Trồng dó kiểng

HUỲNH VĂN MỸ 08/02/2012 19:02 GMT+7

TTCT - Từ chục năm nay, nhiều người ươm trồng cây dó để tạo trầm bán ra thị trường như một loại cây siêu lợi nhuận. Nhưng trồng dó để làm cây kiểng như một số loại cây khác thì có lẽ ông Trần Vũ Linh là người đầu tiên.


Cây dó kiểng trồng trong chậu có gốc được tạo phì là nơi có khả năng tự sinh trầm, cũng là nơi được ưu tiên xử lý tạo trầm - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ


Để dễ chăm sóc, bảo quản, ông Linh (xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) trồng dó kiểng ngay khu đất trước nhà, chen dưới tán các loại cây khác. Vài năm trước đây, những ai đến nhà ông Linh đều cho rằng đây là những cây dó còi cọc bị bỏ phế, bởi vườn nhà ông có rất nhiều cây dó lớn và ông lại là chủ trại ươm dó con bán ra nhiều nơi. 

Nay mọi người dễ nhận ra đây là vùng dó kiểng bởi hình dạng đặc thù, lạ mắt và rất... kiểng của gần 300 cây dó đứng phô ra.

Bước thử nghiệm

“So với việc tạo dáng cho cây sanh thì cây dó có phần dễ hơn, khâu chăm sóc cũng nhẹ hơn vì chúng không đòi hỏi phải tưới nước thường xuyên như một số cây kiểng khác” - ông Linh nói khi đào bỏ bớt phần đất ở gốc một cây dó có rễ phì ra như một củ mì lớn.

Là một trong những người trồng dó tạo trầm đầu tiên ở “nôi dó giống” Tiên Phước, ông Linh đã nghĩ đến việc trồng dó kiểng để “chơi mà có trầm bán” từ khá sớm. Nhưng do cây con ươm không đủ bán cho người mua trồng nên sáu năm trước đây, phải đợi đến khi có lượng cây con dồi dào ông mới bắt đầu trồng dó kiểng.

“Muốn tạo dáng để làm kiểng cây gì cũng phải uốn nắn, cắt cành, đào rễ, phải kìm hãm để chậm lớn. Với cây dó, làm như vậy tức là buộc cho nó có trầm gần giống với quy luật tụ trầm tự nhiên của cây dó” - ông giải thích.

Dó là loại cây trồng nhanh lớn, thân mềm, dễ uốn. Sau nhiều năm liên tục uốn nắn, tạo hình, nay ông Linh có vườn dó kiểng thuộc dạng sưu tập hiếm có. 

Chọn gốc cây, thân cây cong queo, có chỗ vặn mình, chỗ phình to ra, hạn chế phát triển chiều cao của cây, duy trì số cành theo ý muốn... cây dó được tạo hình có nét đẹp riêng nhờ dáng thanh thoát, ít cành nhánh, da cây nâu sẫm lại có các vệt trắng chen lẫn tạo nên một nền da lốm đốm khá lạ mắt.

Tự mò mẫm rút ra kỹ thuật, ông Linh cho rằng dó kiểng dễ phì đại gốc, rễ, dễ nảy nhánh nên chỉ cần dăm bảy năm sẽ có cây vóc dáng tương đối lớn. 

Ông phấn chấn nói: “Tui chỉ chuyên về trồng dó tạo trầm chứ không mấy chuyên về nghề làm cây kiểng. Tui nghĩ nếu được các nghệ nhân về cây kiểng tạo hình thì sẽ có nhiều cây dó kiểng hình dáng đẹp, lạ, trở thành một loại kiểng độc đáo. Phần mình, tui chỉ thử nghiệm để thấy khả năng làm kiểng của cây dó. Vậy là được rồi!”.


Ông Trinh chỉ vào vệt trầm đang hình thành trên mặt đe dó kiểng (chưa được bứng trồng vào chậu) mang cành mầm sau một năm bị đốn khai thác - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ


Của sinh lợi


Tạo dó kiểng từ đe dó

Có ý tưởng trồng dó kiểng từ khá sớm nhưng do phải dành khu vườn quanh nhà để trồng dó tạo trầm, ông Nguyễn Quốc Trinh (xã Tiên Mỹ) nay lại hướng đến việc tạo dó kiểng từ đe dó - gốc còn lại của cây dó được chặt bằng như mặt đe rèn để khai thác trầm. Với những mầm dó tươi mượt mọc quanh đe dó vừa khai thác một năm, ông Trinh cho rằng cây dó sau khi bị chặt, phần đe được chồi mầm nuôi dưỡng thường là nơi có khả năng tự kết tụ trầm rất cao, nhiều khi trầm kết tụ cả ở hệ thống rễ.

“Đào cả đe dó lên cho vào chậu rồi uốn nắn, tỉa tót các cành để tạo thế coi như đã có một đe dó cảnh độc đáo. Ở trong chậu chật, điều kiện phát triển khắc nghiệt, càng nuôi lâu trầm trong đe rễ chắc chắn càng có chất lượng cao” - ông Trinh giải thích bằng kinh nghiệm trồng dó nuôi trầm lâu năm của mình.

Dó kiểng, theo ông Linh, ngoài việc để thưởng ngoạn dáng hình của cây, điều quan trọng vẫn là việc nuôi trầm từ cây dó. Bằng kinh nghiệm trồng dó tạo trầm lâu năm của mình, ông Linh cho biết những cây dó kiểng sáu năm tuổi của ông nay đều có trầm trong đó, “tuy chưa nhiều nhưng lại là loại trầm gần với trầm tự nhiên (so với trầm do xử lý cây dó mà có) nhờ tác động tạo dáng của con người” - ông Linh chỉ vào những điểm có trầm thể hiện khá rõ qua những vệt đen (màu của trầm) lộ ra bên ngoài từ những vết thương do cây được uốn nắn.


Vẫn có thể xử lý tạo trầm cho dó kiểng bằng cách khoan cây để đưa chất xúc tác tạo trầm vào. Vì muốn quay vòng đồng vốn nhanh, lâu nay người trồng dó cũng như lái trầm thường khai thác cây dó sau xử lý (tạo trầm) hai năm nên trầm thu được đều ở loại thấp.

Với dó kiểng vốn là của chơi, người trồng không bị thúc ép vì đồng vốn nên có thể để lâu cây dó kiểng (sau xử lý) để chúng tăng vẻ đẹp bên ngoài, đồng thời tăng khối lượng và chất lượng trầm bên trong.

“Biết dó kiểng của tui đã có trầm, một số lái trầm đến hỏi mua, trước để chơi sau nuôi trầm lấy lãi. Có người trả giá đến 3-4 triệu đồng/cây nhưng tui không bán. Việc tạo trầm cho cây dó còn nhiều bí ẩn lắm, tui muốn nuôi lâu cây dó kiểng để vừa chơi vừa nghiên cứu sao để trầm có chất lượng cao” - ông Linh kể.

Với dó kiểng, người chơi còn được lợi về mặt sức khỏe. Lá cũng như lượng trầm chứa trong cây dó kiểng tỏa ra có tác dụng tốt cho môi trường, giúp thanh lọc không khí. Lá dó còn được dùng trị tiêu chảy, cầm máu - sát trùng cho cấp cứu tại nhà bằng cách giã (hay nhai), vắt lấy nước uống khi bị tiêu chảy, lấy bã đắp lên vết thương nhỏ như đứt tay, trầy xước da.

Cũng có thể lấy vài lá dó cho vào cốc nước sôi làm một loại trà đắng uống có tác dụng tốt cho sức khỏe. Một số nước như Thái Lan, Nhật Bản đã làm trà bằng lá dó.

Gần 15 năm gắn bó với việc trồng dó tạo trầm và đạt được những thành công đáng kể, ông Linh cho rằng dó kiểng là hướng mới của dó trầm. “Muốn trồng dó tạo trầm thì phải có đất vườn, có trang trại. 

Còn với dó kiểng thì chỉ một khu đất hẹp, thậm chí người ở phố vẫn làm được. Chỉ một vạt đất chừng vài chục mét vuông, một khoảnh sân nhỏ, một hiên nhà vẫn có thể trồng được dó kiểng” - ông nói.

Ông Linh cũng kỳ vọng loại “của cải nhàn rỗi”, thú tiêu khiển này sẽ là loại của để dành mà sinh lợi cho người chơi. Ông phân tích: “Nhiều loại cây kiểng như cây sanh, cây lộc vừng có khi giá cao ngất nhưng nhiều lúc cũng rất thấp giá. Còn dó kiểng là loại cây kiểng “có xương sống” bởi lượng trầm chứa trong cây tạo thành giá trị thực, sẽ không bao giờ sợ ế”.



Ông Linh bên cây dó trưởng thành đã xử lý tạo trầm của mình - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ


“Tui thường đến thăm vườn dó kiểng của anh Linh ở Tiên Mỹ. Đây là một cách làm độc đáo ở chỗ vừa là thú chơi kiểng, vừa nuôi tạo được trầm để bán khi mình muốn. Bởi là cây kiểng nên ai cũng có thể trồng được dù vườn đất chật hẹp. 

Cây dó có trầm không lệ thuộc kích cỡ lớn nhỏ, nhiều cây dó trên rừng to như cổ thụ nhưng không có một chút trầm. Trái lại, cây nhỏ bằng bắp chân vẫn có đầy trầm do có được những yếu tố xúc tác phù hợp, chẳng hạn như chỗ đất cằn cỗi, bị thương tật.

Cây dó kiểng thường bị uốn nắn, chặt cành, cắt ngọn, bị kềm hãm phát triển nên có khả năng tự tụ trầm rất cao, lại là loại trầm gần với trầm tự nhiên, nếu để lâu năm sẽ có trầm loại tốt. Một ký trầm loại tốt ăn đứt mười ký loại thường, loại xấu” - ông Hoàng Văn Trưởng, chủ xưởng trầm ở xã Tiên Cảnh (Tiên Phước, Quảng Nam), cũng là người chuyên xử lý tạo trầm cho những người có dó ở nhiều nơi trong nước, đánh giá.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận