Đâu chờ “làm lớn” mới được “làm gương”

CHỦNG HẠNH 10/03/2021 21:05 GMT+7

TTCT - Đôi khi một người “đang chinh phục ước mơ” có thể truyền cảm hứng nhiều hơn những cái tên “đã thành công rực rỡ”.

Ảnh: Shutterstock

Katty Kay, Claire Shipman và JillEllyn Riley, 3 đồng tác giả của quyển sách Living the Confidence Code về cách sống tự tin, vượt qua nghịch cảnh dành cho các bé gái vừa ra mắt, đã ký tên chung dưới một bài viết trên New York Times ngày 23-2, lý giải vì sao họ tin rằng đã đến lúc cập nhật lại khái niệm “hình mẫu lý tưởng” với phái nữ.

Mở đầu bài viết, nhóm tác giả liệt kê những chỉ dấu cho thấy đương thời của phụ nữ đã đến: những nữ nguyên thủ đầy quyền lực trên thế giới đang vượt mặt những người đồng cấp nam trong việc xử lý đại dịch; giải Nobel hóa học năm ngoái thuộc về 2 nhà khoa học nữ; nước Mỹ lần đầu tiên có một phó tổng thống là phụ nữ...

Theo các tác giả, mặc dù chúng ta vẫn còn cách xa cái ngày mà bình đẳng giới trở thành hiện thực, những nguồn động lực và tia hi vọng kể trên có lẽ là điều mà các cô gái đang mong đợi - những nhân vật hình mẫu truyền cảm hứng bằng cách cho chúng ta thấy những điều khả thi. Giờ đây, khi ngày càng có nhiều phụ nữ bước chân vào thế giới hàn lâm, nếu được yêu cầu vẽ một nhà khoa học, các bé gái ngày nay có khả năng cao sẽ vẽ nhà khoa học nữ hơn các thế hệ trước.

Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra những người mở đường không chỉ giúp ta hình dung được đích đến, mà còn giúp ta vạch ra con đường để đến đó. Họ có tác động lớn hơn cả đối với phụ nữ và các cộng đồng yếu thế, vốn là những người thường khó thực hiện ước mơ.

Thế nhưng, theo nhóm tác giả, khái niệm “hình mẫu lý tưởng” cần được cập nhật, đặc biệt khi hướng đến các cô gái trẻ, bởi vì những tấm gương sáng hoàn hảo lại có thể khiến họ thấy nghi ngờ bản thân, tự ti thay vì thấy được truyền cảm hứng. Chẳng hạn, cô con gái của một trong 3 tác giả khi đang đọc bài giới thiệu vui vẻ về một nhà khoa học tuổi teen, bỗng than với mẹ: “Hãy nhìn những thứ mà chị ấy đã phát minh được vào năm 15 tuổi! Con đã làm được gì? Thật khiến con cảm thấy mình chỉ là kẻ thất bại!”.

Vì lẽ đó, các tác giả cho rằng không còn cái thuở mà ta chỉ cần nhắc đến sự tồn tại của một phụ nữ thành đạt, kể tên những rào cản họ đã phá vỡ, trên một quỹ đạo có vẻ trơn tru để chạm đến đỉnh cao và rồi mong đợi nguồn cảm hứng vì thế mà tuôn trào dào dạt. Thay vào đó, hình mẫu có thể là những con người bình dị, cũng có lúc rối ren, thất bại và vật vã, nhưng sự kiên trì thì bao la.

Trong quá trình thực hiện quyển sách, 3 tác giả đã tìm hiểu 30 câu chuyện người thật việc thật về những cô gái theo đuổi đam mê của mình, gặp khó khăn và vấp ngã, nhưng trên con đường chông gai ấy đã tìm ra bản sắc tự tin của riêng mình.

Chẳng hạn như Yekaba Abimbola, một cô gái người Ethiopia được hứa hôn năm 12 tuổi, từng sống giằng co giữa mong muốn làm hài lòng gia đình (thực ra là cả cộng đồng) và ham muốn được sống độc lập. Cô đã đấu tranh chống lại các hủ tục của nơi mình sinh ra, ngăn chặn cuộc hôn nhân sắp đặt và giành quyền tiếp tục đi học. Hay như Ciara-Beth Griffin, người Ireland, mắc chứng rối loạn tự kỷ, đã vật lộn để phát triển một ứng dụng cho những đứa trẻ có vấn đề rối loạn thần kinh khác.

Tóm lại, để hướng các bé gái đến những hình mẫu truyền cảm hứng, không nhất thiết phải chỉ vào những hình tượng thành công mỹ mãn chỉ khiến người khác thấy mất tự tin. Các tác giả dành phần còn lại của bài viết để chia sẻ một vài mẹo nhỏ để gắn kết các cô gái với những hình mẫu “chưa hoàn hảo”. Cách tốt nhất là kể câu chuyện về các hình mẫu và cùng con thảo luận những khiếm khuyết và thất bại mà các cô gái trẻ đó đã đối mặt và tìm cách vượt qua.

Lời khuyên là quan tâm đến ý tưởng của nhân vật đó, hơn là bức tranh một chiều về những đổi thay và thành công mà họ đạt được. Các cô gái không nhất thiết phải có cùng sở thích với những người thành đạt. “Chẳng hạn các em có thể đồng cảm với các giá trị hoặc ngưỡng mộ hành trình của một vận động viên và tìm thấy điểm chung, ngay cả khi 2 bên không có kỹ năng hoặc sở thích giống nhau” - các tác giả viết.

Điều quan trọng nhất là cần xem điều bình thường cũng là phi thường. Hãy giúp các cô gái trẻ nhìn thấy ý nghĩa cao đẹp trong những công việc tưởng chừng tầm thường nhàm chán - đây cũng là một “liều thuốc giải độc” cho những kỳ vọng phi thực tế. Ví dụ, một cô gái trẻ mang vác gánh nặng nuôi dưỡng đàn em trong lúc người mẹ vắng mặt. Cô ấy có thể chẳng có tài khoản Facebook hào nhoáng, nhưng sự dũng cảm, đức hi sinh và lao động của cô quả thực tạo nên một người hùng.

Tất nhiên, chúng ta hãy cùng nhau chúc mừng những phụ nữ mở đường, những rào cản bị phá vỡ. Nhưng bằng việc ngợi ca những con người bình dị, với những câu chuyện và tranh đấu, các cô gái trẻ sẽ không chỉ tìm thấy nguồn cảm hứng mà còn có đủ không gian và sự thoải mái để tìm thấy chính mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận