Nước Đức trong khủng hoảng lòng tin

LÊ QUANG 04/11/2016 21:11 GMT+7

TTCT- Để hiểu xã hội hiện tại ở Đức mà không sợ mang tiếng thầy bói xem voi, có lẽ nên bỏ công xem lại lịch sử của họ, vốn là một cấu thành mặc định để tạo ra tâm tính một dân tộc.

minh hoa
minh hoa

 

Tâm tính người Đức

Nước Đức sinh ra vô số kỹ sư, bác học, nghệ sĩ... nổi tiếng, đóng góp hơn 80 giải Nobel, phát minh ra ôtô, điện thoại, máy in sách, thuốc Aspirin, động cơ diesel hay quần bò làm cả thế giới “mắc nghiện” đến hôm nay. Nhưng đó mới chỉ là một mặt của dân tộc này.

Có một họa sĩ bậc thầy của hội họa lãng mạn Đức là Caspar David Friedrich (1774-1840) ít được biết ở ta, nhưng cả người Đức lẫn phần còn lại của nhân loại thống nhất đó là họa sĩ miêu tả chính xác nhất tâm hồn Đức, đặc biệt trong tác phẩm Wanderer über dem Nebelmeer (Lữ khách trên biển sương mù).

Bức tranh sơn dầu này ra đời khoảng năm 1818, vẽ một người trong trang phục đen quý phái giữa phong cảnh tưởng tượng, được cho là giống vùng núi sa thạch hai bên sông Elbe.

Ông chống gậy, tư lự nhìn xuống thung lũng ngập trong sương mù bao phủ thế giới (?) Tác phẩm này được tôn làm vương miện của hội họa lãng mạn Đức đầu thế kỷ 19, mỗi sự kiện lớn sau này như tái thống nhất nước Đức lại là dịp để Caspar David Friedrich được nhắc đến. Vì sao? Vì tranh của ông nắm bắt rõ nhất con đường trong sương mù của dân tộc Đức.

Khác với nước Pháp láng giềng, ở Đức chưa bao giờ có một cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Với những thành tựu vĩ đại không thể phủ nhận của mình, người Đức luôn tự tin vạch ra con đường riêng của mình.

Nhưng tiếc thay, “con đường Đức” luôn chấm dứt trong thảm kịch mà chế độ quốc xã của Hitler là ví dụ nổi bật nhất. Hàng trăm năm họ đánh nhau với Pháp rồi mới quay lại bắt tay để gầy dựng EU.

Tây Đức là đối tác mạnh nhất của NATO ở Tây Âu cho đến khi tái hợp nhất với Đông Đức, nhưng theo kết quả thăm dò dư luận của Viện Infratest cách đây hai tuần thì 40% (ở Đông Đức cũ: 60%) dân Đức muốn có một vị thế “nằm giữa Tây Âu và Nga”, trong khi sau sự cố Crimea, tạp chí Spiegel ngày 6-3-2015 cho biết 80% người Đức không tin tưởng Nga.

Cho đến hôm nay, đa số người Đức vẫn sửng sốt khi biết Bush, Mitterand và Thatcher phản đối quá trình tái thống nhất đến tận phút cuối, vì người Đức cho rằng chính NATO hậu thuẫn cho các cuộc biểu tình hòa bình của dân chúng rốt cuộc làm sập tường Berlin.

Thực tế là cuộc chạy đua vũ trang đã làm hai bên điên đảo tài chính và cuộc chiến tranh lạnh phải đến hồi kết.

Người Đức muốn gì? Họ muốn tiếp tục cuộc sống vật chất cao trong hòa bình, mỗi tuần làm việc 35 tiếng và mỗi năm nghỉ phép ba kỳ, bỏ ngoài tai các nghĩa vụ quốc tế ở Afghanistan hoặc tham gia quân sự ngoài biên giới ở Kosovo, tóm lại là một Thụy Sĩ phồn vinh phóng to với 80 triệu dân: lịch sử hãy dừng lại, tất cả hãy cứ tốt đẹp như hôm nay, như lữ khách của Caspar David Friedrich bình thản nhìn thế giới còn lại trong sương mù vậy.

Rồi một ngày xấu trời...

Lịch sử không chiều người Đức, hay không chiều mãi được. Sau thập kỷ 1960-1970 phát triển kinh tế thần kỳ, họ quên rằng thành tựu đó phần lớn dựa vào chương trình hỗ trợ Marshall của Mỹ, nhằm biến Tây Đức thành mũi nhọn ở châu Âu.

Với đồng D-Mark mạnh, họ chiêu mộ công nhân lương thấp từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Nam Tư, Hi Lạp. Nước Đức từ một mảnh đất mang tiếng kỳ thị ngoại kiều bỗng trở thành đất nhập cư kinh điển từ đó đến nay.

Lịch sử cận đại của kinh tế Đức không thể không nhắc đến hai tên tuổi đại diện. Volkswagen (VW) là hãng làm ôtô từ năm 1937, nay giữ vị trí số 1 châu Âu và dẫn đầu thế giới bên cạnh Toyota và General Motors.

Đừng quên VW cũng là Audi, Seat và Skoda, nắm giữ cả Bentley, Bugatti, Lamborghini, Porsche và Ducati (môtô). Từ năm 2007-2011, VW còn sản xuất cả xe tải và xe buýt mang nhãn hiệu MAN và Scania.

Khác với Mercedes trong hào quang của người rủng rỉnh tiền, Volkswagen (Đại chúng xa - như người Trung Quốc dịch rất chính xác) luôn hợp với bản tính cần cù, tiết kiệm và yêu chất lượng bền vững của người Đức. Xe VW không hề rẻ như cái tên của nó “mớm ý” và thiết kế cũng bảo thủ, nhưng luôn chiếm 1/5 con số đăng ký mới hằng năm tại Đức.

Còn Deutsche Bank ra đời năm 1870 và liên tục nuốt các nhà băng to nhỏ khác nhau, để hôm nay thành ngân hàng lớn nhất Đức tính theo kho vàng và số nhân lực, với “vòi bạch tuộc” vươn tới mọi trung tâm tài chính lớn nhất ở London, New York, Singapore, Hong Kong và Sydney.

Như người Nhật kiêu hãnh vì đến xó xỉnh nào trên thế giới cũng thấy Sony và Honda, người Đức tự hào có VW và Deutsche Bank. Về nguyên tắc cũng chẳng có gì sai.

Cho đến một ngày xấu trời, một kỹ sư Đức phát hiện phần mềm bất thường, khiến xe VW chạy dầu diesel luôn có chỉ số khí thải đạt chuẩn trong phòng thí nghiệm nhưng ra đường thì tự tắt và thể hiện toàn thông số kỹ thuật tuyệt vời - một mẹo né đòi hỏi yêu cầu môi trường rất cao ở Mỹ và EU.

Không chỉ VW mà Audi và Porsche cũng dính đòn từ năm 2015. Qua lượng khí thải bị phù phép giấu nhẹm của VW, người ta tính ra tổn hại về sức khỏe lẫn các trường hợp chết sớm có giá 39 tỉ USD riêng ở châu Âu và Mỹ.

Do không thể triệu hồi ngay lập tức khoảng 630.000 chiếc (theo báo Sueddeutsche 22-4-2016) ôtô “bị lỗi”, chúng còn tiếp tục nhả khí độc hại ra môi trường và gây tổng số thiệt hại khoảng 100 tỉ USD. Điều tra chưa chấm dứt, nhưng dường như Mercedes và Opel cũng bị vào tầm ngắm, có lẽ cả nước Đức chỉ có duy nhất BMW vô tội.

Với Deutsche Bank, danh sách các vụ bê bối còn dài hơn, bắt đầu từ tham gia cấp tài chính xây dựng trại tập trung Auschwitz của Hitler, rửa tiền ở Matxcơva đến đầu cơ bất động sản trái phép ở Hoa Kỳ...

Ở quy mô toàn cầu, Deutsche Bank đang ra tòa tại 8.000 vụ tố tụng, riêng quỹ nóng để trả án phí thường xuyên của họ đã là 5,4 tỉ euro, theo kết quả điều tra của kênh boerse.ard.de ngày 24-5-2016, riêng năm 2015 Deutsche Bank mất 6,8 tỉ euro do cổ phiếu tụt giá.

Bê bối thì đời nào cũng có, nhưng với VW và Deutsche Bank, người Đức lần đầu ngộ ra: các “lỗi lầm” chết người ấy không bị thúc đẩy bởi kinh tế thế giới, chiến tranh, hoàn cảnh khó khăn... mà duy nhất bởi lòng tham vô đáy của giới tài phiệt, vốn chủ động âm mưu phạm tội từ giờ phút đầu và hầu như chắc chắn không thể thiếu sự chống lưng của các chính trị gia đang cầm quyền.

Chiếc VW Phaeton cuối cùng rời xưởng trước khi khóa cửa-Arno Burgi/dpa
Chiếc VW Phaeton cuối cùng rời xưởng trước khi khóa cửa-Arno Burgi/dpa

 

Mất lòng tin là mất tất cả

Nước Đức còn đứng vững trên cả hai chân tài chính và công nghệ, dù phải gánh chịu 1 triệu người tị nạn và các vụ bê bối như của VW và Deutsche Bank, nhưng có thường xuyên tiếp xúc với người Đức mới thấy tổn hại lớn nhất là giảm sút lòng tin của người dân.

Đã đành tiềm lực của cường quốc này chưa hao mòn nhiều, Đức cũng là quốc gia đầu tiên của EU vượt qua mọi hệ quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu một cách ngoạn mục, nhưng năm 2016 không phải là 1818, thần dân của người đàn bà thép Angela Merkel không còn là lữ khách của Caspa David Friedrich đứng vượt trên mọi biến cố của thế giới để đứng xét nhân tình thế thái trong sương mù, mà sương mù đã dâng lên ở chân trời Đức.

Lòng tin của dân Đức vào chính thể hiện tại suy yếu đến mức một chính đảng dân túy thiên hữu mới nổi từ năm 2013 như Alternative fuer Deutschland (AfD - Lựa chọn khác cho nước Đức) đột nhiên có chân ở nghị viện của 10 trong số 16 bang và vào cả nghị viện châu Âu.

Sự xuất hiện đột ngột như sao băng của AfD cho thấy cử tri Đức bầu các chính đảng kiểu AfD như một phản ứng tiêu cực đối với các lực lượng lãnh đạo trì trệ khác. Ở bang Mecklenburg-Vorpommern (thuộc CHDC Đức cũ), vốn là bang nghèo nhất và có truyền thống bầu cánh tả, AfD chiếm 21,5% số ghế nghị viện, qua mặt Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) cầm quyền.

Ngay tại thủ đô Berlin, AfD cũng giành được 14,3% số dân biểu, “cướp” của CDU và SPD 59.000 cử tri ruột, theo thống kê của Spiegel Online 19-9-2016. Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung 4-9-2016 bình luận chua chát: “AfD đã qua mặt CDU ngay tại phòng khách của bà Angela Merkel”. Và có lẽ cay đắng nhất là thành phần chủ yếu bầu AfD: đàn ông trên 45 tuổi, công nhân và người ăn trợ cấp thất nghiệp!

Những tội đồ của kỷ nguyên hậu khủng hoảng đang nỗ lực lấy lại vị thế cũ, nhưng giá cổ phiếu tụt dốc và sự bất tín nhiệm từ các đối tác không thể khôi phục ngày một ngày hai.

Thiếu tiền đầu tư, mác xe cao cấp Phaeton của VW phải đóng cửa, 400 trong số 500 công nhân ở Dresden phải đi làm cách xa nhà 115km nếu không muốn ra đường.

Các công ty con của VW như Seat (Tây Ban Nha) và Skoda (Cộng hòa Czech) cũng giảm doanh số thê thảm. Từ tháng 6-2016, toàn bộ xe VW ở Hàn Quốc bị dừng bán tuyệt đối trong ba tháng để phục vụ điều tra, tòa án Seoul phạt VW trong phiên xử sơ thẩm 14,1 tỉ won (11 triệu euro) vì hành vi lừa đảo khách hàng.

Deutsche Bank cứ vài tháng lại thay sếp mới, tuy ai cũng biết là lỗi nằm trong hệ thống và bộ máy tư pháp Đức và Mỹ vốn được coi là lạnh lùng và duy lý đến tàn nhẫn. Bộ Tư pháp Mỹ vừa ra trát đòi 14 tỉ USD tiền phạt cho các phi vụ đầu cơ bất động sản ở Mỹ.

Nếu VW lẫn Deutsche Bank không vượt qua cơn sóng gió này, ở Đức sẽ tái hiện cuộc tranh luận về sự tham gia của nhà nước. Nhưng khác với cái ô cứu trợ hồi khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây, mỗi cố gắng của nhà nước dồn cho khối tư nhân sẽ có kết quả nhãn tiền trong thùng phiếu, ngay lập tức chứ không phải đợi lâu - ví dụ AfD còn tươi rói!■

Sigmar Gabriel không phải là một chính trị gia Đức “nào đó”, ông là phó của bà Angela Merkel và đương kim bộ trưởng kinh tế liên bang. Trong những ngày tới, rất có thể vị chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) sẽ là đối thủ tranh cử nặng ký của nữ thủ tướng quyền lực nhất thế giới.

Sau chừng ấy lời giới thiệu mào đầu, có lẽ đã đến lúc nín thở nghe một phát ngôn của ông trước đây mấy hôm - không trong bốn bức tường tư gia, mà ở nước ngoài - khi được hỏi về những khó khăn mà ngân hàng lớn nhất Đức - Deutsche Bank - đang gặp phải: “Tôi không rõ nên buồn cười hay nổi giận: chính cái nhà băng đưa việc đầu cơ lên làm mô hình kinh doanh nay tự cho mình là nạn nhân của giới đầu cơ!”

(ZEIT ONLINE 4-10-2016)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận