Ăn miếng hữu cơ: Vì sao đắt thế?

PHẠM PHONG (*) 03/02/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Thực phẩm hữu cơ có những lý do để đắt. Có người chấp nhận cái đắt ấy, có người không…

Thu hoạch rau diếp trồng theo kiểu organic tại trang trại Earthbound Farms (California, Mỹ). Quy trình bắt đầu từ trước bình minh, kết thúc vào giữa ngày để giữ rau tươi nhất có thể. Nông dân đi trước máy thu hoạch để dò các vật cản. Rau được thổi khí để làm sạch đất hay các tạp chất khác trước khi đưa vào xe tải đông lạnh. Máy thu hoạch có thể thu được 4,5 tấn rau mỗi giờ mà chỉ cần 12 người; quy trình này trước đó cần cả ngày với 40 người mới xong. -Ảnh: National Geographic

Nuôi trồng hữu cơ: cầu kỳ hơn ta tưởng

Trong tâm trí nhiều người, nuôi trồng hữu cơ là những mảnh vườn xinh xinh, gà ăn thóc, heo ăn cám, cây trồng không phun thuốc, rau quả tuy còi còi nhưng ngọt lịm…

Trên thực tế, những nông trại hữu cơ thường rất lớn mới bõ công làm, và theo định nghĩa, nuôi trồng hữu cơ không phải chỉ loanh quanh với việc KHÔNG dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, kháng sinh, hormone và những thứ biến đổi gene.

Về mặt lý tưởng, đó là một quy trình có tính tổng thể, làm sao cho năng suất tốt nhất mà vẫn không làm mất chất đất và ô nhiễm nước; những chất liệu và nguồn lực dùng cho quy trình ấy được tái sử dụng đến tối đa; cỏ cây không hóa chất và kích thích lớn nhanh như thổi; gia súc gia cầm cũng phải “tự nhiên”, không phải là từ nhân giống, biến đổi gene…, tất cả được chăn nuôi một cách hữu cơ với thức ăn cũng phải hữu cơ nốt. 

Tóm lại là tạo ra một hệ thống nuôi trồng bền vững dài lâu, hài hòa với môi trường. Từ vật nuôi, cây trồng đến con người và những sinh vật “tiểu tốt li ti” trong hệ sinh thái ấy đều sống được hòa bình với nhau, cùng nhau kiếm ra tiền. Mô hình “thần tiên” ấy hóa ra lại là… rất khó.

Một thí dụ về cái khó bó cái tốt

Trong một bài báo, Rachel Cernansky nói hiểu về nông nghiệp, dù là hữu cơ hay “thông thường”, tức phải hiểu về cỏ, là thứ khiến những người làm nông đôi khi muốn chọn ngả này mà buộc phải theo ngả khác.

Trước kia, sau thu hoạch, người nông dân thường xới đất để làm đất tơi và diệt mầm cỏ. Nhưng hóa ra lợi bất cập hại: xới đất khiến đất bị thoái hóa, hệ sinh thái tự nhiên trong lòng đất vừa mới hình thành đã bị xáo trộn, các khoảng trống để lưu thông khí và nước bị phá vỡ, đất bị phơi ra với nắng và gió làm bạc màu, dinh dưỡng trôi đi. 

Xới đất còn khiến các vi sinh vật tăng hoạt động: chúng lao vào phân hủy chất hữu cơ trong đất, giải phóng carbon dự trữ thành “khí nhà kính” carbon dioxide.

Thuốc diệt cỏ ra đời giúp nhà nông thông thường không phải xới đất nữa. Họ chỉ cần phun thuốc. Nhưng mâu thuẫn lớn đặt ra với những người không chịu dùng thuốc: xới đất hay không xới đất đây? Không xới đất thì chết với cỏ. Xới đất thì diệt được cỏ nhưng làm hại đất… Nhà nông hữu cơ đành phải tiếp tục xới đất, và thế là cả hai phe hữu cơ lẫn thông thường cùng gây hại như nhau: bên xới đất và bên phun thuốc.

Trước điều trớ trêu ấy, trong phái hữu cơ có người ra tay nhổ cỏ nhưng không xuể, đốt cỏ thì làm mặn đất, dùng plastic che để ngăn cỏ mọc thì xong xuôi lại tống ra môi trường cơ man rác thải nhựa. 

Phủ nhựa ngăn cỏ mọc. Ảnh: nationalgeographic

Có người chu đáo hơn, dùng máy tuốt xong hạt thì để lại cả cây cả rễ cho cấu trúc đất không bị vỡ, rồi thả bò vào gặm. Bò giẫm đạp suốt một thời gian, cỏ không lên nổi, vậy là không hại gì, nhưng tìm người chăn bò đâu ra giờ?

Diệt cỏ kiểu “hữu cơ” khó quá, đã có người thủ sẵn suy nghĩ nếu không xong sẽ quay về kiểu thông thường. Nhưng rồi chỗ trú ẩn đó cũng không còn nữa khi xuất hiện nhiều “siêu cỏ”, dùng hóa chất nào cũng không diệt nổi. 

Tim Raile - một người trồng lúa mì theo lối thông thường ở Kansas, nói rằng suốt chục năm nay phương pháp không-xới-đất-chỉ-phun-thuốc của anh rất hiệu quả. 

Nhưng dần dà đây đó sống sót vài bụi cỏ, cỏ mẹ nảy cỏ con, và cuối cùng lan khắp cánh đồng, lan khắp một vùng. Tim Raile phun thêm thuốc, cỏ dại chịu lùi một bước để lại tiến thêm ba bước. Cuối cùng, dù cho lượng glyphosate dùng nhiều đến đâu, cỏ cũng không chết.

Tim Raile đành chuyển qua canh tác hữu cơ. Nhưng một nhà nông hữu cơ sẽ cần tới ba đầu và sáu tay để làm cho hết việc. Nhiều người theo đuổi canh tác hữu cơ khi còn trẻ nhưng sau chục năm, lúc tuổi đã già, đành phải quay về với kiểu cách thông thường do không tìm ra người phụ mình bắt sâu, nhổ cỏ.

Và đó cũng chính là thứ góp phần khiến các sản phẩm hữu cơ có giá đắt hơn nhiều so với các sản phẩm thường.

Vì sao chúng đắt?

Mở đầu một bài viết trên Daily Meal, tác giả nói người ta thường sẽ nghĩ thực phẩm hữu cơ đáng ra phải rẻ hơn thực phẩm thông thường vì không tốn tiền thuốc, tiền phân, không tốn tiền kháng sinh với hormones… Tuy nhiên trên thực tế, thực phẩm hữu cơ lại đắt hơn, có khi đến gấp đôi, gấp ba thực phẩm thường. Có một số lý do để chúng đắt, đó là:

1. Không hóa chất = tốn nhiều công và thời gian.

2. Cung không đủ cầu: ngày càng nhiều người thích dùng nông sản hữu cơ nhưng đất để canh tác kiểu này chỉ chiếm có 0,9% tổng diện tích đất canh tác trên toàn thế giới, sản lượng lại kém so với canh tác thông thường.

3. Bón phân đắt tiền hơn: không dùng phân hóa học, các nhà nông hữu cơ bón bằng các loại phân hữu cơ, rất tốn công và khiến giá thành tăng.

4. Luân canh cây trồng: thay vì dùng thuốc diệt cỏ hay xới đất, sau mỗi vụ thu hoạch, nhà nông hữu cơ phải giữ cho đất khỏe bằng cách trồng bù một số cây bao phủ để trả lại nitơ cho đất, cắt đứt chu trình sâu bọ và cỏ dại, chuẩn bị đất cho mùa sau. Thời gian ấy coi như không thu được mấy tiền, chỉ tốt cho đất. 

Điều này rất khác với nhà nông thông thường vốn tận dụng đất đến tối đa thời gian, thí dụ trồng liền tù tì các vụ dâu tây chứ không chịu xen vào trồng cải để trừ nấm và cho đất nghỉ, vì dâu tây thì bán được nhiều tiền chứ cải chẳng thu được bao nhiêu.

5. Chi phí xử lý sau thu hoạch cao hơn: Để tránh nhiễm khuẩn chéo, nông sản hữu cơ sau thu hoạch phải tách riêng ra, không chung đụng với loại thông thường. Trang trại hữu cơ thường ở nơi xa xôi hơn trang trại thông thường. Số lượng nông sản thu được cũng ít hơn loại thường nên tiền lưu kho, bảo quản, chuyên chở khi cộng lại chia ra đều đắt hơn.

6. Thiệt hại nhiều hơn: nhà nông hữu cơ không dùng thuốc trừ sâu và kháng sinh trong nuôi trồng, do đó rau củ bị sâu ăn nhiều, vật nuôi dễ đau ốm hơn. Khi thu hoạch rồi, vì không có thuốc bảo quản, thực phẩm hữu cơ dễ hỏng hơn thực phẩm thường.

7. Hữu cơ lớn chậm hơn: không hormone, không chất kích thích tăng trưởng, cây trồng và vật nuôi sẽ lớn chậm và “còi” hơn loại thông thường.

8. Chi phí để được chứng nhận là hữu cơ khá tốn kém: cơ sở nuôi trồng, kho bãi, dây chuyền chế biến đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc. Phải có nhân viên ghi chép sổ sách hằng ngày để có thể trình ra bất kỳ lúc nào cho đoàn kiểm tra.

 

 Cô Savanna Alexandre, đời thứ 5 tiếp quản trang trại Alexandre Family (Mỹ). Trang trại sử dụng chuồng gà di động; mỗi tuần lại di chuyển sang nơi khác để luôn có cỏ tươi. -Ảnh: National Geographic

Đắt thế có mua không?

Rõ ràng ngày càng nhiều người sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để được dùng nông sản hữu cơ. Năm 1997, doanh số bán lẻ thực phẩm hữu cơ ở Mỹ là 3,6 tỉ USD, đến 2008 là 21,1 tỉ, và đạt 50 tỉ vào năm 2019. 

Thế nhưng, rất nhiều người lưỡng lự khi đứng trước một quầy rau siêu thị, phân vân giữa hữu cơ (mà đắt) hay thông thường? Ăn thứ lành mạnh (mà đắt) hay có thuốc trừ sâu? Ăn thứ có vị đậm đà (mà đắt) hay nhạt nhẽo? Ăn thứ hợp thời (mà đắt) hay căn bản? Ăn sạch (mà đắt) hay không sạch? Còn nếu chấp nhận đắt thì cái đắt ấy có “đáng” không?

Một số người sẽ thấy là “đáng” và thậm chí chấp nhận ăn ít rau hơn (miễn vẫn là rau sạch) cho không vượt ngân sách đi chợ. Nhưng nhiều người thì cương quyết nói “không”, và họ có những lý do nghe cũng rất chính đáng để không bỏ (nhiều) tiền mua thực phẩm hữu cơ mà theo họ là đắt đến mức “xa xỉ”.

Họ cho rằng các trang trại hữu cơ lớn cũng vẫn phải dùng thuốc trừ sâu và phân bón, tuy là các loại thuốc hữu cơ nhưng vẫn gây hại cho môi trường, như một báo cáo năm 2010 đã chỉ ra. 

Họ thấy rằng do canh tác hữu cơ thường làm với quy mô lớn, cần nhiều máy móc hạng nặng, nên khí thải ra từ máy còn nhiều hơn canh tác nhỏ lẻ thông thường. 

Họ cũng dẫn ra nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy mức độ dinh dưỡng trong nông sản hữu cơ với không hữu cơ cũng chẳng có gì chênh nhau lắm. 

Và cuối cùng, lập luận “chốt hạ” khiến họ không mua nữa là thực phẩm hữu cơ cũng không ngon gì hơn thực phẩm thường, hoặc nếu có thì cũng quá tinh vi, lưỡi người thường không thể nhận ra!

 

 Tại một nông trại ở Petaluma, California, một chiếc máy kéo phun kaolin lên các lùm olive để chống ruồi dấm. Ảnh: nationalgeographic

Xét cho cùng, tất cả chỉ vì thực phẩm hữu cơ đắt hơn thực phẩm thông thường và đắt hơn nhiều quá. Một ngày nào đó khi khoa học phát triển hơn nữa, khiến chúng có giá bằng thực phẩm thông thường hoặc chỉ đắt hơn một tí, chắc chắn những câu hỏi “Mua?/Không mua?” sẽ không cần đặt ra, và mọi người sẽ chỉ mua những thứ thực-là-hữu-cơ, để vừa tốt cho ta vừa tốt cho trời đất. ■

 

(*) Tổng hợp và dịch

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận