LTS: Khi những đứa trẻ ngoan ngoãn, dễ thương thuở nào bỗng trở thành “người lạ” trong nhà thì cha mẹ không những cần phải hiểu là con mình đang chuẩn bị trở thành người lớn, mà có khi cũng cần thay đổi, cần học để “trở thành cha mẹ của người lớn”. TTCT giới thiệu bài cuối trong loạt bài và một số đề nghị ứng xử với lứa tuổi này. Minh họa: Bích Khoa Trẻ đến tuổi vị thành niên dễ xung khắc với bố mẹ và tùy từng hoàn cảnh mà mâu thuẫn có thể leo thang biến thành thế đối đầu. Mức độ nhẹ là sứt mẻ tình cảm hay con cái không còn nghe lời bố mẹ, nặng hơn là trẻ bỏ trốn khỏi gia đình và gia nhập những băng đảng xấu trong xã hội, lấy phá phách và phạm pháp làm hành động để chứng tỏ bản thân. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, đạo đức truyền thống bị phá vỡ, văn minh thời hiện đại du nhập bị khúc xạ, các mối quan hệ qua mạng Internet gia tăng về số lượng và vượt qua ranh giới địa lý, thì biến động trong gia đình khi trẻ vào giai đoạn thành niên càng nghiêm trọng hơn và vượt khỏi tầm kiểm soát của mỗi bản thân. Các bậc phụ huynh cần phải ý thức được rằng không chỉ có con mình đang chuẩn bị làm người lớn, mà chính bản thân mình cũng cần phải học để làm cha mẹ của người lớn. Công nhận tuổi trưởng thành Nhìn từ góc độ xã hội thì vị thành niên là giai đoạn mà cộng đồng chuẩn bị thêm một thành viên mới. Ở Ba Lan trong những tháng cuối cùng của cấp III, bên cạnh việc học thi tốt nghiệp các em còn học điệu nhảy dân tộc Polonez để trình diễn trong buổi lễ trang trọng chính thức làm người lớn, gọi là matura. Ở Anh thì học xong phổ thông, những thành viên mới của nhóm người lớn thích tự mình đi vòng quanh thế giới chơi hay làm việc thiện nguyện một năm rồi mới quay trở lại vào đại học, gọi là gap-year. Ở Đức, gia đình làm lễ trưởng thành cho các em từ năm 14 tuổi, gọi là jugendweihe, còn ở Nhật và Hàn Quốc thì vào năm 20 tuổi. Những buổi lễ tương tự cũng có ở châu Phi và rất nhiều dân tộc khác trên thế giới. Rất ít gia đình ở Việt Nam tổ chức sinh nhật tuổi 18 cho con với ý nghĩa công nhận tuổi trưởng thành như vậy. Và càng ít bậc phụ huynh ở Việt Nam chấp nhận con mình như một người lớn ngang hàng với mình sau ngày tròn 14, 18, 20, hay 21, kể cả 30, 40, 50 tuổi... Diễn biến tâm lý tự nhiên nhất của các em khi muốn khẳng định mình không còn trẻ con nữa là làm những điều mà các em nghĩ là người lớn thì phải như vậy: hút thuốc, uống rượu, tình dục, phạm pháp, nổi loạn... tùy thuộc vào những gì các em nghĩ về người lớn từ khi còn nhỏ. Khi không được cha mẹ công nhận là người lớn và tiếp nhận mình vào cộng đồng người lớn qua cách đối xử, thì các em tự làm người lớn và tham gia các nhóm xã hội mà các em nghĩ là người lớn. Những dạng thức “người lớn” Hiện tượng tự mình làm người lớn thể hiện ra bên ngoài qua rất nhiều dạng thức khác nhau. Nếu lúc còn nhỏ được dạy là trẻ con không được phép cãi lời người lớn thì nay các em sẽ cãi lại cha mẹ, bất kể đúng hay sai, để chứng tỏ mình là người lớn. Nếu giai đoạn dậy thì được dặn dò rằng phải chờ lớn mới được yêu đương, thì giờ đây các em sẽ công khai hay lén lút quan hệ tình dục để giống các bạn bè đã là người lớn. Để chứng minh với cha mẹ rằng mình không còn phải dựa dẫm như khi còn bé - như những lời mắng mỏ thường nghe về công lao nuôi dưỡng - các em sẵn sàng bỏ nhà ra đi mặc kệ hậu quả là sau đó sẽ phải lệ thuộc vào những kẻ xấu lợi dụng. Trong chuyện tiền bạc, bố mẹ thường lấy lý do kiếm ra tiền để buộc các em phải nghe lời thì tâm lý vị thành niên khuyến khích các em phạm pháp để nhanh chóng làm giàu và khẳng định vị trí của mình trong gia đình. Những hành động nổi loạn cộng hưởng môi trường băng đảng, tội phạm, ma túy, mại dâm... sẽ vượt quá giới hạn, trong nhiều trường hợp các em không còn con đường quay trở lại cuộc sống bình thường một cách dễ dàng mà phải chịu hình phạt của xã hội cho những hành động sai trái của mình. Trong trường hợp các em có cá tính yếu đuối, tình cảm, quá nghe lời cha mẹ thì sẽ không dám nổi dậy để chống lại, sẽ cam chịu mãi vẫn là một đứa trẻ “con ngoan trò giỏi”. Thông thường, các em sẽ co cụm vào một thế giới riêng nào đó của mình. Nếu thích đọc sách hay xem phim hoặc nghe nhạc thì các em sẽ sống trong thế giới ảo tưởng của những nhân vật trong sách, trong phim, hay sự nổi loạn của dòng nhạc đương đại. Các em sẽ cố gắng cam chịu trong không gian thu hẹp để khi có cơ hội ra riêng sẽ mãi mãi thoát ly khỏi mối quan hệ gia đình. Nếu cha mẹ gia tăng sức ép, bước tiếp vào không gian riêng của con, tìm cách mở cửa vào phòng riêng, kiểm soát phim - nhạc - truyện của con thì giống như dây cung kéo quá căng sẽ bật lại, hoặc gãy vụn hoàn toàn. Bất kể như thế nào thì kết quả cũng là có hại cho trẻ vị thành niên, ít nhất là di chấn về tâm lý. Trong xã hội đương đại, trẻ dễ tìm vào không gian ảo để tránh áp lực từ phía cha mẹ: nghiện chơi game online, thích vào mạng xã hội. Các em đóng cửa phòng để cắt đứt quan hệ với cộng đồng người lớn là bố mẹ, nhưng ngồi trong phòng mà sử dụng Internet để gia nhập cộng đồng người lớn rộng hơn đang hiện hữu đằng sau chiếc máy tính. Xin bố mẹ cho đi học nước ngoài hay học đại học ở thành phố khác cũng là một cách trốn thoát khỏi sức ép từ bố mẹ và khẳng định bản thân là người lớn trước bạn bè cùng lứa. Để giúp những đứa trẻ “xa lạ” Nếu hiểu được những biến chuyển như vừa mô tả do xã hội tác động vào tâm sinh lý của trẻ vị thành niên, ta sẽ giải mã được những hành động “xa lạ” của con và nhanh chóng xác định được động thái nào của chính bản thân mình đã tạo ra phản ứng như vậy ở con. Không phải do trời mà chính là xã hội đã tạo ra những tính cách mới cho các em, mà từ nay ta phải học theo người Đức, người Anh, người Ba Lan, người Nhật, người Hàn Quốc và cả các bộ tộc ở châu Phi hay nhiều dân tộc khác trên thế giới nữa, để tôn trọng và cư xử với các em như người lớn. Vấn đề là nỗ lực mỗi ngày để trở thành người bạn tốt của con mình, và tìm cho con mình những người bạn tốt để khuyến khích nguồn ánh sáng đó soi rọi và xóa tan đi những mảng đen do bạn xấu và môi trường xấu tạo ra. Khi đó, ta sẽ hiểu được không phải biến chuyển lạ nào trong tính cách của con mình cũng đều là điều xấu. Tính cách chính là sự phản ánh của xã hội vào cá nhân một con người, mà trẻ em như một tờ giấy trắng ghi lại một cách trung thực nhất những gì đang xảy ra. Ví dụ như ngày trước điều kiện sống còn khó khăn, cả nhà cùng sinh hoạt và ngủ trong một không gian nhỏ, nhưng nay có điều kiện mua hay xây nhà to cho mỗi người một phòng, thì chuyện các em muốn làm chủ một khoảng không gian của riêng mình là điều bình thường. Ở các nước phương Tây, từ nhỏ các em đã nằm giường riêng và có phòng riêng, đến tuổi trưởng thành là ra riêng, đi học ở nơi khác và đến một nơi khác nữa để làm việc. Các em phải biết tự sắp xếp, quản lý, biết cách bảo vệ không gian riêng của mình ngay từ trong gia đình để sau này ra đối đáp với bạn bè cùng ký túc xá hay hàng xóm trong chung cư. Thay vì trách móc và tạo ra căng thẳng thì ta có thể khuyến khích và giúp con biết thu xếp một cuộc sống tự lập. Khi còn nghèo đói thì không cần nhắc chúng ta cũng tự nhìn ngó để chạy vào bàn ăn đúng giờ, nhưng nay thức ăn thừa thãi, còn bị bố mẹ ép uống sữa và ăn vặt thì chuyện các em không thiết tha với giờ ăn tối cùng gia đình cũng chẳng có gì lạ. Thay vì la lối, cằn nhằn thì ta có thể nghĩ ra câu chuyện hay để bữa ăn gia đình trở thành một sinh hoạt lý thú và hấp dẫn. Cũng như bản thân mình không thích những bữa tiệc căng thẳng và nhàm chán, các em - bây giờ đã là người lớn - cũng suy nghĩ tương tự về bữa cơm tối ở nhà như vậy. Việc giúp con cái thành thân trước hết là trách nhiệm của chính các bậc phụ huynh, và chúng ta cần học để giúp con vào đời. Câu trả lời không phải là nhìn vào một hiện tượng tâm lý đơn lẻ và áp lực sai chỗ kéo theo vòng luẩn quẩn làm leo thang mâu thuẫn trong mối quan hệ gia đình, mà như vừa trình bày là quan sát và phân tích một cách khoa học những lý do xã hội trong những thay đổi của trẻ vị thành niên trong giai đoạn hình thành và khẳng định nhân cách. Không phải lúc nào chúng ta cũng đủ điều kiện để làm bạn với con mình. Khoảng cách về thế hệ tạo ra sự khác biệt về suy nghĩ, độ chậm chạp trong tư duy, yếu kém về sức khỏe khiến ta không còn khả năng nhạy bén để đoán ý con để mà cùng chơi chung, hay hiểu những điều con nói, chạy theo những thú vui mà con thích. Khi đó ta có thể nhìn quanh xem bạn bè cùng lứa có ai có con có thể là bạn tốt cho con mình hay không. Hoặc là nhìn trong số những người mình quen biết có ai nhỏ tuổi hơn mình nhưng lớn tuổi hơn con để giúp con vào đời. Đó là mô hình của các tổ chức thiếu niên như hướng đạo hay Brownies: các em lớn tuổi dìu dắt các em nhỏ tuổi hơn cùng trưởng thành và bảo vệ nhau trong cuộc sống, hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Có một thời gian trong thập niên 1980 và 1990 các tổ chức Đội thiếu niên tiền phong và Đoàn thanh niên ở các địa phương, nhà văn hóa hay cụm dân cư đã làm rất tốt vai trò này, nhưng nay cơ cấu nhân sự và nội dung không bắt kịp những thay đổi của xã hội. Tags: Cùng con làm người lớn
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có thông điệp lớn, quan trọng tại Mỹ DUY LINH 19/09/2024 Chuyến công tác từ ngày 21-9 tới là hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Mỹ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới.
Ba lô mới, vở bút mới và nụ cười của học sinh vùng lũ Trấn Yên VĨNH HÀ 19/09/2024 Những học sinh vùng lũ ở Trấn Yên (Yên Bái) đón nhận niềm vui trẻ thơ, sau nhiều ngày cùng gia đình vượt qua đợt mưa lũ lịch sử.
Xuất hiện vết nứt chạy dọc núi, Quảng Nam khẩn cấp sơ tán dân trong đêm THÁI BÁ DŨNG 19/09/2024 Tối 19-9, Đồn biên phòng Đắc Pring (Bộ đội biên phòng Quảng Nam) cho biết sau nhiều giờ huy động cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng địa phương, toàn bộ dân ở thôn 56B, xã Đắk Pre (huyện Nam Giang) đã được sơ tán tới nơi an toàn.
Nga tăng gấp 10 lần sản xuất drone TRẦN PHƯƠNG 19/09/2024 Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tăng số drone sản xuất trong năm 2024 gấp 10 lần con số 140.000 để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.