm sinh của một cô bé nghèo trong lò gạch đến một cô đào hát nổi tiếng, từ một người quản lý sân khấu tài ba đến một công dân nghệ sĩ trọn vẹn. Nhưng trên tất cả, tôi đồng ý với NSND Thanh Tòng: bà chính là một bà mẹ cải lương. Một người mẹ hiền của cải lương đã đi xa. Nỗi đau ấy, sự mất mát ấy vì thế không dồn dập như một cái cây bất ngờ bị ngã, mà sẽ ngấm dần theo năm tháng, như một đứa con mất mẹ, như một miền sẻ chia đã không còn. Cảm giác này sẽ còn dài và có lẽ còn đi theo hết cuộc đời của mỗi người trong chúng tôi - thế hệ những nghệ sĩ hậu sinh của bà.

______________

Phóng to
NSND Phùng Há - Ảnh: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang
Cô Bảy Phùng Há - trọn đời trả nợ dâu

Tài năng và cực kỳ khiêm tốn, đó là những điều đầu tiên đến trong đầu tôi khi làm chương trình “Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há, trọn đời trả nợ dâu” - suất hát cải lương (ngày 14-7-2001) các thế hệ học trò dành để tri ân cô Bảy Phùng Há do Nhà hát Trần Hữu Trang tổ chức.

Thử ngó coi, tôi đang là một đứa thất nghiệp, đi lang thang, được chọn về phụ một tay đào tạo cho trường dạy nghề của một nhà hát cải lương, có cơ duyên được ngồi cùng phòng, đôi khi cùng bàn với cô, vậy mà có những giờ giải lao cô cứ thì thầm với tôi: “Cô Ngọc ơi, tôi là người không có học hành trường lớp, chỉ học rồi dạy theo lối truyền nghề kiểu ông bà mình xưa nay, còn cô chắc là có cơ bản sư phạm kiến thức của Tây Âu, có gì mình cứ thẳng thắn trao đổi với nhau”. Những lời đó cô không chỉ nói một lần, dù tôi đã tình thiệt thưa với cô là mình tu mấy kiếp mới được cái duyên làm việc chung và cũng là học nghề từ cô.

Trong những giờ giải lao đó, tôi cũng được nghe nhiều tâm tình thời trẻ của cô, cái mối tình với nghề, với người mà cô đã nhập đạo với đời làm một. Phần thưởng lớn nhất cho tôi là khi tặng cô cuốn băng thu lại vở Vầng trăng ai xẻ, nghe Thảo - cô cháu sống chung khúc cuối đời của cô - kể cô thường khoe với nhiều người: “Vở đó cô Ngọc viết về cuộc đời tôi”. Vai nữ chính trong đó là một cô đào có mối tình dài gần cả thế kỷ với người ký giả kiêm soạn giả viết tuồng cho mình. Rồi vận nước nổi trôi, mãi đến lúc cô ôm được ông trong tay thì chỉ là một phần thân thể chết. Cuối đời, cô chọn nơi sống gần ngôi mộ rỗng của người xưa. Hình ảnh cô đào thì chỉ mượn từ đời cô, còn nhân vật nam thì phải cộng vào một chút nghệ sĩ Năm Châu, một chút soạn giả Trần Hữu Trang và có cả hình ảnh của người khai sinh ra giải Thanh Tâm là ông Trần Tấn Quốc...

Khúc đời đi dạy một bộ môn mà có lúc chỗ dạy cũng nổi trôi, học viên tới lớp nhiều khi ít hơn số người đứng lớp (cô, tôi và mấy cây đờn, thầy dạy hát, dạy vũ đạo), cảm hứng làm nghề của tôi nhiều khi tuột xuống điểm âm, nếu không ngó trực ngay sát cạnh mình. Một lão bà bà lưng thẳng hơn cả bọn trẻ chúng tôi, áo dài, khăn choàng phơ phất, vẫn hiên ngang cầm đao ra hươi bộ làm mẫu, vẫn lặng lẽ leo mấy bậc thang lên tận tầng cao nhất cao ốc Thuận Kiều (khi ngôi biệt thự xinh xắn ở đường Nguyễn Gia Thiều được ông Võ Văn Kiệt cho để làm trường đã bị đổi về đó), vẫn ngồi phơi nắng dạy ngoài sân khấu 126 (khi căn phòng thuê nơi đó cần trưng dụng lại để họp), không bỏ giây nào cho chuyện than van vì còn bận hừng hực truyền nghề.

Ở tuổi gần 90, bác sĩ cấm diễn, cấm dạy nhưng cô vẫn cố trốn lệnh để dạy cho cả những học viên tưởng không dạy được. Thử hình dung xem có lúc số người thi vào mấy ngàn, tuột còn mấy trăm, xuống mấy chục đến khóa cuối cô dạy thì gần như bao nhiêu người đi thi đều được nhận vào. Cô vẫn dạy cho đến ngày chúng tôi không còn kinh phí để đào tạo nữa. Cô kể có lần cô ngưng thở đến ba ngày, gia đình chưa đưa vào áo quan vội, ngờ đâu đến ngày thứ ba cô thở lại. Rồi cô kết luận những người mà diêm vương đã tha một lần như vậy thường sống thọ lắm. Và cô cho là để trả cái nợ được sống thêm đó, không dạy thì cô cũng tiếp tục làm từ thiện bằng chính con người và trái tim thật của mình. Cô biết chỉ khi thấy cô lao vào làm như vậy mới lay động được những người quan tâm đến cô tiếp nối công việc này.

Đợt làm chương trình cho cô, cô dặn tới dặn lui: “Đây là lần chót nghen, tôi sẽ nhân dịp này chào từ biệt khán giả luôn, mình là đào hát, chưng ra một nhan sắc tàn héo là có lỗi với khán giả tri âm”. Quyết là vậy nhưng đợt đến chùa Nghệ Sĩ để cùng cô lên sóc Bom Bo tặng quà, vẫn thấy cô tập thể dục thẩm mỹ trước phút lên đường, nằm đá ngược chân lên tới gần chót mũi, tự chăm sóc mình không phải để chường ra máy quay mà để đủ sức đi khúc đường trường còn lại. Lo người cùng nghiệp, lo từ kẻ sống đến lo cho người chết, lo cho trẻ thơ con em nghệ sĩ và nghĩ đến cả trẻ chưa sinh, cuộc đời cô chắc không có giờ để than trách mà chỉ có hành động như một cách tri ân những gì cuộc sống cho lẫn lấy đi của mình.

Một lần cùng ra thăm mộ chú Năm Châu cách nơi cô ở vài bước, nghe cô hát lại những câu vọng cổ mà chú viết riêng tặng cô, thấy cô hồi hộp rất thương. Cô lặng ngưng một chút với một nhịp trật, ra hiệu cho đàn ngưng rồi nói với tấm bia: “Run quá mà trật mất một nhịp rồi, để hát lại nghen”.

Bây giờ chắc chắn cô Bảy Phùng Há không còn xôn xao vội vã nữa, mà thanh thản khi trở về một cõi đầy đủ các tri âm đợi mình.

Đưa tiễn NSND Phùng Há về nơi an nghỉ cuối cùng
Thương những cuộc tình chưa viết bao giờ
Vĩnh biệt NSND Phùng Há: Biết ơn và trả ơn
NSND Phùng Há - 99 năm nhẹ gánh đường trần
Tấm lòng son 97 tuổi đời
NSND Phùng Há - “Đạo đức tựa thiên kim”

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận