Cú rướn "chết người"

BS TĂNG HÀ NAM ANH 20/08/2013 04:08 GMT+7

TTCT - * Lúc chơi tennis, trong một cú rướn người cứu banh tôi bỗng nghe tiếng rắc ở chân và thấy đau nhói, đi lại được nhưng không chạy được nữa. Tôi đã chườm lạnh và tự mua thuốc uống nhưng chân vẫn không đỡ. Xin bác sĩ cho biết tình trạng này là gì?

(Đức Thiện, TP.HCM)

Phóng to
Bài tập căng cân gan chân đơn giản có thể tập ở bất kỳ nơi nào. Chỉ cần đứng trên các đầu ngón chân trong 5 giây, tập 6 lần/ngày, mỗi lần nhón chân khoảng 30-40 lần - Ảnh: Hoàng Minh

Đau vùng gót chân có rất nhiều nguyên nhân, cần phải khảo sát kỹ vì một số bệnh có cùng “vùng đau” dễ gây nhầm lẫn.

Đau nhói vùng gót chân

Rất nhiều bệnh nhân gặp tình trạng tương tự khi chơi thể thao. Qua thăm khám, chúng tôi phát hiện gân gót đã bị đứt. Có người sáng ngủ dậy, bước chân xuống giường thấy đau nhói ở vùng gót chân. Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần và ngày càng nặng. Nguyên nhân đau vùng gót chân có rất nhiều, có thể là bệnh lý thoái hóa điểm bám gân gót, viêm bao hoạt dịch sau xương gót hay sau gân gót, bệnh lý màng gân gót...

Thoái hóa điểm bám gân gót nằm chung trong nhóm bệnh lý thoái hóa điểm bám gân. Bệnh có đặc điểm đau khi lúc mới khởi đầu vận động như trong trường hợp buổi sáng bước xuống giường thấy đau gót chân. Khi bệnh tiến triển nặng hơn thì cơn đau xuất hiện nhiều hơn. Trong gân gót không thấy có hiện tượng viêm, thay vào đó là hiện tượng thoái hóa thiếu máu nuôi làm rách vi thể các sợi gân.

Những cử động đột ngột của gót chân sẽ dễ gây ra tình trạng rách bán phần hay tệ hơn là rách hoàn toàn gân gót. Khi bệnh tiến triển lâu có thể thấy hình ảnh gai xương nơi bám gân gót.

Giày dép phù hợp để nâng đỡ

Đối với bệnh lý thoái hóa điểm bám gân gót thì chìa khóa cho việc điều trị thành công là phát hiện và điều trị sớm. Điều trị bao gồm những bài tập làm căng gân gót. Chỉnh sửa các biến dạng vùng gót chân gây ra tình trạng bàn chân sấp quá mức. Điều trị các bệnh lý khớp dưới sên gây ra tình trạng hạn chế tầm vận động của khớp này làm tăng áp lực lên gân gót. Thời gian tối thiểu để điều trị thành công là ba tháng, do vậy phải kiên trì luyện tập và hợp tác tốt trong việc điều trị.

Cần phải xem xét các loại giày dép để sao cho nâng gót chân lên, chỉnh sự lệch vẹo gót chân, giày hay dép có đế đủ rộng để đỡ cả gót chân, không bó quá phần trước bàn chân. Hạn chế tối đa việc chích corticoide vào gân gót vì có thể gây ra tình trạng đứt gân gót. Việc dùng thuốc kháng viêm giảm đau chưa được chứng minh là có lợi hơn việc tập luyện căng gân gót, tuy vậy các thuốc này vẫn được dùng để giảm đau.

Một số bệnh nhân đau gót chân không phải do thoái hóa gân gót mà là viêm các bao hoạt dịch sau xương gót hay sau gân gót. Để phân biệt, phải xác định được điểm đau nhất khi ấn. Viêm bao hoạt dịch có điểm đau trước gân gót (trong trường hợp viêm bao hoạt dịch sau xương gót) hay đau mặt sau gân gót (bao hoạt dịch sau gân gót).

Trong trường hợp này bệnh nhân có phản ứng viêm thật sự và đáp ứng tốt với thuốc kháng viêm giảm đau. Việc điều trị bao gồm mátxa vùng gân gót, chườm lạnh sau khi tập, uống thuốc, nghỉ ngơi. Nếu thất bại có thể dùng corticoide tiêm vào vùng bao hoạt dịch (phải hết sức cẩn thận để không tiêm vào gân gót).

Tuy nhiên biện pháp này không nên sử dụng đại trà vì nguy cơ đứt gân gót rất cao và một số chuyên gia khuyến cáo là KHÔNG NÊN chích corticoide vào gân gót hoặc vào điểm bám gân.

Một phương pháp điều trị khác cũng rất hiệu quả là dùng sóng xung kích (shock wave) đánh vào điểm bám gân vài lần trong vài tuần kết hợp với tập kéo căng gân gót cũng làm hết đau mà không cần uống thuốc.

Một số trường hợp có thể phẫu thuật. Tuy nhiên, thời gian hồi phục sau mổ khá dài và chậm chạp.

Phân biệt với gai xương gót

Viêm cân gan chân là một trong số các nguyên nhân gây đau gót chân. Tình trạng viêm lâu ngày làm canxi lắng tụ ở chỗ bám vào xương gót, khi chụp phim sẽ thấy có hình ảnh gai xương gót. Gai xương gót chỉ là hậu quả của tình trạng viêm đau lâu ngày. Bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng gây khó chịu vì đau.

Bài tập căng cân gan chân có hiệu quả trong việc điều trị và phòng ngừa tái phát. Bài tập đơn giản và có thể tập bất kỳ nơi nào. Người bệnh chỉ cần đứng trên các đầu ngón chân trong 5 giây, mỗi ngày tập 6 lần, mỗi lần nhón chân khoảng 30-40 lần. Chích corticoide tối đa ba lần vì chích nhiều lần sẽ không có tác dụng mà tăng nguy cơ biến chứng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận