Mật nghị hồng y 2013

THANH GƯƠNG (ROMA) 03/03/2013 20:03 GMT+7

TTCT - Với quyết định từ nhiệm, Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã đặt Tòa thánh Vatican vào một trường hợp hi hữu. Dù rằng bộ luật giáo hội có những điều khoản nói về từ nhiệm, nhưng xưa nay tất cả những Đức Giáo hoàng tiền nhiệm của Benedict XVI đều nắm quyền giáo chủ cho đến hơi thở cuối cùng.

Kỳ 1: Những sự kiện “nhức nhối” liên quan đến Giáo Hoàng Benedict XVI
Sự kiện Đức Giáo hoàng Benedict XVI từ nhiệm

Các hồng y cử tri được Mật nghị hồng y triệu tập... đều phải chịu tang vị Đức Giáo hoàng quá cố trước khi bắt đầu tiến hành việc bầu cử Đức Giáo hoàng mới.

Phóng to
Quang cảnh buổi Công nghị hồng y ngày 11-2-2013, lúc Đức Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố quyết định từ nhiệm - Ảnh: AP/ Osservatore Romano

Khác biệt

Năm 2013 này thì các hồng y cử tri sẽ không phải chịu tang ai cả.

Đó là khác biệt thứ nhất.

Theo luật của giáo hội thì sớm nhất cũng phải sau 15-20 ngày kể từ khi ghế giáo chủ bị bỏ trống thì Mật nghị hồng y mới khai mạc. Chủ yếu là đợi sau khi tang lễ của cố Đức Giáo hoàng hoàn tất xong xuôi, các nghi thức chịu tang chấm dứt.

Nhưng lần này vì không cần phải đợi tang lễ nên Tòa thánh muốn nhanh chóng triệu tập mật nghị, do đó Benedict XVI đã ban hành “Tự sắc” (ngôn từ của giáo hội bằng tiếng Latin là “Motu Proprio”) để ấn định lại một số điểm trong quy luật bầu cử Đức Giáo hoàng, trong đó có việc triệu tập sớm mật nghị. Một số tin đồn là có thể mật nghị sẽ được khai mạc ngày 11-3, tức là đúng một tháng từ khi Benedict XVI tuyên bố từ nhiệm.

Theo nhận xét của các chuyên gia về Vatican thì 117 hồng y cử tri được Mật nghị hồng y triệu tập lần này sẽ phải đối đầu với việc chọn lựa Đức Giáo hoàng trong điều kiện không đơn giản như tám năm về trước.

Lúc đó, chỉ tới vòng bầu cử lần thứ tư là Mật nghị hồng y đã bầu hồng y Joseph Ratzinger lên ngôi vị giáo chủ, một trong những cuộc bầu cử ngắn nhất trong lịch sử giáo hội. Tám năm trước, tình hình bệnh tật kéo dài nhiều năm của Đức Giáo hoàng John Paul II đã khiến thương lượng giữa các phe phái chín muồi trước khi Mật nghị hồng y khai mạc.

Thậm chí báo chí thời đó còn đồn rằng tên của hồng y Ratzinger đã được “rỉ tai” từ khoảng hai năm trước. Lần này quyết định từ nhiệm bất ngờ của Benedict XVI khiến có e ngại bầu cử sẽ phải kéo dài. Và có thể đây là nguyên nhân chính để Tòa thánh muốn mật nghị khai mạc càng sớm càng tốt.

Một trong những nét đặc biệt khác của lần bầu cử Đức Giáo hoàng năm nay là Mật nghị hồng y nhóm họp trong khi bên ngoài vẫn có mặt của (cựu) giáo chủ (Benedict XVI năm nay 86 tuổi, do đó sẽ không còn quyền làm hồng y cử tri)... Muốn hay không, điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu của các hồng y cử tri.

Theo nhận xét của các quan sát viên chuyên về Tòa thánh thì lần Mật nghị hồng y năm nay được chuẩn bị trong bầu không khí cực kỳ căng thẳng trong nội bộ giáo phẩm. Mấy ngày vừa qua, báo chí ở Ý đã dồn dập đưa tin về những thay đổi nhân sự trong các cơ quan của giáo triều.

Thí dụ như trường hợp của đức ông Ettore Balestrero, vốn là thứ trưởng ngoại giao của Tòa thánh, “được” thăng lên hàng tổng giám mục và sẽ rời Roma để sang Bogotá nhận chức sứ thần Tòa thánh tại Colombia. Đức ông Ettore Balestro là “cận thần” của quốc vụ khanh hồng y Tarcisio Bertone, nên quyết định này được xem như là một kiểu “dọn dẹp” trước khi các vòng đàm phán về việc bầu cử Đức Giáo hoàng bắt đầu.

Nhưng có lẽ tin “động trời” nhất là ngày 17-12-2012 vừa qua, Benedict XVI đã nhận được từ tay hồng y Julian Herranz, người được giao điều tra những bí ẩn trong vụ Vatileaks, một hồ sơ tối mật dày 300 trang, còn được gọi là “Relationem”.

Nội dung của hồ sơ mật nói trên có nói đến những chia rẽ đấu đá phe phái trong hàng ngũ giáo hội. Các phe phái này được tổ chức hàng dọc hàng ngang dựa theo xuất xứ địa phương của các hồng y, các trường phái tư tưởng, các nhóm lợi ích quyền lực kinh tế tài chính riêng tư, thậm chí dựa theo các “khuynh hướng dục tính” khác nhau.

Để bảo vệ quyền lực, nhất là quyền lực kinh tế tài chính, các phe phái gây áp lực lên một số nhân vật cao cấp trong hàng giáo phẩm hay trong giới lãnh đạo các cơ quan quyền lực kinh tế của Tòa thánh. Vẫn theo báo chí thì thậm chí các áp lực này cũng dựa trên những bí mật về đời sống riêng tư hay những quan hệ tính dục đồng tính của một số “chức sắc trong hàng giáo phẩm”.

Về phía Vatican, xuyên qua tuyên bố của cha Federico Lombardo, phát ngôn viên của Tòa Thánh, đã cho rằng những thông tin mà báo chí đăng trong thời gian qua về các phe phái và các âm mưu chống phá nhau... chỉ là những tin đồn thất thiệt với chủ đích gây hoang mang và làm xáo trộn việc chuẩn bị triệu tập Mật nghị hồng y.

Các Hồng y Ý

Sau hai giáo triều kéo dài gần 35 năm không nằm trực tiếp dưới sự cai quản của hàng giáo phẩm Roma - 27 năm của một Đức Giáo hoàng người Ba Lan và gần 8 năm của một Đức Giáo hoàng người Đức, một trong những câu hỏi “đầu môi chót lưỡi” của cộng đồng Công giáo là có phải đã đến lúc ngôi vị giáo chủ trở về tay của hàng giáo phẩm thành Roma?

Nhìn sơ qua trong hàng giáo phẩm ở Ý, có thể thấy có rất nhiều chức sắc có khả năng được tiến cử làm Đức Giáo hoàng. Trước tiên là hai vị hồng y nổi tiếng là “đối thủ” của nhau, nhất là trong những căng thẳng trong hàng giáo phẩm trong hai năm cuối. Một bên là quốc vụ khanh, hồng y Tarcisio Bertone, 78 tuổi; bên kia là hồng y Angelo Bagnasco, 70 tuổi, tổng giám mục giáo phận của thành phố Genova - thành phố cảng lớn nhất Ý, và cũng là chủ tịch Hội đồng giám mục Ý. Kế đến là hồng y Angelo Scola, 71 tuổi, tổng giám mục giáo phận của thành phố Milano, thủ đô kinh tế và tài chính của nước Ý, thành phố có thu nhập đầu người cao nhất Ý.

Cũng nằm trong danh sách “khả thi” có hồng y Mauro Piacenza, 69 tuổi, tổng trưởng Bộ Giáo sĩ và là chủ tịch Hội đồng quốc tế về sư phạm giáo lý. Mấy hôm nay báo chí Ý đặc biệt nói nhiều đến hồng y Gianfranco Ravasi, 71 tuổi, chủ tịch Hội đồng văn hóa, chủ tịch Ủy ban chuyên trách về khảo cổ thánh thể, chủ tịch Ủy ban điều phối các cơ sở hàn lâm của giáo hội, được xem như là ứng cử viên được sự ủng hộ của Benedict XVI.

Các khu vực khác

Ngoài nước Ý, nhưng vẫn nằm trong châu Âu cổ thì có hồng y Jean-Luois Tauran, 70 tuổi, người Pháp, chủ tịch Hội đồng giám mục chuyên trách về các quan hệ liên tôn giáo và có nhiều quan hệ với cộng đồng Hồi giáo. Công luận cũng chú ý đến hồng y Christoph Schonborn, 68 tuổi, người Áo và là tổng giám mục giáo phận thủ đô Vienna. Về phía Đông Âu cũ thì có hồng y Peter Erdo, 61 tuổi, người Hungary, tổng giám mục giáo phận Budapest.

Từ phía Bắc Mỹ có thể nói đến hồng y Marc Ouellet, 67 tuổi, người Canada, tổng trưởng Bộ Giám mục và là chủ tịch Ủy ban giáo hội chuyên trách khu vực châu Mỹ Latin. Còn có hồng y Timothy Dolan, 63 tuổi, tổng giám mục giáo phận New York, một trong những chức sắc trong giáo hội ở Bắc Mỹ có nhiều quyền lực đến độ được mệnh danh là “Đức Giáo hoàng Mỹ”.

Trong khu vực châu Mỹ Latin thì có thể kể hồng y Odilo Pedro Scherer, 64 tuổi, người Brazil, tổng giám mục giáo phận thành phố Sao Paulo. Kế đến là hồng y Jorge Mario Bergoglio, 77 tuổi, người Argentina gốc Ý, tổng giám mục địa phận thủ đô Buenos Aires. Ngoài ra còn phải kể đến hồng y Francisco Robles Ortega, 63 tuổi, người Mexico, tổng giám mục địa phận thành phố Guadalajara và cũng là chủ tịch Hội đồng giám mục Mexico.

Về phía châu Phi có thể nói đến hồng y John Olorunfemi Onaiyekan, 69 tuổi, người Nigeria, chủ tịch Hội đồng giám mục và tổ chức liên giáo của cộng đồng Công giáo Nigeria, được biết đến rất nhiều ở Nigeria bởi những hoạt động tôn giáo ủng hộ đời sống xã hội, và được coi như là gương mặt tiêu biểu đang lên của giới Công giáo châu Phi. Kế đến là hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, 56 tuổi, người Ghana, tổng giám mục giáo phận Cape Coast và là chủ tịch Ủy ban về pháp lý và hòa bình của giáo hội.

Trong khu vực châu Á, ứng viên được xem là “sáng giá” có hồng y Luis Antonio Tagle, 56 tuổi, người Philippines, quốc gia châu Á có số giáo dân cao nhất, tổng giám mục giáo phận thủ đô Manila.

Thể thức bầu Đức Giáo Hoàng

Thể thức bầu Đức Giáo hoàng được gọi là “Conclave”, hay “Mật nghị hồng y”, là một cuộc họp kín trong đó các hồng y cử tri hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài cho đến khi nào Đức Giáo hoàng được bầu ra. Từ vựng Latin “Conclave” lấy từ chữ “cum clave”, có nghĩa là “bị nhốt khóa bên trong”.

Tất cả Mật nghị hồng y đều được tổ chức tại nhà nguyện Sistine, nằm ngay trong nội thành Vatican. Khi bắt đầu mật nghị, tất cả hồng y cử tri được đưa vào trong nhà nguyện và người ta khóa cửa nhà nguyện lại cho đến khi nào mật nghị bầu ra được Đức Giáo hoàng mới, bất kể thời gian bao lâu. Trong suốt thời gian mật nghị, các hồng y cử tri đều sinh hoạt ăn ngủ ngay trong nhà nguyện, không được giao tiếp với thế giới bên ngoài, cũng không được mang theo điện thoại di động hay máy tính cầm tay.

Hồng y cử tri là những hồng y không quá 80 tuổi và có quyền tham dự mật nghị. Con số hồng y cử tri tối đa cho mỗi lần mật nghị là 120 người. Lần mật nghị 2013 này, con số hồng y là 117 người.

Bầu chọn Đức Giáo hoàng thông qua bỏ phiếu kín, trong lá phiếu các hồng y cử tri chỉ đơn giản viết tên người mình bầu chọn. Để được bầu chọn là Đức Giáo hoàng cần phải có được 2/3 phiếu trên tổng số hồng y cử tri hiện diện. Đến lần bầu chọn thứ 34, nếu chưa bầu ra được Đức Giáo hoàng, các hồng y cử tri sẽ chỉ phải chọn một trong hai hồng y có phiếu cao nhất vào lần bầu chọn trước đó. Và kể từ lần thứ 34 trở đi hai vị hồng y nói trên sẽ không được tham gia bỏ phiếu nữa.

Sau mỗi vòng bầu chọn, các lá phiếu đều bị đốt trong một lò sưởi có ống khói thông lên trên nóc nhà nguyện Sistine. Nếu chưa bầu ra được Đức Giáo hoàng thì các lá phiếu bị đốt sẽ cho ra khói đen. Khi Đức Giáo hoàng mới được bầu chọn, trong khi đốt phiếu người ta sẽ cho vào lò sưởi một thứ hóa chất để tạo khói trắng. Màu khói của nhà nguyện sẽ báo cho biết đã bầu được Đức Giáo hoàng mới hay chưa. Nếu là khói trắng thì Đức Giáo hoàng mới đã có và Mật nghị hồng y kết thúc.

___________

Nguồn tham khảo: La Repubblica, La Stampa, Corriere della Sera.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận