Đỏ đen bằng "vợt chai"

ĐỨC THANH - ĐỨC PHÚ 28/03/2012 02:03 GMT+7

TTCT - Nhìn họ chơi quần vợt thì không dễ biết đó có phải là một trận đánh độ hay không, nhưng nếu họ cầm chiếc ghế gỗ, cục gạch, két đựng bia, chai rượu... để chơi thì chắc chắn 100%.

Các “cao thủ” này tập trung thành từng nhóm để thách đấu những ai thích đỏ đen trên sân quần vợt.


Đánh quần vợt bằng ghế gỗ trên sân số 3 CLB Lê Thị Riêng (Q.10, TP.HCM) - Ảnh: Đức Thanh


Chiều 3-3, hai “cao thủ” trong giới quần vợt độ là K. và L. tỉ thí với hai tay vợt của một nhóm khác đến thách đấu tại sân số 3 CLB quần vợt Lê Thị Riêng (Q.10, TP.HCM). Vì đôi khách yếu hơn nên cặp “chủ nhà” này phải chấp đối thủ chơi bằng vợt, trong khi họ đánh bằng... hai ghế gỗ.

Từ ghế gỗ... đến chai rượu

Bên ngoài sân, khoảng chục người xôn xao cáp kèo theo tỉ lệ đã được thỏa thuận. Trong sân không ngớt tiếng ra kèo, trả giá giữa các tay đặt cược ăn theo độ của các tay vợt ra sân.

Đang chuẩn bị giao bóng, ông L. dừng lại mấy giây mời gọi các “chiến hữu” cáp thêm tiền để tăng chút “máu lửa” cho trận đấu: “Có đứa nào cáp thêm không, năm xị ăn tám xị (1 xị = 100.000 đồng)”. Nhiều tay vợt nghe “kèo thơm” liền hưởng ứng, từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Thực tế, số tiền mỗi trận đánh độ thông thường giữa các tay vợt chỉ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, nhưng nếu cộng cả số tiền “ăn theo” thì có thể lên tới cả chục triệu đồng.


Ông Nguyễn Hoàng Dũng, tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt TP.HCM, nói: “Quần vợt là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, tạo cho người chơi một phong cách lịch thiệp, lôi cuốn người xem qua các động tác, thế đánh. Việc đánh quần vợt ăn tiền bằng ghế gỗ, két bia, chai rượu ở một số sân hiện nay cần phải ngăn cấm. Hình ảnh một người dùng chai rượu để đánh quần vợt trên sân là không thể chấp nhận. Tôi đề nghị các chủ sân, quản lý các câu lạc bộ quần vợt khi phát hiện người chơi có hành vi đánh quần vợt ăn tiền hoặc biến tướng đánh bằng ghế, két bia, chai rượu... phải lập tức yêu cầu ngừng chơi hoặc báo cho lực lượng công an đến xử lý”.


Cầm chiếc ghế gỗ mặt vuông khoảng 25x25cm, ông K. vuốt những đường bóng bay vù vù qua lưới khiến hai đối thủ toát mồ hôi chống đỡ. Nhiều người đi tập thể dục trong công viên thấy trận đánh lạ mắt, gay cấn nên hiếu kỳ vây kín hàng rào để xem.

Hai tay vợt tuổi đã cao quần thảo với hai tay “ghế gỗ” thuộc hàng cao thủ, bất ngờ một tay vợt do ham cứu banh trượt chân ngã lăn trên mặt sân khiến trận đấu càng trở nên sôi động hơn. Sau 20 phút giao đấu, nhóm của ông K. thắng liên tiếp ba ván.

Trong đánh độ, người ra sân được gọi là “gà”. Khi hai đội tỉ thí, muốn bắt kèo chắc ăn thì phải nắm bắt “giò cẳng” của “gà” để bắt kèo cho hợp lý. Ông M. - ở đường Cao Thắng, Q.10, người đã có hàng trăm trận đánh độ - nói: “Đánh độ bằng vợt xưa rồi, cao thủ bây giờ phải chơi bằng ghế gỗ, chai rượu XO, két bia, vợt gỗ, thậm chí là viên gạch”.

Cũng theo ông M., cao thủ quần vợt khi muốn đánh độ với người chơi có trình độ thấp hơn thì không được cầm vợt mà phải cầm một vật dụng khác để cân bằng sức. 

Bà N., người cho thuê sân số 3 CLB quần vợt Lê Thị Riêng, cho biết: “Những chiếc ghế gỗ được đặt đóng với giá 200.000 đồng/cái, còn két bia nhựa, cục gạch, chai rượu XO... thì các tay độ tự chế để đánh. Sân này chiều nào cũng tụ tập nhiều nhóm đánh độ bằng ghế gỗ, cục gạch, két bia... nên lúc nào cũng kín lịch cho thuê”.

Trong giới đánh độ quần vợt ở Sài Gòn phải kể đến nhóm của ông Đại Bàng. Nhóm này thường lui tới sân số 3 CLB Lê Thị Riêng vào các buổi chiều. Khoảng 16g ngày 11-3, chúng tôi trở lại sân số 3, bà N. liền nói: “Đang có đánh độ ăn tiền đó, thích thì vô bắt kèo đi”. Chúng tôi vừa cầm vợt bước vào sân, một “gà” sáp lại thách đấu: “Chơi với nhau vài triệu để xem giò cẳng đi anh. Em đánh bằng chai rượu, còn anh đánh bằng vợt”.

Sau khi các tay vợt hội tụ đông đủ, cả nhóm bắt kèo thách đấu với nhau làm xôn xao cả khu vực sân. Người xem dán mắt vào tay vợt tên C. (đánh bằng chai rượu) cùng một đồng đội (đánh bằng ghế gỗ) chấp hai đối thủ đánh bằng vợt. Trọng tài ra hiệu lệnh giao bóng, C. cầm chai rượu nghiêng người phát bóng vút mạnh qua sân đối phương.

Không khí cáp độ diễn ra rôm rả hơn theo diễn tiến sôi động của những pha đánh trả trên sân: “Tao bắt thằng C. 4 xị, có ai theo không?”. Một tay độ quay sang bình luận với chiến hữu: “Thằng đó (tức C.) còn nổi tiếng với trò cầm cục gạch, bên kia khó mà đỡ nổi”. Sau đó, anh này đứng dậy hét lớn: “Bắt thằng K. nửa chai, ai chơi thì cho tín hiệu!”.

Sau nửa giờ giao đấu, nhóm của K. giành phần thắng. Ngay sau đó các tay vợt gà độ rôm rả chung tiền. Một tay độ hỉ hả: “Cả buổi bắt kèo ăn theo cũng được vài triệu đồng”.


Chung chi ngay sau trận đánh độ - Ảnh: Đức Thanh


Cáp độ tùy theo “máu lửa” trận đấu

Chiều 5-3, nhóm của ông Đại Bàng kéo nhau qua sân dự án 45 (18D, P.4, Q.Phú Nhuận) do bà L. cho thuê để so kè với một nhóm khác. Hơn 30 tay vợt ngồi dọc sân chia thành từng cặp tỉ thí. Vì đã biết “giò cẳng” của nhau nên nhóm của K. chấp cặp đối thủ đánh bằng hai vợt, còn đôi của K. chơi bằng ghế gỗ. Những tay vợt bên ngoài cũng nhanh chóng tham gia.

Một tay độ tên B. vừa hét lớn: “Có ai bắt một chai (1 chai = 1 triệu đồng) không?”, ngay lập tức một tay vợt khách hưởng ứng. Những tay vợt khác cũng nhanh chóng bắt kèo. Số tiền chơi mỗi ván đấu lên đến gần chục triệu đồng.

Trận mở màn vừa xong, một người đàn ông ngoài 50 tuổi chạy chiếc ôtô Camry màu đen tới đỗ xịch trước sân quần vợt. Ông này lặng lẽ bước vào sân và được các tay vợt trong sân quay sang chào hỏi, có phần nể trọng. Một tay vợt ngồi cạnh bên nhếch miệng: “Kèo thơm rồi đây”. Nghe nói ông này là đại gia bất động sản, đam mê quần vợt độ.

Ông ta nhẹ nhàng lôi ra từ trong balô không phải cây vợt tennis mà là một két bia bằng nhựa được cắt vuông vắn khoảng 30x30cm, rồi bước ra sân khởi động. Nhóm bên kia, một tay vợt khác cũng bước ra sân khởi động cho trận đấu két bia chọi ghế gỗ. Sau khoảng 30 phút tỉ thí, người đàn ông đi xe Camry chấp nhận thua và vui vẻ rút ra một xấp tiền đưa cho đối thủ. Những người bắt độ thắng cũng rôm rả lấy số tiền đã đặt kèo.

Sân Gió Bắc ở Phú Nhuận là một địa điểm được giới đánh độ quần vợt thường xuyên lui tới. Ông T., một người làm ở đây, cho biết cách đây không lâu có một nhóm chuyên đánh độ mỗi trận 5-10 triệu đồng. Nhóm này sau đó dạt về sân Lê Thị Riêng để lập một nhóm đánh độ chuyên nghiệp. 

Chiều 11-3, chúng tôi vừa bước vào sân Gió Bắc, một người nhặt bóng nhanh nhảu chạy ra rủ rê: “Sân số 6 đang thiếu gà đánh độ, mấy anh nhập vào nhóm đánh luôn đi”. Nói xong, anh ta dẫn chúng tôi đến giao lưu với các tay vợt đang cáp kèo trong sân.

Ông T., ở Q.8, một tay vợt đánh độ có tiếng, cho biết tùy vào mức độ “máu lửa” của trận đánh, các tay vợt sẽ ra kèo. Nhóm của ông đánh mỗi trận thông thường là 1 triệu đồng. Ông T. lớn giọng: “Các ông bắt 100 chai, chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp”. 

Tay vợt tên Phương trong nhóm ông T. chen vào nói: “Tụi này đang đánh một trận một chai, các ông muốn đánh thì vào sân chơi luôn”. Ông T. nói thêm: “Phương giỏi đánh độ quần vợt bằng ghế, mỗi trận độ Phương đánh phải 5-10 chai mới xứng”.

Ngay bên cạnh, sân số 5 cũng thu hút gần 20 tay vợt độ đang chia kèo tỉ thí. Sau khi gút kèo, một người nhặt bóng cầm tờ giấy đến ghi tên những tay vợt cáp kèo theo, mỗi kèo 200.000-500.000 đồng, tính ra số tiền tổng cộng cho trận đánh độ này lên gần 5 triệu đồng.

Trong lúc trận đánh đang đến thời điểm gay cấn, cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống. Một tay vợt độ bực bội cởi bỏ đôi giày ngoài sân rồi bước vào trong thách đấu: “Mưa cũng đánh, có ai đánh kèo này 5 xị không? Bước ra chơi tay đôi!”. Một tay vợt khác cũng cởi giày bước vô sân nhận lời thách đấu. Khi trời mưa, sân trơn, các tay vợt độ phải lột bỏ giày.

Trong sân, thỉnh thoảng hai cao thủ bị trượt ngã nằm sóng soài nhưng vẫn cố đứng dậy để tiếp tục cuộc so tài. Các tay vợt ngồi bên ngoài bình luận: đánh quần vợt lúc sân đang ướt thì người yếu cũng như kẻ mạnh, quan trọng là biết cách đánh lừa đối phương.

Trận so kè vừa xong, cặp đôi khác lại ra thách đấu mặc cho sân quần vợt vẫn còn ướt nhẹp. Khoảng 20 phút sau, khi cơn mưa tạnh, các tay vợt lại tiếp tục chia kèo, cáp độ cho đến lúc tối hẳn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận