"Cuộc chơi nào cũng phải bạo gan!"

TTCT - Tiểu thuyết Nông dân của tác giả Wladyslaw St. Reymont - một áng sử thi dân tộc của Ba Lan - đã đem tới cho nhà văn giải Nobel văn học năm 1924. Trung tuần tháng 11-2012, bản tiếng Việt do dịch giả Nguyễn Văn Thái chuyển ngữ đã được Nhà xuất bản Lao Động và Trung tâm Văn hóa và ngôn ngữ Đông - Tây ấn hành.

TTCT đã có cuộc trò chuyện với dịch giả nhân dịp này.

Phóng to
Dịch giả Nguyễn Văn Thái - Ảnh nhân vật cung cấp

Lợi thế của người "ngoại đạo"

* Chuyển ngữ một tiểu thuyết được mệnh danh là "khúc tráng ca của nông dân Ba Lan", ông vấp phải khó khăn nào lớn nhất?

- Tiểu thuyết Nông dân được thể hiện một phần bằng thổ ngữ địa phương, nhất là cách nói của những nông dân sống cách đây hơn một thế kỷ, vì thế ở Ba Lan hiện đại tác phẩm được coi là "khó đọc" với độc giả thời nay. Trên những trang sách đã thể hiện một màn kịch hết sức đa dạng về các trải nghiệm của con người và cuộc sống tâm linh phong phú, các sinh hoạt và lễ nghi tôn giáo, các phong tục tập quán của nhân dân Ba Lan... vì thế đối với một người không hiểu biết nhiều về Thiên Chúa giáo như tôi, việc dịch càng gặp khó khăn. Tôi đã phải tận dụng sự giúp đỡ của những người Ba Lan mà mình tiếp xúc, hỏi cả những người Công giáo Việt Nam, nhưng công cụ đắc lực nhất là mạng... Internet.

“Tôi đã rất nhiều lần tần ngần đứng trước hai tập sách này trong các hiệu sách Ba Lan với cảm giác rất e ngại sẽ không dịch nổi. Trước khi ra mắt cuốn sách này, tôi đã đọc một cuốn truyện vừa cũng do dịch giả Nguyễn Văn Thái dịch là Hania tình yêu của tôi, nỗi buồn của tôi. Đang đọc dở tôi đã phải lập tức viết email sang cho ông, bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình về tiếng Việt của ông. Và với bộ Nông dân, ngay từ những trang đầu của cuốn sách, tôi một lần nữa thấy rằng tiếng Việt của ông rất nhuần nhuyễn, mềm mại vô cùng. Người dịch đã truyền đạt được thần thái rất đẹp của tác phẩm.

* Ông có thể cho ví dụ cụ thể nào đó không ạ? Có nhầm lẫn nào từng có trong quá trình dịch mà ông kịp thời sửa lại và cũng vì thế mà nhớ mãi?

- Ồ, có chứ. Như khi tả cảnh đám cưới của hai nhân vật chính, các cô thôn nữ hát khúc dân ca, trong đó có cụm từ tưởng rất đơn giản, cụ thể là "Oj ta dana, dana, oj ta dana, da!...".

Tôi đọc đi đọc lại mãi mà không hiểu nghĩa của cụm từ đó. Hỏi một nhà thơ Ba Lan mới biết đó chỉ là câu đệm trong bài hát, có thể hiểu là Ôi, la la...

Hay có đoạn lúc đầu tôi dịch nhầm, thí dụ ngay ở trang 15, đoạn linh mục phát hiện trên đường một cô gái đang ra sức kéo sau mình một con bò cái to đùng, liền hỏi:

- Con dẫn nó đi bán phải không, hả?

- Không ạ, chỉ đến chỗ con bò đực của ông chủ cối xay thôi...

Lúc đầu dịch tôi bỏ mất từ "con bò đực" mà viết là "đến chỗ ông chủ cối xay"! Nếu không đọc lại cẩn thận thì hẳn đây sẽ là một lỗi rất ngớ ngẩn và buồn cười! (Cười)

Thật ra với gần 1.400 trang sách, việc nhầm lẫn còn có thể kể ra nhiều, phải đọc đi đọc lại mới phát hiện và sửa lại. Ngay việc thống nhất cách gọi tên các nhân vật cũng đòi hỏi phải chú ý khá nhiều.

* Những tác phẩm ông chuyển ngữ đều là tác phẩm quan trọng của nền văn học Ba Lan và là thử thách cho người dịch không chỉ ở khía cạnh ngôn ngữ mà đòi hỏi những hiểu biết sâu sắc về văn hóa, xã hội, lịch sử, chính trị, triết học... Ðiều gì khiến ông chấp nhận thử thách? Ông có tiêu chí gì khi lựa chọn tác phẩm để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam?

- Tôi đã dịch trường ca Chàng Tadeush của Adam Mickiewicz, Hania tình yêu của tôi, nỗi buồn của tôi của Henryk Sienkiewicz và bây giờ Nông dân của Wladyslaw Reymont. Việc chọn dịch các tác phẩm của những nhà văn kinh điển Ba Lan đối với tôi là một thử thách lớn, nhưng cuộc chơi nào cũng cần phải bạo gan bởi ở tuổi về hưu mới bắt đầu thử sức với văn chương, nếu không lao vào cái khó thì liệu sau này còn đâu sức lực nữa thể hiện ham muốn của mình. Vả lại vì là người "ngoại đạo" trong làng văn, tôi không hề gặp áp lực nào, không sợ mất cái gì...

Tiêu chí của tôi khi lựa chọn tác phẩm để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam là những tác phẩm đó phải có giá trị thẩm mỹ cao, phải cung cấp cho người đọc những thông tin về đất nước, con người, lịch sử của Ba Lan - một đất nước tuy xa cách về địa lý nhưng đã có quan hệ hữu nghị lâu đời với Việt Nam, là quê hương thứ hai của tôi, nơi tôi đã gắn bó một nửa cuộc đời mình.

* Tự nhận mình là người "ngoại đạo" trong làng văn (dịch giả là tiến sĩ khoa học ngành trắc địa - TTCT), điều gì đã đưa ông đến với con đường dịch văn học?

- Tôi đến với Ba Lan ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế trường phổ thông trung học tại một tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam qua những vần thơ mượt mà của Tố Hữu trong bài ...Em ơi... Ba Lan... Vượt quá cả ước mơ, mùa thu năm 1964 tôi đã chập chững đặt những bước chân đầu tiên trên con "đường bạch dương sương trắng nắng tràn" khi được Nhà nước Việt Nam cử sang đây theo học tại Trường đại học Bách khoa Warszawa. Và thế là số phận gắn bó đời tôi với đất nước Ba Lan từ ấy.

Tôi đã tốt nghiệp đại học, bảo vệ luận án tiến sĩ và tiến sĩ khoa học tại đó nhưng theo một chuyên ngành không dính dáng gì đến văn chương, mặc dù đã đam mê nó từ thời thơ ấu. Mãi đến khi nghỉ hưu tôi mới quyết định đến với văn chương. Năm 2003 tôi xuất bản tập thơ đầu của mình nhan đề Một đời thương. Năm 2005 tôi bắt tay vào việc dịch văn học.

Sở dĩ đến với văn chương muộn như vậy là bởi những tháng năm trẻ tuổi tôi làm công tác đo đạc và đã đặt chân lên hầu khắp các địa phương trên đất nước Việt Nam và Ba Lan. Giờ đây tôi cảm thấy việc dịch sách văn học chính là cách thiết thực của bản thân để trả ơn cả hai dân tộc.

Phóng to

Con thuyền thúng chở văn chương

* Có ai đó trong gia đình, bạn bè, người thân phản đối khi lẽ ra được nghỉ thì ông lại lựa chọn công việc "âm thầm và bạc bẽo" (từ dùng của ông viện trưởng Viện sách Ba Lan) này?

- Ngược lại, tôi lại được khích lệ trong công việc "âm thầm và bạc bẽo" này đấy. Người đầu tiên đọc các bản dịch của tôi chính là vợ tôi, người luôn đồng hành với tôi suốt cuộc đời, kể cả những ngày đêm Điện Biên Phủ trên không giữa lòng Hà Nội cuối năm 1972 lẫn sau này khi phải bỏ sự nghiệp của mình, theo chồng con sang đất Ba Lan sinh sống.

Vợ tôi là nguồn cảm hứng quan trọng khi tôi viết những vần thơ trong tập Một đời thương và là người luôn động viên khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi khi làm việc. Chính vợ tôi đã giúp tôi sửa lỗi chính tả, góp ý đối với những câu chữ khó hiểu, cung cấp cho tôi một số từ ngữ phù hợp...

Tác phẩm Chàng Tadeush là một trường ca dài tới hơn 500 trang, khi được tặng sách nhiều bạn bè thân thiết đã thú nhận chỉ đọc được một phần hoặc một nửa chứ không đọc đến hết, thế nhưng vợ tôi vẫn kiên trì đọc và góp ý cho tôi! Cuốn Nông dân vợ tôi đã bỏ ra hai tuần đọc kỹ từng câu từng chữ và nhận xét, góp ý rất cụ thể từng trang sách.

* Theo quan sát của cá nhân tôi, Ba Lan rất quan tâm đến việc quảng bá văn học Ba Lan ra thế giới. Với tư cách là một dịch giả, ông có đề xuất gì cho việc phát triển đội ngũ dịch văn học nói chung và dịch văn học Ba Lan nói riêng ra tiếng Việt?

- Tôi mới dự một hội nghị quốc tế các dịch giả văn học Ba Lan, tổ chức năm 2009 tại Krakow. Hội nghị có sự tham gia của vài trăm dịch giả đến từ khắp nơi trên thế giới, chủ yếu là những người quốc tịch khác nhau gốc Ba Lan, do Bộ Văn hóa Ba Lan tổ chức bốn năm một lần. Nội dung bàn về vấn đề dịch văn học Ba Lan ra thế giới, giới thiệu những tác giả và tác phẩm Ba Lan, trao giải thưởng cho các dịch giả có nhiều đóng góp, sinh hoạt các chuyên đề khác nhau như văn học cổ điển, văn học hiện đại, thơ, phê bình văn học, văn học thiếu nhi, tiểu thuyết trinh thám...

Tại Ba Lan có một tổ chức chuyên chăm lo việc giới thiệu văn học Ba Lan ra thế giới, đó là Viện Sách trực thuộc Bộ Văn hóa và di sản dân tộc của Ba Lan. Viện này có kinh phí trợ giúp việc giới thiệu văn học Ba Lan ra nước ngoài, tổ chức các hội nghị quốc tế các dịch giả văn học Ba Lan, mời các dịch giả sang Ba Lan làm việc, liên hệ và thường xuyên cung cấp các thông tin về văn học Ba Lan cho các dịch giả... Bản thân tôi cũng được viện này hỗ trợ và sẽ còn hỗ trợ nhiều trong việc dịch và xuất bản tác phẩm trong tương lai.

Tôi mong muốn nước ta nghiên cứu xem mô hình viện sách như vậy có thể áp dụng để giúp các dịch giả giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới hay không.

Cuối cùng xin cảm ơn báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần và bạn đọc Việt Nam đã quan tâm tới những người dịch văn học, "những con ngựa thồ" - nói như dịch giả Hoàng Thúy Toàn, hay "những con thuyền thúng chuyên chở văn chương ra nước ngoài" như cách nói hóm hỉnh của nhà thơ Trần Ninh Hồ trong buổi giới thiệu cuốn Nông dân tại Trung tâm Văn hóa và ngôn ngữ Đông - Tây tại Hà Nội, ngày 16-11.

* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ và xin chúc ông những thành công mới trong công việc đầy cảm hứng của mình.

THỤY ANH thực hiện

Tác phẩm Nông dân của Wladyslaw Reymont đã vẽ ra hết sức sinh động bức tranh toàn cảnh nông thôn Ba Lan cuối thế kỷ 19 với mọi tập quán hủ tục trong cuộc sống thường ngày, được đánh giá là bộ sử thi của dân tộc Ba Lan, chỉ đứng sau tác phẩm Chàng Tadeush của Adam Mickiewicz.

Ít có tác phẩm nào trong lĩnh vực văn chương mà từ đầu đến cuối luôn tạo ra hứng thú lớn lao đến như vậy cho người đọc, mặc dù toàn kể chuyện đời thường, từ công việc đồng áng, các buổi chợ phiên, lễ hội, đám cưới, mối quan tâm của một cha xứ quản hạt, đến cuộc đấu tranh vì đất đai, vì tình yêu, có khi kể về những mâu thuẫn xóm giềng hoặc thói hư tật xấu, thói dâm đãng hoặc nhẹ dạ của người này người kia, nhưng cũng có những tình tiết gay cấn như cha con đánh nhau sứt đầu mẻ trán vì tranh giành tình yêu hoặc số phận của một cô gái quá xinh đẹp và đa tình, quan hệ cả với bố lẫn con, cuối cùng lại si mê một linh mục vừa ra trường dẫn đến kết cục bị đuổi khỏi làng...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận