Cuộc chiến phe vé & phe nhạc

DU LÊ 13/07/2023 08:14 GMT+7

TTCT - Khi nghệ thuật biểu diễn rời khỏi thánh đường tìm tới quần chúng, cò vé sẽ xuất hiện. Giăng giữa hai thái cực của trung thành tuyệt đối và thương mại tuyệt đối, dường như là một thế giới quá bao la, nơi bình đẳng xảy ra lúc ta cùng bằng… đỉnh.

Minh họa: Arkansas Democrat-Gazette/NIKKI DAWES

Minh họa: Arkansas Democrat-Gazette/NIKKI DAWES

Có hai cách để hiểu và đánh giá thật sự thỏa đáng trải nghiệm nhạc sống: một là hiện diện, sau khi xếp hàng (kể cả online) mua cho mình tấm vé và/hoặc bay sang một quốc gia khác để tận mắt chứng kiến, phải dè sẻn chi tiêu (hoặc không), và hai là nhìn vào lực lượng cò vé, phe vé hùng hậu bâu vào xâu xé trải nghiệm.

Nghệ sĩ cũng là nạn nhân

Khán giả trong nước vốn được chuộng chiều bởi quá nhiều sự kiện nhãn hàng miễn phí hay mở cửa tự do, nhưng (hay chính vì vậy mà) nhận quá ít lựa chọn thưởng thức. 

Tiến trình của một khán giả yêu nhạc vốn luôn dai dẳng, tốn kém và không thiếu thăng trầm. Nào là sở hữu băng đĩa (hay đăng ký tài khoản streaming trả phí để không vướng quảng cáo), mua vé biểu diễn (và lạ thay, như một thói quen bất đắc dĩ, vé đi sang một nơi xa khỏi thành phố đang sống) và vật phẩm tại sô, rồi thì sắm sửa và nâng cấp trang thiết bị nghe nhìn, tải ứng dụng Songkick hay Bandsintown để được cập nhật khi nào nghệ sĩ mình yêu thích ghé qua. Hay thậm chí, tốn kém hơn cả, tự tổ chức sự kiện cho nghệ sĩ mình hằng yêu thích.

Họ chịu chơi vì biết rằng những gì nhận được ở từng đêm diễn là độc nhất, duy nhất, "live" và không thể lặp lại. Đó là những thứ mà chỉ người hiện diện mới hiểu - cho dù con số đó chỉ vài chục hay hàng trăm ngàn con người cùng cất tiếng đồng thanh. 

Nhưng khi nghệ thuật biểu diễn rời khỏi thánh đường và tìm tới quần chúng, cò vé sẽ xuất hiện, không giấu giếm (như đứng ngay trước cổng Nhà hát Hoàn cầu của Shakespeare ở Southwark, London).

Nhũng nhiễu trong phân phối vé có một hiện tượng gọi là ice - nhân viên nhà bán vé giao vé giá cao cho cò, và những "con dao mổ" này tha hồ chặt chém những khán giả từ xa đến, tuyệt vọng tìm mua những chiếc vé đã hết từ lâu. 

Tờ New York Times nhắc đến ice năm 1964, khi lượng vé lớn được chính "người nhà" Broadway tuồn ra ngoài, bán cao gấp 10 lần giá thực. Backstreet Boys cũng từng là nạn nhân khi promoter (đơn vị phụ trách toàn bộ quy trình tổ chức và bán vé cho nghệ sĩ, và chăm sóc nghệ sĩ trong thời gian trước và sau khi sô diễn diễn ra) House of Blues bán vé trực tiếp cho môi giới, những người sau đó bán lại với giá ngất ngưởng. 

Ngoại lệ - khi mộng đầu cơ tiêu tan - có lẽ là năm 2009, cò vé thất thểu trước thềm đêm diễn Air Supply tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM).

Cuộc chiến phe vé & phe nhạc - Ảnh 2.

"Boss" Bruce Springsteen đã từng lớn tiếng tuyên bố: "Vé phải tới fan, không phải quân phe vé". Trước thềm chuyến lưu diễn Bắc Mỹ Shows of the a Lost World năm 2022 (sau hơn 7 năm vắng bóng), The Cure, ban nhạc rock đã lưu danh ở Sảnh danh vọng, thông báo trên mạng xã hội: "Chúng tôi muốn chuyến lưu diễn này vừa túi tiền cho tất cả fan. Đối tác của chúng tôi đã đồng ý bắt tay ngăn chặn tình trạng dân phe vé nhúng tay".

Hành động nhân văn này hóa ra là một… ngoại lệ ở Mỹ. Ban nhạc viết thêm: "Rủi thay, bất kể mong mỏi duy trì giá vé vừa phải cho fan, các bang New York, Illinois và Colorado khiến việc này khó khăn hơn - họ có cả luật bảo vệ bọn phe vé nữa!". 

Robert Smith, linh hồn gothic của ban, tiếp tục: "Sau khi trao đổi, Ticketmaster rốt cuộc đã đồng tình rằng nhiều chi phí fan phải trả cao quá quắt, nên theo thiện chí sẽ hoàn lại mỗi tài khoản mua vé đã xác thực 10 đô la cho hạng vé thấp nhất, và 5 đô la các hạng vé còn lại, ở tất cả các sô diễn, tại tất cả địa điểm".

Ta thấy xuất hiện cái tên Ticketmaster, nền tảng bán vé trực tuyến vừa có một năm 2022 bê bối với vụ lùm xùm mà truyền thông chủ lưu gọi là "sự thất bại của Taylor Swift - Ticketmaster", liên quan đến việc bán vé cho chặng Hoa Kỳ của Eras Tour, chuyến lưu diễn năm 2023 của Taylor Swift.

Ông vua vé thật sự

Từ 2010, sau khi hợp nhất với Live Nation, siêu cỗ máy kiếm tiền Ticketmaster như cọp thêm cánh. 

Như kẻ gây ô nhiễm nhựa khuyến khích các kế hoạch tái chế nhựa, Ticketmaster đề nghị Quốc hội Mỹ mở rộng Đạo luật Bán vé trực tuyến tốt hơn (Better Online Ticket Sales Act) nhằm "củng cố thực thi [pháp luật] để ngăn chặn những ai phạm pháp", sau khi chủ tịch Ticketmaster Joe Berchtold đổ cánh phe vé tiến hành tấn công mạng để đánh sập web vé pre-sale của Taylor Swift. 

Đại diện của Ticketmaster cho biết show diễn đầu tiên kể từ năm 2018 của nữ ca sĩ đã gây ra "nhu cầu lớn chưa từng có" nơi người hâm mộ.

Chưa hết, Ticketmaster mong Quốc hội Mỹ trao quyền cho nghệ sĩ tự quyết các quy định về bán lại vé, bao gồm hạn chế tình trạng bán lại từ bên thứ ba, minh bạch chi phí. Ticketmaster áp dụng phương thức giá linh động, giống như các ứng dụng vận tải sẽ tăng giá cước theo nhu cầu đi lại của khách (Chỉ khi nghệ sĩ đồng ý - họ nói thêm). Taylor Swift đã áp dụng cách tính này chí ít từ 2018.

Các thành viên Quốc hội lại tin rằng vấn đề nằm chính ở Ticketmaster, ở chỗ đứng sừng sững của ngành công nghiệp bán vé. 87% trên Top 40 Tour của Billboard nằm về tay Ticketmaster; tới mức một promoter cạnh tranh, Jam Productions, cho rằng Ticketmaster ngăn cản, không để nghệ sĩ cho đối thủ của Ticketmaster đứng ra tổ chức lưu diễn. 

CEO Seat Geek cho biết Ticketmaster sử dụng các thỏa thuận độc quyền với địa điểm tổ chức, kéo dài có khi tận 10 năm. Live Nation, theo poster hai đêm diễn của BlackPink công bố ở Hà Nội, chính là promoter, dù đơn vị đứng ra tổ chức về mặt pháp luật là IME, một công ty vừa thành lập tại Việt Nam cuối tháng 6.

Biểu tình phản đối Live Nation Entertainment và Ticketmaster bên ngoài tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ngày 24-1-2023. Ảnh: Drew Angerer/Getty Images

Biểu tình phản đối Live Nation Entertainment và Ticketmaster bên ngoài tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ngày 24-1-2023. Ảnh: Drew Angerer/Getty Images

Chính quyền có thể làm gì?

Nhà chức trách Ý vừa phanh phui 26 nghi phạm đứng sau một đường dây "độ vé" trực tuyến, sau khi nhận về 2,75 triệu đô la lợi nhuận phi pháp. Theo điều tra, con số này có được từ 15.000 vé từ 278 buổi diễn, được khống lên gấp 10 lần giá trị thực. 

Đường dây này được cho đã thao túng tất cả các sự kiện âm nhạc tại Ý trong chỉ hai năm 2022 và 2023, của những tên tuổi hàng đầu như quán quân Eurovision Måneskin, Andrea Bocelli, Blink 182, Elton John, Madonna, Red Hot Chili Peppers và Coldplay.

Tại Úc, buổi diễn thứ ba của Taylor Swift ở Melbourne được chính phủ bảo hộ bằng pháp luật hiện hành áp dụng chống lại hành vi đội giá. Cho ba đêm diễn ở Sydney và ba ở Melbourne, dự kiến lượng khán giả sẽ vượt ngoài nửa triệu, khi chỉ sau 12 giờ đầu thông báo, hơn 1 triệu người đã đăng ký nhận mã presale, và 4 triệu người xếp hàng để mua vé cứng, không ít sẽ từ những địa điểm xa xăm hơn tìm đến để tham gia.

Theo luật có từ năm 2009, vé đêm diễn Taylor Swift trong Eras Tour ở Úc không thể bán lại cao hơn 10% giá trị ban đầu. Đại lý vé bán sỉ cũng buộc phải được nhà tổ chức duyệt và cấp quyền, còn quảng cáo áp dụng cho vé lẻ buộc phải bao gồm vé và chi tiết chỗ ngồi. 

Hành vi vi phạm sẽ phải chịu mức phạt từ 925 tới hơn 550.000 đô la Úc, tùy nhẹ nặng. Bộ trưởng Du lịch, Thể thao và Sự kiện Steve Dimopoulos khẳng định: "Chúng tôi không muốn fan Taylor Swift bị những kẻ đầu cơ vô liêm sỉ gây "Bad Blood" cho fan (tên một ca khúc trong album 1989, nghĩa bóng là gây thù)".

Ở Brazil, nơi vé chợ đen được công nhận là một loại hình tội phạm, giới lập pháp đang đề đạt một dự luật sẽ gia tăng mức phạt đối với hành vi phe vé. Nữ nghị sĩ Simone Marquetto muốn củng cố hơn nữa các mức phạt hiện hành, tù giam từ 1-4 năm, và mức phạt cao gấp 100 lần giá vé ban đầu. 

Dự luật với cái tên thời thượng "Taylor Swift Law" đưa ra dựa vào thực trạng thời thượng: vé tham gia Eras Tour tại hai thành phố São Paulo và Rio de Janeiro tăng chóng mặt ngay sau thông báo. Với vé của Taylor Swift, mức phạt có thể dễ dàng lên mức 125.000 đô la. 

"Tình trạng thừa nước đục thả câu của những kẻ phe vé kia lên người dân Brazil tại các kỳ sự kiện bán vé đông người tham dự quá sức rõ rệt và tai tiếng. Những tấm vé này tước đoạt cơ hội thưởng thức của những người kém may mắn hơn, khiến họ không thể tham dự buổi diễn mong muốn, đồng thời gây phương hại đến chính nền kinh tế" - Marquetto phát biểu. Bà cho biết đã nhận đủ chữ ký cần thiết để dự luật được thông qua.

Cuộc chiến phe vé & phe nhạc - Ảnh 4.

Tại Đài Loan, Cơ quan Văn hóa sẽ soạn dự thảo luật bổ sung nhằm ngăn chặn tình trạng phe vé, can thiệp bằng thuật toán để trữ vé số lượng lớn rồi bán lại gấp nhiều lần giá trị ban đầu. 

Quyết định đưa ra sau khi rất nhiều fan BlackPink phàn nàn không thể mua được vé dự hai đêm diễn của nhóm idol tại Cao Hùng; có trường hợp vé gấp 40 lần giá trị thực, tương đương 400.000 Đài tệ. Trước đó, tháng 11-2022, hòa nhạc của Super Junior cũng có tình trạng giá vé bán lại gấp 17 lần giá ban đầu.

Cơ quan Văn hóa Đài Loan sẽ áp dụng hình phạt nghiêm khắc với những hành vi mua đi bán lại, lên tới 18.000 Đài tệ (gần 600 đô la) cho "hành vi mua vé vận chuyển hoặc sự kiện giải trí nhưng không sử dụng mà bán lại vì mục tiêu lợi nhuận". 

Theo tờ Liberty Times, "sử dụng thuật toán trực tuyến để mua vé số lượng lớn bán lại có thể đối mặt án tù cao nhất 3 năm và tiền phạt 3 triệu Đài tệ (97.500 đô la). Các trường hợp cung cấp thông tin sẽ được thưởng 100.000 Đài tệ, hoặc 20% số tiền phạt phải đóng.

Theo quy luật cung cầu, nhà cung cấp mong muốn tối đa lợi nhuận sẽ chọn một trong hai phương án: tăng cung hoặc tăng giá. Thị trường vé thứ cấp hình thành - một thị trường thừa cơ hội nhưng thiếu đạo đức, mà theo ước tính năm 2016, trị giá tới 8 tỉ đô la.

Khi vé in, vé giấy bị Internet thay thế, thị trường này càng tiếp tục trương phình, biến tướng. Có lẽ, nó hiểu rằng với nhiều người - chẳng cần hay chưa bao giờ là khán giả yêu nhạc - không màn hình máy tính và Internet băng thông rộng nào có thay thế việc chứng kiến nghệ sĩ mình hằng yêu thích bằng xương thịt, giữa một biển người hòa theo tiếng hát một ký ức xa xưa. Âm nhạc khi đó chính là lối thoát.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận