​Cứu người ngừng tim bằng liệu pháp “gấu ngủ đông”

LAN ANH THỰC HIỆN 02/07/2015 03:07 GMT+7

Hôm 10-6, bà N.T.X., 82 tuổi, ở Yên Bái, đã được ra viện. Đây là một tin vui bất ngờ cho người thân của bà X. vì bà đã ngừng tim ngay khi đến cổng bệnh viện. Bằng một kỹ thuật mới được áp dụng tại VN - kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, hay còn gọi là liệu pháp “gấu ngủ đông”, các bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai đã cứu bà X..


TS.BS Đỗ Ngọc Sơn - Ảnh: Việt Dũng

Giải thích với TTCT, TS Đỗ Ngọc Sơn, phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu, nói: “Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy áp dụng mô hình “gấu ngủ đông”, làm giảm nhu cầu chuyển hóa xuống. Khi đó các bộ phận cơ thể giảm nhu cầu chuyển hóa giống như đi ngủ, tránh được hiện tượng vỡ tế bào, bảo vệ não và các tế bào, giữ được sự sinh tồn”.

Những bệnh lý nào có thể áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt chỉ huy?

- Bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở còn gọi là ngừng tuần hoàn là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau, như ngạt và thiếu oxy ở trẻ sơ sinh, chấn thương sọ não đụng giập lan tỏa, đột quỵ thiếu máu lớn, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, suy hô hấp... có thể áp dụng biện pháp này.

Thông thường điều trị phục hồi não sau cấp cứu ngừng tim thành công là dùng thuốc an thần, thở máy để giảm phù não và kiểm soát tốt huyết áp, thì hạ thân nhiệt là phương pháp điều trị bổ trợ cho các phương pháp cấp cứu khác được tiến hành tốt hơn, giúp tránh nguy cơ tử vong và biến chứng.

Quy trình hạ thân nhiệt được tiến hành như thế nào? Bao lâu thì bệnh nhân được trả lại thân nhiệt bình thường, thưa ông?

- Các biện pháp hạ thân nhiệt bình thường như chườm đá, khăn lạnh có thể được áp dụng. Nhưng các biện pháp thủ công không hạ được thân nhiệt cơ thể và kiểm soát nhiệt độ một cách chính xác nên hiệu quả hạn chế. Trong khi tốc độ làm lạnh và làm ấm là các chìa khóa quan trọng của phương pháp.

Tại khoa cấp cứu A9, chúng tôi sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt tiên tiến bằng cách đưa một ống thông chuyên biệt vào mạch máu của bệnh nhân, từ đó hạ thân nhiệt để điều trị. Mức độ hạ thân nhiệt của bệnh nhân có thể xuống mức từ 33 độ, trong khi thân nhiệt người bình thường là 36,5-37 độ.

Tiếp theo máy sẽ duy trì nhiệt độ này trong 24 giờ để giúp các tế bào não hồi phục, sau đó máy sẽ làm ấm bệnh nhân trở lại với tốc độ chỉ nâng 0,5 độ/giờ cho tới khi nhiệt độ đạt chuẩn. Tác dụng của hạ thân nhiệt là khi nhiệt độ bệnh nhân hạ xuống, não sẽ bớt phù, bớt viêm, việc tưới máu não và cung cấp oxy sẽ tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não, từ đó các tế bào não sẽ hồi phục tốt.

Thưa ông, trong trường hợp tình trạng ngừng tim diễn ra khi chưa có nhân viên y tế thì người thân nên làm gì? Nếu việc cấp cứu diễn ra ở cơ sở y tế chưa triển khai kỹ thuật hạ thân nhiệt mà bệnh lý hoàn toàn có thể sử dụng hạ thân nhiệt để cấp cứu thì thời gian bao lâu sau khi tim bệnh nhân đập trở lại (bệnh nhân vẫn hôn mê) có thể sử dụng hạ thân nhiệt để điều trị?

- Trong trường hợp chưa có nhân viên y tế mà bệnh nhân đã ngừng tim, gia đình có thể ép tim ngoài lồng ngực giúp duy trì dòng máu lên não, dù phương pháp có thể chưa đạt hiệu quả tương đương nhân viên y tế. Về lý thuyết thì thời gian ngừng tim trên ba phút mà không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Với bệnh nhân ngừng tim, dù có cấp cứu kịp thời, tim đập trở lại, phục hồi được huyết áp, tỉ lệ sống sót cũng chỉ 10%.

Lý do chính là khi ngừng tim, não không có máu nuôi dưỡng nên bị tổn thương nặng nề, dễ dẫn đến phù nề, viêm, hoại tử dẫn tới chết não và tử vong. Trường hợp cấp cứu kịp thời, tim đập trở lại và bệnh lý phù hợp, thời gian vàng để hạ thân nhiệt chỉ huy bổ trợ điều trị là trong vòng sáu giờ, nếu sau sáu giờ thì hiệu quả sẽ không được như mong muốn.      

Đã có 10 bệnh nhân được hạ thân nhiệt chỉ huy

Theo ông Nguyễn Văn Chi - phó trưởng khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu tháng 5 tới nay đã có 10 bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để điều trị. Nhờ kỹ thuật này, các bệnh nhân đã ngừng tim có nhiều cơ hội sống sót hơn, khả năng phục hồi ý thức và vận động tốt hơn. Đây là một hướng điều trị triển vọng có thể áp dụng cho nhiều bệnh nhân rơi vào tình huống nguy hiểm liên quan đến tổn thương não cấp như tổn thương não sau ngừng tuần hoàn, sau chấn thương, sau tai biến mạch máu não...

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận