Công tác bảo tồn: Nhìn từ câu chuyện ở Cát Bà

HỒNG VÂN THỰC HIỆN 12/11/2020 19:11 GMT+7

TTCT - Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện với ông NEAHGA LEONARD, giám đốc Dự án bảo tồn voọc Cát Bà (Hải Phòng), về cách tiếp cận toàn diện trong bảo tồn.

Ông Neahga Leonard (thứ 3 từ trái qua) trong một chuyến đi thực địa. Ảnh: Bui Lam Khanh
Ông Neahga Leonard (thứ 3 từ trái qua) trong một chuyến đi thực địa. Ảnh: Bui Lam Khanh

Cát Bà là một điểm nóng về du lịch của VN, điều đó mang lại những lợi ích và thách thức nào cho công tác bảo tồn tại đây?

- Du lịch và bảo tồn có mối quan hệ phức tạp và tình hình ở Cát Bà, Hạ Long (Quảng Ninh) cũng không ngoại lệ. Về lý thuyết, du lịch là cách để tạo ra nguồn tài chính cần thiết, nâng cao nhận thức cho mục tiêu của bảo tồn, giúp tan tỏa các thông điệp về bảo tồn hiệu quả.

Thực tế việc quản lý du lịch, hoạt động du lịch, các dự án liên quan đến du lịch không tốt làm những tác động về môi trường và xã hội của du lịch vượt xa những lợi ích mà nó mang lại.

Ở Cát Bà, ta khó nhìn thấy lợi ích mà du lịch mang lại cho công tác bảo tồn của địa phương. Đó có thể là sự chú ý nhất định ở tầm quốc gia và quốc tế đến khu vực này. Các nhà hoạch định chính sách đã thấy điều này và có các quy định để củng cố chính sách bảo vệ môi trường.

Nhưng việc thực thi các quy định còn thiếu vì hai lý do. Một là áp lực rất lớn trong việc phát triển Cát Bà thành trung tâm du lịch chính của miền Bắc. Hai là việc thực thi Luật môi trường được giao cho các cơ quan hành chính địa phương, vốn bị thiếu nhân lực và kinh phí trầm trọng, thiếu thẩm quyền để áp dụng những hình phạt hiệu quả với các hành vi vi phạm Luật môi trường.

Hoạt động bảo tồn thường tập trung vào các loài động vật lớn tiêu biểu. Ông có thể giải thích vì sao bảo tồn các loài động vật nhỏ cũng quan trọng như các loài động vật lớn và cách tiếp cận về bảo tồn tại Cát Bà?

- Một trong những thách thức với công tác bảo tồn là nhận thức của cộng đồng về bảo tồn thường tập trung vào các cá thể, đặc biệt là các loài động vật tiêu biểu lớn. Nhưng quan điểm của các nhà bảo tồn và nhà sinh thái học là nhìn nhận mỗi loài vật riêng lẻ là một phần của hệ sinh thái, để bảo vệ hiệu quả một loài vật thì phải bảo vệ toàn bộ hệ sinh thái.

Tất cả các loài cùng tạo nên hệ sinh thái phải nhận được sự bảo vệ bình đẳng như nhau. Ở Cát Bà, loài biểu tượng là voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) - loài linh trưởng quý hiếm nhất ở VN và quý hiếm thứ hai trên thế giới, thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp.

Có một đại diện mang tính biểu tượng làm mũi nhọn cho công tác bảo tồn tại đây nghĩa là có những lợi thế nhất định, nhưng nhược điểm là lấy mất sự chú ý dành cho các loài khác trong quần đảo cũng rất cần được quan tâm.

Chúng tôi tập trung bảo vệ hệ sinh thái của toàn đảo để bảo tồn mối quan hệ giữa các loài có mặt ở đây. Có một mối liên hệ giữa voọc Cát Bà và một loài thực vật nhỏ thường bị thu hái trái phép, bán trên thị trường cây cảnh.

Có rất ít nguồn nước ngọt quanh năm trên Cát Bà nên vào mùa khô, voọc lấy nước chủ yếu từ thực vật. Trên vách đá toàn bộ vùng Cát Bà, Hạ Long có một loài thực vật đặc hữu nhỏ, thân dày, nhiều thịt, trữ nước có tên là Primulina drakei, hoa màu tím hình ống khá đẹp.

Trong mùa khô, voọc Cát Bà tăng lượng tiêu thụ Primulina drakei lên 30%, cho thấy loài thực vật này là một nguồn tài nguyên quan trọng trong chuỗi thức ăn của voọc. Việc săn trộm và buôn bán bất hợp pháp loài thực vật này có thể gây tác động bất lợi đến quần thể voọc cũng như quần thể các loài động vật khác sống dựa vào nó để lấy nước vào mùa khô.

Vì thế, cách tiếp cận bảo tồn của chúng tôi bao gồm việc chống săn bắt, hái trộm các loài động, thực vật và các loài chim; trồng rừng, giáo dục môi trường cho người dân địa phương và thường xuyên trao đổi về chính sách với các cơ quan chức năng.

Một quần thể voọc Cát Bà.  Ảnh: Neahga Leonard
Một quần thể voọc Cát Bà. Ảnh: Neahga Leonard

Ông có thể cho vài ví dụ về tầm quan trọng của việc thay đổi hành vi với bảo tồn?

- Việc giảm các hoạt động gây ô nhiễm và giới hạn số lượng khách du lịch trong khu vực sẽ mang lại lợi ích cho cả việc bảo tồn môi trường và trải nghiệm của du khách. Gây ô nhiễm là một điều tồi tệ, nhưng người ta vẫn vứt rác ra cửa sổ xe buýt, thả rác xuống biển. Điều này cần phải chấm dứt hoàn toàn, quan trọng hơn nữa là cần giải quyết vấn đề ô nhiễm tiếng ồn.

EEA (Cơ quan Môi trường châu Âu), WHO (Tổ chức Y tế thế giới) và nhiều nghiên cứu khác đã cảnh báo ô nhiễm tiếng ồn là loại ô nhiễm có hại thứ hai với con người, sau bụi mịn trong không khí. Ô nhiễm tiếng ồn cũng gây hại cho động vật hoang dã, cả trên cạn và dưới nước. Mặc dù đã có luật cấm tiếng ồn, nhưng có rất ít hành động cụ thể để hạn chế nó.

Tại Cát Bà và các vùng tự nhiên khác trên cả nước, người ta thường mang theo cả loa karaoke di động, cho công ty du lịch mở nhạc lớn hoặc dùng loa để nói chuyện với du khách, cho các khu nghỉ dưỡng, kể trong vườn quốc gia, mở nhạc lớn, có thể nghe từ khoảng cách 3km qua địa hình đồi núi.

Thêm vào đó, số lượng lớn tàu thuyền trên vùng biển Cát Bà, Hạ Long làm môi trường dưới nước quá ồn ào, khiến các loài thú biển như cá heo không thể định hướng và các sinh vật biển khác không thể giao tiếp.

Cơ quan chức năng cần quy định rõ ràng về nơi có thể tạo ra âm thanh lớn, ở mức âm lượng nào. Điều này sẽ mang lại lợi ích môi trường to lớn ở cả khu vực Cát Bà, Hạ Long và các nơi khác trên cả nước.

Ông có thể chia sẻ một số bài học kinh nghiệm bảo tồn thành công ở các nước Đông Nam Á? VN có thể rút ra điều gì từ những điểm sáng này?

- Tại Cát Bà, một trong những thành công lớn của chúng tôi là thành lập các đội chống săn trộm dựa vào cộng đồng vốn gồm chính những người săn trộm trước đây. Làm được điều này là nhờ xây dựng lòng tin trong cộng đồng, tiếp cận trực tiếp, tôn trọng người dân, kiến thức của họ và thể hiện chúng tôi cam kết lâu dài.

Tại Indonesia, tổ chức phi chính phủ Alam Sehat Lestari đã thành công trong việc giảm nạn phá rừng và săn trộm bằng cách xác định những áp lực buộc cộng đồng phải tham gia các hoạt động bất hợp pháp. Sau khi tìm hiểu, họ phát hiện tiền không phải là động lực, mà người dân cần tiền để mua các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phân bón nông nghiệp.

Do đó, sau khi cung cấp dịch vụ y tế rẻ hơn và hướng dẫn người dân chăn nuôi, tự làm phân hữu cơ, nạn săn trộm giảm. Không có cách tiếp cận bảo tồn chung nào đúng cho tất cả. Mỗi địa phương cần một cách tiếp cận riêng nhưng bằng việc tuân theo một số nguyên tắc cơ bản và cách tiếp cận cẩn thận, chúng ta có thể tìm ra công thức thành công phù hợp.■

Một con voọc Cát Bà chưa trưởng thành. -Ảnh: Neahga Leonard
Một con voọc Cát Bà chưa trưởng thành. -Ảnh: Neahga Leonard

Hợp tác công - tư để bảo tồn gene

Hiện hoạt động bảo tồn các loài hoang dã được thực hiện dưới hai hình thức phổ biến là bảo tồn nội vi (in-situ) hay bảo tồn tại chỗ và bảo tồn ngoại vi (ex-situ) hay bảo tồn chuyển chỗ. Tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà, hoạt động bảo tồn các loài hoang dã hiện nay tập trung vào bảo tồn nội vi thông qua hoạt động bảo vệ nguyên vẹn các sinh cảnh sống của các loài.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện hệ thống pháp luật của VN cơ bản đáp ứng được mục tiêu quản lý động vật hoang dã. Nhưng thực tế việc quản lý các loài động vật hoang dã vẫn gặp rất nhiều thách thức do việc mất rừng, suy thoái rừng đang diễn ra nhanh chóng, làm mất sinh cảnh sống của các loài. Mặt khác, thói quen/văn hóa sử dụng động vật hoang dã (làm thực phẩm, làm đồ trang trí) của một bộ phận người dân vẫn còn.

Cuộc sống một bộ phận người dân sống gần rừng vẫn khó khăn, phụ thuộc vào rừng, họ vẫn phải “ăn rừng” để sinh tồn. Các giải pháp quan trọng là tăng cường công tác bảo vệ rừng, phục hồi rừng, bảo vệ sinh cảnh cho các loài; nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen/văn hóa sử dụng động vật hoang dã của một bộ phận người dân và tăng cường sinh kế cho những người dân sống trong/gần rừng.

Tuy nhiên, việc thuần hóa và khai thác nguồn gene từ tự nhiên để đưa vào cuộc sống là một quá trình cần thời gian lâu dài. Một giáo sư ở Nhật từng chia sẻ ông đã mất tới 20 năm sự nghiệp để lai tạo được một giống cây lê có năng suất, chất lượng cao và khả năng kháng bệnh tốt từ cây lê dại.

Như vậy để bảo tồn, phát triển và khai thác nguồn gene tự nhiên không chỉ cần đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn… mà cần có thời gian để các nguồn gene quý hiếm có thể thích ứng, phát triển. Đồng thời nên xem xét cơ chế hợp tác công - tư trong công tác bảo tồn, phát triển nguồn gene để huy động các nguồn lực khác của xã hội như doanh nghiệp, cá nhân… tham gia các hoạt động bảo tồn và phát triển các nguồn gene quý hiếm.

Ông Nguyễn Lê Phước Thạnh 

(phụ trách công tác bảo tồn động vật hoang dã Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Lâm Đồng)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận