Thực phẩm biến đổi gen: Thông tin và nhiễu

NGUYỄN VĂN TUẤN 19/12/2013 21:12 GMT+7

TTCT - Khi dân số thế giới vượt mức 7 tỉ người, vấn đề thực phẩm biến đổi gen (genetically modified food - GMO) ngày càng được quan tâm.


Thời gian gần đây, bên cạnh những thông tin “tốt” về loại thực phẩm này (thường xuất phát từ các công ty thương mại) còn có những thông tin cho rằng thực phẩm biến đổi gen có tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng rất nhiều thông tin này là nhiễu hay được trình bày để phục vụ những nhóm có lợi ích hay chống loại thực phẩm này.

Thực phẩm biến đổi gen không mới!

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thực phẩm biến đổi gen là những thực vật mà chất liệu di truyền (ADN) được biến đổi bằng các phương tiện nhân tạo chứ không theo tiến hóa của tự nhiên. 

Khoảng 30 năm trước, qua những hiểu biết về gen và tiến bộ trong công nghệ sinh học, giới khoa học nông nghiệp nhận thấy công nghệ gen là một phương tiện quan trọng làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đồng thời duy trì sự phát triển lâu dài. 

Theo sau đó là những thành công trong việc thay đổi gen và chuyển gen trong thực vật, làm việc ứng dụng công nghệ ADN vào nông nghiệp không còn là một giấc mơ mà hoàn toàn có thể tiến hành được.

Một trong những thành công đáng kể của công nghệ thực phẩm biến đổi gen là việc thay đổi gen có tên Bt trong cà chua và sợi cotton để sản sinh ra những hoạt chất chống lại côn trùng, do đó giúp mùa vụ phát triển nhanh và an toàn. Ngay cả lúa gạo cũng được cải tiến để sản sinh beta-carotene và giảm nồng độ glutelin.

Beta-carotene là một chất có chức năng anti-oxidant tìm thấy trong cà rốt và các cây xanh và vàng có thể chuyển hóa thành vitamin A. Glutelin là một protein không tốt cho việc ủ men.

Có thể nói rằng con người từng biến đổi gen thực vật hàng ngàn năm trước đây, khi cây trồng được thuần hóa để dùng làm thực phẩm. Cây quả cũng tiến hóa, hay nói đúng hơn là chúng cũng thay đổi nhanh chóng với sự can thiệp của con người. Mỗi cây quả mà chúng ta có ngày nay có liên hệ với những giống cây hoang trong thiên nhiên từ thời tiền sử, và “tổ tiên” của chúng vẫn hiện diện ở nhiều nơi hoang dã trên thế giới.

Những người đầu tiên chắc chắn đã thử qua hàng triệu cây cỏ trước khi chấp nhận và thuần hóa khoảng vài ngàn cây cỏ mà chúng ta dùng ngày nay. Trong số nhiều ngàn đó chỉ có khoảng vài trăm giống cây được trồng một cách nhanh chóng để cung cấp thực phẩm cho chúng ta dùng hằng ngày.

Nông dân từng chào đón những công nghệ sinh học mới (mà có thể chính họ không biết), bởi vì công nghệ mới chẳng những đem lại hiệu quả và năng suất cao mà còn bảo vệ mùa màng và làm giảm sự phụ thuộc vào hóa chất. 

Theo thống kê, công nghệ sinh học đang được ứng dụng trên khoảng 110 triệu mẫu trồng trọt tại 12 quốc gia trên thế giới. Thực phẩm sản xuất từ các nông sản dùng công nghệ sinh học có thể lên đến con số hàng vạn trên toàn cầu.

Khởi đầu từ nghiên cứu của Mendel trong việc gây giống đậu Hà Lan, kiến thức về di truyền học đã giúp phát triển vụ mùa với năng suất cao. Ở Mỹ và Canada, nơi mà phát triển và ứng dụng khoa học được xem là chuyên sâu, một người nông dân ngày nay có thể sản xuất đủ sản lượng để nuôi 150 người.

Đối với những sản phẩm dính dáng nhiều đến thành quả của công nghệ sinh học như bắp, lúa mì, gạo, năng suất tăng gấp ba, thậm chí gấp năm lần so với trước đây.

Chẳng hạn như nông dân trồng bắp ở Mỹ chỉ có thể thu hoạch khoảng 26 giạ bắp trên mỗi mẫu vào năm 1928, nhưng ngày nay năng suất đó là 134 giạ. Hay như ở Việt Nam, năng suất lúa tăng gần hai lần chỉ trong vòng 20 năm qua cải tiến về công nghệ trồng trọt.

Sự gia tăng năng suất như thế không chỉ là thành quả của khoa học và công nghệ di truyền, mà còn là thành quả của việc phát triển thủy lợi, cải tiến đất trồng, cơ khí hóa và kiềm chế sâu bọ cũng như bệnh tật. 

Để phát triển nhiều giống mới, các nhà khoa học và nông dân phải dùng nhiều công cụ và phương pháp. Lai giống giúp chúng ta đồng hóa những đặc tính tốt từ nhiều giống khác nhau và tạo thành những giống mới có nhiều ưu điểm hơn.

Thật ra, nói biến đổi gen là một cách nói... hiện đại, vì trong thực tế nông dân, kể cả nông dân Việt Nam, từng biến đổi gen của cây ăn quả rất lâu trong quá trình hoàn thiện sản xuất hoa màu. Ở quê tôi (vùng đồng bằng sông Cửu Long), bà con thường ghép cây bình bát với mãng cầu để cho ra một loại trái cây bắt mắt mà lại ngon. Xoài ngọt Thái Lan là một loại trái cây biến đổi gen. Những giống lúa nông dân đã và đang gieo trồng cũng có thể xem là sản phẩm của một quá trình thay đổi gen.

Ngày nay, các nhà khoa học còn nghiên cứu biến đổi gen để cây lúa có thể chịu được nước mặn. Nói chung, danh sách các thực phẩm biến đổi gen mà chúng ta đã và đang tiêu thụ hằng ngày rất dài. Nhưng chưa có bất cứ chứng cứ khoa học đáng tin cậy nào cho thấy quá trình biến đổi gen trong thực phẩm gây tác hại cho sức khỏe.

Chưa có chứng cứ có hại

Gần đây, một nhóm nhà khoa học Pháp tuyên bố rằng kết quả nghiên cứu của họ cho thấy chuột ăn bắp (ngô) biến đổi gen có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Thông tin này làm chấn động công chúng một thời gian. Tuy nhiên, khi các nhà khoa học độc lập xem xét lại dữ liệu thì biết các tác giả đã áp dụng những thủ thuật phân tích có thể xem là “phi chính thống”.

Khi số liệu được phân tích bằng các phương pháp thích hợp thì kết quả cho thấy chuột ăn bắp biến đổi gen không có liên quan gì đến nguy cơ ung thư. Một nhà khoa học còn chỉ trích nặng nề rằng các tác giả đã cố tình gây hoang mang trong công chúng. Ngoài ra, tác giả chính của bài báo (Gilles-Eric Seralini) là một trong những nhân vật tích cực tham gia các cuộc vận động chống thực phẩm biến đổi gen!

Nói một cách ngắn gọn và khách quan, hầu như tất cả nghiên cứu khoa học về thực phẩm biến đổi gen đều cho ra kết quả nhất quán: thực phẩm biến đổi gen an toàn và có tiềm năng nuôi dưỡng hàng triệu người trên thế giới đang thiếu thực phẩm. Trên bình diện thế giới, hàng trăm triệu người đã và đang dùng thực phẩm biến đổi gen trong thời gian 15-20 năm qua nhưng chưa có chứng cứ cho rằng những thực phẩm này có hại cho sức khỏe.

Ở Mỹ, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (Food and Drug Administration) từng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý thực phẩm và qua thời gian, cơ quan này đã được sự ủng hộ của công chúng. Có lẽ vì thế mà mức độ công chúng Mỹ chấp nhận thực phẩm biến đổi gen cao hơn công chúng ở các nước châu Âu.

Ở Úc, Cục Tiêu chuẩn thực phẩm (FSANZ) cũng tuyên bố chưa có chứng cứ khoa học nào để nói rằng thực phẩm biến đổi gen đang được bày bán trong siêu thị là có hại. Cũng chưa có chứng cứ khoa học để cho rằng thực phẩm biến đổi gen làm giảm giá trị dinh dưỡng, hay giảm chất lượng thực phẩm.

Tuy nhiên, thực phẩm biến đổi gen có thể gây tác động xấu đến môi trường vì phải tăng thuốc trừ sâu, và nguy cơ chuyển gen từ cây quả sang các loài cỏ dại. Ngoài ra, người ta còn quan tâm đến vấn đề đạo đức khi công nghệ thực phẩm biến đổi gen nằm trong tay của các công ty thương mại đa quốc gia.

Vì thế, những nguy cơ, nếu có, từ thực phẩm biến đổi gen cần phải được theo dõi và đánh giá thường xuyên.

 Thị trường GMO tăng trưởng mạnh

Theo tạp chí Nature, loại cây trồng biến đổi gen đầu tiên được sản xuất vào năm 1982. Và loại GMO đầu tiên được cấp phép bán tại Mỹ vào năm 1994 là cà chua FlavrSavr.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến năm 2010 Mỹ có khoảng 66,8 triệu hecta trồng GMO, chiếm 16,56% diện tích đất nông nghiệp. Các loại cây trồng chính là đậu nành, bắp, bông, cải dầu, bí, đu đủ, cỏ linh lăng và củ cải đường. Hiệp hội các nhà sản xuất hàng tạp hóa Mỹ (GMA) ước tính 70-75% thực phẩm chế biến tại Mỹ chứa nguyên liệu biến đổi gen.

Châu Âu không trồng nhiều GMO với ngoại lệ là Tây Ban Nha có 25% sản lượng bắp biến đổi gen.

Sau 14 năm trồng trọt và tiêu thụ GMO, các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện những tác động nguy hại của GMO. Dù vậy, nhiều tổ chức phi chính phủ như Hòa bình xanh, Dự án không GMO hay Hiệp hội Người tiêu dùng hữu cơ (OCA), Những người bạn của Trái đất (FoE)... cho rằng giới khoa học vẫn chưa nghiên cứu và xác định rõ các nguy cơ của GMO.

Khảo sát năm 2010 của Hãng Deloitte cho thấy 34% người tiêu dùng Mỹ “rất lo ngại” về GMO. Một khảo sát khác của báo New York Times năm 2013 cho thấy 93% người Mỹ muốn các loại thực phẩm có chứa thành phần GMO phải được dán nhãn đặc biệt.

HIẾU TRUNG


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận