TTCT - Trò chuyện với Nguyễn-Kim Mai Thi, nhà báo khoa học và dẫn chương trình cho nhiều kênh truyền hình khoa học, tiến sĩ hóa học, sau khi học tại MIT và Đại học Harvard. Nguyễn-Kim Mai Thi sinh 1987 tại Heppenheim (Đức), là một nhà báo khoa học và dẫn chương trình cho nhiều kênh truyền hình khoa học, tiến sĩ hóa học, sau khi học tại MIT và Đại học Harvard. Chị điều hành kênh YouTube MaiThink X từ 2016. Đầu tháng 4-2020, kênh maiLab đã đạt hơn 4 triệu lượt xem trong vòng 4 ngày với video về đại dịch, đứng đầu bảng xếp hạng xu hướng trên YouTube, cũng là video thành công nhất trong lĩnh vực này của YouTube và video phổ biến nhất năm 2020 với hơn 6 triệu lượt xem.Từ năm 2021, chị có chương trình cùng tên trên kênh ZDF. Mai Thi được tôn vinh hai lần là "Nhà báo của năm" (2018 và 2020) vì biết "giải thích những vấn đề cực kỳ phức tạp rất tốt đến mức ngay cả những người nghiệp dư cũng có thể hiểu được". Mai Thi là một điểm sáng cho sự nghiệp quảng bá các chủ đề khoa học vì chị kết hợp khoa học và tính chính xác của thực tiễn với sự sáng tạo và dễ hiểu một cách mẫu mực. Chào chị Mai Thi, cách đây đúng 5 năm, tôi như ngồi trong một phòng biệt giam ở Hà Nội, hoang mang và bức xúc như cả xã hội đang bị cách ly hoàn toàn trong cơn lockdown. May sao tôi còn có kết nối Internet, do đó tình cờ xem được video giải thích về Corona của chị khiến tôi tĩnh tâm hẳn. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là: Trong thời đoạn hỗn loạn này, tôi phải dịch và lồng tiếng video clip này ngay lập tức cho đồng bào của tôi. Hồi đó chị làm gì?Tôi vẫn còn nhớ rõ đợt phong tỏa đầu tiên ở Đức, vào tháng 3-2020. Khi video clip đầu tiên của tôi "Corona chỉ vừa bắt đầu" lên sóng, hầu hết mọi người nghĩ rằng tình trạng khẩn cấp do đại dịch sẽ không kéo dài quá lâu. Sau này nhìn lại, đôi khi tôi được cho là một trong những người đầu tiên nhận ra thế giới sẽ còn phải chung sống lâu dài với đại dịch này. Nhưng tất nhiên điều đó không đúng - các chuyên gia đã biết điều đó trước tôi. Tôi chỉ là một trong những người đầu tiên đã thành công trong việc dịch kiến thức của các chuyên gia thành ngôn ngữ dễ hiểu cho càng nhiều người càng tốt, thông qua một clip video trên YouTube.Các nhà khoa học làm việc cho công chúng chứ không để giấu công trình trong tháp ngà, tuy nhiên, ấn tượng rằng các chủ đề khoa học được truyền đạt một cách khô khan hoặc chỉ dành cho chuyên gia vẫn còn dai dẳng. Tại sao, và làm thế nào để cải thiện tình trạng đó?Phải thừa nhận rằng các chủ đề khoa học với độ phức tạp của chúng chắc chắn không dễ để đơn giản hóa. Nhóm của tôi và tôi làm việc toàn thời gian về truyền thông khoa học. Và ngay cả sau gần 10 năm kinh nghiệm làm việc thực tế, tôi vẫn thường xuyên phải nhào nặn, xoay trở rất nhiều trong từng câu từng chữ. Vì vậy, việc các nhà nghiên cứu truyền đạt thông tin khoa học tốt bên cạnh công việc thực tế của họ là một yêu cầu không hề nhỏ.Tuy nhiên, tôi nhận thấy ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu nhận ra tầm quan trọng của truyền thông khoa học, sẵn sàng đầu tư thời gian và công sức. Điều này nên được khuyến khích thông qua các khóa đào tạo phù hợp. Nhiều người dường như vẫn tin rằng khả năng giao tiếp là một tài năng bẩm sinh. Nhưng như hầu hết mọi kỹ năng khác, nó chỉ đơn giản là một nghề thủ công có thể học được. Ở Đức có một số trường đại học chào mời khóa học phù hợp cho sinh viên hoặc nghiên cứu sinh của họ.Trong cuộc chiến chống lại sự bội thực truyền thông và không ít fake news, chị đã giành được một chỗ đứng được công nhận rộng rãi. Chị nhìn nhận vai trò của mình trong lĩnh vực này như thế nào?Mục tiêu của tôi là tạo ra các sự kiện siêu lan truyền cho việc khai sáng khoa học với mỗi bài báo, mỗi thước phim mà chúng tôi đóng góp. Nếu tôi tìm thấy những phép loại suy hoặc hình ảnh dễ nhớ hoặc thú vị, những thứ mà người ta có thể dễ dàng phát tán tiếp, tôi không chỉ tiếp cận được những người xem chương trình của tôi hoặc đọc sách của tôi, mà những người này sẽ tự trở thành những người truyền đạt khoa học. Tại Việt Nam, có một cuộc thảo luận trong dân chúng: Liệu đất nước có nên phát triển thành một quốc gia công nghiệp hiện đại (theo gương Mỹ, Đức, Nhật Bản) hay tận dụng lợi thế địa lý và trở thành một cường quốc nông nghiệp (Brazil, Mỹ, Ấn Độ). Chị sẽ gợi ý điều gì cho Bộ trưởng Giáo dục của chúng tôi, người đang vận động cho một chiến lược giáo dục quốc gia để đạt được 1 triệu sinh viên STEM (tiếp cận giáo dục liên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) vào năm 2030?Tôi luôn nhận thấy Việt Nam rất đam mê STEM, trong khi tôi thấy câu ca thán điển hình của người Đức là "Không biết toán cũng chẳng chết ai". Nhưng điều mà tôi thấy quan trọng không kém là làm cho STEM dễ tiếp cận. Khoa học không nên là một câu lạc bộ độc quyền của các học giả. Về mặt này, tôi rất vui khi công việc của mình góp phần giúp mọi người làm quen với STEM ngay cả trong thời gian rảnh rỗi.Nhiều hoạt động đồng nghĩa với nhiều hy sinh cá nhân, vì ngày của chị cũng chỉ có 24 giờ như của mọi người. Chị có thấy thế không? Có thấy bõ công để bị những kẻ độc miệng gọi là tay sai của Bill Gates hay ăn tiền của Angela Merkel?"Làm thế nào mà bạn làm được tất cả những việc đó?" là câu hỏi mà tôi thường được nghe. Và câu trả lời là: "Hầu như không thể! Tôi hầu như không làm được! Và tôi cũng không làm được nhiều việc lắm".Nhưng tôi có may mắn và đặc ân lớn khi có một "bè lũ" tuyệt vời vây quanh. Tôi không chỉ được làm việc trong các dự án với những nhóm xuất sắc, mà trong cuộc sống riêng tư, tôi còn có đội ngũ tuyệt vời nhất trên thế giới là chồng và cha mẹ mình. "It takes a village to raise a child (Cần cả làng để nuôi dạy một đứa trẻ thành người)" là một câu ngạn ngữ mà tôi rất hiểu kể từ khi làm mẹ. Nuôi dạy trẻ em là trách nhiệm chung của cả xã hội, không chỉ là trách nhiệm riêng của cha mẹ, và theo chiều ngược lại, con nít học hỏi được nhiều điều từ những người khác nhau trong cộng đồng để có được cái nhìn đa dạng và phong phú về thế giới. "Ngôi làng" nhỏ xíu của tôi gồm những người tốt bụng xung quanh tôi giúp tôi cân bằng giữa công việc và gia đình. Có được hạnh phúc ấy thì những kẻ độc miệng chỉ là chuyện nhỏ.ARD và ZDF, WDR (các kênh truyền hình Đức lớn nhất), YouTube, chuỗi WiD (Đối thoại khoa học), Terra-X (loạt phim tài liệu khoa học nổi tiếng của Đức, bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, từ lịch sử, khảo cổ học, đến khoa học tự nhiên và vũ trụ…), là giảng viên thỉnh giảng môn truyền thông khoa học ở Đại học Heidelberg) và nhiều việc khác nữa - một danh sách rất dài về các nơi làm việc của chị, chưa kể một cơ số lớn các chủ đề từ ngôn ngữ đa giới tính, chính phủ liên minh, đến chứng đau bụng kinh - làm dấy lên lo ngại rằng chúng ta có thêm một ngôi sao truyền thông và mất đi một nhà khoa học. Lo ngại ấy có cơ sở không?Bạn nói đúng: Tôi không chỉ từ bỏ nghiên cứu tích cực để làm công việc hiện tại của mình - và tôi cũng sẽ không thể thực sự theo đuổi công việc này nếu tôi cố gắng làm truyền thông khoa học bên cạnh sự nghiệp nghiên cứu. Tôi đơn giản chỉ thấy hạnh phúc. Công việc này thách thức tôi, giúp tôi phát triển, sáng tạo và giữ được tâm trạng hài hước.Nhưng tôi thấy có một vấn đề về cấu trúc mà truyền thông khoa học hiện đang gặp phải: Ngay cả khi truyền thông khoa học ở Đức ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ trong chính sách giáo dục, nó không mang lại cơ hội để tạo dựng tên tuổi trong một sự nghiệp khoa học kinh điển. Ở đó, các công trình và ấn phẩm khoa học vẫn là điều quan trọng nhất. Các nhà nghiên cứu đang hoạt động làm truyền thông khoa học vì niềm vui, chủ nghĩa lý tưởng và ý thức trách nhiệm, nhưng cuối cùng là phải trả giá bằng sự nghiệp của họ. Thời gian mà họ đầu tư lẽ ra có thể được dành cho nghiên cứu và sẽ xây đắp hoành tráng thêm cho sự nghiệp khoa học của mình. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, hiện tại ở Đức thiếu một hệ thống khuyến khích tốt, đây là một trong những thách thức then chốt.Cảm ơn chị. Nhà nước Đức thu phí bắt buộc từ mỗi hộ gia đình khoảng 19 euro/tháng để tài trợ cho các kênh phát thanh và truyền hình công cộng ở Đức (ARD, ZDF và Deutschlandradio).Khoản phí này gây ra nhiều tranh cãi ở Đức, vì nhà nào cũng phải trả tiền ngay cả khi không sử dụng các dịch vụ này. Tuy nhiên, khoản phí này rất quan trọng trong hệ thống truyền thông công cộng ở Đức, đảm bảo cho người dân có quyền truy cập một lượng cơ bản các chương trình thông tin và giải trí đa dạng, nhưng độc lập và không bị ảnh hưởng bởi lợi ích thương mại. Cũng nhờ đó mà Đức cũng có một ngành công nghiệp quảng bá chủ đề khoa học mạnh mẽ, với nhiều chương trình được phát sóng trên các kênh truyền hình công cộng. Tags: Nguyễn-Kim Mai ThiKhoa họcĐứcĐối thoại
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
Hệ thống y tế TP.HCM ra sao sau sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu? THU HIẾN 08/05/2025 Sở Y tế TP.HCM đề xuất phương án duy trì, giữ nguyên bệnh viện, cơ sở bảo trợ xã hội hiện có sau khi sáp nhập với 2 tỉnh. Các đơn vị sự nghiệp công lập này sẽ trực thuộc Sở Y tế TP.HCM.
Làm 355km metro trong 10 năm: Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm trưởng Ban Chỉ đạo ĐỨC PHÚ 08/05/2025 Ngày 8-5, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM.
Có thể tuyên dương sinh viên nhường chỗ ngồi cho cựu chiến binh thay vì tặng bằng khen TRẦN HUỲNH 08/05/2025 Theo chuyên gia, việc các sinh viên nhường chỗ ngồi cho các cựu chiến binh trong đại lễ 30-4 rất xứng đáng được tuyên dương với nhiều hình thức khác, thay vì tặng bằng khen của giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM.
Mây ngũ sắc lại xuất hiện ở nơi tôn trí xá lợi Phật, núi Bà Đen HOÀI PHƯƠNG 08/05/2025 Trên đỉnh núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh), mây ngũ sắc xuất hiện khiến nhiều người đi chiêm bái xá lợi Phật thích thú.