TTCT - Giỏi toán và ham thích khoa học sẽ giúp sinh viên, đặc biệt phụ nữ, dễ thành công hơn. Đặc sứ khoa học Geraldine L. Richmond của Mỹ, thành viên Viện hàn lâm Khoa học Mỹ và là một trong những nhà hóa học hàng đầu thế giới nghiên cứu về nguyên tử và tương tác bề mặt, trao đổi với TTCT nhân chuyến thăm VN mới đây. Bà Geraldine L. Richmond - Ảnh: Thanh TuấnLà nhà khoa học rất thành công, bà thích nghi thế nào khi tiếp nhận công việc có vẻ rất chính trị và ngoại giao này?- Tôi luôn thích làm việc về khoa học, thích làm việc với các sinh viên của tôi. Nhưng cùng lúc tôi cũng rất thích việc tương tác với công chúng. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng các nhà khoa học cần phải làm nhiều hơn công việc đơn thuần là nghiên cứu.Do đó suốt sự nghiệp, tôi luôn có những giai đoạn trong đời hoặc là làm việc với công chúng hay tham gia các vấn đề chính sách, cải cách giáo dục.Tôi thường đùa với sinh viên của mình rằng dữ liệu mà chúng ta lấy từ phòng thí nghiệm là rất khó và mất rất nhiều thời gian, nên công việc bên ngoài này khiến tôi không suốt ngày đi kêu gào sinh viên “lấy số liệu nhanh lên” (cười).Tôi luôn nghĩ trách nhiệm của nhà khoa học không chỉ giới hạn ở việc nghiên cứu mà còn tương tác với cộng đồng về nhiều vấn đề khác nhau.Bà bắt đầu với khoa học như thế nào?- Bố mẹ tôi đều là nông dân ở Kansas, giống như bao nông dân khác ở VN. Cả hai đều chưa bao giờ học đại học, nhưng mẹ tôi là người tin tưởng mạnh mẽ rằng nếu bốn cô con gái của bà muốn thành công thì phải giỏi toán.Ngoài nghề nông, mẹ tôi làm thêm nghề trang điểm tóc, nhưng dù nghề nghiệp như vậy, bà vẫn truyền cảm hứng cho cả bốn cô con gái phải học toán thật chăm chỉ. Khi đó bà nghĩ học toán giỏi có thể làm kinh doanh tốt và giỏi trong bất cứ lĩnh vực nào, dù bà chẳng biết khoa học là gì cả. Bà thật sự rất tân tiến vì đó là những năm 1950, đầu 1960, Chiến tranh thế giới thứ 2 vừa đi qua và có rất nhiều ông chồng tử trận.Tỉ lệ ly dị lúc đó bắt đầu tăng, mẹ tôi vì vậy rất lo và mong muốn con gái phải có sự nghiệp riêng để không phụ thuộc tài chính vào chồng. Mẹ tôi hiểu rằng con gái bà phải có sự nghiệp riêng, tự kiếm được đủ tiền để tự nuôi sống mình.Thành ra cả bốn chị em tôi phải học toán rất nhiều, khi chúng tôi học đại học thì hầu hết đều đi theo nghề kỹ thuật. Ở cấp phổ thông, tôi chỉ học toán. Nhưng tôi luôn muốn tìm tòi điều mới và cố gắng hiểu bản chất của mọi việc.Khi lên đại học, tôi có cơ hội dùng sự ham hiểu biết đó vào khoa học, đầu tiên tôi chuyên về toán, sau đó tôi thích hóa học hơn, rồi lại thấy thích vật lý, rồi thích ngành kỹ sư. Thế là cái vòng tò mò đó diễn ra liên tục tới khi tôi tốt nghiệp.Chuyến đi của bà tới VN như thế nào rồi?- Tôi muốn ở lại lâu hơn nữa. Chuyến đi rất tốt vì kết hợp giữa gặp gỡ các nhà nghiên cứu, các giáo sư và hàng trăm sinh viên. Dù là nhà nghiên cứu có thành tựu, tôi luôn coi mình là giáo viên nhiều hơn nên rất mừng vì được nghe các góc độ như vậy.Đây là đất nước duy nhất tôi đi được cả miền Bắc, miền Trung và miền Nam, tôi chưa bao giờ làm được vậy, rất ấn tượng. Với các nước khác, tôi chưa bao giờ tới thăm được quá hai thành phố.Đặc biệt là bà ấn tượng với điều gì?- Có lẽ là sự nhiệt tâm của cả đội ngũ giáo sư và sinh viên với mong muốn được thành công.Ở nhiều nước đang phát triển khác mà tôi có hợp tác, thường tâm thế này ở sinh viên không thể hiện rõ như vậy, họ không có khát khao thành công mạnh mẽ như ở đây. Nghe có vẻ lạ nhưng thực tế là vậy.Sinh viên ở đây khao khát thành công rất mạnh và họ khát khao một thế giới rộng hơn chứ không chỉ bó hẹp ở VN. Họ muốn giúp đất nước nhưng họ cũng hiểu phải ở một thế giới rộng hơn mới có thể giúp được VN. Với tôi, đó là sự hứa hẹn rất lớn đối với VN.Tôi cũng rất ấn tượng với các giáo sư, dù khó khăn ở đây rất nhiều và nghiêm trọng. Trên Facebook của tôi, các bức hình về VN tôi luôn đề là “VN đang vươn lên trên thế giới khoa học, công nghệ”, tôi thật sự tin VN đang bước tiến nhanh trên lĩnh vực này.Các bạn có đầy đủ thành tố để có thể thành công. Giờ là lúc bạn cần xây các cơ sở hạ tầng của lĩnh vực khoa học, chúng tôi có thể giúp các bạn trong lĩnh vực này.Tôi biết bà có đến thăm Tập đoàn Intel. Xin hỏi là họ đã nói gì với bà vì tôi biết khi mới đến, họ phàn nàn VN không có đủ lao động chất lượng cao?- Lãnh đạo của Intel nói về việc muốn cải thiện hơn nữa đào tạo đại học và đào tạo kỹ thuật tại VN, không phải chỉ để Intel có thể tuyển được người mà còn để giúp VN có thêm nhiều nhân công có chất lượng.Tôi không thấy họ làm điều đó ở nhiều nước nên tôi rất hoan nghênh Intel, vì họ thật sự muốn đi sâu vào việc xây dựng nguồn nhân lực ở đây. Đó là dấu hiệu rất lớn vì nếu thành công - mà tôi tin là Intel luôn thành công - thì điều đó sẽ tạo khác biệt rất lớn.Nhưng chúng ta cần nhiều hơn chỉ mình Intel. Ở VN, các bạn có các công ty trong nước cũng rất thành công, họ cần góp sức để xây dựng nguồn nhân lực tốt hơn ở đây. Đó là vì lợi ích chung. Chính người VN cần tự giúp đỡ bản thân mình.Bà sẽ có những đề xuất gì cho chính quyền Mỹ về việc hợp tác ở đây?- Đề xuất của tôi là cần xây dựng nhiều hơn các liên kết giữa đại học với đại học giữa hai nước, trao đổi sinh viên, giáo sư nhiều hơn giữa hai bên.Một điều quan trọng nữa tôi nghĩ là cần tạo được sự chú ý hơn tới VN. Hiện giờ, ở Mỹ người ta nhìn vào khu vực thì chỉ thấy Trung Quốc sáng chói, họ đã nghe về Nhật Bản từ lâu rồi, có thể một số biết nhiều về Thái Lan nữa, nhưng VN thì vẫn như còn “ẩn nấp”.Nhưng bản thân VN rất độc đáo trên nhiều góc độ, chúng ta cần giúp cộng đồng ở Mỹ hiểu thêm về lợi ích của việc hợp tác giữa Mỹ và VN. Tôi sẽ tìm cách để chúng ta có thể hợp tác nhiều hơn bằng nhiều cơ chế khác nhau.Xin bà nói rõ về ý “VN độc đáo”?- Tôi đã làm việc ở hơn 20 quốc gia phát triển khác nhau, nhưng rất nhiều nước như vậy đã sống nhờ dầu mỏ từ rất lâu. Họ rất khó kiếm được sinh viên có động lực muốn tham gia các ngành khoa học kỹ thuật. Người dân ở đó quen làm việc cho chính phủ rồi: không phải làm quá vất vả và cả đời an nhàn.Ở VN thì cả sinh viên và mọi người đều hiểu là anh phải làm việc chăm chỉ để có được gì đó. Tôi thấy sự sẵn lòng làm việc chăm chỉ đó là sự khác biệt lớn.Một điều nữa tôi chú ý là vấn đề phụ nữ theo đuổi khoa học - cách giúp họ phát triển trong sự nghiệp của mình. Tôi thấy ở VN, cơ hội bình đẳng cho cả phụ nữ và đàn ông để có thể thành công trong khoa học và sự nghiệp.Đương nhiên phụ nữ sẽ vất vả hơn vì chuyện sinh con nhưng có nhiều nước trên thế giới, kể cả Mỹ, người ta vẫn không tin chuyện phụ nữ và đàn ông là bình đẳng về cơ hội nghề nghiệp. Đó là bước tiến lớn ở đây - xã hội tin rằng họ cần tài năng của cả phụ nữ và đàn ông để có thể tiến bộ.Nhiều bậc phụ huynh ở VN vẫn nghĩ con gái không nên theo đuổi các ngành khoa học mà nên chọn ngành nhàn nhã hơn như văn phòng, dạy học... Bà có lời khuyên gì cho họ?- Lời khuyên của tôi cho các cô gái chính là lời khuyên mà mẹ tôi từng dành cho chúng tôi: hãy luôn tìm tòi, hãy chú tâm học toán. Bởi vì nhiều trường hợp, kể cả ở Mỹ, phụ nữ không thành công vì họ sợ mình không đủ kỹ năng toán. Nhưng đàn ông cũng vậy.Các phụ huynh nên hiểu đây là thế giới mới. Điều quan trọng nhất mà cha mẹ có thể trang bị cho con cái mình, nhất là con gái, chính là người mẹ khuyên con: hãy học giỏi khoa học, hãy học toán cho giỏi. Người mẹ nói sẽ ảnh hưởng hơn người cha rất nhiều.Kể cả khi cha mẹ không hiểu tầm quan trọng của khoa học thì họ cũng nên ủng hộ con cái. Không nên sợ khoa học. Họ nên hiểu sự tìm tòi, tò mò là điều tốt. Nếu tước đi điều đó, họ có thể để con cái họ rơi vào tình huống mà chúng không thể tự xoay xở được cho bản thân.Giờ là xã hội mà mỗi gia đình cần hai nguồn thu nhập, chứ không còn là một như trước nữa, vì vậy hãy tạo điều kiện tối đa để con gái của mình có cơ hội phát huy hết tiềm năng. Trên nhiều khía cạnh, con gái có thể giỏi hơn con trai nếu họ thật sự chăm chỉ.Xin hỏi là bà thường đọc sách gì?- Tôi thường thích sách về con người, sách về lịch sử. Tôi thật sự không thích các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng lắm như mọi người nghĩ.Xin cảm ơn bà. Chức vụ đặc sứ khoa học được Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra từ năm 2009 và hiện Mỹ có đặc sứ khoa học tới khoảng 25 quốc gia. Trong chức vụ này, các nhà khoa học tới các nước để tìm hiểu tình hình rồi về tư vấn cho chính phủ các biện pháp thúc đẩy hợp tác khoa học giữa các nước.Bà Geraldine L. Richmond là đặc sứ khoa học của năm nước hạ vùng sông Mekong. Bà là giáo sư tại ĐH Oregon và là chủ tịch Hiệp hội thúc đẩy sự phát triển của khoa học Mỹ, một trong những tổ chức khoa học lớn nhất nước này.Nghiên cứu về cách nguyên tử hoạt động ở các bề mặt chất lỏng, bà Richmond từng đoạt giải Davisson-Germer cho vật lý hạt nhân/bề mặt từ Hiệp hội Vật lý Mỹ (APS), giải Charles L. Parsons từ Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS), huân chương Spiers của Hiệp hội Hóa học hoàng gia Anh.Lĩnh vực nghiên cứu của tôi rất cơ bản.Mọi người có thể nói những lĩnh vực đó đơn giản và không liên quan mấy đến công nghệ hiện nay. Nhưng sinh viên của tôi ra trường kiếm việc được ở tất cả tập đoàn lớn trên toàn cầu. Họ đi thẳng từ phòng thí nghiệm của tôi để trở thành những chuyên gia kỹ thuật tại các tập đoàn đó.Cách tôi làm là khi dạy sinh viên nghiên cứu, dù thực nghiệm hay những lĩnh vực rất cơ bản, điều quan trọng là dạy họ thích tìm tòi, dạy cho họ cách giải quyết các vấn đề.Ở phòng thí nghiệm của tôi, dù học các nghiên cứu rất cơ bản về hóa học nhưng sinh viên tôi khi tốt nghiệp đều biết viết chương trình máy tính, biết cách sử dụng các thiết bị máy, điều khiển các hệ thống laser rất tối tân, sử dụng các thiết bị kính quang học hiện đại, biết thu thập dữ liệu, làm giả lập trên máy tính...Ngoài việc học kiến thức khoa học, công nghệ, các sinh viên rất cần học các kỹ năng khác như tiếng Anh, khả năng thuyết trình, biết tự tạo ra trang web riêng của mình để thế giới có thể biết về họ, các công ty đều muốn tuyển họ. Tags: Đặc sứ khoa học MỹGeraldine Richmond
Tin tức thế giới 30-11: Ukraine chịu nhường đất cho Nga; Ông Kim ủng hộ sự đáp trả mạnh của Nga BÌNH AN 30/11/2024 Ông Zelensky thể hiện thay đổi đáng kể trong lập trường với Nga; Ông Kim Jong Un nói Nga cần buộc "các thế lực thù địch phải trả giá".
Tin tức sáng 30-11: Đổi lịch trả lương hưu tháng 12; Thị trường trái phiếu doanh nghiệp suy yếu TUỔI TRẺ ONLINE 30/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Hôm nay, bế mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; Bộ Y tế đề nghị tăng cường phòng, chống bệnh sởi; Điều chỉnh giao thông nhiều đường quận 1 làm sự kiện âm nhạc Hò Dô...
Khó như đòi... quyền lợi bảo hiểm - Kỳ cuối: Khách hàng 'nắm dao đằng lưỡi' ĐAN THUẦN 30/11/2024 Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm là người mua chấp nhận một cuộc chơi mà phần lớn luật chơi do bên bán đặt ra.
Tạm giữ bốn vệ sĩ dẹp đường cho xe đám cưới ở Thanh Hóa TRÀ PHƯƠNG 29/11/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ hình sự bốn nhân viên vệ sĩ phân luồng tại ngã tư để đoàn xe đám cưới đi qua.