Những người tội nghiệp...

THANH THÚY (TP.HCM) 16/04/2015 20:04 GMT+7

Và sự thay đổi nên bắt đầu từ đâu, nếu không từ một tầm nhìn dài hạn về mục đích cơ bản của sự học, của giáo dục?

Học về Liên minh châu Âu, học sinh có thể được đề nghị sử dụng bản đồ để so sánh thời tiết ở các nước, kết hợp được kiến thức địa lý và tiếng Anh - Ảnh: Huffingtonpost.com

1. Con tôi học lớp 10 trường N, quận T trong thành phố. Tuần rồi con đi học về kể: “Hôm nay lớp con họp phụ huynh của các bạn yếu kém, tới 15 bạn, không ít bạn ”đổ” vì môn toán”. Con kể: Cha mẹ các bạn yếu kém rất bức xúc. Họ cho rằng ở lớp đầu cấp III này, các học sinh đã không được dạy đúng cách. Nhiều phụ huynh nói các con mình đi học về than không hiểu gì về môn toán. Phụ huynh của các bạn này rất buồn. Một bà mẹ đề nghị cô giáo môn toán mở lớp dạy phụ đạo cho những bạn yếu, cho phép phụ huynh cùng tham gia. Phụ huynh sẽ học cùng con để nếu về nhà con họ không hiểu bài, họ sẽ chỉ lại cho con.

Con tôi may mắn không rơi vào số học sinh yếu kém nhưng cũng không phải học sinh giỏi toán, cắc cớ hỏi mẹ: “Nếu có mở lớp này, mẹ có muốn đi học cùng con không?”. Tôi nghe trong câu hỏi của con vừa có chút thành khẩn nhưng cũng có chút khôi hài, khi cháu “bồi” thêm: “Bảo đảm mẹ cũng không hiểu gì luôn”!

Tôi trao đổi lại với con rằng chắc các phụ huynh bức xúc quá mới nói vậy, chứ đó không phải là cách học. Nếu ở lớp con không hiểu bài, giờ phụ đạo ba mẹ phải học cùng con để khi về nhà sẽ chỉ bài con thì con sẽ tự học lúc nào? Trong khi sự học suy cho cùng là nhằm đào luyện sự tự lực, tự tìm hiểu, đào bới, hiểu biết để phân định vấn đề. Mục đích của sự học nói chung đâu nhằm để chỉ tìm kiếm lời giải đúng cho một vấn đề cụ thể nào đó. Riêng việc học toán phải chăng là học phương pháp, cách thức để suy luận và giải quyết vấn đề mà việc tìm ra ẩn số x hay y nào đó chỉ là một phương tiện giúp cụ thể hóa quá trình suy luận đó?

Tôi hỏi con cô giáo toán của con có trẻ không? Con đáp cô đã ở tuổi sắp về hưu. Là mẹ của một nam sinh 16 tuổi, luôn phải “đối phó” với con về rất nhiều vấn đề, từ những biến đổi tâm sinh lý của tuổi dậy thì đến việc mê chơi hơn mê học, từ việc lạm dụng các thiết bị điện tử và mạng xã hội đến việc “ăn nói kiểu Nhật, tóc tai kiểu Hàn”, không hiểu sao tôi cảm thấy tội nghiệp cô giáo toán. Cô đang chịu áp lực thế nào với chương trình toán hiện nay mà cô phải dạy, với những học trò thế này đây, kết quả thế này đây? Rồi tội nghiệp cả các bạn của con tôi nữa. Lớp ở trường, lớp phụ đạo ngoài giờ, rồi về nhà là học cùng ba mẹ... 

2. Những cô, những trò lớp con tôi sẽ “tiến vào thế kỷ 21” thế nào đây khi mà trên thế giới cách học toán đã khác lắm rồi? Mới đây thôi, Phần Lan cho biết sẽ có những thay đổi ở lớp học nước này từ năm 2020: từ tuổi 16, học sinh Phần Lan sẽ không được dạy theo môn nữa (không còn môn toán, lý hay hóa riêng biệt), thay vào đó học sinh sẽ được dạy tích hợp, theo đề tài.

Thí dụ thay cho việc học hai môn riêng biệt địa lý và lịch sử, thì với đề tài Liên minh châu Âu, học sinh Phần Lan sẽ được dạy về các ngôn ngữ EU, lịch sử hình thành khối, địa lý của khối, những vấn đề kinh tế của khối... Thủ đô Helsinki là nơi đầu tiên thử nghiệm cách dạy mới này từ hai năm trước và cho biết các kết quả thu được cho thấy “rất có lợi cho học sinh”.

Bà Liisa Pohjolainen, chuyên gia phụ trách giáo dục cho giới trẻ và người lớn ở Helsinki, cho biết sự thay đổi còn diễn ra trong hình thức học, với phương pháp học có phần thụ động trước đây được thay thế bằng phương pháp hợp tác: thay vì ngồi nghe thầy cô giảng, học sinh được đề nghị cùng thảo luận và giải quyết vấn đề. Và đây cũng chỉ là một trong số những thay đổi sắp tới mà bà Liisa nói “rất lớn trong giáo dục của Phần Lan”.

Giám đốc phát triển Helsinki Pasi Silander trong bản tin trên Huffingtonpost cũng chia sẻ: “Giới trẻ hiện nay sử dụng những máy tính hiện đại. Trước kia, trong ngân hàng cần rất nhiều nhân viên chuyên tính toán, nhưng nay mọi thứ đã cơ bản thay đổi. Chúng tôi phải thay đổi trong hệ thống giáo dục để đáp ứng tốt hơn cho một nền công nghiệp và xã hội Phần Lan hiện đại, giúp các em phát hiện những vấn đề thật sự của thế giới và những giải pháp liên ngành” (*). 

3. Ai cũng biết Phần Lan là một trong những quốc gia đứng đầu tháp giáo dục các nước tiên tiến OECD. Và vẫn biết “trình” giáo dục của Việt Nam đem so với những cường quốc giáo dục thế giới sẽ càng khiên cưỡng. Nhưng như thế không có nghĩa là không thể thay đổi. Và sự thay đổi nên bắt đầu từ đâu, nếu không từ một tầm nhìn dài hạn về mục đích cơ bản của sự học, của giáo dục? Những quy chiếu từ tầm nhìn đó sẽ quyết định việc dạy và học, chứ không phải là thành tích và những chương trình nhồi nhét rập khuôn đã xơ hóa rồi lạc hậu theo năm tháng. Cuối cùng thì phải xác định chúng ta đào tạo gì? Những con người - máy tính tội nghiệp, hay những con người đi tìm giải pháp?    

(*): http://www.huffingtonpost.co.uk/2015/03/23/finland-education-reform-for-schools-_n_6922690.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận