Lên tiếng để thay đổi

NGỌC HẠNH 14/01/2016 18:01 GMT+7

TTCT - LTS: Để xã hội bớt những người “xấu xí”, ý thức tự giáo dục, hành động để thay đổi của chính mỗi người là ý kiến hai độc giả tham gia Câu chuyện cuộc sống “Ứng xử cộng đồng” kỳ này (xem TTCT từ số ra ngày 6-12-2015).

Tranh: Nguyễn Hoàng Huy
Tranh: Nguyễn Hoàng Huy


Tham gia diễn đàn “Ứng xử cộng đồng: Những người xấu xí”, tôi xin góp một vài câu chuyện và chia sẻ về những suy nghĩ và hành động của bản thân khi chứng kiến những hành xử không đẹp của vài người “xấu xí”!

Chuyện cơm từ thiện...

Gần khu phố tôi có một nhóm các cô, các bác lớn tuổi lập một bếp ăn từ thiện, mỗi ngày nấu hơn trăm phần cơm phục vụ những người nghèo sống trong khu phố. Cứ mỗi sáng, các bác, các cô xúm lại, người hùn gạo, người hùn chai dầu ăn, người góp rau, cùng nấu nướng để kịp bữa trưa cho mọi người. Một lần ghé chơi, tôi nghe một cô than thở:

“Cơm nấu chủ yếu là cho những người già sống neo đơn, mấy cô chú công nhân vệ sinh và các em sinh viên ở trọ. Biết là cơm từ thiện ai xin thì mình phải cho, nhưng buồn là vì có người đến bữa làm biếng nấu nướng, đến xin cơm rồi đi mua thức ăn mặn về ăn, có người xin về không ăn mà mang cho gà, cho chó...

Mình nhắc khéo thì họ mắng lại, bảo đã làm từ thiện mà còn phân biệt đối xử!”. Tôi mách các cô đăng một dòng thông cáo nhỏ dán nơi cửa: “Cơm từ thiện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn”, ngụ ý muốn mọi người nhìn thấy có thể... soi xét lại! Thời gian sau ghé lại, mấy cô bảo không biết do còn chút lòng tự trọng hay do bị chạm vào... tự ái hay sao mà lúc này không còn thấy họ đến “xin” cơm nữa!

Tôi có một cô bạn có thói quen cứ ngày rằm, mùng một là đến những điểm phát cơm từ thiện để xin cơm về cho cả nhà. Bữa rằm nọ, thấy bạn đang “xin” cơm của một nhóm từ thiện nơi đầu chợ, vừa gặp tôi, cô bạn hớn hở khoe hai bịch đầy những phần cơm hộp máng trên chiếc xe máy tay ga.

Bạn còn bảo cơm từ thiện là của “chùa”, không phải mất tiền, đỡ tốn một ngày tiền chợ, và xui tôi vào lấy cơm kẻo hết! Nhìn những chiếc xe máy dựng ngổn ngang dưới lề đường và đám đông người đang chen lấn để được những phần cơm từ thiện, tôi quay sang cô bạn nửa đùa nửa thật:

“Cơm từ thiện là người ta phát tâm giúp đỡ những người nghèo. Tui không giàu nhưng cũng còn đủ tiền, đủ sức để sống qua được hết ngày hôm nay...”. Câu nói vừa thật vừa đùa của tôi đã làm cô bạn “đứng hình” hết vài giây. Cũng không biết là sau lần đó bạn nghĩ gì, nhưng lâu rồi tôi không còn thấy bạn đi “xin cơm chùa” nữa!

Chuyện trên xe buýt...

Góp một tiếng nói, một hành động để làm cho những điều chưa đẹp thành đẹp, cho những xấu thành tốt là góp phần để xã hội được thay đổi tốt đẹp

Một bạn trẻ là sinh viên chia sẻ kinh nghiệm với tôi rằng đi xe buýt muốn không nhường ghế thì lên xe ngồi phía sau là... an toàn! Hôm nọ, trên chuyến xe buýt số 54 từ bến xe Miền Đông đến bến xe Chợ Lớn, tôi ngồi phía sau xe cùng nhiều hành khách phần lớn là người trẻ.

Khi xe ghé trạm, có sáu hành khách lớn tuổi cùng bước lên xe. Một bạn trẻ ngồi phía sau tôi nhanh nhảu bước ra phía trước để nhường ghế. Tôi cũng bước ra, cô nhỏ ngồi cạnh tôi thấy vậy cũng xách balô bước theo ra ngoài. Khi đã ổn định, ngoái nhìn lại sáu vị hành khách lớn tuổi đều đã được những người trẻ nhường ghế...

Tôi vỡ lẽ hóa ra “kinh nghiệm xấu xí” của bạn sinh viên nọ không hẳn đã ứng vô hết với tất cả người trẻ!

Và chuyện rác...

Một sáng đi công việc ngang qua đường N trong khu công nghiệp B, tôi nhìn thấy một bạn nữ công nhân ngồi ăn sáng trên vỉa hè ngập rác ngay trước cổng công ty B. Rác là những vỏ hộp, vỏ chai đựng thức ăn, thức uống của một nhóm công nhân vừa ăn sáng xong trước đó bỏ lại đầy trên vỉa hè mà ngay cạnh đấy có đến ba chiếc thùng đựng rác!

Tôi quan sát bạn nữ công nhân này và nghĩ chắc bạn cũng sẽ hành xử như nhóm người “xấu xí” trước đó. Thế nhưng, bất ngờ là khi dùng xong, bạn nữ này đã đứng lên bỏ vỏ hộp, vỏ chai của mình vào thùng đựng rác. Khi bạn nữ công nhân rời đi, người công nhân vệ sinh đẩy chiếc xe đến thu dọn rác.

Tôi hỏi chuyện và cô này cho hay đã nhắc nhở nhiều lần nhưng chẳng thay đổi được gì nên thôi. Biết rằng việc thu dọn rác là trách nhiệm của người làm công việc dọn vệ sinh, thế nhưng chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh một đám đông người vô ý thức để một người lao công già phải vất vả, nhọc nhằn tôi cảm thấy bất công quá đỗi.

Dù chuyện chẳng liên quan gì đến mình, nhưng do quá bức xúc nên tôi đã nghĩ ra cách để “chạm” vào ý thức của nhóm người “xấu xí” này bằng việc gửi đi một phản ánh đến truyền thông. Cũng không biết là do những ý kiến đóng góp của mình hay vì lý do gì đó mà dạo này mỗi khi có việc ngang qua con đường N, tôi không còn thấy cảnh vỉa hè ngập rác vào những buổi sớm trước cổng công ty B nữa, và người lao công già đã có thể nhàn hạ hơn chỉ với những chiếc lá rụng ở hàng cây hai bên đường!

Trong cuộc sống hằng ngày, tôi cũng không ít lần chứng kiến hình ảnh một vài người, một đám đông có những ứng xử, hành xử xấu xí. Tuy nhiên, cá nhân tôi lại thấy những người có hành xử không đẹp chưa hẳn họ đã là người xấu và những hành động xấu xí của họ một phần do những hạn chế về văn hóa, do ảnh hưởng của điều kiện và môi trường cuộc sống của cá nhân nên dù có những hành xử không đẹp nhưng họ không hề biết việc mình làm là xấu.

Và trong đám đông những người “xấu xí” tôi cũng nhìn thấy có những người đàng hoàng, một số người “xấu xí” do bị ảnh hưởng tâm lý theo trào lưu, văn hóa, bị lôi kéo theo đám đông khiến họ không thể nhận ra việc mình đang làm. Như đa số mọi người, tôi cũng cảm thấy khó chịu và bức xúc trước những điều xấu xí.

Thay vì lên mạng chỉ trích hay tụm năm, tụm bảy ngồi lên án, ta thán những hành động, những việc làm chướng tai gai mắt hoặc im lặng bỏ qua, thì tôi bằng cách của mình, theo khả năng của mình, tùy từng câu chuyện, tình huống để giúp mọi người cùng nhìn nhận và xoay chuyển vấn đề theo chiều hướng tích cực hơn nhằm thay đổi những thói quen xấu của họ.

Góp một tiếng nói, một hành động để làm cho những điều chưa đẹp thành đẹp, cho những xấu thành tốt là góp phần để xã hội được thay đổi tốt đẹp.■

 

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận