Đá ven đường chưa hẳn đã vô tri

THÁI LỘC 30/01/2013 02:01 GMT+7

TTCT - “Làm sao em biết bia đá không đau”... câu ca nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thể hợp lý với những phiến đá nằm ven đường hoặc đầu làng, giữa xóm ở đất cố đô.

Tồn tại đến ngày nay kèm theo những câu chuyện sống động, những phiến đá như bằng chứng về đời sống văn hóa tín ngưỡng độc đáo một thời của người Việt...


Đá mốc giới chùa Thiền Tông cũng được người dân khu vực lân cận xem là một vị thần - Ảnh: Thái Lộc

 “Buổi bình minh của nhân loại tất phải trải qua các giai đoạn đồ đá trước khi bước vào giai đoạn đồ kim khí. Tín ngưỡng thờ đá do đó hình thành từ rất xa xưa và phổ biến rất nhiều nơi trên thế giới. Bằng chứng còn sót lại chính là các di tích cự thạch, khu tượng ở Nam Mỹ, trên một số đảo kỳ bí giữa biển khơi, kể cả cánh đồng Chum (đá) trên đất Lào... Có người còn quan niệm tục thờ ông vôi của người Việt cũng là dấu ấn còn sót lại của tín ngưỡng thờ đá xa xưa ấy”.

HỒ TẤN PHAN (nhà nghiên cứu văn hóa)

Đá “thần”

Phiến đá “gan gà” cổ khắc sâu ba chữ Hán “Thạch cảm đương” (Thần đá) nằm dưới tán cây vông đồng ở xóm Thượng đầu làng Nguyệt Biều (TP Huế) được người dân cho biết tồn tại từ rất lâu đời. 

“Nghe các cụ truyền lại hồi xưa làng Nguyệt Biều có nhiều biến cố, thú dữ hay về quấy phá. Buổi họp làng với sự tham dự của các bô lão, vị thầy pháp cao tay được mời đề nghị dựng bia thạch cảm trấn giữ đầu làng. Làng tui yên ổn kể từ đó” - cụ Hồ Hữu Định, trưởng xóm Thượng, kể. 

Cũng theo cụ Định, làng Nguyệt Biều tiếp giáp cả sông sâu lẫn rừng rậm nguyên xưa, phiến đá đủ uy lực, rất linh thiêng mới đủ sức bảo vệ dân làng trước nhiều mối đe dọa. Ngày nay, trước các lễ cầu an hay tất niên của xóm Thượng, một cụ già đại diện, khăn đóng áo dài đem lễ vật đến “thỉnh ngài” về am xóm để tổ chức cúng tế linh đình...

Làng Hải Cát nằm gần đối diện Nguyệt Biều bên kia sông Hương cũng có một phiến đá “gan gà” tương tự khắc mấy chữ “Thái Sơn thạch cảm đương” (Thần đá Thái Sơn) được dựng ngay ngã ba giữa xóm Thượng. 

Ông Trần Quang Nhơn nhà ở cạnh đó cho biết “vị thần” này được các vị tiền hiền từ đất Thanh Hóa theo chúa Nguyễn vào Nam dựng lên (khoảng thế kỷ 16) vừa làm mốc dấu, vừa để yểm trợ cho dân làng trước bao nhiêu tai họa ở vùng đất mới “ô châu ác địa”...

Đó là hai trong số hàng chục phiến đá kèm theo chuyện linh thiêng mà chúng tôi tìm thấy ven nhiều tuyến đường ở Huế và làng mạc phụ cận trong chuyến khảo sát thực địa vừa tiến hành cùng nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan. Có phiến đá khắc rõ chức phận “thần thạch trấn lộ” (thần đá trấn áp không cho điều xấu xâm phạm) như ở vỉa hè đường Chùa Ông bên hông quốc tự Diệu Đế.

Nhiều phiến đá khác được người dân gọi là “thần” nội dung là mốc giới như: “Huệ An phường địa phận” (mốc giới phường Huệ An) ở lề đường Nguyễn Trãi, “Đệ bát địa phận” (mốc giới phường Tám) ở lề đường Hùng Vương, “Thiền Tông tự địa phận” (mốc giới chùa Thiền Tông) bên đường Thiên Thai, “Sắc tứ Báo Quốc tự địa phận” (mốc giới chùa Báo Quốc) cạnh chùa Báo Quốc...

Có phiến đá dù không khắc chữ nhưng vẫn được lập bệ thờ cúng kèm theo giai thoại truyền miệng như đá “Bà Thạch” ở thôn Mỹ An (xã Phú Dương, huyện Phú Vang), đá “Thiêng” ở chợ Cầu - Phú Lương (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) và rất nhiều phiến đá nằm rải rác khắp nơi quanh Huế...

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan bên phiến đá “Đệ bát địa phận” tại ngã tư đường Hùng Vương - Nguyễn Tri Phương, trung tâm TP Huế - Ảnh: Thái Lộc

Dấu ấn văn hóa cần bảo vệ

Từ đầu thế kỷ 20, linh mục - học giả Léopold Cadière (1869-1955), người chủ xướng công cuộc nghiên cứu Huế, đã cất công điền dã rất nhiều nơi trên địa bàn thành Huế và vùng lân cận. Ông đã khá ngạc nhiên khi nhận ra tục thờ đá rất phổ biến, và ghi lại trong các khảo cứu của mình đăng trên các tạp chí đương thời.

Ông viết: “Một trong những việc thờ cúng phổ biến nhất hay ít nhất cũng ở một số vùng nào đó, đó là việc thờ đá, thờ cây. Người Việt thờ kính những tảng đá gây hiểm nguy cho việc đi lại trên sông nước, nghĩa là cầu xin các thần thù nghịch đang trú ẩn trong những tảng đá kia đừng làm hại họ. Họ tin một số tảng đá là nơi cư ngụ của thần thánh. Có thể là một viên đá đặc biệt do cấu trúc tạo thành hoặc có dáng hình kỳ lạ, hay bởi một xuất xứ có phần bí nhiệm. Nhưng phần nhiều là những viên đá thật bình thường. Các viên đá mốc hình như được thần linh chiếu cố nhiều nhất...” (bản dịch của Đỗ Trinh Huệ).

Vị học giả danh tiếng này cũng ghi nhận: “Khó mà quả quyết rằng việc sùng bái ấy là thờ cúng vị thần riêng biệt đang ngự ở trong đá hay là thờ cúng chính viên đá ấy vì nó được xem như là có sức mạnh siêu nhiên”...

Ngày nay, theo trí nhớ của nhiều cụ già thì các vị “thần” đá đã bị thất lạc khá nhiều, nhất là trong quá trình phát triển đô thị, đào đắp mở rộng các tuyến đường, san lấn vỉa hè... Dù tục thờ đá ngày nay không còn phổ biến ở Huế cũng như cả nước nói chung, song nhiều phiến đá linh thiêng một thời vẫn còn tồn tại. 

Có lẽ hình dạng và các dòng chữ Hán cổ trên mình đá mang những dấu ấn đặc biệt mà nó trở thành nơi tống tiễn những vật dụng dùng để dâng cúng người âm trong các dịp cuối năm âm lịch hoặc dịp đưa ông táo về trời. Quanh đá thường la liệt vật dụng thờ mẫu (trang bà), ông táo, bát nhang, bình hoa hay những ông bình vôi của những người đã khuất...

Quá trình đô thị hóa đang là nguy cơ lớn đối với sự tồn tại của các phiến đá. Theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, rất nên gìn giữ các vị “đá thần” này. “Sẽ thật đáng tiếc nếu hệ thống đá mất đi trong quá trình phát triển. Bởi lẽ nó đã trở thành dấu ấn khá đặc biệt, là bằng chứng sống động của đời sống văn hóa tâm linh của người Việt mà các thế hệ hôm nay lẫn mai sau cần được biết đến” - ông Phan nói.

Phiến đá “Thạch cảm đương” ở đầu làng Nguyệt Biều - Ảnh: Thái Lộc
“Thái Sơn thạch cảm đương” - một phiến đá “thần” đang được thờ cúng tại làng Hải Cát ở Huế - Ảnh: Thái Lộc


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận