TTCT - Thắt chặt kiểm soát và trừng phạt những công ty công nghệ hàng đầu trong nước không chỉ là nước đi thể hiện quyền lực mà còn cho thấy Bắc Kinh đang quyết tâm theo đuổi một con đường phát triển khác biệt: xây dựng một nền kinh tế với công nghiệp sản xuất làm trụ cột. Ảnh: supchina.comVới “phát súng” đầu tiên là việc đình chỉ đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Công ty tài chính Ant Group vào tháng 11 năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh đã bắt tay vào một chiến dịch bàn tay thép nhằm thắt chặt kiểm soát với những gã khổng lồ công nghệ trong nước, gồm Tencent (đa dịch vụ), Meituan (giao đồ ăn), Pinduoduo (thương mại điện tử), Didi (gọi xe), Full Truck Alliance (hậu cần & vận chuyển hàng hóa) và Kanzhun (tuyển dụng).Các động thái chỉnh đốn này “chưa từng có tiền lệ cả về thời lượng, cường độ, phạm vi và tốc độ triển khai”, theo nhận xét trong một báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Goldman Sachs. Nhìn bề ngoài, vụ việc lần này không gì khác ngoài một cuộc đụng độ không thể tránh khỏi giữa quyền lực cứng của chính phủ và quyền lực mềm ngày càng gia tăng của giới “Big Tech” ở một trong những quốc gia có nền kinh tế Internet đang phát triển mạnh mẽ nhất.Thực tế có thể không đơn giản như vậy, và nó thể hiện một tầm nhìn khác biệt của Bắc Kinh về những ưu tiên của một cường quốc kiểu mới.Chống “khuếch trương tư bản”Báo chí phương Tây dùng từ “đàn áp” (crackdown) để gọi chiến dịch ghì cương Big Tech của chính quyền Bắc Kinh. Từ này có thể đúng theo một nghĩa nào đó - việc siết chặt quản lý, suy cho cùng, đã thổi bay hơn 1.200 tỉ USD vốn hóa thị trường của những công ty bị ảnh hưởng - nhưng nó mang tính khái quát, có phần giật gân và không nói lên được nguyên nhân đằng sau những chính sách này. Trang SupChina (trụ sở tại New York) xếp những động thái gần đây của nhà chức trách Trung Quốc vào 3 nhóm chính.Thứ nhất là các đòn trừng phạt nhắm đến hành vi độc quyền. Sau khi bị đình chỉ IPO, Ant Group - với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Alibaba của tỉ phú công nghệ Jack Ma - được yêu cầu tái cơ cấu hoạt động để trở thành một công ty cổ phần tài chính. Trước đó, Alibaba bị phạt số tiền kỷ lục tương đương 2,8 tỉ USD vào tháng 4 với cáo buộc vi phạm các quy định chống độc quyền. Vài ngày sau, 34 công ty công nghệ nước này bị cơ quan quản lý mời làm việc (và sau đó bị phạt) vì các hoạt động liên quan đến chống độc quyền, trong đó có công cụ tìm kiếm Baidu, Công ty ByteDance (chủ sở hữu TikTok) và trang thương mại điện tử JD.com. Các công ty khác như Tencent và Pinduoduo cũng phải điều trần với cơ quan chức năng về cáo buộc liên quan đến hành vi phản cạnh tranh. Trung Quốc đã có luật chống độc quyền từ năm 2008, nhưng việc thực thi chỉ rục rịch bắt đầu từ cuối năm 2020 sau khi Bộ Chính trị nước này lên tiếng ủng hộ một dự thảo quy định quản lý các nền tảng Internet.Thứ hai là nhóm các biện pháp quản lý nhằm bảo vệ an ninh, an toàn dữ liệu. Đầu tháng 7-2021, nền tảng gọi xe công nghệ Didi bị gỡ khỏi các cửa hàng ứng dụng di động tại Trung Quốc, chỉ vài ngày sau khi công ty này huy động được 4,4 tỉ USD trong đợt IPO tại Mỹ. Các cơ quan quản lý nước này cho biết Didi đang bị điều tra với cáo buộc vi phạm các quy tắc bảo vệ dữ liệu, gây rủi ro cho quyền riêng tư cá nhân cũng như an ninh mạng quốc gia. Hai công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ khác là Full Truck Alliance và Kanzhun cũng bị khóa app và điều tra với lý do tương tự. Ứng dụng nhắn tin WeChat của Tencent ngày 27-7 thông báo tạm ngừng nhận đăng ký người dùng mới để nâng cấp các hệ thống an ninh nhằm tuân thủ “các luật và quy định” mới.Thứ ba là nhóm các biện pháp chống lại cái mà Bộ Chính trị nước này gọi là “sự khuếch trương tư bản vô trật tự”. Ngày 24-7, Trung Quốc ra lệnh cấm các công ty giáo dục và dạy thêm thu lợi nhuận hoặc huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Chính quyền cho rằng ngành giáo dục tư nhân đã bị “biến chất” bởi đồng tiền. Đáp lại chuyện lao động trẻ, đặc biệt là bộ phận tham gia vào nền kinh tế “gig”, bị vắt kiệt sức lực khi làm cho các nền tảng như đặt xe, giao hàng qua app, cơ quan quản lý đã yêu cầu các nền tảng công nghệ đảm bảo shipper có thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu, giải phóng tài xế khỏi những yêu cầu vô lý của thuật toán phân phối cuốc xe, đảm bảo họ được tiếp cận với an sinh xã hội và tham gia công đoàn. Quy định mới khiến giá cổ phiếu của Meituan, ứng dụng giao đồ ăn với hơn 3 triệu tài xế và 27 triệu lượt đặt hàng mỗi ngày, có lúc giảm kỷ lục 14% chỉ trong một ngày. Tự sát hay tự cường?Đối với các nhà đầu tư phương Tây, việc xử phạt các công ty siêu sao như Alibaba, Tencent hay Didi chẳng khác gì hành động tự sát của Trung Quốc. “Còn cách nào để cắt giảm tốc độ tăng trưởng quốc gia tốt hơn là tự bắn vào chân những công ty công nghệ thành công nhất trên thế giới?” - tờ Wall Street Journal nhận xét trong bài báo đăng ngày 4-8.Chính phủ Trung Quốc dường như không nghĩ như vậy. Trong suy nghĩ của lãnh đạo nước này, theo cây bút kinh tế Greg Ip của Wall Street Journal, công nghệ được chia thành 2 loại: “có thì tốt” và “không có không xong”.Mạng xã hội, thương mại điện tử và Internet tiêu dùng nói chung là những thứ nếu có thì sẽ rất tuyệt vời, nhưng không làm nên sự vĩ đại của một quốc gia. Ngược lại, Bắc Kinh cho rằng điều mà đất nước thật sự cần là năng lực tự sản xuất chất bán dẫn hiện đại, pin ôtô điện, máy bay thương mại và thiết bị viễn thông để duy trì sức mạnh sản xuất của Trung Quốc, tránh phi công nghiệp hóa và đạt được tự chủ cao, giảm bớt phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.Vì lẽ đó, ngay cả khi nước này tổng tấn công từ nhiều phía đối với các công ty Internet tiêu dùng thì các biện pháp trợ cấp, bảo hộ và lời hiệu triệu “người Trung Quốc dùng hàng Trung Quốc” vẫn là bầu sữa chính sách nuôi sống các công ty sản xuất.Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu rõ những ưu tiên này trong bài phát biểu đăng trên tạp chí lý luận Qiushi (Cầu thị) của Đảng Cộng sản nước này vào năm ngoái. Ông cho rằng Trung Quốc “phải đẩy nhanh việc xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số, xã hội kỹ thuật số và chính phủ kỹ thuật số” nhưng “đồng thời cần phải thừa nhận rằng nền kinh tế thực sự mới là nền tảng, và các ngành sản xuất khác nhau không thể bị bỏ rơi lại phía sau”, theo bản dịch ra tiếng Anh của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Georgetown.Lịch sử cho thấy trong chặng đường phát triển của một quốc gia, sản xuất sẽ dần thay thế nông nghiệp và dịch vụ sẽ dần thay thế sản xuất. Trong những thập niên gần đây, tỉ trọng sản xuất trong tổng sản phẩm quốc nội ở các nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới đã giảm, đặc biệt là ở Mỹ và Anh - nơi các công việc trong xí nghiệp, nhà xưởng đã và đang được chuyển ra nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.Dù tỉ trọng của ngành sản xuất trong GDP của Trung Quốc cũng đã giảm, con số 26% vẫn là mức cao nhất so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, và chính quyền Bắc Kinh muốn duy trì như vậy. “Trung Quốc không muốn đi theo những nước khác trên con đường phi công nghiệp hóa” - Wall Street Journal viết.Chuyện không của riêng aiCông bằng mà nói, những lo ngại của Trung Quốc đối với sự phát triển không được kiểm soát đúng mức của Big Tech không quá khác biệt so với trăn trở của phương Tây. Khác nhau ở chỗ Bắc Kinh có điều kiện chính trị và phương tiện để thực thi nhanh, mạnh và quyết liệt những chính sách đưa vào quy củ hoạt động của các công ty công nghệ, so với sự chia rẽ trong quan điểm giữa các nhà làm luật ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).Tình trạng người lao động trong nền kinh tế gig làm việc quá sức trong khi các nền tảng công nghệ phủi bỏ trách nhiệm của người sử dụng lao động, hay lo lắng về bảo mật và riêng tư dữ liệu của các gã khổng lồ công nghệ rõ ràng không phải chuyện của riêng Trung Quốc.Tương tự là câu chuyện chống độc quyền, như nhận xét của Rui Ma, người sáng lập trang tin công nghệ Tech Buzz China, trên The Washington Post: “Các tít báo (ở Trung Quốc) gần như tương đồng với những gì tôi đọc thấy đang diễn ra ở Mỹ”.Trung Quốc hiểu rõ giá trị của những gã khổng lồ công nghệ nội địa trong việc cạnh tranh ở phạm vi toàn cầu, và việc dồn dập đưa ra quy định kiểm soát chắc chắn không phải là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn phá hủy tham vọng vươn tầm thế giới của ngành công nghệ quốc gia. Trái lại, nó báo hiệu chính phủ nước này sẽ không tiếp tục giả lơ để Big Tech tùy nghi phát triển như trước.Xuất phát sau phương Tây, Trung Quốc tự xem mình đang trong một cuộc đua để thiết lập cơ chế quản lý hợp tình hợp lý đối với các công ty công nghệ - điều các nước đều muốn nhưng chưa thể thực hành trọn vẹn. Tham vọng của Bắc Kinh là định hướng cho tương lai chung của ngành công nghệ toàn cầu. “Trung Quốc muốn dẫn đầu thế giới về các quy định. Họ không chỉ muốn theo đuôi EU và Mỹ” - Rui giải thích. Tags: Trung QuốcBắc KinhCông nghệBig Tech
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Nóng: Cảnh sát Hàn Quốc khám xét văn phòng Tổng thống Yoon NGHI VŨ 11/12/2024 Cảnh sát Hàn Quốc ngày 11-12 đã khám xét văn phòng Tổng thống Yoon Suk Yeol, văn phòng Cảnh sát thủ đô Seoul, Bộ Tư lệnh Lực lượng đặc biệt liên quan lệnh thiết quân luật tuần trước.
Cựu bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc tự tử bất thành BÌNH AN 11/12/2024 Hãng tin Reuters ngày 11-12 dẫn lời một quan chức Bộ Tư Pháp Hàn Quốc nói với Quốc hội nước này rằng cựu bộ trưởng quốc phòng Kim Yong Hyun đã tìm cách tự tử tại nơi giam giữ.
Một nữ tài xế vừa lái ô tô vừa cầm micro hát karaoke trên quốc lộ 14 TÂM AN 11/12/2024 Công an đang xác minh vụ nữ chủ nhà hàng tiệc cưới vừa lái ô tô vừa hát karaoke trên quốc lộ 14.
Thứ trưởng Nga tiết lộ 'ân nhân' giúp ông Assad chạy khỏi Syria an toàn THANH BÌNH 11/12/2024 Thứ trưởng Sergei Ryabkov tiết lộ người đã đưa Tổng thống Syria Bashar al-Assad đến Nga theo cách an toàn nhất có thể.