Cũng một đời người

LÊ QUANG 24/03/2023 07:01 GMT+7

TTCT - Năm nay mùa đông Đức cực lạnh. Không rõ ông lang thang nơi đâu.

Tôi gọi ông là Eduard vì ông có dáng đi vòng kiềng giống Eduard, một cậu bạn cũ từng ở cùng tầng ký túc xá đã bị đuổi học, chứ không biết tên thật của ông.

Eduard là người vô gia cư hiếm hoi ở thành phố mà tôi thuộc mặt. Thông thường họ vất vưởng nay đây mai đó, sống bằng cách nhặt nhạnh chai lọ rỗng đem trả ở siêu thị và mùa đông được vào ngủ nhờ, tắm giặt ở nhà tế bần của nhà thờ Kitô giáo.

Ảnh: Lê Quang

Ảnh: Lê Quang

Eduard trụ lại ở thành phố miền Trung nước Đức này có lẽ đến ba năm rồi và ngạo mạn không hề ăn một bữa hay qua đêm một lần ở đó. 

Có hôm trời nóng, tôi thấy ông lội vào giếng phun nước ở trung tâm thành phố để tắm táp. Người qua đường nhăn mặt quay đi hoặc chép miệng đầy thương cảm chứ không ghét bỏ, ngay cả mấy đội cảnh sát đi tuần ngang qua cũng giả bộ ngó lơ như không thấy gì.

Tôi bắt chuyện với ông khi gặp nhau lần thứ hai, vì cả hai cùng dán mũi vào tủ kính của hiệu bán máy ảnh ở bên hông nhà thờ. Ông chủ hiệu ắt là người mê ảnh, tuần nào cũng có một triểm lãm nho nhỏ với các tác phẩm riêng, toàn ảnh đen trắng rất ấn tượng. Té ra Eduard từng là người rất thích chụp ảnh, ở một thời đã xa lắm rồi. Tôi cho ông mấy đồng lẻ mà ông không nhận, chỉ dè dặt chọn lon bia khều ra trong túi đi chợ của tôi.

Eduard nói lào phào khó nghe vì ông móm gần hết cả hàm trên, cũng có thể do tôi cẩn thận ngồi cách một đoạn để tránh mùi hôi. Thời trẻ ông được tặng chiếc máy ảnh Leica vào sinh nhật thứ 15 và nuôi một thú vui rất công phu: ông chọn những cái cây vừa ý - có thể là cây sồi trăm tuổi ở công viên, một cây liễu rủ bóng cạnh suối hay chỉ là bụi cẩm tú cầu rậm rạp - và chụp nó vào bốn mùa trong năm theo một lịch nhất định, từ một điểm nhất định. 

Các bộ bốn ảnh theo bốn mùa do ông tự rửa phóng được thư viện thành phố trang trọng chọn treo trên tường.

Khi gần đến tuổi có thể bị bắt đi lính, Eduard phiêu bạt qua Pháp gần một năm trời và bị bắt sau khi đột nhập nhiều lần vào các tòa nhà công sở để ngủ trộm tránh tuyết.

Nhà tù Provence-Alpes-Côte d'Azur là một nơi rất lạ: vì những lý do khó hiểu nào đó mà quá nửa số tù nhân là người Đức. Họ có hai lựa chọn: bị dẫn độ về Đức hay đầu quân cho Légion étrangère - binh đoàn lê dương Pháp. 

Là người Việt Nam, tôi biết đến lính lê dương như một loại lính tàn bạo của thực dân Pháp. Kỳ thực Légion étrangère toàn lính tình nguyện hay ít nhiều mang chất tình nguyện có thời hạn thì đúng hơn, chắc cũng chỉ vì miếng cơm manh áo hoặc đơn giản để được xóa án hình sự. Eduard cùng tám bạn đồng hương khác ghi tên vào binh đoàn lê dương và sau này được điều qua Điện Biên Phủ.

Đám lính tứ chiếng này thực ra được huấn luyện rất bài bản, do đó, khi bị Việt Minh bắt làm tù binh và khai liều là đảng viên cộng sản Pháp bị bắt lính, Eduard được trưng dụng để gọi loa chiêu hồi sang phía chiến hào của lính Pháp, rảnh rỗi thì huấn luyện cho quân đội Việt Nam ngày ấy chủ yếu còn là lính chân đất, chưa thạo bồng súng rập gót nghiêm nghỉ. 

Eduard chọn tên Việt là Lương sau khi cưới một cô gái Tày - Lương lấy từ tiếng Tày "điếp slương", tức "thân mến".

Hòa bình lập lại, trung úy Lương cùng vợ về Hà Nội nhưng không tìm được công việc gì tử tế. Chiến tranh lạnh diễn ra song song với Chiến tranh nóng phía Nam sông Bến Hải, khiến cho các thành phần hải ngoại bị mặc định xếp vào diện khả nghi. 

Dĩ nhiên người ta không đối xử tồi với Eduard, song ông cũng không được trọng dụng. Công việc biên dịch tiếng Đức và tiếng Pháp cho Việt Nam thông tấn xã cũng chỉ được chăng hay chớ, vì liên quan đến quá nhiều tin nhạy cảm.

1965, khi chiến tranh phá hoại của Mỹ bắt đầu lan rộng ở miền Bắc, hàng loạt ngoại kiều được gợi ý hồi hương. Với quá khứ là cựu sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, trung úy Lương khó mường tượng ra một tương lai tươi sáng ở Tây Đức, do đó ông xin được hộ chiếu của một quê hương mà ông chưa hề biết - Cộng hòa Dân chủ Đức.

Gia đình Eduard về Leipzig, nơi tôi nằm điều trị sau một tai nạn giao thông và gặp ông lần đầu tiên. Ông đưa vợ vào cấp cứu: cô gái Tày ngây thơ trong trắng ngày nào kết hôn gã tù binh với tình cảm bao dung cao cả, nay không hiểu nổi vì sao ông chồng đầu gối tay ấp của mình gặp đàn bà lạ hoắc nào cũng ôm hôn chút chít. Sau nhiều lần phí công giận dỗi, cô làm một liều thuốc ngủ lớn. Mọi can thiệp y khoa đều quá muộn.

Lẽ ra, cuộc sống của Eduard rồi cũng êm ả. Ông được hưởng mức lương hưu đủ sống, tuy cũng chẳng có việc gì làm ra hồn. Nhà nước Đông Đức mải vật lộn trong cuộc cạnh tranh với Tây Đức, và dù không nói ra thì họ cũng nghi ngại một phần tử lang bạt kỳ hồ không có lý lịch rõ ràng. Ngay cả cơ quan an ninh Stasi cũng từ chối lá đơn tuyệt vọng xin làm đặc tình của ông: Eduard không hiểu rằng ở lĩnh vực kỳ bí này chỉ có việc tìm người, chứ không thể người tìm việc. 

Mỗi năm cựu trung úy Lương được mời lên Đại sứ quán Việt Nam liên hoan Tết Nguyên đán, rồi người ta cũng bận bịu quên ông. Nhà nước Đức tái thống nhất sau 1990, trớ trêu thay, tìm được trong văn khố của Stasi lá đơn xin việc của ông và hạ mức lương hưu xuống còn ba phần tư. Ông bất mãn, bỏ nhà ra vỉa hè vạ vật.

Năm nay mùa đông Đức cực lạnh. Không rõ ông lang thang nơi đâu. Lần nào vào thành phố tôi cũng có ý để mắt tìm ông mà không gặp lại.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận