Sự tiến hóa của một đại dịch

CHIÊU VĂN (THEO AEON) 25/02/2020 21:02 GMT+7

TTCT - Trước COVID-19, dịch bệnh đáng sợ nhất với thế giới trong thế kỷ 21 có lẽ là Ebola, theo tên con virus đã giết chết hàng trăm người ở châu Phi chỉ trong năm 2014. Nhưng sự thật là Ebola, dù có sức tàn phá lớn, không phải loại bệnh có thể tạo ra một đại dịch toàn cầu. Nó chỉ lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch trong cơ thể; để tránh Ebola, chỉ cần không chạm vào mồ hôi, máu, hay cơ thể của người bệnh hay tử thi.

Chiến thắng của tử thần. Tranh của Pieter Bruegel Cha về sự tàn phá của dịch hạch. Ảnh: Wikipedia
Chiến thắng của tử thần. Tranh của Pieter Bruegel Cha về sự tàn phá của dịch hạch. Ảnh: Wikipedia

Nhưng logic thường không thắng được nỗi sợ, nhất là với nỗi sợ dịch bệnh vốn đã ăn sâu bén rễ trong tâm thức con người. Các lý thuyết hiện đại cho rằng sự xâm phạm của con người vào những cánh rừng nhiệt đới sẽ khuấy động đám virus chết chóc đang chờ sẵn, chọc tức tự nhiên, và rồi sẽ dẫn tới cơn thịnh nộ tất yếu của cỗ xe hủy diệt. Tiếp đó là cơn hoảng loạn những năm 2004 và 2007 với H5N1 (cúm gà), và giờ là COVID-19.

Sự hoảng loạn từ ký ức và nỗi sợ cái mới

Sự hoảng loạn đó từng ăn sâu vào ký ức con người: bệnh dịch quả thật đã cướp đi rất nhiều sinh mạng, và những đại dịch dày đặc trong các sách lịch sử. Dịch sởi (có nguồn nói là đậu mùa) vào năm 165 đã giết chết hoàng đế La Mã Marcus Aurelius và hàng triệu thần dân.

Dịch hạch do vi khuẩn chết chóc Yersinia pestis gây ra, nhiều lần tàn phá Bắc Phi, Địa Trung Hải và châu Âu. Tới năm 542, chuột và bọ chét đã mang mầm bệnh tới vùng nước Pháp ngày nay. Hàng triệu người bỏ mạng.

Rồi Cái chết đen nổi tiếng giai đoạn 1348-50, cũng là dịch hạch, nhưng lần này có vật trung gian là bọ chét ở người và lây qua không khí. Đại dịch đi theo con đường tơ lụa từ vùng nay là Afghanistan, Ấn Độ, Ba Tư, Constantinople, qua Địa Trung Hải, tới Ý và phần còn lại của châu Âu, giết chết hàng chục triệu người. Trong tất cả những đại dịch quá khứ, dịch cúm năm 1918 (cúm Tây Ban Nha) được coi là kinh hoàng nhất: giết trên 40 triệu người trên toàn cầu.

Nhà vi sinh vật học lớn người Úc Frank Macfarlane Burnet lập luận rằng những căn bệnh chết chóc nhất là do các chủng vi sinh vật mới. Điều này có vẻ hợp lý: các vật ký sinh giết chết vật chủ thì bản thân nó cũng chết, bởi không có vật chủ, hầu hết các vi sinh vật không thể tồn tại hay lây truyền. Theo lập luận này, những vi sinh vật chủng mới sẽ gây ra đại dịch, do những vi sinh vật cũ đã có một lịch sử dài tiến hóa cùng vật chủ tương đối bình hòa.

Nhiều chuyên gia y tế còn đi xa hơn, cho rằng mọi đại dịch sắp tới đều là do con người xâm phạm vào thế giới tự nhiên. Họ cho rằng một nguy cơ là những người đói kém ở Phi châu và những dân thích ăn động vật hoang dã ăn các loài như thú gặm nhấm, thỏ, khỉ, dơi, tê tê..., và rước lấy mầm bệnh.

Những mầm bệnh này “sống” lặng lẽ trong động vật hoang dã, nhưng có thể bùng nổ dữ dội trong con người. Tương tự, một rủi ro khác là chim lây một mầm bệnh dịch cho gà ở trang trại, rồi từ đó lây sang người. Hay như trong trường hợp dịch Zika, lây từ heo (lợn) sang người, qua trung gian là những con muỗi.

Một logic khác

Nhưng logic đó không phải là không có sơ hở. Chuyện con người sống gần, tiếp xúc, và thậm chí là sống chung với động vật không có gì mới. Tổ tiên chúng ta sống hoàn toàn ngoài tự nhiên trước khi trở thành Homo sapiens: họ là những người săn bắt - hái lượm, giống như một số ít các bộ lạc Tây Phi ngày nay.

Sau khi thuần hóa động vật, họ sống bên cạnh những con bò, heo, và gà của mình suốt hàng nghìn năm. Các đại dịch xuất hiện không chỉ bởi sự tiếp xúc giữa người và động vật: từ quan điểm tiến hóa, còn thiếu một bước nữa giữa mầm bệnh ở động vật và đại dịch ở người, điều thường xuyên bị bỏ sót trong những kịch bản thảm họa kinh hoàng tưởng tượng kiểu phim Hollywood.

Theo chuyên gia bệnh học tiến hóa Paul W. Ewald của Đại học Louisville, Hoa Kỳ, những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất gần như không bao giờ là các bệnh mới lây từ động vật sang người, mà là những bệnh đã thích nghi với con người theo thời gian: đậu mùa, sốt xuất huyết, lao phổi, sốt phát ban, sốt vàng, bại liệt.

Để thích nghi với loài người, một vi sinh vật phải truyền được từ người sang người. Trong mỗi tương tác, những vi sinh vật thích nghi tốt nhất với việc lây truyền sẽ là những loài phát tán được. Chọn lọc tự nhiên khi đó sẽ cho ra đời những chủng vi sinh vật ngày càng hiệu quả trong việc lây truyền, một quá trình nhất thiết phải xảy ra với thật nhiều vật chủ là con người.

Chúng ta còn chưa biết nhiều về COVID-19, nhưng lý do tiến hóa nói trên khiến ý tưởng cho rằng những virus mang mầm bệnh như H5N1 đột ngột đột biến để lây truyền và gây chết chóc cho con người không thật hợp lý.

Thích nghi với vật chủ mới là một quá trình chính xác và tinh vi. Trở thành một vi sinh vật thích nghi với con người đồng nghĩa phải có khả năng lây nhiễm vào các tế bào người, vượt qua hệ miễn dịch của người, và chi phối vật chủ để nó (tức là ta đây) góp phần phát tán vi sinh.

Một mầm bệnh phải buộc vật chủ của nó hoạt động như một hệ phát tán vi sinh: hắt hơi hay ho khiến vi sinh bay vào không khí, hay tiêu chảy để đưa nó ra môi trường bên ngoài. Để làm chúng ta hắt hơi, một virus cúm không hiểu bằng cách nào lợi dụng được một xu hướng mang tính tiến hóa ở người: hắt hơi và ho để tống vật lạ ra khỏi cơ thể.

Hắt hơi tống được một lượng kha khá virus ra ngoài và tăng khả năng để bạn khỏe mạnh hơn, nhưng đồng thời cũng có thể khiến đồng nghiệp của bạn về nhà với một lượng virus trong người. Một virus không gây triệu chứng, do đó, ít có khả năng lan truyền hơn hẳn. Mặt khác, nếu tác động lên cơ thể quá mạnh, quá dữ dội, và quá sớm, vật chủ có thể trở nên quá yếu ớt, không còn đi lại được, và chấm dứt luôn khả năng lan truyền (đây chính là trường hợp Ebola).

Nhà máy dịch bệnh

Nhưng một khi các giống vi sinh đã lọc lõi cách truyền từ người qua người, chúng có thể là những mầm bệnh kinh hoàng. Những kẻ thù quen mặt đều nổi tiếng từ lâu: đậu mùa, với các virus Variola nổi tiếng dẻo dai trong môi trường; bệnh tả, lây truyền qua nước, vốn là nguồn sống của con người; sốt xuất huyết, lây qua côn trùng, đông đảo và sống chung với người; và các khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), một trong những chủng chết chóc và kháng kháng sinh mạnh nhất.

Đại dịch Athens năm 430 trước Công nguyên cho thấy một dịch bệnh diễn tiến theo thời gian ra sao, dù căn bệnh chính xác vẫn còn là điều tranh cãi giữa các sử gia. Vào những ngày đầu cuộc chiến tranh Peloponnesia sẽ kéo dài 27 năm giữa Athens và Sparta giành quyền bá chủ Hi Lạp cổ đại, thủ lĩnh Pericles của Athens nghĩ ra một chiến lược sau này sẽ trở thành chết chóc với chính ông và một phần ba dân chúng Athens.

Ông yêu cầu đưa tất cả dân chúng Athens vào bên trong tường thành. Kết quả là ngoài 150.000 dân đã sống bên trong thành, hơn 200.000 người nữa đổ vào trong một vùng chật chội, bẩn thỉu, và bị phong tỏa, công thức lý tưởng của một dịch bệnh. Sử gia Athens Thucydides cho chúng ta biết dịch bệnh tới Athens từ Ethiopia, qua đường Ai Cập và Libya, rồi vượt Địa Trung Hải.

“Không có ghi nhận gì về căn bệnh này trở thành dịch ở bất cứ đâu, ngoài Athens”, Thucydides viết, và đó là mẩu thông tin tối quan trọng. Căn bệnh chỉ trở thành sát thủ kinh hoàng trong đám cư dân Athens chen chúc.

Đó có lẽ là trường hợp đầu tiên được sử liệu ghi lại về một loại vi trùng không quá ghê gớm trở nên kinh hoàng trong một môi trường mà chúng ta có thể gọi là một “nhà máy dịch bệnh”. Nếu căn bệnh ở Athens là sốt phát ban - được các sử gia cho là nhiều khả năng nhất - thì nó thường lây qua chấy rận và phân chấy rận nhiễm khuẩn.

Thường khi gãi những vết cắn, người ta vô tình để phân chấy rận đi vào trong da, và mắc bệnh. Nhưng khi quá đông người tập trung một chỗ, sự lây truyền có thể trực tiếp hơn. Lấy ví dụ, trong các trại giam giữ ở Serbia thời Thế chiến I, bệnh sốt phát ban được phát hiện đã truyền cả qua đường không khí. Nói cách khác, những điều kiện thích hợp có thể biến sự tiến hóa trong ngắn hạn của một loại bệnh thành một đại dịch bùng phát.

Như Ewald đã chứng minh, quá trình tiến hóa tương tự đã dẫn tới dịch cúm 1918, bắt nguồn từ cuộc chiến ở mặt trận phía Tây hồi Thế chiến I, nơi binh sĩ chen chúc trong những chiến hào ẩm thấp, bẩn thỉu, với các điều kiện vệ sinh bằng không.

Mùa xuân năm 1918, một đợt cúm nhẹ bắt đầu ở Mỹ, rồi đi theo các binh sĩ lên tàu sang tham chiến ở châu Âu. Bệnh dịch lan vào các chiến hào, rồi ra toàn cầu, với tỉ lệ tử vong khoảng 2,5%, đồng nghĩa với hàng trăm triệu người mắc bệnh.

Loại cúm chết chóc đó không phải là sự kết hợp ngẫu nhiên hay đột biến dị thường của các virus cúm, như thuyết âm mưu và sự hoảng loạn về các dịch bệnh vẫn khẳng định. Cả trận dịch Athens và dịch cúm 1918 đều tiến hóa theo đúng con đường Darwin đã dự báo.

Nhìn nhận dịch bệnh qua lăng kính tiến hóa dẫn tới sự khẳng định rằng điều kiện cần tối quan trọng để một căn bệnh trở nên truyền nhiễm dữ dội là sự xuất hiện của một “nhà máy bệnh” do con người đóng vai “công nhân sản xuất”. Tức là nếu không có những điều kiện xã hội của các khu tập trung đông đúc, dịch bệnh khó lòng xảy ra.

Nhiều loại bệnh tật gây chết chóc ghê gớm: SARS từng khủng bố Trung Quốc những năm 2002-2003, giết chết 10% nạn nhân; Ebola là 60-90%; bệnh dại do virus, nếu không được chữa trị, có tỉ lệ tử vong gần 100%. Nhưng để vừa chết chóc, vừa lây nhanh, đòi hỏi những điều kiện mà chỉ xã hội loài người mới có thể tạo ra.■

Con người vẫn tiếp tục chết nhiều nhất chủ yếu vì các loại bệnh đã quen thuộc, tức đã học được cách thích nghi và truyền nhiễm ở người: sốt xuất huyết cướp đi hơn 1 triệu mạng sống trẻ nhỏ mỗi năm; lao phổi, ở những thể kháng thuốc nghiêm trọng nhất, vẫn còn dai dẳng trên toàn thế giới; bại liệt, bất chấp những nỗ lực lớn lao, vẫn tiếp tục hoành hành. Chiến đấu chống những loại bệnh đó cũng khẩn thiết không kém việc đổ nguồn lực vào những căn bệnh mới lạ lùng, và nhiều khả năng sẽ giúp thế giới đỡ đau khổ vì bệnh tật hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận