S.P.A.C.E.: Bạn có đủ 5 từ này chưa?

MICHAEL THOMPSON (MEDIUM) 05/05/2020 02:05 GMT+7

TTCT - 5 từ ấy như 5 chiếc chìa khóa mở vào túi khôn bao la. Ai cũng có được nhưng không nhiều người chịu dùng.

 

Khi được hỏi lời khuyên nào tâm đắc nhất về nghề nghiệp, một chuyên gia lão luyện đã nói: “Dù có sách vở giỏi giang tới đâu, nhưng nếu không học cách hòa hợp với người khác thì cũng phát điên. Cái khác nhau giữa một nghề nghiệp tốt với cực tốt rốt cục nằm ở chỗ bạn chọn mình cần phải có trí “thông minh xã hội” tới cỡ nào”.
Thông minh (về) xã hội là một thứ thông minh do ta chọn, bạn nhớ đấy. Nhiều người học hành rất giỏi nhưng quyết không chọn thứ thông minh này, trong khi rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, loại thông minh này đóng một vai chủ chốt để có một nghề nghiệp thành công. Vậy trí thông minh này khác trí thông minh “thông thường” ở điểm nào?

Trong quyển sách có tên Trí thông minh xã hội: Khoa học mới về thành công (Social Intelligence: The new science of success), tiến sĩ Karl Albrecht đã liệt kê 5 dấu hiệu chủ chốt của người có trí thông minh này, và lấy ký tự đầu (bằng tiếng Anh) của mỗi đặc tính này ghép lại để có chữ S.P.A.C.E.

1. “S” = “Situational Awareness” - Nhận định hoàn cảnh

Hài hòa được với người khác hay không, đầu tiên là nhờ cái “rađa xã hội” có trong bạn. Đó là khả năng nhận định hoàn cảnh. Trước khi bước vào giao tiếp thực sự, người có trí thông minh xã hội sẽ xem xét tình hình: người xung quanh đang buồn hay vui, ý định của họ là gì, họ hiện có muốn “tương tác” với mình hay không. 

Quan sát hành vi và tâm trạng của người khác trước khi tiếp cận là một xuất phát điểm tốt. Thí dụ: nếu người đối diện đang ủ rũ thì ta chớ khoe chuyện vui; gặp phải người ăn kiêng thì chớ đi bàn chuyện ăn thịt.

Nhưng không chỉ đơn sơ thế, Albrecht tiến thêm một bước, khuyên ta nên dành thời gian tập trung “quan sát con người”, tức là thông qua những thứ được truyền đi bằng “lời” và “không lời” mà dò ra đại khái tính cách, cũng như các động năng xã hội của họ. Cụ thể, ta cần ngầm đưa ra các câu hỏi sau:

- Những người này đang “phát ra” thứ sóng gì? Họ trông thế có dễ gần không? Họ nói hào sảng nhưng phải chăng ngôn ngữ cơ thể tiết lộ họ là người khép kín?

- Những cử chỉ trên mặt họ phản ánh điều gì? Họ có là người tích cực và thoải mái không? Hay là người căng thẳng, trầm trọng, thậm chí buồn?

- Giọng của họ thế nào? Nghe có lạnh lùng, khô khan? Hay giọng tình cảm và thực lòng quan tâm đến người khác?

Như đã nói, thông minh xã hội là thứ thông minh có thể đạt được nếu thực lòng muốn tập luyện. Càng hiểu biết về người xung quanh, bạn càng mau có được mối quan hệ thực chất với họ.

2. “P” = “Presence” - Hiện diện

Nói đến tính hiệu quả trong công việc, kẻ thù lớn nhất chính là mất tập trung, lơ đãng. Điều đó càng đúng trong giao tiếp với người xung quanh.

Người thông minh về xã hội hiểu cái quý nhất không phải là thời gian, mà chính là sự hiện diện của mình trong thời gian đó. Hiện diện bằng xương bằng thịt chưa đủ, cần phải hiện diện bằng tâm trí và cảm xúc. Không gì làm hỏng giao tiếp bằng việc có ở đấy mà hồn để ở đâu, không chú ý đến người đối diện.

Nhưng hiện diện “toàn tâm” không hề dễ. Ngoài việc có bao nhiêu thứ khiến chia trí như điện thoại, mạng, tin tức..., chúng ta còn phải học cách làm tắt đi cuộc đối thoại nội tâm cứ lảm nhảm trong đầu, chực chờ phun ra. Tác giả Stephen Covey từng viết: “Đa phần người ta không lắng nghe cốt để hiểu. Họ lắng nghe cốt để đáp lại”.

Để cải thiện chữ “S” này, chúng ta hãy dùng mỗi cuộc tương tác làm một cơ hội rèn luyện tính “hiện diện”. Cụ thể:

- Đặt ra một chương trình hành động: luôn mang tâm lý của người đang luyện chữ “S” trong mọi cuộc đối thoại hằng ngày. Luôn nhớ trong đầu rằng mình là người đang “đi học”.

- Khi họp hành, thay vì chỉ ngồi nghe thì ghi lại những điều quan trọng. Ưu tiên dùng sổ tay thay vì điện thoại.

- Trong lúc trao đổi, cần nhìn thẳng vào mắt người đối diện để đầu óc không bị lảng đi. Trong trường hợp tâm trí bắt đầu bảng lảng, hãy nhìn thẳng vào người đối diện để kéo mình về lại với cuộc đối thoại.

Người ta cho rằng cách tốt nhất để luyện hiện diện là tập thiền. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thiền giúp chúng ta điều hòa cảm xúc, tăng tập trung, tăng trí nhớ, giảm căng thẳng. Tất cả những điều này sẽ góp phần tạo nên những cuộc đối thoại chất lượng cao hơn với người khác.

 

 Bức tranh "Presence" (Hiện diện) của họa sĩ Oodlies

3. “A” = “Authenticity” - Thật

Albrecht chia “thật” ra làm ba phần: tôn trọng mình, tin vào các giá trị và niềm tin của mình, thẳng thắn với người khác. Khi bạn đạt được bộ ba này, người khác sẽ coi bạn là “thật”. Tuy nhiên, “xương sống” của việc làm người chân thật lại nằm trong sự tự - nhận - thức. Mà trong sự tự - nhận - thức ấy, cái gì quan trọng nhất? Đó là hiểu một cách sâu sắc về các giá trị mình đang có và phải có. Chúng ta sẽ không bao giờ trở thành cái con người mà ta mong muốn nếu không hình dung ra được người đó là thế nào.

Để hiểu rõ các giá trị của bản thân, Albrecht đề nghị mỗi người viết ra một “tuyên ngôn về nhiệm vụ”. Nghe như một việc vừa đao to búa lớn vừa đáng chán, nhưng thật ra không phải thế, bạn chỉ cần bắt chước Oprah Winfrey cách bà tự đặt ra một tuyên bố đơn giản: “(Tôi sẽ) là một giáo viên, và sẽ được biết đến nhờ việc truyền cảm hứng cho các học trò, giúp họ trở thành con người cao hơn họ vẫn nghĩ”.

Nghe có vẻ “căn cơ” quá đúng không? Nhưng bên trong những câu ấy là các giá trị lớn, như: trách nhiệm, cộng đồng, ảnh hưởng, tử tế. Quan sát sự nghiệp của Oprah, ta thấy rõ ràng bà đã thực hiện đúng những điều bà đặt ra từ đầu.

Về mặt kỹ thuật, tác giả Christopher D. Connors của The Value of You - Giá trị của bạn đề nghị: xác định rõ năm giá trị chính, viết không quá 50 từ, dùng nó như sao Bắc Đẩu. Khi viết, bạn cần tự hỏi - đáp:

- Tài năng, năng khiếu của mình là gì?

- Cái gì “truyền động” cho mình nhất? Cái gì làm mình “bừng lên” nhất?

- Mình học được gì từ kinh nghiệm cá nhân? Chúng đã khiến con người mình tốt đẹp hơn như thế nào?

- Cách nào là tốt nhất để dùng khả năng của mình phục vụ cộng đồng?

Theo Chris, những câu hỏi này không chỉ giúp bạn định rõ các giá trị của mình, nhận thức rõ hơn về chính mình, mà còn giúp bạn nhiều những lúc phải ra quyết định. Nếu bản thân bạn còn không rõ ràng nên “gật” hay “lắc” thì làm sao có thể thẳng thắn với người ngoài?

 

 

4. “C” = “Clarity” - Rành mạch

Trong truyền thông, rành mạch là then chốt. Người có trí thông minh xã hội luôn tìm cách diễn đạt các suy nghĩ và cảm giác của mình theo cách dễ “tiêu hóa” nhất.

Một cách để luyện rành mạch là thực tập bài nói ngắn, gọi là “quảng cáo trong thang máy”. Hãy tưởng tượng bạn có đúng một phút trong buồng thang máy, với một người có khả năng thay đổi vận mệnh của bạn, bạn sẽ nói gì về mình, về công ty mình, để khi cửa thang máy mở ra thì người kia cũng đã cảm thấy được thuyết phục?

Một số cách luyện cụ thể:

- Viết ra, vì viết chính là nghĩ. Đầu tiên vạch ra sơ lược điều muốn nói, kế là bổ sung, thêm thắt cho dày dặn hơn.

- Nói có thu âm rồi nghe đi nghe lại cho đến khi thấy mình đủ rành mạch.

- Học những người “giỏi ăn ở” có quanh bạn (Họ giới thiệu về họ thế nào? Trong tình huống khó xử thì họ xử thế nào?).

- Chú ý quan sát những người ăn nói hay, không những nội dung họ nói mà còn ở cách họ nói.

- Thử ghi âm lại chính bạn, khi trả lời câu hỏi hay khi kể chuyện. Sau đó nghe lại và sẽ nhìn ra chỗ mạnh chỗ yếu của bản thân.

- Tập diễn giải một cách giản dị những ý tưởng phức tạp sao cho thành dễ hiểu. Đây là một kỹ năng ngày càng quan trọng trong một thế giới ngày càng nhanh của chúng ta.

 

 

5. “E” = “Empathy” - Đồng cảm

Trong trí “thông minh xã hội”, đồng cảm là khía cạnh quan trọng nhất. Như John Steinbeck từng viết: “Ta chỉ có thể hiểu được người khác nếu cảm thấy có họ trong chính ta”. Tuy nhiên, đồng cảm không chỉ là vươn tay ra kết nối, là cho phép mình mềm lòng xuống cùng người khác, như thế thì chưa đủ để làm nên chữ E của “thông minh xã hội”. Đồng cảm ở đây, theo Albrecht, không chỉ là khả năng gợi hứng người khác, không chỉ là thể hiện và nuôi dưỡng sự ân cần, trân trọng khiến người khác cảm thấy có giá trị; mà còn là thường xuyên kiểm tra các hành vi độc hại của chính ta, như hay chỉ trích, hay ăn nói “tỏ ra nguy hiểm”, hoặc nói xấu người khác.

Cần luôn kiểm điểm:

- Mình có chừa chỗ cho người khác trình bày không? Mình có nói nhiều hơn nghe không?

- Mình có biết lùi lại để thấy được các góc nhìn khác, các cách suy nghĩ khác không?

- Mình suy nghĩ có đủ thoáng không? Có biết tự xem xét lại các định kiến và tín điều, cốt để hiểu hơn người xung quanh đang nghĩ gì, cảm thấy gì không?

Người có trí thông minh xã hội sẽ thường xuyên tự vấn những câu này, để không chỉ đồng cảm với người khác vào lúc này (rồi biến mất), mà còn sát cánh họ, cùng tiến vào tương lai.

----------------------------

Trên đây là 5 đặc điểm của một người có trí thông minh về xã hội. Tóm tắt lại, ta có công thức:

S.P.A.C.E. = Situational awareness - Presence - Authenticity - Clarity - Empathy.

Tất cả những đặc điểm này đều có thể tập luyện và ai cũng nên tập luyện, dù là để cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp, với hàng xóm, với học trò, hay với... con. Mỗi ngày ta đều có vô số cơ hội để học hỏi và tập luyện, không những từ chính thành công và thất bại của mình, mà còn từ những người quen biết lẫn không quen biết ở xung quanh.

Quay lại với câu nói của chuyên gia ở đầu bài, rốt cuộc muốn đời sống nghề nghiệp lẫn cá nhân của ta được thành công hay không là do ta chọn. Chọn có trí thông minh xã hội hay không, có luyện nó hay không thèm luyện nó, ưu tiên luyện nó hay chỉ coi đó là việc phụ... Tất cả những lựa chọn ấy là do mỗi người quyết. 

Chỉ cần nhớ rằng để có những mối quan hệ bền vững thì cần phải học, chớ bao giờ dùng những mẹo đi tắt đón đầu.

T.L. dịch

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận