TTCT - Làm việc chăm chỉ và cống hiến thì được tôn vinh, nhưng thời nay nghỉ ngơi và tận hưởng cảm giác "ở không" đúng nghĩa cũng là một nghệ thuật. Ảnh: Getty Images/iStockLàm việc chăm chỉ và cống hiến thì được tôn vinh, nhưng thời nay nghỉ ngơi và tận hưởng cảm giác "ở không" đúng nghĩa cũng là một nghệ thuật. Bởi với một số người, tuy chưa đến mức sướng quá hóa rồ, nhưng chỉ cần thư thả nghỉ ngơi, tạm rút ra khỏi guồng quay công việc một chút là cơ thể lại đổ bệnh.Người ta gọi đó là chứng "bệnh say nhàn rỗi" (leisure sickness). Một người mắc triệu chứng này có thể sẽ không háo hức kể lại chuyến nghỉ mát khi được hỏi, mà tuôn một tràng than thân dài như sớ Táo quân, rằng đi chơi mà nào sổ mũi, nào dị ứng tới rối loạn tiêu hóa. Nói chung, công thức kinh điển của triệu chứng này là: tạm không đi làm - xếp hành lý - khởi sự lên rừng xuống biển - ngã bệnh. Bệnh tình sẽ giảm khi cá nhân trở lại với công việc thường ngày. Thế có chán không cơ chứ."Sao ở nhà không bệnh đi", có lẽ họ đã gào lên như thế, và ta cũng đôi phần thắc mắc. Hơn 20 năm trước, quan sát thấy hiện tượng nhiều người cảm thấy không khỏe vào đúng thời điểm đi chơi, nghỉ phép, nghỉ lễ..., giáo sư tâm lý học lâm sàng Ad Vingerhoets tại Đại học Tilburg (Hà Lan) đã đặt ra thuật ngữ "bệnh say nhàn rỗi". Còn nhà tâm lý học Marc Schoen thì gọi nó là "hiệu ứng thất vọng".Tờ Financial Times hồi giữa tháng 7 dẫn lời giáo sư Vingerhoets cho biết một số người không đồng ý "bệnh say nhàn rỗi" thực sự là một dạng rối loạn. Cũng cần thông cảm cho quan điểm này, bởi lẽ các triệu chứng rất khác nhau. Vingerhoets và các đồng sự đã khảo sát 1.800 người, chỉ khoảng 3% cho biết đã gặp phải tình trạng bệnh khó hiểu này.Một số người bệnh ngay trước cuối tuần, những người khác không khỏe khi bắt đầu kỳ nghỉ. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ và buồn nôn, có khi là cảm lạnh, sổ mũi, chóng mặt hoặc rối loạn tiêu hóa. Một nghiên cứu gần đây của các học giả Áo đã phát hiện thêm các vấn đề về tai. Rốt cuộc mỗi người một dấu hiệu, thật là nhiễu sự.Nếu chẳng may bị mắc chứng này, có lẽ người "say nhàn rỗi" sẽ ước giá như mình là... người Bỉ. Số là năm ngoái, một báo cáo cho biết cứ bốn người lao động nước này thì có một người gọi điện báo bệnh khi đang trong kỳ nghỉ. Sang đầu năm nay, Bộ Kinh tế và Việc làm Bỉ áp dụng luật mới, theo đó những người lao động bị bệnh trong kỳ nghỉ có thể được hưởng lại số ngày nghỉ đã mất bằng cách xuất trình giấy xác nhận bệnh từ bác sĩ, bệnh viện. Số ngày nghỉ bị bệnh sẽ chuyển thành nghỉ bệnh, còn số ngày bù phép sẽ diễn ra sau đó hoặc chuyển vào quỹ phép năm sau. Luật mới tuân theo quyết định của Tòa án công lý liên minh châu Âu, phán quyết vào năm 2012 dựa trên một án lệ tại tòa án Tây Ban Nha, theo báo The Brussels Times.Đa số giới y học giải thích "bệnh say nhàn rỗi" là khi con người làm việc với áp lực cao, adrenaline sẽ tiết ra nhiều, giúp kìm nén cảm giác đau ốm. Đến lúc cơ thể có thời gian thư giãn, các triệu chứng bị giấu đi đó sẽ trồi lên. Một giả thuyết khác cho rằng con người là sinh vật của thói quen, tự động hóa các quy trình theo lịch hoạt động thường nhật. Khi thay đổi tức thì sang trạng thái nghỉ ngơi sẽ tương tự việc bỗng dưng "tắt máy", cơ thể mất phương hướng và vật lộn để điều chỉnh.Theo chuyên gia tâm lý Barbara Tovar, tâm trí cần quá trình đào tạo mới quen với quãng thời gian nghỉ ngơi. "Nếu không được "dạy", cơ thể sẽ tiếp tục bám vào những lo lắng, tìm nhiệm vụ đang chờ xử lý để hoạt động đúng nhịp độ thông thường" - chuyên gia hơn 20 năm kinh nghiệm về lo âu và căng thẳng nói với báo Vogue India.Giáo sư Vingerhoets nêu thêm trường hợp là "bệnh say thư giãn" sẽ hiển hiện rõ ở những người tham công tiếc việc và cầu toàn. Đối với nhóm người này, trở nên giỏi nhất trong công việc, được yêu mến nhất, xuất sắc nhất mới mang lại sự thành công, sự thoải mái. Khao khát đó sẽ thôi thúc họ làm, làm mãi, không có chế độ "stand by" (tạm nghỉ) chứ nói gì đến "shut down" (nghỉ hẳn). Cơ thể bị ép nghỉ ngơi sẽ đổ bệnh, như một dấu hiệu biểu tình.Vậy chẳng lẽ cứ làm quần quật mà không thư giãn, không đi biển tận hưởng mùa hè, không lên rừng hít hà không khí trong lành đổi gió? Dĩ nhiên là cần phải nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng cho cơ thể rồi. Lời khuyên từ giáo sư Vingerhoets là để có kỳ nghỉ hay một cuối tuần thảnh thơi thì nên tập luyện nhẹ nhẹ vào chiều thứ sáu hoặc trước chuyến đi, để làm giảm bớt mức adrenaline.Chuyên gia tâm lý Tovar mách nước cần chuyển đổi dần dần. Lịch trình nghỉ dưỡng nên được lên kế hoạch trước, tránh thay đổi đột ngột, hoàn thành các nhiệm vụ cần kíp để không phải "quắn quéo" nhìn màn hình điện thoại chờ email như nắng hạn chờ mưa. Bên cạnh đó, kỳ nghỉ sẽ tuyệt vời hơn nếu chúng ta cố gắng duy trì thói quen ăn, ngủ, tập thể dục hằng ngày. Cỗ máy có hoàn hảo đến mấy thì cũng cần bảo dưỡng định kỳ, mà bảo dưỡng sao cho không thành ác mộng cũng quan trọng không kém. Tags: Nghỉ phépĐi chơiĐi du lịchĐổ bệnhSức khỏe
Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện VIỆT ANH 04/09/2024 2185 từ
Hà Nội: Sập nhà trên phố Khâm Thiên, cảnh báo nội thành ngập lụt PHẠM TUẤN 07/09/2024 Chiều 7-9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Bão số 3 vẫn còn rất mạnh, gió cấp 12, giật cấp 13 TUẤN PHÙNG 07/09/2024 Bão số 3 vẫn còn gió mạnh cấp 12, giật cấp 13 và đi sâu vào đất liền. Bão gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10 tại Hà Nội trong chiều và đêm 7-9, cơ quan khí tượng khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà.
Bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh gây cảnh tượng chưa từng thấy: Cột điện, cây xanh gãy đổ la liệt CHÍ TUỆ 07/09/2024 Dọc tuyến đường nối giữa thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), hàng loạt cột điện, cây xanh gãy đổ ngổn ngang.
Trực tiếp: Bão Yagi càn quét, gió rít liên hồi, xe lật, cây ngã, tàu chìm, cột điện gãy gục 07/09/2024 Bão Yagi càn quét, quật ngã cây cối, nhấn chìm tàu thuyền. Tâm bão đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13.