Cây gòn tháng tư

TRẦN HUYỀN TRANG 20/04/2018 19:04 GMT+7

TTCT - Khi cái nắng rạo rực của tháng tư hực lên mặt người những cơn bỏng rát, tôi không dưng thèm da diết bóng mát của một tán cây ven đường.

Minh họa: Sà Và Ná
Minh họa: Sà Và Ná

 

Nhưng suốt đoạn đường dài gần 20 cây số từ nhà đến cơ quan tận trung tâm Sài Gòn, dọc xa lộ Hà Nội, lướt qua nhiều vòm cây xanh mát, mắt tôi ghim lại nơi bóng dáng cao to vững chãi của một cây gòn trụi lá, gánh gồng mớ trái gòn già khô nứt vỏ, bung ra những cụm bông gòn trắng tươi.

Tuổi thơ tôi in mãi hình ảnh những nhánh gòn vươn cao như những cánh tay người khổng lồ trên bờ ruộng. Khắp cánh đồng rộng lớn chỉ rải rác dăm ba cây gòn, cây bã đậu nhưng cây nào cũng sừng sững như một mái nhà vững chãi. Những cặp cà mèn cơm được máng vắt vẻo trên nhánh gòn gần nhất, để dành cho bữa cơm trưa rộn ràng quanh gốc gòn.

Tháng tư cũng là mùa gòn bung vỏ, rụng đầy gốc. Những trái gòn thon dài rút ruột cho ra thứ bông gòn mềm mịn, mớ hạt đen trộn lẫn trong đám bông như những hạt đậu tí hon. Tháng tư của những ngày xưa cũ, là mùa mà lũ trẻ thời 8X bọn tôi vẫn háo hức đợi gòn rụng, gom vun một thúng về sân nhà một đứa nào đó, tách vỏ, nhặt hạt rồi phơi thêm một nắng cho mẹ và bà thay ruột gối.

Những ngày cuối tuần, bài vở thong thả, bọn con gái chúng tôi sẽ dành cả buổi chiều quanh gốc gòn để nhặt trái khô về cho mẹ bán kiếm thêm. Đó là thời cây bông sợi công nghiệp còn chưa thịnh, người làng quê vùng ven Sài Gòn cũng chỉ biết dồn gối bằng bông của những trái gòn hiền lành này.

Về sau, loại bông công nghiệp được ưa chuộng vì tiện dụng, nhẹ hơn bông của trái gòn, trắng tinh tươm nên trái gòn chỉ còn được lòng những người lớn tuổi trong làng như bà, như mẹ tôi thôi. Giờ, khi vùng ven Sài Gòn đô thị hóa, những cánh đồng lúa trĩu hạt chỉ còn vương mùi hương lúa non trong ký ức bọn 8X như một miền nhớ xa xăm nào đó, bóng dáng những cây gòn gánh gồng đám trái lúc lỉu cũng nhạt nhòa.

Nhưng tôi vẫn còn ký ức rất rõ rệt về một cây gòn chưa ra trái. Cây gòn chỉ cao hơn đầu người, mọc ngay bờ đê dẫn vào nhà tôi ở sâu trong ruộng. Cây gòn mà tôi và cô bạn thân tận dụng làm hòm thư bí mật của hai đứa. Thời mới lớn mộng mơ, nhiều hoài bão, trăn trở và cả những nỗi hụt hẫng trước những biến cố lớn trong gia đình, ai cũng cần một người để làm tay vịn, chia sẻ mọi nỗi niềm.

Thời đó, Internet chỉ là một khái niệm mơ hồ, không ai biết email là gì. Chúng tôi chỉ có cách viết thư tay trao đổi. Hai đứa tôi học chung từ tiểu học, cấp II không còn chung lớp nhưng vẫn khắng khít như hình với bóng. Cuối cấp III, khi cánh cửa đại học khép lại ngay trước mắt, tôi thấy mình như bên bờ vực thẳm.

Những biến cố gia đình dồn dập đến như những cơn sóng dữ chỉ muốn nhấn chìm tôi. Nhờ những lá thư viết tay nắn nót, tròn trịa, đầy yêu thương, an ủi, động viên của cô bạn treo ở cây gòn mỗi khi cô ấy đi học về ngang mà tôi như bừng tỉnh. Nhánh gòn trên cao với nhiều khóm lá che khuất cái bọc nilông đựng lá thư được buộc thun cẩn thận để mưa gió không làm nát. Suốt nhiều năm trời, cây gòn trở thành nhân chứng cho tình bạn keo sơn của chúng tôi, lặng thầm nhưng bền bỉ.

Giờ, khi chạm mặt một cây gòn cao to ngay xa lộ, với lớp bụi dày phủ xám cả vòm cây, tôi chỉ ao ước hằng ngày đi làm còn được nhìn thấy nó. Cái dáng cô đơn lầm lũi ấy đứng nép bên dòng xe cộ cuồn cuộn như thác lũ, vẻ đẹp bình dị kiên cường ấy vừa dấy lên nỗi xót xa, vừa êm đềm trao lại biết bao ký ức ấu thơ đẹp đẽ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận